Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2018

Vượng diệt ruồi, Trọng diệt hổ ?

Phạm Chí Dũng

Với cả hai chức vụ song hành vừa Thường trực Ban bí thư vừa Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Trần Quốc Vượng sẽ không còn cần đến động tác Ủy ban Kiểm tra trung ương làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư mỗi khi muốn đề xuất kỷ luật quan chức nào như trước đây, mà trong một số trường hợp và có thể nhận được sự cho phép của Tổng bí thư Trọng, ông Vượng – trong vai trò Thường trực Ban bí thư và trên tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", sẽ "quyết luôn".

Đó cũng là một phương thức thức đơn giản hóa thủ tục hành chính của đảng cầm quyền.

tqv1

Vượng diệt ruồi, Trọng diệt hổ - Cặp bài trùng mới trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam

Trước đây, thông thường Ủy ban Kiểm tra trung ương phải kiểm tra đối tượng quan chức – đảng viên vi phạm, sau đó hoàn thành kết luận kiểm tra rồi làm tờ trình gửi Thường trực Ban bí thư xin ý kiến chỉ đạo, không chỉ với đối tượng thuộc loại "có máu mặt" tức vào hàng ủy viên trung ương hay bộ trưởng, chủ nhiệm ủy ban ngang cấp bộ không phải ủy viên trung ương, mà kể cả đối với các ủy viên thường vụ tỉnh ủy ; thành ủy và tỉnh ủy viên lẫn thành ủy viên.

Nhưng gần đây và ngay trước ngày 5/3/2018 là thời điểm Bộ Chính trị công bố quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban Bí thư, đã xuất hiện thông tin chính thức về việc trong năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông Vượng sẽ tiến hành những cuộc kiểm tra đến tận cấp quận, huyện, thay vì chỉ kiểm tra đến cấp tỉnh, thành như trước đây. Theo đó, khối lượng công việc của cơ quan Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ tăng vọt so với trước, kéo theo một danh sách rất dài các quan chức – đảng viên dự kiến sẽ bị kỷ luật và bị cho "nhập kho".

Hẳn là ông Nguyễn Phú Trọng đã dự liệu khả năng và sức khỏe của ông ta không cho phép "ôm" hết, nếu cứ mỗi cái tên trong bản danh sách dự kiến kỷ luật trên lại kèm theo hai tờ trình – một của Ủy ban Kiểm tra trung ương và một của Thường trực Ban bí thư – xin ý kiến tổng bí thư, cùng một hồ sơ dày cộm mà chỉ riêng việc đọc lướt qua cũng hoa cả mắt. Nếu quy trình xử lý cán bộ vẫn giữ như cũ, ông Trọng sẽ ngập đầu trong đống giấy tờ xử lý cán bộ mà không còn thời gian đâu để lo toan những việc khác hay làm thơ về "sử xanh lưu truyền" cho khách sạn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản.

Có lẽ đó là một trong những nguồn cơn chính yếu mà đã khiến Tổng bí thư Trọng quyết định phân quyền cho Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng. Thậm chí, có thể hình dung một cơ chế cởi nới và thông thoáng đến mức là Ban bí thư sẽ được "quyết" xử lý kỷ luật không chỉ đối với các quan chức cấp tỉnh, thành mà còn có thể ra thông báo kỷ luật luôn cấp ủy viên trung ương đảng mà không cần xin ý kiến tổng bí thư, hoặc chỉ cần thông báo cho tổng bí thư về vụ việc kỷ luật đó.

Trong thực tế, với cả hai chức vụ song hành vừa Thường trực Ban bí thư vừa Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương, Trần Quốc Vượng đã vươn lên trở thành nhân vật không chỉ "số 2 trong đảng" mà còn là nhân vật có thực quyền thứ hai trong bộ máy "đảng và nhà nước ta", chỉ sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cũng có thể nhìn rõ ý đồ của Nguyễn Phú Trọng muốn đẩy Trần Quốc Vượng trở thành "Vương Kỳ Sơn Việt Nam" để phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc được xem là "chống tham nhũng’ của ông Trọng.

Vương Kỳ Sơn là ủy viên thường vụ bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương. Từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư vào năm 2012 và chủ tịch nước vào năm 2013, Vương Kỳ Sơn đã chính thức trở thành cánh tay mặt của Tập trên mặt trận "đả hổ diệt ruồi", trở thành nỗi sợ hãi đến mất ngủ của rất nhiều quan chức tham nhũng. Trong thực tế, Vương Kỳ Sơn được đánh giá là nhân vật quyền lực thứ hai trong đảng, chỉ sau Tập Cận Bình. Nhưng Vương Kỳ Sơn còn qua mặt Tập bằng vào kỷ lục số lần bị ám sát hụt.

Vào tháng Tám năm 2017, khi Trần Quốc Vượng được bổ nhiệm làm "thành viên Thường trực Ban bí thư", ông Vượng và Ủy ban Kiểm tra trung ương đã được Tổng bí thư Trọng khen "làm việc gì ra việc nấy".

Vào buổi sáng ngày 8/12/2017, có một cuộc họp được xem là rất quan trọng tại trụ sở Văn phòng trung ương đảng, do Tổng bí thư Trọng chủ trì về "cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Cuộc họp này có mặt hầu hết ủy viên bộ chính trị, trừ… Trần Quốc Vượng.

Đến chiều muộn ngày 8/12/2018, cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bất thần bị khởi tố và bị tống giam.

Nhiều nhà quan sát đã cho rằng ông Trần Quốc Vượng, bằng vào sự vắng mặt của trong buổi sáng 8/12, đã có một vai trò như "bộ trưởng công an" trong vụ bắt Đinh La Thăng.

Vào ngày 5/3/2018, trùng với thời điểm ông Trọng đi nước cờ đầu tiên trong năm âm lịch 29018 về quyết định bổ nhiệm Trần Quốc Vượng làm Thường trực Ban bí thư, đã xuất hiện vài tin tức đáng chú ý về "lò" của ông Trọng. Theo đó, "người đốt lò vĩ đại" – một tụng danh mà Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) vừa dành tặng cho Nguyễn Phú Trọng – sẽ chỉ đạo công bố kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG vào tháng Ba này – một vụ việc thậm chí còn có thể lớn hơn cả vụ Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh. Có khoảng 10 đối tượng sẽ bị khởi tố và bắt giam…

Bà Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị cho là "chủ mưu" trong vụ Mobifone mua AVG…

Tin xấu đối với các đối thủ chính trị và đối tượng tham nhũng của ông Trọng là vào năm 2018, có lẽ bản "danh sách tử thần" của ông Trọng đang và sẽ ngày càng dài ra, bắt buộc cơ quan "làm việc gì ra việc nấy" phải hoạt động hết công suất và Trần Quốc Vượng – dù muốn hay không – cũng phải trở thành "Vương Kỳ Sơn Việt Nam".

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 06/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 1065 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)