Chiến lược của Tổng thống Donald Trump ở Biển Đông thiên biến vạn hóa sẽ khiến cho Trung Quốc khó chống đỡ, quân sự chỉ là một kênh tạo thế thượng phong.
Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã khiến dư luận chú ý về những phát biểu liên quan đến Biển Đông trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Bản tại Tokyo.
Có những quan điểm tỏ ra băn khoăn, lo lắng về lập trường thực sự của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Donald Trump sẽ như thế nào, khi Ngoại trưởng nói một đằng, Bộ trưởng Quốc phòng bảo một nẻo.
Những phát biểu của tướng James Mattis về Biển Đông
South China Morning Post, Reuters ngày 4/2 dẫn lời ông Mattis phát biểu tại Tokyo rằng : "Tại thời điểm này, chúng tôi không thấy bất cứ sự cần thiết nào để tiến hành các hoạt động quân sự lớn.
Những gì chúng ta phải làm là dốc hết mọi nỗ lực, những nỗ lực ngoại giao, để cố gắng giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, duy trì đối thoại.
Và chắc chắn lập trường quân sự của chúng tôi phải đứng sau hậu thuẫn, củng cố chính sách đối ngoại của chúng tôi trong vấn đề này.
Nhưng thời điểm này chưa nhất thiết phải điều động quân đội hay tiến hành hoạt động nào đó tương tự để giải quyết các vấn đề mà các nhà ngoại giao có thể làm một cách tốt nhất.
Trung Quốc đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực, dường như họ đang cố gắng bác bỏ mọi điều kiện về ngoại giao, an ninh và kinh tế của các nước láng giềng" [1].
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - ảnh : Swaraiya.
Cũng đưa tin về phát biểu của ông chủ Lầu Năm Góc về Biển Đông tại Tokyo hôm 4/2, đài CNN dẫn lời ông nói thêm :
"Tất cả chúng ta đều phải chơi theo quy tắc, và nếu có tranh chấp chúng ta cần đưa ra trọng tài.
Chúng ta không được giải quyết chúng bằng cách sử dụng lực lượng quân sự và chiếm đóng các khu vực là đối tượng tranh chấp chưa thể xác định ai mới là chủ sở hữu thực sự" [2].
Theo AP ngày 15/1, trước đó trả lời điều trần tại Thượng viện về Biển Đông sau phát biểu của ông Rex Tillerson, tướng James Mattis nói : việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là một mối đe dọa cho trật tự toàn cầu.
Khi được hỏi về ý kiến của ông Tillerson, tướng Mattis nói rằng Mỹ cần một cách tiếp cận tổng hợp cấp Chính phủ để tránh một chiến lược không đầy đủ hoặc thiếu mạch lạc.
Ông nói : "Điểm mấu chốt là, vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế.
Và chúng ta phải tìm ra cách bảo vệ các quy định của luật pháp quốc tế mà chúng ta đã bảo vệ trong nhiều năm qua để mang lại sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia khác chứ không chỉ Hoa Kỳ" [3].
Nỗi lo Ngoại trưởng nói một đằng, Bộ trưởng Quốc phòng bảo một nẻo
Băn khoăn về lập trường đối với Biển Đông của 2 ông Rex Tillerson và James Mattis đến từ chính dư luận Mỹ. CNN ngày 4/2 nhận định :
Donald Trump đã tập hợp được một đội ngũ cộng sự, tham mưu "chiết trung", chưa rõ quan điểm nào sẽ thống trị.
Lập trường của Mattis dường như là một sự tiếp nối chính sách của Barack Obama với Châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dường như có quan điểm "đụng độ" với các phương pháp tiếp cận cơ bắp hơn với Trung Quốc từ các thành viên khác trong Nội các Donald Trump.
Ví dụ phát biểu của tướng Mattis rằng, hiện Mỹ chưa thấy nhu cầu phải có một động thái quân sự đáng kể ở Biển Đông, dường như ông đang đi ngược với Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, ảnh : Australia Financial Reviews.
Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu từ Đại học Sydney được CNN dẫn lời bình luận : ảnh hưởng của James Mattis đến đâu trong chiến lược Châu Á của Donald Trump vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ. [2]
Còn từ phía giới nghiên cứu Trung Quốc, Giáo sư Thời Ân Hoằng từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh bình luận với tờ South China Morning Post, Hồng Kông hôm thứ Bảy rằng :
Không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ mềm mỏng với Trung Quốc, không thể tiên đoán được chính sách đối ngoại của Donald Trump hiện nay. Ông nói :
"Tôi nghĩ rằng phát biểu của ông Mattis có nghĩa là chính quyền Trump cho đến nay không có giải pháp nào tốt hơn về các tranh chấp ở Biển Đông.
Nhưng chúng ta không thể nói rằng, đây sẽ là hướng đi chiến lược trong tương lai chính sách của Trump ở Biển Đông chỉ vì Mattis nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn".
Liu Qing từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh thì nhận định, Bắc Kinh sẽ rất thận trọng đánh giá bất kỳ phát biểu nào từ chính quyền Donald Trump. Theo ông :
"Bắc Kinh đang ở thế phòng thủ, vì chính quyền Donald Trump đang áp dụng chính sách tấn công với tất cả các nước chứ không riêng Trung Quốc, ngay cả với đồng minh của họ" [4].
Tờ Financial Times ngày 4/2 cũng nhận xét, phát biểu của James Mattis cho thấy ông ủng hộ một chiến lược với Biển Đông ít quyết đoán hơn Rex Tillerson [5].
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang "song kiếm hợp bích" ở Biển Đông
Theo cá nhân người viết, lập trường hay quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Ngoại trưởng Rex Tillerson về Biển Đông không hề ngược nhau, trái lại còn bổ sung, bọc lót cho nhau để thực hiện chiến lược của chủ nhân Nhà Trắng : tạo thế thượng phong buộc Trung Quốc xuống thang trên bàn đàm phán.
Qua phát biểu của tướng James Mattis có thể thấy rõ sự phối hợp nhịp nhàng, "song kiếm hợp bích" giữa hai ông, người viết xin nêu ra mấy điểm :
Thứ nhất, James Mattis và Rex Tillerson đều có chung nhận định về Biển Đông và hành vi leo thang của Trung Quốc ở vùng biển này là vi phạm luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là một mối đe dọa cho trật tự toàn cầu.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố trước Thượng viện : nếu để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Cả hai ông thể hiện sự nhất quán trong tính toán của Donald Trump về Biển Đông ở chỗ : giải quyết các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông thông các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên để thực hiện việc này, mỗi ông phải đóng một vai khác nhau.
Hoa Kỳ không phải một bên yêu sách ở Biển Đông, nhưng Mỹ sẽ cầm trịch trong việc bảo vệ tự do hàng hải hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế, các vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Muốn cầm trịch và có được thế thượng phong trong chuyện này, Mỹ phải có sức nặng răn đe. Sức nặng răn đe này đến từ tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson.
Đồng thời, sức mạnh ấy cũng đến từ việc kéo cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đến tăng cường chi viện cho cụm tàu sân bay USS Ronald Reagen đóng tại căn cứ ở Nhật Bản đúng ngày 20/1 Trump nhậm chức. [3]
Sức mạnh ấy còn được chuẩn bị từ trước ngày 20/1, khi các cố vấn của Donald Trump đã kiến nghị với ông :
Xem xét khả năng triển khai căn cứ tàu sân bay thứ hai trong khu vực, triển khai thêm tàu khu trục, tàu ngầm tấn công và bổ sung hệ thống tên lửa tại các căn cứ ở Nhật Bản và Australia [6].
Và sức mạnh ấy một lần nữa được nhắc lại, được bảo đảm từ chính tuyên bố của tướng James Mattis : quân đội Mỹ đứng sau hậu thuẫn các chính sách ngoại giao, các nhà ngoại giao trên bàn đàm phán.
Thứ hai, muốn ứng phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cần một cách tiếp cận tổng hợp cấp Chính phủ, các bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Tài chính phải cùng vào cuộc để tránh sự đứt quãng, nâng cao hiệu quả.
Nói như vậy có thể hiểu rằng, tăng sức ép quân sự chỉ là một trong nhiều con bài mà Tổng thống Donald Trump sẽ dùng đến trong vấn đề Biển Đông.
Ngoài "con bài" Đài Loan, có thể còn cả con bài kinh tế.
Thứ ba, Mỹ sẽ đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ "vùng biển quốc tế" ở khu vực Trường Sa, cũng như không chấp nhận việc dùng sức mạnh quân sự chiếm đoạt các cấu trúc có tranh chấp.
