Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/03/2018

Trải nghiệm tự do

Nguyễn An

Không gian thoáng mở

Chỉ mới sau hơn 30 tiếng ra khỏi Việt Nam, trên chặng đường qua một vài sân bay quốc tế như Abu Dhabi, một bạn nữ đã ra trường làm việc và tham gia một số hoạt động xã hội độc lập tại Việt Nam, nói rõ những điều mà bạn được nhắc nhở hay từng có thói quen trước lúc ra đi hoàn toàn khác hẳn. Đơn cử như việc phải canh giữ đồ đạc để khỏi bị mất cắp hay chuyện được người khác nhường chỗ, giúp đỡ khi phải hỏi han vì bở ngỡ.

tudo1

Bạn trẻ Nguyễn Trung Trọng Nghĩa - RFA

Bạn nữ này cho biết bản thân hưởng được một bầu khí tự do thực sự và từ đó khiến bạn cảm thấy rất tự tin vào bản thân. Điều này hoàn toàn ngược với thời gian khi còn ở Việt Nam.

"Ô, cảm thấy rất thoải mái và mình hiểu được tại sao luôn thấy mặt người Việt Nam (trong nước) lúc nào cũng buồn, cũng khổ. Cứ để ý đi, khi về Việt Nam lúc nào cũng thấy mặt người ta nhăn thế này này, lúc nào cũng sầu não".

Tù túng trong nước

Bạn nữ, mà chúng tôi giấu tên vì lý do an toàn khi trở về Việt Nam trong thời gian tới, đưa ra lý giải cho nhận định vừa nêu :

"Thử nghĩ đi : một ngày 24 tiếng mất 8 tiếng để ngủ, còn sống hằng ngày phải lo trước, lo sau. Khi đi ra đường thì lo sợ bị xe tông ; nếu không bị tông thì sợ khi cảnh sát giữ lại sẽ lấy tiền. Khi ăn không biết phải mua thứ gì không bị thuốc độc… Đến bệnh viện thì bị coi như con vật (nếu không có tiền). Con cái nói dối, không nghe lời vì hệ thống giáo dục có tốt đẹp gì đâu nên đứa con không biết thế nào là sống chân thật ! Khi con người sống mà không có nền tảng đạo đức là sự chân thật thì họ luôn lo sợ. Nên người Việt Nam mặt lúc nào cũng buồn, cũng khổ là vì vậy !"

Cản ngại khai phóng

Đối với thanh niên Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của tù nhân chính trị Nguyễn Trung Tôn hiện đang bị cầm tù với lý do ‘âm mưu lật đổ chính quyền’, thì tình trạng thiếu minh bạch thông tin tại Việt Nam khiến cho tình hình ở Việt Nam ngột ngạt, thiếu dân chủ :

"Em thấy cả hai xã hội đều có những vấn đề của nó, đều có những mảng tối của xã hội. Tuy nhiên, sự khác biệt mà em thấy được là không có thông báo những chuyện này cho người dân biết tại Việt Nam. Như có tham nhũng xảy ra nhưng mọi người không biết được, chỉ có đồn đại chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra. Đơn cử khi em ra nước ngoài có vụ tổng thống Donald Trump dính líu với Nga nên FBI đang vào cuộc điều tra. Ông tổng thống to quyền nhất trong nước nhưng thông tin đều cho biết chuyện này xảy ra, chuyện kia xảy ra. Quyền được biết của mọi người rất được tôn trọng.

Nhiều người nói ở đâu mà chẳng có tham nhũng ; ở đâu mà chẳng có người tốt, người xấu ; ở đâu mà chẳng có mảng tối của xã hội. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là mảng tối xã hội được người dân biết, người dân phòng tránh, người dân phản đối và cố gắng sửa đổi nó. Đó là xã hội mà có thể sửa chữa được chính mình".

