Thỉnh thoảng, ‘phụ thuộc Mỹ/lệ thuộc Mỹ’ vẫn được nhắc lại như một câu thách đố của thì hiện tại, bởi một quá khứ ‘chống Mỹ/đuổi Mỹ’ quá lẫy lừng.
Chúng ta lệ thuộc và phụ thuộc Mỹ ?
Việt Nam đang rời sự che chở của bạn hàng vũ khí người Nga để tìm đến Washington, Ấn Độ trong hợp tác quốc phòng. Một phần là nhằm giữ gìn ‘hòa bình, ổn định’ khu vực biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn đã và đang tiến hành kế hoạch đường lưỡi bò một cách có kế hoạch và với tiến độ nhanh hơn Hà nội tưởng tượng.
Vẫn trong câu chuyện quốc phòng, nếu ở khu vực Châu Á, thì Ấn Độ vẫn là một người đủ tầm để nói chuyện với Trung Quốc, thì trên bình diện quốc tế, Mỹ vẫn đóng một vai trò cảnh sát quốc tế (mặc dù trong thời đại Donald Trump - phương diện này bị mờ đi ít nhiều). Cụm từ ‘tự do hàng hải’ đi qua vùng Biển Đông vẫn có sức nặng đáng kể để giám sát các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại vùng biển này, và Việt Nam rõ ràng đang rất cần điều ấy.
Về mặt thương mại, sự gắn bó chặt chẽ thương mại Việt - Trung thường có xu hướng bất lợi cho phía Hà nội. Bởi nếu Trung Quốc chỉ cần khép nhẹ cách cửa tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn thì nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ gặp nạn. Nhẹ nhất là mới đây, vào những ngày đầu tháng 02/2018, khoảng 1000 xe oto chở hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc đã bị tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, một cảnh tượng từng xảy ra vào năm 2012 - và tất nhiên xuất phát từ ‘hàng rào kỹ thuật’ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng. Trong khi đó, quan hệ Việt - Trung luôn trong trạng thái 'nóng-lạnh bất thường' - từ thời điểm Trung Quốc hỗ trợ Hà nội trong cuộc chiến chống Pháp (1946 - 1954) cho đến xua quân tấn công Biên giới Việt Nam (1979) hay đưa dàn khoan dầu sâu HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cách đây vài năm ! Điều đó đồng nghĩa, hiểm hoạ cao hơn cơ hội trong mối quan hệ này !
Dường như tự nhận thức về sự lệ thuộc có hại đó, nên Hà nội tìm cách mở đường thương mại bằng các hiệp định thương mại tự do, trong đó có cả với Mỹ, EU, và nhóm nước Á Châu. Và Mỹ vẫn là một trọng tâm trong kế hoạch có phần ‘thoát sự lệ thuộc vào Trung Quốc’.
Trở lại câu chuyện ‘lệ thuộc/ phụ thuộc Mỹ’, thực ra nó là cụm từ miêu tả tầm nhìn lãnh đạo hơn là một cụm từ đặc tả chính xác tình trạng hai nước Mỹ - Việt.
Trở về quá khứ, vào ngày 22/10/2017, nhà báo Nguyễn Công Khế chia sẻ câu chuyện lịch sử, theo đó, giải thích tại sao hiệp định thương mại Việt - Mỹ năm 1999 bị trì hoãn. Câu chuyện cho biết, Thủ tướng Phan Văn Khải từng qua New Zealand bằng tay không, tức là Bộ chính trị lúc ấy không đồng ý ký Hiệp định song phương Việt-Mỹ nhân Hội nghị Apec tại đây mà hai bên đã thỏa thuận từ trước.
Theo ông Khế, khi biết tin, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó đã ‘rất phiền và thất vọng’, vì đơn giản : Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc...
