Dư luận xoay chiều
"Đừng vội phê phán ông Trọng, cứ để ông ấy làm. Tham nhũng là phải đánh, ai đánh cũng được, miễn là chịu đánh tham nhũng. Làm không được thì mất đảng chứ có mất nước đâu mà sợ" - phát biểu của một cán bộ đã hưu trí lâu năm không hề thích đảng cộng sản và trước đó đã nhiều lần bày tỏ "còn đảng cộng sản thì làm sao chống được tham nhũng".
Liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ?
Vì sao lại có một sự thay đổi đáng kể về quan niệm của cán bộ hưu trí thuộc loại "cấp tiến" trên ?
Một số cuộc thăm dò bỏ túi của tác giả bài viết này đã cho ra kết quả là ý kiến trên lại đại diện cho khá nhiều người trong lớp công chức về hưu và cho người dân thuộc các tầng lớp khác. Một số trong các tầng lớp này trước đây còn không ưa Nguyễn Phú Trọng, coi thường Nguyễn Phú Trọng và cứ nói đến Nguyễn Phú Trọng là thốt ra "Cái lão Lú ấy mà !".
"Tin làm sao được ! Lão ấy nói mãi như thế mà có làm đâu !" - đó là lời tán thán của nhiều người dân ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng bật ra triết ngôn xuất thần "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy" vào tháng Tám năm 2017.
Nhưng bắt đầu từ đầu tháng Mười Hai năm 2017, sau vụ Nguyễn Phú Trọng hạ lệnh bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, quan điểm của dư luận đã xoay dần rồi xoay rộng.
Một hiện tượng đáng chú ý không kém là chiến dịch "chống tham nhũng" của Nguyễn Phú Trọng còn lôi kéo được mối thiện cảm có chừng mực của một bộ phận giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, mặc dù nhiều người thừa hiểu rằng nếu không có lệnh của Nguyễn Phú Trọng, làm sao công an dám bắt bớ và tống giam đến 25 nhà hoạt động nhân quyền, nhất là đàn áp nặng nề phong trào phản kháng Formosa ở miền Trung, chỉ trong năm 2017.
Cũng như người dân, nhiều thành viên trong phong trào dân chủ nhân quyền căm thù đến xương tủy giới quan lại nhũng nhiễu và tham nhũng giàu nứt đố đổ vách và cực kỳ vô trách niệm với dân tộc. "Cứ để chúng nó cắn xé nhau, diệt được thằng nào cũng tốt cho xã hội" - nhiều người cho biết là họ suy nghĩ như thế.
Ý nghĩ dần chuyển thành nhận thức, nhận thức lại biến thành những bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội, tạo thành một kênh thông tin không kém quan trọng cho công cuộc "đốt lò" của ông Trọng.
"Có thay đổi còn hơn không"
Khá rõ là đã có một cái gì đấy thay đổi đáng kể trong "hành động Nguyễn phú Trọng" mà đã khiến ông ta thu hút được một số ủng hộ, hoặc thiện cảm có điều kiện từ trí thức và người dân.
Có thể lý giải ra sao về hiện tượng xã hội học và chính trị học trên ?
Đầu tiên, vẫn cần thừa nhận rằng cho đến tận lúc này, trong lúc ngày càng nhiều dư luận xã hội về "đảng nát như tương, nước nát như cám", bộ máy vận hành của gần 900 tờ báo đảng và báo nhà nước vẫn đem lại kết quả tuyên giáo một chiều không quá kém cỏi. Bằng chứng là sau khi nhiều tờ báo thông tin và tung hô chuyện "Tổng bí thư chống tham nhũng không có vùng cấm", nhiều quan chức bậc trung và cả bậc thấp bắt đầu run, còn người dân thì khoái.
Tâm trạng khoái cảm của người dân xuất phát từ tâm thế người dân bị đè nén quá lâu bởi thói cường quyền áp bức của giới quan lại từ thấp đến cao, phủ rộng ở nhiều địa phương, bởi thói tham nhũng vô độ của đám quan chức, đến mức khiến cho người dân nhìn đâu cũng đen như mực, tất thảy đều bế tắc, xã hội không lối thoát…
Vì thế, bất cứ một động tác "chống tham nhũng" nào có vẻ triệt để đều có ý nghĩa "mưa trên sa mạc" và nhận được thiện cảm, ủng hộ hay hò reo của đám đông đang suy kiệt niềm tin đối với chính thể cầm quyền.
Tâm lý đơn giản nhất và mang tính đám đông ở Việt Nam hiện thời là "muốn thay đổi".
Trong một chính thể bế tắc về ý thức hệ và "nền kinh tế thị tường định hướng xã hội chủ nghĩa", đến mức ngay cả Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào năm 2015 còn phải nói "có thứ đó đâu mà tìm", cùng quá nhiều triệu chứng hỗn loạn xã hội và đạo lý suy đồi ghê gớm, một thay đổi nhỏ hoặc vừa phải trong bối cảnh chưa thể có gì làm đảo lộn chế độ vẫn khiến đại đa số công chức, trí thức và người dân có được chút thỏa mãn về "thay đổi tích cực" và "có thay đổi còn hơn không".
Bầu tâm lý căm ghét tham nhũng là quá phổ biến và sâu sắc ở Việt Nam, phổ biến đến nỗi vô số người dân ngày càng không ngần ngại nói thẳng quan điểm của họ về "tham nhũng có nguồn gốc từ Nguyễn Tấn Dũng" cùng nhiều từ ngữ thật sự "hình sự" dành cho ông ta và những quan chức chia chác với ông ta.
Đó chính là lợi thế hiếm có dành cho Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến "chống tham nhũng" kèm tham vọng tập quyền của ông ta.
Có "chống tham nhũng cả phe ta" ?
Sau Đinh La Thăng, hầu như chắc chắn đường đi của Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng cùng những quan chức từng một thời thuộc "cánh hẩu" của ông Dũng. Cái cách đi như thế sẽ ít nhất, trong một vài năm, lôi kéo được sự ủng hộ của người dân, khiến nhiều người dân thỏa mãn tâm lý "cuối cùng thì cũng có thằng phải dựa cột".
Nhưng còn có nhiều kẻ khác đáng phải "dựa cột". Liệu Nguyễn Phú Trọng có "chống tham nhũng công bằng", hoặc phải "chống tham nhũng cả phe ta" như người dân mong mỏi và đòi hỏi ?
Có quá ít ví dụ để có thể chứng minh cho "chống tham nhũng cả phe ta".
Bởi cho tới giờ này ông Trọng mới chỉ chứng tỏ được sự nghiệp của ông là "chống tham nhũng thời kỳ trước", tức "thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng", hoặc còn gọi là "chống tham nhũng một bên" chứ chưa có gì gọi là công bằng, khi còn sờ sờ ra đó những Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng y tế liên đới trách nhiệm vụ nhập thuốc ung thư giả, Võ Kim Cự - cựu bí thư Hà Tĩnh liên đới trách nhiệm vụ thảm họa xả thải của Formosa, Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa bị quá nhiều dư luận về tài sản, làm ăn riêng và bồ bịch, cùng hàng lô hàng lốc quan chức đầu tỉnh thành bị dư luận xem là "cánh hẩu1 với những quan chức cận thần ở các ban đảng của Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/03/2018