Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2018

Ngày phụ nữ 8/3 : Tình cảnh nữ tù nhân lương tâm trong trại giam

Hòa Ái

Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người, trụ sở tại Paris, Pháp vừa công bố một phúc trình lên án Việt Nam, trong những năm gần đây gia tăng bắt bớ và kết án nặng nề đối với các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, môi trường, các tín đồ tôn giáo… với tốc độ được gọi là đáng sợ.

nu1

Hai nữ tù nhân lương tâm Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Huỳnh và Trần Thị Nga. RFA

Tình trạng của một số nữ tù nhân lương tâm đang trong vòng lao lý hiện nay ra sao ?

Các bản án tù nặng nề

Mặc cho các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, Tòa án tại Việt Nam, vào hạ tuần tháng 12 năm 2017 tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với bà Nga, theo Điều 88 Bộ Luật hình sự "tuyên truyền chống nhà nước".

Bà Trần Thị Nga, một người luôn tranh đấu vì quyền lợi của công nhân trong nhiều năm qua, vì vốn dĩ bà từng bị ngược đãi khi là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan đã bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu bằng nhiều hình thức. Bà Nga hằng ngày phải đối diện với cảnh bị cản trở trong việc đi lại, bị bắt cóc, bị hành hung đến thương tích. Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu và cho đến ngày xét xử sơ thẩm, gia đình không được thăm gặp bà.

Vào tối ngày 28 tháng Hai, ông Lương Dân Lý, cha của hai đứa bé con bà Trần Thị Nga, cho Đài RFA biết tình trạng trong trại giam hiện tại của bà Nga ra sao :

"Từ hồi xử phúc thẩm đến giờ thì gia đình thân nhân được vào thăm gặp qua cửa nhựa mica, chứ không được chạm người. Trẻ con cũng không được ngồi lòng mẹ đâu, chỉ đứng bên ngoài. Thời gian từ sau khi phúc thẩm thì họ cũng chưa có biểu hiện đối xử gì quá tệ so với trước kia".

Trong khi đó, nhà hoạt đồng nhân quyền Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đoạt giải thưởng "Phụ nữ Quốc tế can đảm" của Hoa Kỳ năm 2017, bị Chính quyền Hà Hội đối xử mà gia đình của cô cho là "tàn ác và bất nhân" kể từ khi cô bị bắt hồi đầu tháng 10 năm ngoái.

Cũng giống như tình cảnh của nhà hoạt động Trần Thị Nga, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng từng bị sách nhiễu, bắt bớ. Năm 2009, Blooger Mẹ Nấm bị bắt 10 ngày để thẩm vấn, liên quan đến việc đưa ra những áo thun in dòng chữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên hủy hoại môi trường. Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa tuyên 10 năm tù giam vì những nỗ lực của cô trong việc kêu gọi bảo vệ môi trường, sau khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016.

Trong trại giam, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Như Quỳnh đã từng tuyệt thực 15 ngày để phản đối bị dối xử một cách hà khắc, như chế độ ăn uống và không cho mặc đồ lót hay dùng băng vệ sinh. Vài ngày trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Blogger Mẹ Nấm bị chuyển từ trại giam Khánh Hòa đến trại giam ở Yên Định, Thanh Hóa, mà gia đình của cô không được thông báo. Thân mẫu của tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan kể với RFA rằng con gái báo qua điện thoại cần đồ ấm và thuốc men :

"Ngày 26 Tết, họ cho gọi về. Quỳnh nói ‘mẹ yên lặng nghe con nói vì con chỉ nói được trong vòng 5 phút mà thôi’. Quỳnh dặn rất kỹ ‘Mẹ gửi cho con đồ lạnh vì con rất lạnh. Đồ đạc trại giam chuyển ra bị thất lạc rất nhiều. Con không có đồ’. Khi Quỳnh nói chuyện, cái môi và răng đánh lập cập vào nhau. Bây giờ thì tôi không biết con tôi sống chết ra sao nữa ?".

Vì lo lắng cho sức khỏe của con mình, bà Tuyết Lan gửi bưu điện hơn 10kg đồ, vượt quy định của trại giam là 10kg vì nghĩ rằng số dư sẽ được lưu ký cho lần gửi đồ tháng tiếp theo, như trại giam Khánh Hòa. Thế nhưng, thùng đồ đã bị trại giam Thanh Hóa trả lại với lý do thừa cân. Bà Tuyết Lan nói trong nước mắt với chúng tôi rằng thật là đau xót khi con gái của bà rất cần thuốc men mà trại giam Thanh Hóa cũng trả về, không cho nhận.

