Qua vụ việc cựu tù nhân lương tâm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cùng người cộng sự bị bắt giữ hơn hai năm mới được đưa ra xét xử sơ thẩm, một lần nữa dư luận trong và ngoài nước lên tiếng quan ngại tình trạng Chính quyền Việt Nam mạnh tay bắt bớ cũng như gia tăng thời hạn giam giữ đối với các nhà bất đồng chính kiến.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (bìa phải) và cô Lê Thu Hà (bìa trái) được xét xử sơ thẩm, vào ngày 05/04/18 sau hơn 2 năm bị bắt giữ. Courtesy : ishr.ch
Bắt giữ và giam giữ tùy tiện
Các tổ chức nhân quyền thế giới nhiều lần lên tiếng kêu gọi Chính quyền Việt Nam trả tự do cho cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài cùng người cộng sự là cô Lê Thu Hà, sau khi họ bị bắt giữ hồi ngày 16 tháng 12 năm 2015, với cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Chính phủ Hà Nội không hề đáp lại những kêu gọi của thế giới như thế, mà ngược lại sang tháng 7 cho đến tháng 10 năm 2017, 7 thành viên trong Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập, cũng bị bắt giữ. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, vào hạ tuần tháng 8 năm 2017, ra quyết định khởi tố vụ án đối với nhóm của Luật sư Nguyễn Văn Đài theo Điều 79 "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Vào ngày 20 tháng 3 năm 2018, Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ra thông báo sẽ tiến hành xét xử vụ án hình sự đối với 6 bị can nhóm Luật sư Nguyễn Văn Đài trong ngày 5 tháng 4 tới đây. Sáu người được đưa ra xét xử bao gồm Luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà và bốn cựu tù nhân lương tâm Kỹ sư Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển và Ký giả Trương Minh Đức.
Đài RFA liên lạc được với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của Ký giả Trương Minh Đức và được nghe bà Thanh thuật lại lời căn dặn của chồng liên quan phiên tòa sắp tới, trong lần thăm gặp vào ngày 9 tháng 3 :
"Bây giờ chỉ yêu cầu luật sư bằng mọi giá giúp anh ấy bào chữa cho anh là một người vô tội. Anh ấy chỉ giúp những người lao động bị chủ ép bất công, hoặc đòi quyền con người, giúp cho các ngư dân về vấn đề Formosa. Những công việc anh ấy làm phù hợp với Hiến pháp, chứ không hề sai trái gì. Anh ấy cũng là những người đấu tranh ôn hòa, bất bạo động. Anh ấy cũng chỉ mong được tự do, dân chủ, nhân quyền cho đất nước Việt Nam thôi".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận còn 3 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ bị bắt trong cùng vụ án, nhưng chưa được đưa ra xét xử gồm có hai cựu tù nhân nhân lương tâm Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Túc và cô Trần Thị Xuân. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm nói với RFA vẫn chưa có thông tin nào liên quan đến 3 người vừa nêu vì sao họ không được đưa ra xét xử. Ông Phạm Bá Hải còn nhấn mạnh nhà cầm quyền Việt Nam trong vài năm trở lại đây gia tăng bắt bớ và giam cầm một cách tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam :
"Nhà nước Việt Nam không cho không gian những nhà hoạt động và họ bắt rất nhiều. Riêng năm 2017 có ít nhất 43 nhà hoạt động đã bị bắt. Và điều đáng lưu ý, 43 người này đều là các cựu tù nhân lương tâm. Cho nên phải nói rằng là phong trào đấu tranh nhân quyền-dân chủ tại Việt Nam bị thiệt hại rất lớn trong năm 2017. Bên cạnh đó, người ta còn thấy rằng thỉnh thoảng truyền thông báo chí nhà nước loan tin những vụ việc đưa ra xét xử và trường hợp của các nhóm hay những nhà hoạt động thầm lặng, mà anh em đấu tranh dân chủ không hề biết, thành ra phải nói rằng có nhiều trường hợp đã bị bắt và giam giữ lâu, có thể là 1, 2 năm nhưng không hề được biết. Chỉ đến khi nào họ đưa ra tòa thì chúng tôi trong nước mới biết được. Thành ra không thể khẳng định số lượng đó là ai, như thế nào và bao nhiêu".
