Các công chức, viên chức nên chấp nhận nhiều lời chỉ trích hơn là cá nhân để thực sự ứng xử một cách tốt hơn trên cơ sở công quyền của dân, do dân và vì dân.
Sinh hoạt trong một lớp học - Ảnh minh họa
Vào ngày 23/02, cô Hoàng Thị Phượng - một giáo viên ở xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã bị UBND xã dùng văn bản ‘chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện này kiểm tra, xác minh việc vi phạm của cô giáo Hoàng Thị Phượng, giáo viên trường Trung học cơ sở Tân Lộc để chỉ đạo xử lý theo quy định.’
Trước đó, vào ngày 13/02, UBND xã Tân Lộc có tờ trình gửi UBND huyện Thới Bình đề nghị xem xét điều chuyển công tác đối với cô giáo Hoàng Thị Phượng về đơn vị khác ngoài xã hoặc có hình thức xử lý.
Lý do : cô Phượng thường xuyên lên mạng xã hội nói xấu đồng nghiệp, chia rẽ gây mất đoàn kết nội bộ ; có hành vi, thái độ thiếu tôn trọng với lãnh đạo Đảng ủy xã.
Khi báo Thanh Niên vào cuộc, ông Hứa Văn Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc và ông Nguyễn Văn Các - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tân Lộc đều : chỉ nghe nói lại thôi.
Đáp lại sự kiện này, cô Hoàng Thị Phượng cho biết : Việc tôi đăng cảm xúc của mình lên mạng xã hội đó là quyền riêng tư của tôi. Đó là tâm trạng vui buồn của tôi. Tôi chưa xúc phạm ai.
Tự do ngôn luận ở giáo viên : cần đặc biệt quan tâm !
Câu chuyện cô Hoàng Thị Phượng và văn bản chỉ đạo của UBND xã Tân Lộc là ví dụ điển hình của tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Đầu tiên, có phải tự do ngôn luận là quyền nói về bất cứ điều gì mà cô Phượng thích, cũng như bất cứ khi nào cô muốn ? Nếu hiểu như thế này là sai.
Tự do ngôn luận phải là sự tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin - ý tưởng bằng bất kỳ thể loại phương tiện (hoặc công cụ nào). Nhưng để tránh quyền tự do ngôn luận được sử dụng như một công cụ nhằm gây ra sự xúc phạm sâu sắc đến một chủ thể hoặc gây tổn hại lợi ích cộng đồng thì người phát ngôn cần tuân thủ sự tự do trên cơ sở pháp luật, trong đó đảm bảo không sử dụng ngôn ngữ để kích động thù địch và xâm hại lợi ích cộng đồng (dựa trên cơ sở luật pháp). Nhưng ở đây cần phải nhấn mạnh, luật phải rõ ràng, súc tích để tất cả mọi người có thể hiểu được, để tránh sự lạm dụng từ phía công quyền nhằm xâm hại quyền tự do này. Thực tế đã chứng minh, phía UBND xã và nhà trường tiến hành xử phạt dựa trên ‘chỉ nghe nói lại’, nó không dựa trên yếu tố mang tính chứng thực hết. Nói cách khác, UBND xã là sự ‘lạm quyền’ dựa trên các chứng cớ mơ hồ - hay đúng hơn, UBND xã Tân Lộc đi ngược lại tinh thần quyền con người vốn được ghi nhận trong Hiến pháp.
Tiếp đó, câu chuyện của cô Phượng với nhà trường và UBND xã liên quan đến quyền và danh tiếng của người khác. Theo đó, trong trường hợp này, đáng lý ra, với tư cách là một cơ quan hành chính (UBND xã) và là cơ quan chủ quản giáo dục, các công viên chức nên chấp nhận nhiều lời chỉ trích là cá nhân để thực sự ứng xử một cách tốt hơn trên cơ sở công quyền của dân, do dân và vì dân, hơn là tìm mọi cách để chỉ đạo và xử lý như sự vụ vừa qua.
Ảnh : Thành Phong, tác giả "Sát thủ đầu mưng mủ"
Trong khi đó, ứng xử của cô giáo Phượng trong trường hợp này là xác đáng. Khi cô xác định, việc đăng tải thông tin của cô thuộc về cảm xúc, và đó là quyền riêng tư - không mang tính xúc phạm. Sở dĩ ‘xác đáng’, vì cô nhận thức rõ ràng về quyền của mình, quyền được bày tỏ sự vui-buồn, cũng như xác định ranh giới giữa bày tỏ cảm xúc với xúc phạm một chủ thể nhất định. Hơn nữa, môi trường sư phạm là một môi trường khắc nghiệt nhất đối với tự do ngôn luận, khi chủ thể giáo viên không chỉ bị chi phối bởi hội đồng bộ môn, tổ chức trường, mà còn là phòng giáo dục, UBND xã/thị trấn ;… Chính sự chi phối này cũng như tính ‘mực thước’ bị quy định một cách cứng nhắc và rập khuôn tại Việt Nam đã biến những người giáo viên trở thành những cổ máy tuân phục hơn là một con người với quyền hạn phổ quát của mình. Nói đúng hơn, giáo viên ở Việt Nam cần phải là hình tượng của sự khai mở về quyền tự do ngôn luận trước khi dẫn dắt nguyên tắc 'tiên học lễ, hậu học văn'.
Thực chất, những năm gần đây, nhiều giáo viên ở các cấp ý kiến và quan điểm của mình trên mạng xã hội, nó cởi bỏ những nút thắt, ràng buộc và luật lệ mang tính khuôn sáo. Nó bắt nguồn từ khi mạng xã hội chiếm sóng trong đời sống thường nhật, và tính lan truyền và nhận thức về quyền con người tăng lên. Quyền tự do ngôn luận trong đội ngũ giáo viên cũng từng bước chớm nở, chính vì vậy, những bài thơ ‘Đất nước mình ngộ quá phải không anh’ của giáo viên Trần Thị Lam (Hà Tĩnh) mới ra đời.
Số phận Cô giáo Lam tác giả bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?" bây giờ ra sao ?
Đất nước mình ngộ quá phải không anh ? Thơ : Trần Thị Lam, nhạc : Ngô Tín, trình bày Ngô Tín & Erlinda.
Và ngược lại, vì quá quen với khái niệm 'không quản được thì cấm', và sống quá lâu trong không gian định hướng/chỉ đạo (thay vì đa nguyên) nên các cơ quan nhà nước, các nhân viên công lực cũng chưa thực sự làm quen được với sự hiện diện của tự do ngôn luận trong đời sống thường nhật, nhất là ở các cơ quan mà mệnh lệnh hành chính là đặc điểm quy định tính chất cơ quan (ví dụ UBND các cấp).
Do vậy, để tiếp cận trên quyền ngày càng được mở rộng và nhận được sự tôn trọng từ phía cơ quan công quyền, thì người giáo viên càng cần bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Bởi nếu tất cả các đối tượng đều cần quyền tự do ngôn luận, và giáo viên vì tính chất công việc quản giao và khuôn thước của mình sẽ cần một sự đặc biệt quan tâm về tự do ngôn luận, trong đó cần được khuyến khích nói về các vấn đề cộng đồng quan tâm, phản biện, nói lên suy nghĩ đa diện và đời sống mà không phải đối diện với sự ‘xử lý, răn đe’ thái quá nào.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 26/02/2018