Tác dụng của biện pháp cầm tù

Nói đến Trại giam số 5 Yên Định, Thanh Hóa, đây còn là nơi mà nữ tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn trải qua 8 năm tù giam, với cáo buộc tội "lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79 Bộ Luật hình sự. Tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn đã bị biệt giam 2 lần, bị trại giam cho tù nhân khác đánh. Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn cũng từng tuyệt thực để phản đối cách thức trại giam đối xử với cô. Mẹ của tù nhân Nguyễn Đặng Minh Mẫn, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Ngọc Minh cho RFA biết những biện pháp Trại giam số 5 đối xử với con gái của bà :

"Chẳng hạn như lúc nào họ cũng cho người trực sinh, để lãnh cơm nước cho mình, bơm nước vào hồ cho mình tắm ; nhưng thật sự người trực sinh là người của cán bộ, ngày nào cũng báo cáo với cán bộ rằng mình làm gì, ăn gì, nói chuyện với ai. Họ không cho xem các kênh truyền hình thông thường, mà buộc mình phải xem kênh VTV3 hay Đài Thanh Hóa. Có lần Minh Mẫn uống nước và tạt nước còn thừa qua cửa sổ mà nhỡ trúng vào người cán bộ, vì cán bộ đi tới mà Mẫn không biết. Cán bộ bảo Mẫn tạt nước tiểu ra ngoài và đưa Minh Mẫn đi kỷ luật 10 ngày. 10 ngày giam kỷ luật như vậy thì mình không được tắm rửa. Họ không cho mình ăn cơm với thức ăn của mình được đem vô. Hằng ngày họ chỉ cho ăn cơm trắng với muối".

Thân nhân của các nữ tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng cho dù nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng bất kỳ biện pháp cay nghiệt nào đi chăng nữa để đối xử với gia đình và bản thân của ba nữ tù nhân này, thì họ vẫn không bị khuất phục để từ bỏ lý tưởng dấn thân tranh đấu vì nhân quyền và các giá trị căn bản của công dân được quy định trong Hiếp pháp Việt Nam.

Trường hợp của ba nữ tù nhân chính trị Đài RFA vừa đề cập phần nào diễn tả hoàn cảnh của các tù nhân lương tâm tại Việt Nam đang phải gánh chịu trong trại tù, cũng như thân nhân của họ bị ảnh hưởng bởi hành xử của chính quyền hiện nay.

Chúng tôi cũng nhớ đến 4 tù nhân lương tâm vừa mới mãn án tù về nhà, là những phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên, bị 3 tháng tù giam, với cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng" do lên tiếng đòi quyền lợi cho các nạn nhân của thảm họa môi trường biển Formosa. Bà Mai Thị Tịnh, vào tối ngày 28 tháng Hai cho biết cảnh khổ mà 4 người phụ nữ miền quê nghèo vừa trải qua trong Trại giam Thanh Chương, Nghệ An :

"Đồ ăn đồ uống gì cũng không có. Một bữa ăn, họ cho cơm với một bát canh với 3-4 con cá khô, mà cá khô được nấu chung với nước lạnh và muối, nên chị em ăn không được. Do đó, chị em nhờ người nhà đưa thức ăn vào. Một tháng được tiếp tế thức ăn một lần, mà có khi họ cho đưa vào, có khi không cho. Họ cho ra làm đồng, mần cỏ, gánh phân, cuốc đất. Có những người bị sưng tay sưng chân. Còn riêng tôi, thì bị gãy xương tay, là do đi mần cỏ mà đường trơn quá, bị trượt chân và lấy tay chống nên gãy xương tay".

Bà Mai Thị Tịnh còn cho biết xin phép đi khám vì quá đau sau khi té, nhưng trại giam nói rằng bà Tịnh sẽ mãn án tù trong vài ngày nữa và thủ tục giấy tờ cho đi khám bệnh lâu hơn thời gian đó, nên cái tay bị gãy của bà đã không được chữa trị.

