Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/03/2018

Trận chiến mậu dịch Trung-Mỹ mở màn

Ngô Nhân Dụng

Tòa Bạch Ốc sẽ đưa ra danh sách một số hàng hóa để tăng thuế nhập cảng, từ Trung Quốc vào Mỹ. Lúc đầu, việc đánh thuế nhắm giảm bớt 100 tỷ USD trong số gần 400 tỷ USD thâm thủng mậu dịch của Mỹ. Con số đó quá lớn ; dù có muốn Bắc Kinh cũng không thể nào làm nếu không muốn gây xáo trộn lớn. Cho nên bây giờ Mỹ chỉ đánh thuế trên 60 tỷ USD hàng nhập mà thôi.

trungmy0

Trên đại thể, nếu xung đột biến thành "chiến tranh mậu dịch", nước Mỹ vẫn ở thế mạnh.

Ngay sau đó, một nhóm các công ty Mỹ đã ký tên yêu cầu chính phủ Mỹ hãy khoan khoan. Họ đề nghị hãy dành thời giờ tham khảo các xí nghiệp và các chuyên gia xem các hậu quả trên đời sống kinh tế Mỹ. Đứng đầu trong danh sách các công ty ký tên là những xí nghiệp quốc tế lớn nhất hiện nay : Apple, Alphabet (Google), IBM, Nike và Walmart. Ông Dean Garfield là người xướng suất bức thư trên, đại diện cho hội đồng các công ty kỹ thuật, giải thích rằng họ biết việc tăng thuế nhập cảng không công hiệu, không giúp giảm bớt số khiếm hụt mậu dịch. Ngược lại, tăng thuế có thể gây tai hại cho "việc buôn bán" của cả hai bên.

Có lẽ chính phủ Trump sẽ không quan tâm đến các khuyến cáo này. Vì trên đại thể, nếu xung đột biến thành "chiến tranh mậu dịch", nước Mỹ vẫn ở thế mạnh. Tuy nhiên, cuộc "chiến tranh" sẽ rất phức tạp, không dễ thắng như ông Trump từng quảng cáo !

Trong số những đại công ty trên đây, Apple, Google, IBM, Nike và Walmart thì Nike và Walmart có thể chỉ ảnh hưởng trực tiếp nếu xung đột quan thuế giữa Mỹ và Trung Quốc biến thành chiến tranh mậu dịch. Walmart mua hàng rẻ từ Trung Quốc để bán, kiếm lời. Nếu những món hàng đó bị đánh thuế cao, chúng sẽ không còn bán rẻ được nữa. Nike thuê rất nhiều người bên Tàu làm giầy dép và các cụng cụ thể thao khác. Mai mốt chính những món hàng đó cũng bị đánh thuế và tăng giá. Nike và Walmart muốn bảo vệ quyền lợi của họ.

Nhưng còn ba công ty khác, Apple, Google, IBM, món lợi chính họ kiếm được không phải chỉ là hàng hóa làm bên Tầu, mà là những "sản phẩm trí tuệ". Một chiếc máy điện thoại của Apple ráp ở bên Tàu thực ra chỉ mang lại cho kinh tế nước Tàu khoảng 5% giá bán chiếc máy. Còn 95% giá trị được trả về cho các nước khác, như một bộ phận này làm ở Nam Hàn, bộ phận kia là ở Nhật Bản, vân vân ; và khoảng 50% được trả về cho công ty Apple ở Mỹ vì nó làm chủ các bằng sáng chế và nhãn hiệu Apple - những thứ "hàng" vô hình.

Ngay một công ty sản xuất "hàng hóa" như Nike, cũng bán "sản phẩm trí tuệ". Trong giá bán một chiếc giầy Nike, phần tiền được chia cho các công nhân nhà máy bên Tàu, hay bên Việt Nam, rất nhỏ. Trong số những thứ vật liệu làm nên chiếc giầy được khâu, ráp ở Trung Quốc nhiều thứ chế tạo từ nước khác đem vô. Trong mỗi thứ gọi là "vật liệu" đó, lại cũng có những "sản phẩm trí tuệ". Nếu có một thứ cao su mới, một thứ "vải" nhân tạo mới, hay bất cứ một cái gì mới làm cho chiếc giầy đi êm hơn, cứng cáp hơn, thì nhà làm giầy cũng phải trả tiền cho bằng sáng chế. Công ty Nike làm chủ những bằng sáng chế, và họ kiếm lời trên đó.

Với hai thí dụ trên, đôi giầy Nike hoặc điện thoại Apple, chúng ta thấy dây chuyền tiếp liệu và sản xuất hiện nay không đơn giản để chúng ta có thể đo, đếm những con số gọi là khiếm hụt mậu dịch. Khi người Mỹ trả tiền mua đôi giầy Nike hay cái máy iPhone từ bên Tầu, số tiền đó sẽ có bao nhiêu phần được đem trả cho các nước khác, trong đó có nước Mỹ ?

Thí dụ, một đôi giầy giá 100 đô la nằm trong số khiếm hụt của Mỹ đối với Trung Quốc. Muốn chính xác, số tiền mà Trung Quốc trả cho Đài Loan để mua bộ phận về ráp đôi giầy sang Mỹ, thí dụ 30 đô la, phải trừ bớt trong số khiếm hụt đó. Đáng lẽ, 30 đô la này phải cộng vào số khiếm hụt của Mỹ đối với Đài Loan. Nhưng trên giấy tờ, không ai thấy con số đó, vì hàng không được bán từ Đài Loan qua Mỹ !