Nói cách khác, quan tâm và can dự của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump ở Biển Đông sẽ không chỉ dừng lại ở tự do hàng hải, hàng không như một vài hoạt động "đi qua vô hại" của tàu chiến như thời Barack Obama.
Rất có thể Mỹ sẽ can thiệp sâu hơn vào vùng biển quốc tế xung quanh 7 đảo nhân tạo, cũng như vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể này.
James Mattis nói, vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế. Rex Tilleson bảo : "Họ (Trung Quốc) đang theo đuổi yêu sách lãnh thổ, kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát vùng lãnh thổ mà không phải thuộc về họ một cách chính đáng" [7].
Người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định thêm lần nữa : "Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ quốc tế khỏi sự kiểm soát của một quốc gia" [8].
Donald Trump : im lặng là thượng sách
Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã bọc lót rất tốt cho Tổng thống Donald Trump trong đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng, chính sách đối ngoại của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Binh pháp Trung Hoa vẫn nói, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Việc giữ bí mật chiến lược trước đối thủ luôn luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định đến thắng lợi của một cuộc chiến hay một sự cạnh tranh.
Cho đến giờ phút này, Trump không lên tiếng mà để 2 cánh tay đắc lực của mình ra mặt, theo người viết, đó là một quyết định khôn ngoan.
Trong khi ông Tập Cận Bình đã "ngửa bài" bằng những tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa (thuộc Khánh Hòa, Việt Nam) là "của tổ tông" ông để lại, rằng Trung Quốc có "chủ quyền từ thời cổ đại" và đang nóng lòng muốn biết thái độ của Donald Trump thì ông im lặng.
Sở dĩ nói Trung Nam Hải nóng lòng là bởi, theo South China Morning Post, hôm thứ Sáu 3/2, ông Dương Khiết Trì đã điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia của Trump, Michael Flynn, bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc [4].
Đó là chưa kể đến những lần tìm cách tiếp cận các nhân vật có ảnh hưởng và quan hệ với ông Donald Trump từ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải.
Trong khi ông chủ Nhà Trắng gọi điện cho hầu hết lãnh đạo các quốc gia lớn trên toàn cầu, ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông chưa một lần cầm máy nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc. Và cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trump sẽ làm việc này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - ảnh : AP.
Trong khi những người tiền nhiệm đều gửi điện, gửi thư chúc Tết Nguyên đán đến người đồng nhiệm và người dân Trung Quốc mỗi năm, Tết Đinh Dậu này Donald Trump im lặng. Mãi mùng 6 Tết, con gái và cháu ngoại ông mới đến Đại sứ quán Trung Quốc chúc mừng.
Sự im lặng ấy có một uy lực khiến đồng minh thân cận như Nhật Bản cũng còn phấp phỏng.
Finacial Times ngày 4/2 cho biết, mặc dù được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhắc lại cam kết của ông Obama, Senkaku / Điếu Ngư nằm trong phạm vi Điều 5 Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, Ngoại trưởng Fumio Kishida vẫn lo Trump có thể chưa chắc đã có quan điểm như James Mattis.
Ông cho biết, Tokyo sẽ tìm cách xác nhận việc Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku / Điếu Ngư trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công vào những dịp khác nhau [5].
Nói cách khác, phải chăng người Nhật muốn được nghe cam kết này từ chính "kim khẩu" của ngài Donald Trump khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức nước Mỹ ngày 10/2 này ?
Huống hồ đối thủ như Trung Quốc vốn quen sử dụng các chiêu thức nắn gân, ném đá dò đường với người Mỹ mỗi khi Nhà Trắng thay vua đổi chủ, nay gặp phải Donald Trump "khó lường" như vậy, sao có thể tự tung tự tác, múa gậy vườn hoang ở Biển Đông như trước ?
Mặt khác, việc Trump lựa chọn Rex Tillerson làm Ngoại trưởng theo người viết cũng còn một ý nghĩa thâm sâu khác ở Biển Đông : hòa với Nga để rảnh tay đối phó Trung Quốc.
Quan hệ cá nhân giữa Tillerson với Putin có thể giúp Tổng thống Donald Trump thực hiện tốt chiến lược này, bởi nếu Nga tiếp tục công khai đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông như sau Phán quyết Trọng tài, Mỹ có thể gặp nhiều trở lực và rắc rối.