Bốn cựu tù nhân lương tâm ở giáo xứ Đông Yên này nói với RFA rằng họ không được học cao hiểu rộng, không hiểu biết về pháp luật nhiều nên họ không hiểu vì sao bị ở tù và bị đối xử như thế trong trại giam.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 01/03/2018

********************

Nữ công nhân viên chức và ngày 8 tháng 3 (RFA, 01/03/2018)

Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 hàng năm nhằm tưởng nhớ lại những nữ công nhân Mỹ tại hai tiểu bang Chicago và New York đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em vào năm 1899. Từ đó, phong trào lan tỏa mạnh và đến nay, tại Việt Nam, ngày 8 tháng 3 trở thành ngày lễ để tôn vinh vai trò của phụ nữ. Với những công nhân viên chức, ngày 8 tháng 3 có gì khác lạ so với 364 ngày còn lại trong năm ?

nu2

Một nữ giáo viên trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 22 tháng 12 năm 2006. AFP

Tổ chức lễ

Vào mỗi đầu tháng 3, những hình ảnh và video quảng cáo của những cửa hàng kinh doanh hoa và các cửa hàng bán quà lưu niệm lại tràn lan trên mặt báo cũng như mạng xã hội, nhằm phục vụ cho việc tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Tại Việt Nam, đây được coi là ngày lễ lớn cho ‘phái đẹp’, hầu hết các công ty sẽ tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ bằng nhiều hình thức như tặng hoa, tặng quà, hoặc phong bì coi như thưởng thêm cho các chị em, như lời chia sẻ của chị Đặng Thị Thủy Tiên, Phó trưởng ban Ban tiếp công dân của Văn phòng UBND Thành phố Cần Thơ :

"8/3 thì cơ quan tổ chức buổi họp mặt nói về việc kỷ niệm ngày này, rồi tặng hoa và quà cho phụ nữ".

Giải thích về việc này, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch phong trào Lao động Việt cho biết :

"Một số công ty vẫn tổ chức ngày 8 tháng 3 cho công nhân vì đây thuộc dạng ngày quy định, nhưng họ chỉ tập trung vào kỷ niệm, phát quà cho công nhân. Các công đoàn chú trọng tổ chức những buổi lễ chúc mừng cho công nhân của mình".

Sinh hoạt này cũng diễn ra tại mọi trường học các cấp. Chị Vũ Huyền Thương, nhân viên bếp ăn của trường tiểu học Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết tất cả nhân viên nữ trong trường được tặng quà, nhưng đây là chuyện nội bộ nên không thể chia sẻ thêm. Ngoài ra, trường chị còn tổ chức một chuyến dã ngoại cho các nữ nhân viên :

"Có tổ chức đi chơi ở Bái Đính, Tràng An".

Tại Sài Gòn, chị Lê Thị Hồng Hà, giảng viên trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh nói với chúng tôi :

"Trường chị tổ chức khá nhiều hoạt động vào ngày phụ nữ. Công đoàn tặng hoa và quà cho chị em phụ nữ. Ngoài ra còn tổ chức những chuyên đề với sự có mặt của chuyên gia tâm lý hay chuyên gia về lĩnh vực trong chuyên đề hôm đó, chẳng hạn như ‘Bằng cách nào để người phụ nữ mạnh mẽ và thành đạt hơn’".

Bên cạnh đó, trong ngày 8 tháng 3, giới nữ nhận được đối xử đặc biệt từ phía nam giới và nhiều chị em cũng thấy vui với hành xử như thế, chị Hà tiếp lời :

"Đa số chị em phụ nữ cảm thấy vui và háo hức khi tới ngày này vì phụ nữ không nhận được hoa, quà thì sẽ nhận được những lời chúc từ những người khác giới, đặc biệt là các anh đồng nghiệp rất gallant. Bên cạnh đó thì phía nhà trường tổ chức Ngày hội ẩm thực mà chị em phụ nữ không tham gia, chỉ có anh em tham gia thôi. Mỗi bộ phận cử ra ba người nấu ăn sao cho đủ toàn bộ thành viên trong bộ phận ăn".

Ngoại lệ

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nghĩ đến quyền lợi cho nữ nhân viên của mình, như lời chia sẻ của chị Mai Hương, nhân viên một công ty may ở Bình Dương, cho biết chị cùng những đồng nghiệp nữ cùng nhau góp tiền tổ chức đi ăn vì công ty chẳng tổ chức gì cho họ :

"Công ty em chán chết, không có chế độ gì về mùng 8 tháng 3 đâu. Chỉ có nhà ăn cho một cái bánh nhỏ hoặc một hộp sữa, vậy là xong".

Cùng hoàn cảnh với chị Hương, một nữ công nhân giấu tên hiện đang làm cho công ty Pouchen ở Đồng Nai cho biết :

"Công ty chị ngày đó đâu được quà gì, chỉ có nhà ăn cho thêm món mì xào".

