Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2018

Vụ ‘Mobifone mua AVG’ : Những ai bị "xử" trước Hội nghị 7 ?

Phạm Chí Dũng

Động thái Thanh tra chính phủ kiến nghị chính phủ chỉ đạo Bộ công an "khởi tố điều tra" mà không phải là "xem xét và có thể khởi tố điều tra" vụ "Mobifone mua AVG" cho thấy có thể bản kết luận thanh tra đã được chỉ đạo từ Tổng bí thư Trọng từ trước khi được hoàn tất và công bố, còn chính phủ chỉ làm một thao tác hành chính là ban hành văn bản gửi Bộ công an.

mobifone1

Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông tin và truyền thông cộng sản Việt Nam đang là trung tâm điểm của dư luận tại Việt Nam. (Hình : Getty Images)

Mặc dù kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra chính phủ không nêu tên cụ thể một quan chức nào liên quan đến các sai phạm, nhưng có những dấu hỏi đương nhiên phát sinh : đó là những quan chức nào, thuộc các Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính…

Đặc biệt, liệu có sự cấu kết giữa những quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ công an nhằm "nuốt gọn" 7 ngàn tỷ đồng ?

Hoảng loạn Trương Minh Tuấn ?

Vào những ngày này, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn – nhân vật đã leo lên bậc thang danh vọng và trở thành một trong những đầu ngành quan trọng của chế độ cầm quyền, được một số dư luận xem là "trùm thông tin" khi nắm giữ quyền sinh quyền sát đối với gần hết khối báo chí nhà nước, cũng là người đặc biệt tỏ ra "cực đỏ" và "kiên định chủ nghĩa xã hội" từ năm 2016 khi chính thức nhậm chức bộ trưởng, thậm chí còn lấp ló cơ hội soán cái ghế của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, lại trở thành tâm điểm của dư luận xã hội và mạng xã hội như "người có liên quan chính trong vụ Mobifone mua AVG".

Vào tháng Bảy, năm 2017, khi Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên phát biểu công khai về yêu cầu sớm công bố kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", đã xuất hiện nhiều tin tức trên mạng xã hội khẳng định ông Trương Minh Tuấn – khi còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông – đã đứng ra phê duyệt bản hợp đồng "Mobifone mua AVG". Theo đó, dư luận đồn đoán nhiều tầng nấc "liên quan" của ông Tuấn : "ngây thơ đổ vỏ" cho bộ trưởng Thông tin và truyền thông khi đó là Nguyễn Bắc Son", hoặc "dính vừa", hoặc "dính đậm"…

Chưa rõ là trong thực tế ông Trương Minh Tuấn có dính dáng sâu đậm nào đến vụ "Mobifone mua AVG" với mức giá mua được kê khống đến hàng chục lần so với giá trị thực tế, chỉ biết rằng cấp trên của ông Tuấn là Nguyễn Bắc Son bị xem là "dính cực đậm".

Không phải vô cớ mà vào những ngày gần đây, đã loan truyền tin tức về một nhân vật có tên là "NBS" đã phải âm thầm ôm 800 tỷ đồng đến nộp lại cho nhà chức trách để "khắc phục hậu quả".

"Khắc phục hậu quả" là một khái niệm được đề cập khá nhiều trong khối Đảng và Quốc hội vào thời gian gần đây, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng. Tuy chưa chính thức, nhưng đang xuất hiện nhiều ý kiến trong Quốc hội cho rằng nếu quan chức tham nhũng trả lại 3/4 số tiền đã "ăn" thì có thể được giảm án hoặc thoát tội.

Cũng đã xuất hiện một luồng tin tức hành lang về một vị luật sư nào đó đã tham vấn cho Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, dẫn đến kết quả là ông Tuấn "đạo diễn" kịch bản hủy hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG" và được quảng bá rùm beng – diễn ra chỉ 4 ngày sau cuộc họp của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư về xử lý vụ việc bị Thanh tra chính phủ xem là gây thiệt hại đến 7 ngàn tỷ đồng này. Tức các quan chức quản lý lẫn kinh doanh sẽ không còn phải chịu trách nhiệm hình sự nào về cú thiệt hại "ăn không được thì nhả" đó.

Nhưng sau khi ngân khố quốc gia đã được "khắc phục hậu quả", nghĩa là tiền ngân sách không còn bị thất thoát quá lớn trong vụ "Mobifone mua AVG", liệu những nhân vật bị xem là "sai phạm rất nghiêm trọng" và đang tìm cách "ói ra để thoát tội" có phải chịu mức kỷ luật hành chính và trách nhiệm hình sự thích đáng như "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng" và những tội danh khác có thể cả "lừa đảo" ?

Bịt miệng "người bịt miệng"

Một số dấu hiệu cho thấy có vẻ ông Trọng không muốn "cho qua" vụ các quan chức dính vụ "Mobifone mua AVG".

Dấu hiệu rõ nhất là chỉ 2 ngày sau sự kiện hủy hợp đồng vụ "Mobifone mua AVG", Thanh tra chính phủ đã công bố toàn văn kết luận thanh tra vụ việc này, đồng gửi cho báo chí đăng tải, bấp chấp việc bản kết luận thanh tra này đang được trình cho Thủ tướng chính phủ nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc lại đang công du ở Úc và New Zealand mà chưa kịp trở về nước để "xem qua".