Moscow cũng sẽ phải cân nhắc, đặc biệt là khi Donald Trump đang "ngó lơ" vấn đề Ukraine và muốn hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, chống khủng bố IS.
Do đó, theo người viết, chiến lược của Tổng thống Donald Trump ở Biển Đông thiên biến vạn hóa sẽ khiến cho Trung Quốc khó chống đỡ, quân sự chỉ là một kênh tạo thế thượng phong chứ không phải giải pháp để ép Bắc Kinh xuống thang.
Chính sự thiên biến vạn hóa của Donald Trump mới có thể hóa giải nước cờ bành trướng, độc chiếm Biển Đông từ Trung Quốc. Tuy nhiên cũng chính sự "thiên biến vạn hóa" này có thể dẫn đến những điều người viết cho là hiểu lầm từ chính giới quan sát Hoa Kỳ.
Đây là một vài nhận xét chủ quan theo quan sát của cá nhân người viết, mong góp thêm cho quý bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một góc nhìn trong khi mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước.
Hồng Thủy
Nguồn : GDVN, 05/05/2017
Tài liệu tham khảo :
[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2068095/mattis-says-no-need-dramatic-us-military-moves-schina
[2]http://edition.cnn.com/2017/02/04/politics/asia-japan-south-korea-mattis-analysis/
[3]http://bigstory.ap.org/article/82d9c9a7b7c34d58a9c8d343b434132e/recent-developments-surrounding-south-china-sea
[4]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2068124/us-defence-secretary-takes-soft-line-south-china-sea
[5]https://www.ft.com/content/908fa7e0-eabb-11e6-ba01-119a44939bb6
[6]http://www.channelnewsasia.com/news/world/analysis-trump-team-struggles-for-cohesion-on-tougher-china/3437976.html
[7]http://www.channelnewsasia.com/news/world/china-should-be-denied-access-to-south-china-sea-islands/3432244.html
[8]http://www.reuters.com/article/us-usa-china-southchinasea-idUSKBN1572M4
****************************
Donald Trump, Rex Tillerson và Biển Đông (GDVN, 04/02/2017)
Donald Trump và cộng sự sẽ chọn đột phá khẩu là đánh thẳng vào thể diện Trung Quốc, nhưng không phải trong vấn đề Biển Đông.
Chính quyền mới tại Hoa Kỳ sẽ tiếp cận vấn đề Biển Đông như thế nào đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, khi ông Rex Tillerson chính thức được Thượng viện Mỹ thông qua đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ.
Đã có những phân tích, nhận định khác nhau về phản ứng của Mỹ cũng như khả năng Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Nếu như cựu Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Australia Angus Houston tin rằng, đã quá muộn để ngăn chặn Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông, thì phát biểu chiến tranh Trung - Mỹ sẽ nổ ra ở Biển Đông trong vòng 5 - 10 năm tới của Cố vấn Tổng thống Mỹ càng khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, muộn hay chưa muộn ?
News.com.au ngày 2/2 cho biết, Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Australia nhiệm kỳ 2005 - 2011, tướng Angus Houston tin rằng, đã quá muộn để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông.
Tướng Angus Houston khi còn tại chức. Ảnh : Free Malaysia Today.
Phát biểu tại một hội thảo ở Đại học An ninh quốc gia Canberra cuối tuần qua, ông nhận định :
"Tôi đã thấy hình ảnh, và những gì bạn thấy là cơ sở hạ tầng đang được xây dựng (trái phép trên đảo nhân tạo ở Biển Đông). Sẽ không mất quá nhiều thời gian để hoàn thiện chúng.
Tất cả những sự phát triển này sẽ cho phép Trung Quốc thống trị Biển Đông và mở rộng sự hiện diện quân sự lâu dài của họ về phía Nam, gần Indonesia, Malaysia và Singapore.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, đã quá muộn để ngăn chặn chương trình quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đã làm. Điều quan trọng bây giờ là phải đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi qua vô hại.
Chúng tôi cũng cần phải tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, khuyến khích các quốc gia ngừng hành động đơn phương đe dọa đến hòa bình và ổn định đến khu vực của chúng tôi.
Từ đây, một cách tiếp cận thận trọng là cần thiết. Mỹ cần phải cam kết và tạo không gian cho Trung Quốc. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần hợp tác nhiều hơn và giảm bớt cạnh tranh" [1].