Chị công nhân công ty Pouchen này cho rằng ngày 8 tháng 3 ở Việt Nam, phụ nữ vẫn chưa được hưởng quyền lợi trọn vẹn. Chị so sánh :

"Ở nước ngoài không cần tổ chức ngày phụ nữ vì lúc nào phụ nữ cũng là trên hết. Riêng ở Việt Nam, chưa thấy đặc quyền gì được hưởng".

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của những nữ công nhân Mỹ, nhưng ngày nay, khi kỷ niệm ngày 8 tháng 3, mọi người đã quên nhắc đến sự kiện này mà chỉ tập trung vào việc chúc tụng phái đẹp. Chị Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch phong trào Lao động Việt cho biết :

"Họ chỉ ăn mừng ngày này để họ cảm thấy được tôn trọng hơn đàn ông. Nên việc đấu tranh đòi quyền lợi hầu như là không còn nữa ở Việt Nam trong ngày 8 tháng 3".

Điều chị Hạnh vừa nói được chị công nhân công ty Pouchen khẳng định lại với chúng tôi khi được hỏi tại sao công nhân không đòi hỏi công ty hay công đoàn tổ chức ngày lễ cho họ :

"Quyền lợi này chẳng ai dám đòi đâu em. Ngay cả phụ nữ tới chu kỳ phụ nữ, nghỉ mà họ không dám nghỉ thì đòi hỏi gì. Ngày 8 tháng 3 chẳng thấy ai đòi hỏi gì, cho món mì xào là họ vui lắm rồi".

Ước mơ

Chị công nhân công ty Pouchen Đồng Nai cũng chỉ dám mong ước nhỏ bé :

"Ước gì công đoàn có thể cho chị em phụ nữ được nghỉ ngơi nửa tiếng, hoặc tặng một món quà nho nhỏ như hoa chẳng hạn, còn đằng này chẳng có gì hết".

Sau gần 120 năm phong trào đấu tranh cho phụ nữ được diễn ra, với mục đích đòi lại quyền bình đẳng cho nữ giới so với nam giới. Tuy nhiên, ngay tại Việt Nam, dù ngày này được tổ chức rầm rộ, nhưng tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ… vẫn tồn tại.

*********************

Hình ảnh phụ nữ trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh (RFA, 01/03/2018)

Nhiều cuộc biểu tình, phản đối hay khiếu nại xảy ra trên khắp Việt Nam mà người tham gia chủ yếu là phụ nữ. Họ bất chấp chấp khả năng bị chính quyền hoặc côn đồ đàn áp, vẫn cùng nhau đứng dậy thể hiện tiếng nói của mình đối với những vấn đề bất công trong xã hội.

nu3

Nhiều người đã bày tỏ quyết tâm dù bị đàn áp đánh đập thế nào thì vẫn xuống đường biểu tình ngày 15 tháng 5 năm 2016. Citizen photo

Một sự việc gần đây nhất là vào ngày 27 tháng 2 vừa qua, truyền thông trong nước cho biết tại xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, một nhóm khoảng 30 người, đa số là phụ nữ, đã tập trung ngồi dàn hàng ngang giữa quốc lộ 1 để phản đối một dự án thủy sản tại địa phương vì họ sợ có thể gây ô nhiễm môi trường. Trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh những người phụ nữ trang bị đầy đủ nón áo, ngồi bệt xuống mặt đường bất chấp sự can thiệp của lực lượng công an.

Thỉnh thoảng đâu đó vẫn có những bản tin về các cuộc biểu tình, nói rõ đa số người tham gia là phụ nữ. Chẳng hạn như cuộc biểu tình đòi bồi thường thảm họa Formosa tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào hôm 12/12/2016, đài BBC đưa tin ghi rõ hàng trăm người tham gia, đa số là phụ nữ.

Trước đó, vào ngày 15 tháng 10 năm 2016, báo chí nước ngoài cũng đưa tin khoảng 200 người, đã số là phụ nữ ở xã Lai Vu, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã chặn trước khu công nghiệp Lai Vu để phản đối công ty dệt may Pacific Crystal xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Đây chỉ là một số trong rất nhiều những cuộc biểu tình mà truyền thông đưa tin trong đó đa số người tham gia là phụ nữ.

RFA trò chuyện với cô Sim, người trực tiếp tham gia cuộc biểu tình ở khu công nghiệp Lai Vu tỉnh Hải Dương vừa nêu trên. Cô Sim xác nhận rằng đa số là phụ nữ tham gia cuộc biểu tình này. Cô nghĩ rằng lý do là vì phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề ô nhiễm môi trường :

Phụ nữ phải sinh đẻ nhiều. Nếu không khí ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người đàn bà nhiều hơn. Cũng chỉ vì lý do đấy, nó ảnh hưởng đến chính bản thân mình, con cái mình sinh ra. Cho nên dù có là đàn bà, mình cũng phải đứng lên chống lại những ảnh hưởng đến cộng đồng, gia đình và bản thân.