Ông Phạm Bá Hải đề cập đến trường hợp của hai nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Nguyễn Văn Đức Độ, bị bắt hồi đầu tháng 6 năm 2016 về tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", theo Điều 79 và tuy là gia đình được thông báo hồ sơ vụ án đã được Viện Kiểm Sát chuyển qua cho tòa án, nhưng vẫn không có tin tức gì khi nào sẽ xét xử.
Cơ quan Điều tra Việt Nam vi phạm luật
Trao đổi với RFA, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định cho biết theo Luật Tố tụng Hình sự của Việt Nam, thì Cơ quan Điều tra đã vi phạm luật đối với các trường hợp gia hạn tạm giam dài hạn mà không tiến hành xét xử. Luật sư Lê Công Định phân tích theo luật định :
"Thường một cái lệnh tạm giam có thể là 2 tháng, 3 tháng, tối đa là 4 tháng. Chỉ có thể gia hạn một lệnh tạm giam tối đa 3 lần. Giả sử trong trường hợp của anh Đài, theo tôi hiểu lệnh tạm giam đầu tiên của anh Đài là 4 tháng và nó đã được gia hạn 3 lần, có nghĩa mỗi lần 4 tháng nữa, thì tổng cộng 16 tháng tối đa theo luật định. Như vậy, quá 16 tháng mà không xét xử thì buộc phải giải quyết trả tự do tạm thời, có thể anh Đài được tại ngoại hầu tra".
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng các trường hợp bị gia hạn thời gian giam giữ lâu, vượt quá thời hạn tối đa theo luật định mà không được xét xử thì đương sự có thể khiếu nại hay không ? Luật sư Lê Công Định trình bày :
"Xét về phương diện pháp lý thì mọi công dân đều có quyền khiếu nại và thậm chí kiện những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, chúng ta biết liên quan đến các vụ án chính trị, dù cho mình có khiếu nại hay kiện đi nữa thì cơ quan thụ lý cũng sẽ không giải quyết. Bởi vì nói thật là tất cả đều trong phạm vi kiểm soát của Cơ quan An ninh hết. Do đó, không có một tòa án độc lập nào để xét xử các yêu cầu hoặc khiếu nại nào của mình cả. Việt Nam có tình trạng như vậy".
Áp lực của quốc tế
Bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ sẽ ra tòa sơ thẩm trong ngày 05/04/18. Photo RFA
Chúng tôi nêu vấn đề với Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, ông Brad Adams để tìm hiểu vì sao Chính quyền Hà Nội lại để cho Cơ quan Điều tra vi phạm Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, theo như phân tích của Luật sư Lê Công Định và được ông lý giải :
"Tôi nghĩ các trường hợp không được đưa ra xét xử vì không có chứng cứ để buộc tội họ. Chúng ta ghi nhận ngày càng có nhiều người bị bắt giam trong thời gian dài bởi vì Chính phủ Việt Nam không biết kết án những người này trước công luận như thế nào mà không bị chỉ trích, và do đó hiện tại có nhiều người bị gia hạn thêm thời gian giam giữ đến 1, 2 năm và điều này không theo quy chuẩn của thế giới".
Ông Brad Adams cũng nêu lên trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài được đưa ra xét xử có thể ít nhiều liên quan đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam trong xu hướng muốn mở rộng hợp tác về kinh tế và thương mại với thế giới, thì cần phải cân đối với việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam để đổi lấy những ích lợi trong các mối quan hệ, hợp tác đó vì chính phủ của các nước sẽ luôn ràng buộc yếu tố nhân quyền trong những thỏa thuận ký kết. Giám đốc đặc trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhấn mạnh rằng Human Rights Watch sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ của các quốc gia trên thế giới để gây áp lực đối với Hà Nội cần chấm dứt tình trạng bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói đối lập.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát tình hình Việt Nam từ trong nước nói rằng tình tạng những nhà bất đồng chính kiến bị bắt luôn xảy ra hàng năm. Mặc dù không ai tiên liệu được việc bắt bớ như thế ở Việt Nam sẽ tăng hay giảm trong tương lai, nhưng hầu như các nhà quan sát tình hình Việt nam, mà RFA tiếp xúc, đều đồng ý với cựu tù nhân lương tâm-Lê Công Định"Tôi tin rằng với tình hình rối ren của xã hội, chắc là tiếp tục theo xu hướng tăng chứ không thể giảm được".
Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/03/2018