Người viết cho rằng, cái gọi là "quá muộn" mà ông Angus Houston nêu ra đây phải chăng là muốn nói đến việc chính quyền Tổng thống Obama đã không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc tạo ra "trạng thái bình thường mới" ở Biển Đông trong chiến lược xây đảo nhân tạo bất hợp pháp từ năm 2013 đến nay ?
Bởi lẽ, thực tế Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama nhấn mạnh chiến lược xoay trục, hay còn gọi là tái cân bằng sang Châu Á, nhưng chỉ "xoay" trên giấy, Trung Quốc mới thừa cớ leo thang.
Điểm thứ 2 mà ông Angus Houston nhấn mạnh là Trung Quốc về cơ bản đã tạo ra sự hiện diện quân sự có thể đe dọa an ninh các nước ven Biển Đông, cũng như tự do hàng hải - hàng không trong khu vực, tiền đề kiểm soát các hoạt động thông thương quốc tế qua Biển Đông. Tuy nhiên theo cá nhân người viết, phải chăng tướng Angus Houston hơi bi quan khi cho rằng, Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ Biển Đông mà Mỹ chỉ còn nước chấp nhận, tìm cách thích nghi ?
Không ít học giả quốc tế đã nhận định, lực lượng hải quân Hoa Kỳ có thể phá nát các đảo nhân tạo.
Thậm chí có người tin rằng, chỉ vài phút tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk, cái gọi là "tàu sân bay cố định" ở Biển Đông cũng có thể bị Mỹ đánh chìm.
Đúng là Trung Quốc đã "nắn gân bắt thóp" được Barack Obama để dựng lên 7 pháo đài quân sự phi pháp ở Trường Sa, nhưng nói họ đã thống trị Biển Đông e rằng hơi sớm.
Bởi lẽ, giá trị thương mại hàng năm đi qua Biển Đông ước tính khoảng 5,3 ngàn tỉ USD, trong đó riêng Mỹ chiếm khoảng 1,2 ngàn tỉ USD, dễ gì Washington để Bắc Kinh cắm chốt thu tô ở Biển Đông [2] ?
Điều này đã được tân Ngoại trưởng Rex Tillerson xác nhận khi ông trả lời điều trần trước Thượng viện : nếu để Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, toàn bộ nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Không dừng lại ở đây, ông đưa ra 2 đề xuất : một là buộc Trung Quốc dừng quân sự hóa Biển Đông, dừng các hoạt động xây dựng trên đảo nhân tạo ; hai là ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo.
Vấn đề là Mỹ sẽ làm như thế nào, thực hiện điều này bằng cách nào, khi mà theo Grant Newsham, một học giả tại Diễn đàn Nghiên cứu chiến lược Nhật Bản, một sĩ quan Mỹ nghỉ hưu bình luận trên Asia Times ngày 3/2 :
"Rất ít người nghiêm túc nghĩ rằng, Mỹ sẽ phong tỏa các đảo nhân tạo. Đây là một lựa chọn thiếu tính khả thi".
Khả năng đụng độ Trung - Mỹ ở Biển Đông và chiến lược của Donald Trump
Trái với sự bi quan của tướng Angus Houston, một số tờ báo Anh, Mỹ ngày 1/2 đã nhắc lại bình luận của Cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon về khả năng đụng độ quân sự Trung - Mỹ ở Biển Đông.
Tháng 3/2016, ông Steve Bannon phát biểu trên truyền thông rằng, Hoa Kỳ và Trung Quốc tất yếu sẽ đối đầu trực diện ở Biển Đông trong khoảng 5 đến 10 năm tới.
Bây giờ truyền thông nhắc lại điều này, vì Steve Bannon hiện đang giữ vị trí quan trọng tại Hội đồng An ninh quốc gia và đội ngũ tham mưu, cố vấn của ông Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cố vấn Steve Bannon. Ảnh : SBS.
Tuy nhiên người viết cho rằng, phát biểu của ông Steve Bannon năm ngoái nên được hiểu như một phản ứng với chính sách "tái cân bằng trên giấy" của chính quyền Barack Obama.
Đặc biệt là phản ứng yếu ớt, thậm chí là "chiếu lệ" của Mỹ qua sự kiện Scarborough năm 2012 và Trung Quốc đảo hóa trái phép 7 bãi cạn kể từ năm 2013.