Cả hai bạn thừa nhận tình trạng có nhiều người trẻ trong nước được ra nước ngoài học tập và đa số chọn ở lại không trở về Việt Nam nữa. Còn số trở về vẫn không thể phát huy những điều học hỏi được.

"Có 2 vấn đề : thứ nhất là vấn đề cá nhân và nhận thức của mỗi người. Có những người trẻ có não trạng khi ra đi chỉ biết no đủ cho bản thân của họ thôi, thì khi trở về họ cũng là con người như thế. Nó chỉ mang tính cá nhân, kiến thức chưa thể thay đổi ý thức.Bạn nữ đưa ra quan điểm của bản thân về vấn đề này :

Vấn đề thứ hai là chuyện xã hội, khi họ trở về họ bị sốc : họ giỏi nhưng họ không có được việc làm khi không có những mối quan hệ. Ở Việt Nam có câu ‘nhất quan hệ, nhì tiền tệ’. Có mấy ai là người tài trở về mà sống yên ổn tại Việt Nam, họ ở lại để ‘cố đấm ăn xôi’. Nên không thể trách được những người vì sao đi du học mà không trở về".

Vấn đề được Nguyễn Trung Trọng Nghĩa lý giải :

"Môi trường để những người có mong muốn đi ra ngoài học rồi trở về lại quá ‘nghẹt ngòi’, khó để cho họ có thể làm được điều gì đó.

Có những câu chuyện được kể ngay tại đây là có những bạn trẻ chỉ muốn lên miền núi xây những trường học cho trẻ em nghèo thôi ; thế nhưng chính quyền địa phương yêu cầu đưa tiền cho họ để làm mà thôi. Môi trường như thế làm người ta chán nản. Em rất hiểu và thông cảm đối với những người đó.

Bản thân em nghĩ cũng sẽ cố gắng hết sức thôi, mình làm được đến đâu thì làm thôi ; mình làm với hy vọng việc mình làm sẽ mang lại sự thay đổi. Chứ không nghĩ rằng điều mình làm chắc chắn mang lại sự thay đổi ; nếu nghĩ như vậy thì cuối ngày sẽ thất vọng, tuyệt vọng thôi".

Trở về với phương pháp riêng

Hai bạn trẻ mà chúng tôi tiếp xúc khẳng định sau chuyến ra nước ngoài này họ sẽ trở về trong nước tiếp tục các hoạt động lâu nay. Tuy nhiên với những trải nghiệm mới, họ có những cách thức cụ thể như sau như trình bày của bạn nữ được giấu tên :

"Mình học được những điều hay và khi chia sẻ lại cho những người khác tức là một lần nữa mình được học lại, được trải nghiệm lại. Điều hữu ích nữa là tại Việt Nam em làm những hoạt động giáo dục cho trẻ em, và điềm em học được là tôn trọng. Khi mà mình tôn trọng từ những người nhỏ nhất thì em có thể giúp cho họ có cái nhìn về tự do".

Và phương thức cụ thể của Nguyễn Trung Trọng Nghĩa :

"Mình làm những chuyện gì nhẹ nhàng hơn, làm và phải suy nghĩ về hậu quả. Thay vì đấu tranh trực diện thì biết đâu mình lại bắt tay với họ để làm để kiến thiết xã hội, giúp đỡ cho người dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Lúc đó, người dân sẽ là những người tự lựa chọn ; thay vì mình phải xuống đường hò reo, phải làm này, làm kia".

Với những phương tiện mới như mạng Internet và qua trải nghiệm tại những đất nước tự do, dân chủ, hai bạn trẻ đều nhận thấy có những điều ràng buộc người dân tại Việt Nam. Và theo ngôn từ được dùng hiện nay là ‘nhà tù nhỏ trong một nhà tù lớn’ tức hệ thống trại giam cầm tù những người bị kết án ; còn dân chúng thì phải sống trong một bầu khí ngục tù, thiếu vắng tự do- dân chủ thực sự.

Nguyễn An

Nguồn : RFA, 07/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)