Cái cách công bố kết luận thanh tra có vẻ vượt cấp như thế đã khiến Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dường như càng thêm hoảng loạn. Hình bóng Đinh La Thăng sau chấn song đang chợt ập đến.

Một ngày sau đó đã hiện ra một văn bản dài đến 30 trang về "Bộ Thông tin và truyền thông phản bác kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ". Tuy nhiên và trái với nguyên tắc, văn bản này chỉ đóng dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông mà không có chữ ký của bất kỳ quan chức nào.

Đến lúc này, điểm bùng nổ bắt đầu phát tác. Chỉ ít giờ sau khi văn bản phản bác trên được công bố trên báo chí nhà nước, hầu hết các tờ báo đã lột gỡ tin này.

Vì sao gỡ ? Ai hay cơ quan nào dám chỉ đạo gỡ bài của "trùm báo chí" Trương Minh Tuấn ?

Trong một lần hiếm hoi của chế độ độc đảng ở Việt Nam, bộ trưởng thông tin tỏ ra "kiên định cộng sản" và thường ra lệnh bịt miệng báo chí phản biện đã bị chính những đồng chí của ông ta bịt miệng.

Chỉ có thể hiểu rằng cấp cao hơn của Bộ Thông tin và truyền thông là Ban Tuyên giáo trung ương. Thậm chí lệnh gỡ tin về văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông có thể xuất phát từ Ban bí thư.

Cũng như Đinh La Thăng thẳng tay đàn áp nhân quyền nhưng đã bị đảng tước mất quyền công dân, có lẽ Trương Minh Tuấn đang thật sự cám cảnh thân phận một nô bộc bị thất sủng bởi chế độ.

Có thể lý do đơn giản là nếu trong vụ bắt tướng công an Nguyễn Thanh Hóa, dường như ông Trọng muốn phát đi thông điệp "chống tham nhũng cả phe ta", thì "phe ta" trong vụ "Mobifone mua AVG" cũng có thể phải "lên thớt", mà nhẹ nhất là "luân chuyển cán bộ".

Những ai bị "xử" trước Hội nghị 7 ?

Chẳng phải tự nhiên mà ngay sau khi công bố kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG", báo Tuổi Trẻ bỗng tỏ ra dũng khí khi rút tít "MobiFone mua AVG, Bộ Thông tin và truyền thông có nhiều vi phạm" – như một cách gián tiếp "phang" Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn.

Theo đó và căn cứ vào bầu không khí "sẵn sàng chiến đấu" của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, có vẻ như quy trình lẫn hồ sơ tố tụng hình sự vụ "Mobifone mua AVG" đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn đợi lệnh từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và "Phó Tổng bí thư" Trần Quốc Vượng.

Một tiến độ mang tính tốc độ đang diễn ra trong "chuyên án Mobifone mua AVG" : từ cuộc họp của Tổng bí thư Trọng và Ban bí thư yêu cầu xử lý vụ này cho đến thời điểm công bố kết luận thanh tra chỉ có 6 ngày.

6 ngày cũng là khoảng thời gian kỷ lục mà Viện kiểm sát tối cao hoàn tất bản cáo trạng vụ "Đinh La Thăng và đồng phạm", trong khi trước đó cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ công an đã hoàn thành báo cáo kết luận điều tra đối với ông Thăng chỉ trong vỏn vẹn 11 ngày.

Còn bây giờ, chỉ còn đợi lệnh từ ông Trọng…

Theo đó, việc Bộ công an phát lệnh khởi tố và bắt bớ một số nhân vật vụ "Mobifone mua AVG" có thể diễn ra trong không bao lâu nữa, thậm chí có thể ngay trong tháng Ba, năm 2018.

Môt chi tiết khác, tuy không được Thanh tra chính phủ nhấn mạnh, nhưng lại đầy nguy hiểm và nguy biến đối với các đối tượng của chiến dịch "đốt lò" lần này : Thanh tra chính phủ đã báo cáo, và trong thực tế đã chuyển toàn bộ bản kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" cho Ủy ban Kiểm tra trung ương từ tháng Giêng năm 2018. Vô hình trung, ủy ban này chẳng cần phải làm gì nhiều mà chỉ kế thừa một kết quả thanh tra và biến nó thành kết quả kiểm tra đảng, dùng để "xử" những cán bộ cao cấp nằm trong diện Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý.

Tức từ cấp thứ trưởng trở lên.

Những quan chức nào sẽ bị Ủy ban Kiểm tra trung ương "điểm danh" ?

Liệu có tái hiện hình ảnh một ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng bị kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương "loại khỏi vòng chiến đấu" vào tháng Tư năm 2017 ?

Chỉ còn khoảng hai tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền – dự kiến vào tháng Năm, năm 2018, một hội nghị mà mà có thể tương tự Hội nghị trung ương 5 vào tháng Năm năm, 2017, là "xử tham nhũng".

Cũng bởi thế, có thể sẽ xảy ra những bất ngờ và thay đổi lớn về mặt nhân sự, kể cả nhân sự rất cao cấp, từ đây đến tháng Năm, 2018. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : : Người Việt, 16/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 942 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)