Nhưng chi tiết đáng giá lại nằm ở việc ông Nguyễn Chí Trung [*] trợ lý của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó về việc chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Mỹ - Bill Clinton. Ông Trung cho biết quan điểm của ông khi đọc toàn văn bản hiệp định Việt Nam gia nhập WTO và hiệp định song phương với Mỹ - ông đã khóc vì cho rằng Việt Nam đã mất độc lập và lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ và phương Tây. Ông Nguyễn Chí Trung, được cánh nhà báo Quảng Đà cho biết, ‘thanh liêm không ai bằng mà bảo thủ cũng không ai sánh được’.
Hiện nay, sau gia nhập WTO và ký hiệp định song phương với Mỹ, ‘mất độc lập hay lệ thuộc Mỹ’ đã không diễn ra, trong khi chính tầm nhìn lãnh đạo cứng nhắc, lỗi thời của Bộ chính trị Đcộng sản Việt Nam đã khiến Việt Nam mất quá nhiều cơ hội về sự tận dụng thời cơ kinh tế. Giả như, Hà nội tiếp tục ngả theo những giọt nước mắt của ông Nguyễn Chí Trung gắn với tầm nhìn của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, thì có lẽ đến giờ - Việt Nam đã hoàn toàn ‘lệ thuộc/ phụ thuộc’ vào Trung Quốc về tất cả các mặt, với sự tụt hậu kéo dài đến hết thế kỷ !
Câu chuyện về giọt nước mắt của ông Nguyễn Chí Trung cũng là cách hiểu khác về ‘phụ thuộc Mỹ/lệ thuộc Mỹ’ như đã đề cập trên ! Nó đã không miêu tả thực trạng bất công bằng hai nước hay là một hệ quả của ‘thực dân kiểu mới’, mà nó chính là cho thấy tư duy và tầm nhìn của lãnh đạo trong những thời điểm lịch sử sẽ đi đến đâu.
Trở lại với thực tại, quan hệ với Mỹ vẫn là câu chuyện quan hệ tới đâu, và trong mối quan hệ này, vẫn có những tư duy về ‘địch-ta’ dập dìu, nhưng nó biến chuyển dưới một hình thức khác : ‘diễn biến hòa bình’. Hà nội vẫn cảnh giác với Mỹ, với những dự án của Mỹ vào Việt Nam. Và điều này có thể nhận diện rõ ràng hơn qua video nói chuyện với lớp cán bộ nguồn vào năm 2016 của Thiếu tướng công an Trương Giang Long (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân). Với tư duy nghi ngờ như vậy, trong bóng màn của giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ít nhiều cũng sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội ‘tiến triển có lợi’ với Mỹ, như đã từng diễn ra vào năm 1978 (bình thường hóa với Mỹ) hay trễ cơ hội gia nhập WTO vào năm 2000.
Vì đúng như tầm nhìn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng bày tỏ với nhà báo Nguyễn Công Khế : Bây giờ nếu muốn biết ký, ai có lợi và ai không có lợi, phân tích ra thì biết liền hà. Mỹ là một nền kinh tế lớn, ký hay không ký với ta họ không quan trọng lắm. Ta là một nền kinh nhỏ, èo uột và rất cần thị trường Mỹ. Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc.
Nếu thay từ 'ký' thành 'quan hệ tốt hơn với Mỹ' thì có thể nhận diện được tương lai của Việt Nam đẹp xấu đến mức nào ! Một phần vì, Trung Quốc vẫn đang tập trung quyền lực cao độ, vị trí quốc tế đang tiếp tục đi lên, nền kinh tế đang được củng cố theo hướng công nghệ cao, thì lăn tăn ‘diễn biến hòa bình’ từ Mỹ hay tư duy địch-ta sẽ khiến Việt Nam sẽ là người chết trước.
Một chế độ hay thể chế chính trị liệu chịu trách nhiệm như thế nào trước sự lỡ thời của cô gái Việt Nam ?
Và Việt Nam, nơi lực lượng bảo thủ vẫn ngoan cố chiếm lĩnh pháo đài chính trị.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 04/03/2018
[*] Ông Nguyễn Chí Trung là nhà văn, Thiếu tướng, sinh ra tại xã Hòa Phước (Hòa Vang, Quảng Nam), là trợ lý Tổng bí thư Đcộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.