Còn đối với chị Hoa, một người dân tỉnh Nghệ An, người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm, thì lý do nhiều cuộc biểu tình có đa số phụ nữ tham gia là vì họ cho rằng chính quyền không dám đàn áp phụ nữ :

Mình cứ nghĩ là họ không dám đánh phụ nữ, cho nên cái gì cũng phụ nữ đương đầu ra. Phụ nữ có quyền, như các nước khác họ bảo vệ phụ nữ trẻ em nhiều hơn. Đó là điều đầu tiên.

Thứ hai, nếu để cho nam giới tham gia vào những công việc đó thì sợ hai bên xung đột, xô xát hay mâu thuẫn vì phụ nữ thường kìm nén được. Trong khi ở Việt Nam quyền con người, quyền tự do ngôn luận chưa có.

Những tưởng nếu là phụ nữ thì chính quyền sẽ nương tay, nhưng chị Hoa nói rằng chị chứng kiến rất nhiều đàn bà, trẻ nhỏ bị an ninh và côn đồ đánh đập trong các buổi buổi biểu tình. Chị nhớ lại một lần đi biểu tình cách đây chưa lâu :

Bà cô của chị là bà Lệ, 73 tuổi rồi, mà bị họ đánh, họ dậm xuống dưới bùn, gãy răng luôn. Nói chung không hề thấy họ nương tay đâu.

Từ Sài Gòn, cô Kim Chi, người thình thoảng xuống đường phản đối nạn ô nhiễm môi trường, cho chúng tôi biết phụ nữ thường đi biểu tình nhiều hơn nam giới là vì họ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới gia đình và con cái của họ :

Nam giới thì thường các ông ấy cũng lo ăn nhậu nhẹt. Phụ nữ thì người ta lam lũ. Khi môi trường nhiễm độc như vậy người ta sợ. Quá nhiều thứ, thực phẩm độc, y tế không được tốt,… Người phụ nữ thường chăm sóc gia đình nên họ sợ cho con cháu họ nhiều hơn nam.

Ngoài những hình ảnh đoàn phụ nữ kéo nhau đấu tranh vì một xã hội tốt đẹp hơn, người ta còn thấy nhiều phụ nữ đứng lên khởi xướng các cuộc biểu tình này. Điển hình phải nói đến blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được cho là đã chủ xướng các cuộc biểu tình phản đối Formosa ở thành phố Nha Trang trước khi cô bị bắt. Hay nhà hoạt động Đỗ Minh Hạnh, một trong những người tổ chức cho 10.000 công nhân nhà máy giày Mỹ Phong tỉnh Trà Vinh đình công đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Cũng vì lý do này cô bị bắt ngay sau đó và bị tuyên án 7 năm tù giam.

Cô Kim Chi cho rằng hành động bỏ tù hay đàn áp từ phía chính quyền đối với những người phụ nữ đi biểu tình không hề làm họ nản chí, mà ngược lại càng thôi thúc sự uất hận trong tâm trí họ :

Bắt người ta thì bắt thôi chứ người ta không sợ vì người ta không có tội. Người ta chỉ lên tiếng vì môi trường nó bẩn quá.

Nhân tuần lễ Quốc tế Phụ nữ 8/3, từ miền Trung của đất nước, chị Hoa gửi gắm thông điệp đến với những người phụ nữ còn e sợ, chưa dám đứng dậy nói lên quan điểm của mình :

Chị mong muốn tất cả mọi phụ nữ ở Việt Nam, biết nhìn nhận cái gì đúng, cái gì sai, biết bảo vệ cho mình, cho con cái cháu chắt của mình. Cho nên mình phải mạnh mẽ lên, phản kháng, có lòng dũng cảm để bảo vệ tương lai con cái và đất nước mình.

Đây cũng là lời nhắn gửi từ cô Kim Chi, và cô Sim đến với các chị em phụ nữ, rằng hãy mạnh mẽ phản đối nếu thấy bất bình, vì một đất nước tốt đẹp hơn.

Việt Nam hiện tại vẫn chưa có luật biểu tình chính thức mặc dù quyền biểu tình được quy định rõ ràng trong Hiến pháp 1946 và 2013. Vì chưa có luật, nhiều người tham gia thường bị quy kết vào tội gây rối trật tự công cộng.

Quay lại trang chủ
Read 860 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)