Cũng như phát biểu của Ngoại trưởng Rex Tillerson, phát biểu của ông Steve Bannon thể hiện một cách tiếp cận cứng rắn, một chiến lược mới ngăn chặn Trung Quốc bành trướng Biển Đông, chứ không nên xem đó là một giải pháp hay hành động cụ thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khi bình luận về khả năng xung đột Trung - Mỹ ở Biển Đông, ông đã nói :
"Tôi không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra. Trump là một doanh nhân, và ông biết rằng nếu chiến tranh nổ ra, các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Tôi sẽ không tiến hành chiến tranh trên những hòn đảo nhỏ. Thậm chí nếu chúng tôi có quân đội đủ mạnh, chúng tôi cũng phải suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định tham gia một cuộc chiến tranh" [3].
Nhưng nếu Mỹ không làm gì, hoặc chỉ "xoay trục trên giấy, tái cân bằng trên cửa miệng" thì chắc chắn Trung Quốc sẽ được đà lấn tới. Do đó, Donadl Trump phải nói và làm khác người tiền nhiệm.
Cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn nổ ra chiến tranh.
Trong khi đó lợi ích và vị thế của Hoa Kỳ tại Châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng là không thể từ bỏ, còn lãnh đạo Trung Quốc lại không muốn mất mặt với dân vì "bị Mỹ khuất phục" một khi xuống thang, nhượng bộ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, ảnh : Tripplaar Kristoffer/SIPA/AP.
Do đó, theo cá nhân người viết, Donald Trump và cộng sự sẽ chọn đột phá khẩu là đánh thẳng vào thể diện Trung Quốc, nhưng không phải trong vấn đề Biển Đông.
Grant Newsham và không ít nhà nghiên cứu, quan sát quốc tế tin rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn bảo vệ, duy trì vị thế lãnh đạo của mình bằng cách chứng minh sự ưu việt của thể chế trong bảo vệ cái họ gọi là lợi ích quốc gia cốt lõi, trong đó có Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương...
Nếu lúc này các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra "lép vế" trước áp lực Hoa Kỳ, có thể bị dư luận nước này xem như một nỗi nhục, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong đối với vai trò của đảng Cộng sản Trung Quốc [4].
Một lựa chọn khác rất có thể được Trump tính đến, đó là vấn đề Đài Loan để buộc Trung Quốc phải chủ động điều chỉnh hành vi, xuống thang ở Biển Đông. Đã có những dấu hiệu ban đầu và cơ sở đặt niềm tin vào khả năng này.
Tiếp theo Tổng thống Donald Trump và đội ngũ tham mưu sẽ sử dụng con bài chiến lược này như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc, cần tiếp tục quan sát, theo dõi thêm.
Chắc chắn hoạt động này cũng sẽ đi kèm với việc gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo thăng bằng cán cân lực lượng.
Vai trò của các bên liên quan, các nước nhỏ trong khu vực, các nước có lợi ích và quan tâm đến Biển Đông lúc này là làm sao tạo được môi trường để 2 siêu cường có thể ngồi vào bàn thương lượng, bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Những lợi ích quốc gia dựa trên tham vọng vị kỷ, hẹp hòi và không có hoặc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế cần phải được điều chỉnh với thái độ khách quan, cầu thị, thượng tôn pháp luật.
Nếu ai đó vẫn bất chấp luật pháp và công lý, tiếp tục theo đuổi giấc mộng xưng hùng xưng bá ở Biển Đông, làm tổn hại lợi ích của Hoa Kỳ cũng như lợi ích chung của khu vực, buộc Donald Trump phải sử dụng đến những con bài chiến lược, khi đó hậu quả họ sẽ phải gánh chịu, nguy cơ đối đầu rất có thể xảy ra.
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1]http://www.news.com.au/world/asia/former-adf-head-says-chinas-military-rise-in-south-china-sea-is-almost-complete/news-story/59d13eeb7339b9b3988b9f33f210135d
[2]http://www.dw.com/en/will-tillerson-back-up-tough-talk-on-the-south-china-sea/a-37387988
[3]https://www.bloomberg.com/politics/articles/2017-02-02/don-t-worry-about-a-u-s-china-war-over-reefs-philippines-says
[4]http://www.atimes.com/article/beijing-achieved-south-china-sea/