Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/02/2017

"78 triệu mảnh ruộng manh mún thì nông nghiệp không thể hiệu quả"

Bạch Dương

Đâu là "nút thắt" đang cản trở tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam ?...

ruong1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

"Hiện cả nước có tới 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ, manh mún. Nền tảng sản xuất như vậy thì nông nghiệp không thể nào phát triển hiệu quả được", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói với VnEconomy, trong cuộc trao đổi về chủ đề, đâu là "nút thắt" đang cản trở tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam ?

Ông nói :

- Cần phát triển nền nông nghiệp bền vững, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn. Không thể nào 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ thế mà nông nghiệp có thể phát triển thành công. Cần phải tái cơ cấu nông nghiệp. 

Trước hết, phải tháo gỡ rào cản về đất đai. Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị. Hiện Thủ tướng đã chỉ đạo cho các bộ, ban ngành tập hợp những nội dung cụ thể để tập trung tháo gỡ "nút thắt" này.

Chính phủ sẽ sửa đổi những nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sửa đổi những quy định thuộc thẩm quyền, địa phương cũng vậy. Mục đích cuối cùng là tạo ra việc tích tụ đất đai trên quy mô lớn, phù hợp với quy mô sản xuất của từng ngành hàng, của đối tượng sản xuất.

Tái cơ cấu nông nghiệp cũng gắn liền với việc tổ chức lại hộ sản xuất theo quy mô hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp, hình thành những vùng nông nghiệp tập trung. Không để người nông dân đơn độc trong hội nhập. Cần có chính sách rõ ràng, ưu đãi để nhiều doanh nghiệp hơn nữa tập trung vào khu vực nông nghiệp.

Cũng không có con đường nào khác phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao, để nền nông nghiệp chúng ta có thể cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt, cần thiết quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng thích nghi với khí hậu từng vùng miền, lựa chọn đối tượng sản xuất, quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất để phù hợp, giảm thiếu rủi ro tối thiểu khí hậu gây ra. 

Nhưng một trong những nỗi buồn của nông nghiệp năm qua là sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu gạo. Liệu có nên dồn hết tài nguyên đất cho lúa gạo - một ngành không thực sự nhiều hiệu quả kinh tế không ?

Thời điểm Luật Đất đai năm 2013 ra đời, mục tiêu là bảo vệ an ninh lương thực, giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Chủ trương đó là đúng, nhưng là đúng tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, đến giờ phút này, thách thức biến đổi khí hậu khiến chúng ta phải nhìn lại, ngành lúa gạo phụ thuộc nhiều vào nguồn nước từ hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long. Nếu như Việt Nam một năm dùng 85 tỷ m3 nước cho hoạt động kinh tế, thì riêng cây lúa đã dùng tới 80% số nước đó.

Những năm trước đây, chúng ta cùng với Thái Lan đi đầu về xuất khẩu gạo, nhưng hiện nay nhu cầu gạo trên thế giới đang có xu hướng giảm dần. Bản thân giá trị của gạo xuất khẩu cũng không phải là cao, thậm chí suy giảm mạnh. 

Đã đến lúc phải tính toán lại, chúng tôi sẽ cân đối để dành khoảng 3 triệu ha đất và ứng dụng công nghệ vào sản xuất để đạt năng suất cao hơn, trong khi vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Còn lại, từ 600.000 - 800.000 ha sẽ chuyển sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản…

Chúng tôi sẽ làm mọi cách để nâng cao đời sống nông dân, trong đó nhóm nông dân trồng lúa vốn chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Sau 3 năm nhìn lại, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam được đánh giá vẫn khá khiêm tốn. Tại sao vậy, thưa Bộ trưởng ?

Tái cơ cấu một ngành kinh tế nhiều khó khăn như ngành nông nghiệp thì 3 năm không thể nào làm được nhiều chuyện. Đất nước chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và nông nghiệp cũng không nằm ngoài quy luật đó. 

Ba năm chưa phải là thời gian quá dài, song một số lĩnh vực nông nghiệp đã bước đầu tái cơ cấu hiệu quả. Chẳng hạn, chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm hay thủy sản, chế biến trái cây…

Ở các địa phương, điều đáng mừng là trong 3 năm qua, tất cả 63 tỉnh thành đều coi mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị. 

Hàng loạt vụ bê bối "thực phẩm bẩn" có thể xem là vết đen của nông nghiệp trong tâm trí người dân, song điều này cũng là động lực cho những thay đổi hướng đến nông nghiệp sạch, công nghệ cao thời gian qua. Ngành nông nghiệp dưới thời của Bộ trưởng liệu sẽ phát triển trên những trụ cột nào ?

Nông nghiệp sạch hiện là đòi hỏi bức bách của 92 triệu người dân Việt Nam, và đây sẽ phải là một tôn chỉ của nông nghiệp Việt Nam. 

Để có nông nghiệp sạch, phải quản trị, kiểm soát chặt chẽ yếu tố đầu vào của sản xuất, từ vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn gia súc…

Nhưng đặc biệt, phải hình thành được chuỗi sản xuất lớn, có những vùng sản xuất lớn, trong đó nòng cốt là doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất những mặt hàng theo quy hoạch. 

Từ người sản xuất đến người tiêu dùng, cả xã hội, cả hệ thống, cả ngành đặt ra mục tiêu sản xuất sạch, thì chúng ta mới có được một nền nông nghiệp sạch.

Nông nghiệp áp dụng công nghệ cao là xu hướng chung của thế giới. Việt Nam có cơ hội áp dụng, bởi bình quân đất đai ở Việt Nam rất thấp, tài nguyên sinh học và địa hình đa dạng, nên đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp phù hợp với khí hậu. Với công nghệ cao, nông nghiệp Việt có thể tạo ra những sản phẩm chuyên biệt, có lợi thế cạnh tranh. 

Về vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đã cam kết một gói tín dụng 60.000 tỷ đồng, và mới đây đã yêu cầu nâng lên 100.000 tỷ. Đây là nguồn lực to lớn, để các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện để tiếp cận công nghệ, ứng dụng vào sản xuất. 

Bạch Dương

Nguồn : VnEconomy, 04/02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bạch Dương
Read 775 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)