Cho nên, trong thế giới bây giờ, làm thống kê người ta phải tính rất kỹ để biết để biết mỗi quốc gia "đóng góp" bao nhiêu "giá trị" vào một sản phẩm, nước nào cuối cùng thu được bao nhiêu. Đại học Groningen đã lập ra một kho dữ liệu gọi là WIOD (World Input Output Database) cung cấp các con số đó, để tính số khiếm hụt hay thâm thủng chính xác nhất.

Thí dụ, năm 2014, Mỹ chỉ nhập cảng 320 tỷ đô la hàng hóa từ nước Tàu, chứ không phải 483 tỷ USD, như con số chính thức được công bố. Số chênh lệch, 163 tỷ USD, thực ra đã chuyển qua các quốc gia khác. Vì thế, năm đó trên giấy tờ Mỹ thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc 315 tỷ Mỹ kim. Nhưng con số thật, sau khi trừ những món mà Trung Quốc phải trả cho nước khác chỉ còn là 200 tỷ USD mà thôi.

Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy bức tranh còn phức tạp hơn nữa, vì rất nhiều thứ hàng gọi là Mỹ nhập cảng từ bên Tàu lại sử dụng những thứ bộ phận đem từ Mỹ qua Tàu để ráp lại. Một công ty như Nike, Walmart mua bao nhiêu thứ, từ bao nhiêu quốc gia trong đó có nước Mỹ, đem tất cả qua Tàu ráp lại. Khi chở các món hàng đó về Mỹ, người ta vẫn coi đó là "Mỹ nhập cảng từ nước Tàu". Khi chính phủ Mỹ đánh "thuế nhập cảng" trên các hàng hóa đó, họ đánh cả trên cả những bộ phận từng được làm ở Mỹ. Nếu chính phủ Trung Quốc trả đũa, đánh thuế trên các bộ phận "nhập cảng từ Mỹ vào Trung Quốc" thì các bộ phận đó sẽ bị đánh thuế hai lần ! Tất nhiên, người tiêu thụ sẽ phải trả hai thứ thuế đó !

Một lợi thế của các công ty Mỹ trên thế giới là món hàng nào của họ cũng chứa đựng những "sản phẩm trí tuệ" do người Mỹ tạo ra, người Mỹ đem bán và thu tiền. Sức mạnh kinh tế của thế giới bây giờ không nằm trong các hàng hóa mà được phô bày trong các dịch vụ. Các dịch vụ bán có giá hơn, thu nhiều hơn, so với các hàng hóa. Năm 1970, loài người chi tiêu 100 đồng thì 50 đồng trả cho các dịch vụ. Năm 2015, người ta chi 80 đồng cho dịch vụ. Một trong những "dịch vụ" mang lại nhiều tiền nhất là bán các phát minh, sáng chế.

Trong số 148 triệu người thuộc lực lượng lao động nước Mỹ, không kể công chức và quân đội, chỉ có hơn 20 triệu làm trong các ngành "sản xuất hàng hóa", như các thợ mỏ than, công nhân nhà máy thép. Còn 105 triệu người khác, chiếm 84%, làm các dịch vụ, từ các y tá, nhân viên ngân hàng, kế toán, kỹ sư cho tới người hầu bàn.

Vì vậy, nước Mỹ "xuất cảng" nhiều dịch vụ mà người bình thường hay quên. Ngành du lịch năm ngoái thâu hơn 200 tỷ USD. Ngành giáo dục đại học ở Mỹ thu vào khoảng 50 tỷ USD do sinh viên ngoại quốc đem vào Mỹ dùng. Nếu coi đây là một món "dịch vụ" đã được xuất cảng thì có thể so sánh số thu này với các ngành công nghiệp khác : Năm 2017, Mỹ bán xe du lịch được 52 tỷ USD, bán máy dân dụng được 56 tỷ USD, các chất bán dẫn xuất cảng thu được 48 tỷ USD. Chúng ta thường quên rằng giáo dục của Mỹ được "xuất cảng" không thua gì máy bay hay xe du lịch ! Con gái ông Tập Cận Bình, cô Tập Minh Trạch (Xi Mingze, 習明澤) là một khách hàng, cô đã tốt nghiệp Đại học Havard năm 2015.

Trong trận chiến mậu dịch sắp tới, Tổng thống Donald Trump chắc chắn không nên gây khó khăn cho các sinh viên Trung Hoa lục địa khi họ muốn du học ở Mỹ. Thay vì tăng thuế nhập cảng trên các món hàng mua của Trung Quốc, chính phủ Mỹ nên tìm cách ép chính quyền Bắc Kinh phải tôn trọng các bản quyền của người Mỹ trên những sản phẩm trí tuệ ; và thúc đẩy họ mở rộng cửa hơn cho hàng hóa, dịch vụ của Mỹ vào nước Tàu tự do hơn.

Trong tuần này, cuộc xung đột mậu dịch Mỹ-Trung sẽ được khai pháo !

Nếu "chiến tranh" có diễn ra, dù ở mức độ nhỏ và được kiểm soát để khỏi bùng lớn hơn, nước Mỹ có lợi thế hơn Trung Quốc. Hàng hóa và dịch vụ của Mỹ xuất cảng qua Trung Quốc chỉ ảnh hưởng tới dưới một phần trăm (0,7%) tổng sản lượng nội địa (GDP) của Mỹ. Trong khi đó, 3,1% GDP của Trung Quốc tùy thuộc vào việc xuất cảng hàng sang Mỹ. Nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra và kéo dài, kinh tế Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn kinh tế Mỹ. Có lẽ đó là lý do khiến ông Donald Trump yên tâm khi lên tiếng đe dọa "tấn công" vào 30 tỷ USD hàng hóa mua của Trung Quốc. Nhiều hy vọng là Tập Cận Bình sẽ nhượng bộ. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 20/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 1077 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)