Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2018

Việt Nam ‘đối tác chiến lược’ với Úc để làm gì ?

Thường Sơn

Tháng Ba năm 2018, chuyến công du Úc của Thủ tướng Phúc đã chính thức đưa quốc gia này vào danh sách "chẵn một tá" quan hệ đối tác chiến lược của chính thể độc đảng ở Việt Nam.

vietuc1

Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Australia (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011), Ý (2013), Ấn Độ (2017)…

Tuy chưa bao giờ nói rõ nước nào là "đối tác chiến lược quan trọng nhất" mà chỉ luôn nhấn mạnh từ "quan trọng và ý nghĩa’" với bất kỳ nước nào chịu ký đối tác chiến lược với Việt Nam, nhưng sự thật hiển nhiên mà giới chóp bu Việt Nam phải chấp nhận hậu quả là Trung Quốc - vẫn được một số quan chức "thân Trung" ở Việt Nam xem là đối tác chiến lược lớn nhất - đã biến thành một loại "yêu tinh" luôn đe dọa chủ quyền và lãnh thổ của Việt Nam.

Chỉ 3 năm sau khi ký "đối tác chiến lược" với chóp bu Hà Nội, Bắc Kinh đã gây hấn ở Biển Đông bằng vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam. Đến giữa năm 2014, vụ khiêu khích trở nên nghiêm trọng hơn nhiều bằng giàn khoan Hải Dương 981 như một cái tát vào Bộ Chính trị Hà Nội. Năm 2017, Trung Quốc còn cho đến hai trăm tàu vây bọc Bãi Tư Chính - nơi Việt Nam liên doanh với hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha, buộc giới lãnh đạo Việt Nam phải muốn mặt rút quân khỏi khu vực này…

Trong khi đó, hầu hết các "đối tác chiến lược" khác đều thờ ơ hoặc quay lưng với Hà Nội khi Việt Nam bị uy hiếp.

Ngày càng rõ hơn là với chủ trương "đa dạng hóa, đa phương hóa", phương châm "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước" cùng thành tích ký càng nhiều "đối tác chiến lược" càng tốt, giới chóp bu Việt Nam còn chưa thật sự hiểu họ muốn gì trong phong trào thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. 

Kết quả 16 năm "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước" cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.

Vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam, Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, đã như mỉa mai : "Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh".

Sau vụ "giương cờ trắng" đáng xấu hổ của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, điều kỳ lạ là chỉ có Hoa Kỳ - quốc gia chưa hề là "đối tác chiến lược" với Việt Nam - đưa tay ra cứu giúp khi Bộ Chính trị Việt Nam phải cử Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đi Washington để "cầu viện".

Kết quả sau đó là có lợi cho cả đôi bên : một hàng không mẫu hạm của Mỹ tiến thẳng vào cảng Đà Nẵng như một động tác răn đe Trung Quốc, không quên nhấn mạnh sự hiện diện đã không còn trừu tượng của hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Biển Đông cũng là khu vực mà người Úc có một phần vai trò. Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, Úc cũng là một đồng minh quân sự của Mỹ.

Rõ là trong cơn túng quẫn ngân sách và còn bị Trung Quốc đe dọa khiến mất ăn khai thác dầu khí ngay trong vùng biển chủ quyền của mình, giới lãnh đạo Việt Nam đang phải tìm cách dựa vào Mỹ và những đồng minh quân sự của Mỹ.

Quan hệ Việt - Úc cũng bởi thế ngày càng "khắng khít" hơn. Cho dù kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước này chỉ khoảng 5 tỷ USD/năm, tức chỉ bằng khoảng 1/10 kim ngạch thương mại năm 2017 giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn cả là cũng như Ấn Độ, người Úc sẽ có thể làm một điều gì đó hỗ trợ chính thể Việt nếu sắp tới Việt Nam lại bị Trung Quốc gây hấn hoặc cấm đoán khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, quá nhiều có khi lại là "lắm mối tối nằm không". Chính sách "đu dây" vẫn còn tồn tại của Việt Nam đang khiến chính thể quốc gia này sa vào cạm bẫy "đối tác chiến lược" do chính nó giăng ra. Thái độ hoàn toàn thiếu chính kiến trong việc lựa chọn bạn bè, cùng quan điểm thực dụng chỉ biết nhận không biết cho của Hà Nội sẽ khiến các "đối tác chiến lược" nản lòng và chẳng mấy chốc sẽ không còn quan tâm đến Việt Nam, để mặc cho Bắc Kinh muốn làm gì thì làm.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 20/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 790 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)