Ngày 9 tháng 3 năm 2018 Ban bí thư trung ương đảng cộng sản Việt Nam họp dưới sự chủ trì của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về vụ mua bán giữa Mobifone và AVG. Trước đó 1 ngày, Ban bí thư đã chỉ đạo chính phủ phải có kết luận thanh tra về vụ việc này với tinh thần làm rõ vụ việc và thu hồi tài sản cho nhà nước.
Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ
AVG là một hãng truyền hình tư nhân do ông Phạm Nhật Vũ làm chủ, ông Vũ là em trai của tỉ phú đô la Phạm Nhât Vượng. AVG đã được bán cho Mobifone với giá 8.900 tỷ Việt nam đồng tương đương gần 400 triệu USD vào hồi tháng 1 năm 2016.
Vụ mua bán này lập tức gây chấn động dư luận và ngay tức khắc dư luận đồn đại có liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng, con gái của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sự đồn đại kéo dài càng khiến cho vụ mua bán Mobifone thêm phần hấp dẫn dư luận, nhiều bài viết dài kỳ của một nhân vật tên là Nguyễn Văn Tung đã được đưa lên mạng xã hội về vấn đề này. Trong bài viết của mình Nguyễn Văn Tung đưa ra tình huống Mobifone sẽ cổ phần hoá, công ty tư vấn của Nguyễn Thanh Phượng có tên viết tắt là VCSC được trúng thầu tư vấn cổ phần hoá Mobifone. Từ tình huống giả thiết mà Nguyễn Văn Tung đưa ra, tin đồn tam sao thất bản thành VCSC là công ty tư vấn vụ mua bán AVG sau này, cho đến tận bây giờ dư luận vẫn còn bị cuốn theo giả thiết của một số nhà bình luận cho rằng vụ Mobifone mục đích nhằm đến Nguyễn Thanh Phượng.
Sự thật thì công ty tư vấn, định giá cho Mobifone mua AVG có tên viết tắt là VCBS. Trong kết luận thanh tra chính phủ ngày 13 tháng 3 năm 2018 vừa qua, có đoạn chỉ dạo Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc Mobifone thu hồi, tức đòi lại tiền tư vấn của 2 công ty tư bấn là VCBS và AMAX với số tiền là 1, 5 tỷ đồng.
Điều này cho thấy công ty tư vấn không bị quy kết xử lý gì về mặt hình sự, và số tiền họ được nhận trong vụ mua bán 8.900 tỷ này là quá nhỏ bé, không đáng là bao. Nhưng tin đồn của dư luận về vụ Mobifone có liên quan đến Nguyễn Thanh Phượng đã làm dư luận nổi sóng liên tục mấy năm. Bỗng nhiên thành sức ép phải tìm cách giải quyết.
Cuối cùng Ban bí thư và Nguyễn Phú Trọng quyết định ra tay kết thúc vụ việc gây ầm ĩ dư luận bấy lâi này, hãy nên nhớ trong chỉ thị của Ban bí thư không hề có từ đại án, vụ án mà họ gọi đây là vụ việc quan tâm dư luận. Nguyễn Phú Trọng khi đã xem xét kỹ không có đối thủ nào thuộc diện ông ta cần tiêu diệt nằm trong vụ mua bán Mobifone, bởi thế Trọng đã chỉ đạo Ban bí thư chỉ cần gây áp lực thu hồi tiền về và chấm dứt những ầm ĩ xung quanh sao có lợi cho uy tín của ông ta và đám đệ tử ở Ban bí thư. Anh em nhà Vượng Vũ trong hai năm này liên tục tìm đến Nguyễn Phú Trọng và đám đệ tử của Trọng để cầu cạnh sự bình an cho mình.
Nhưng Nguyễn Xuân Phúc không dễ dàng gì đứng ngoài vụ việc ầm ĩ về tiền và tiếng này. Ban bí thư cùng với Mobifone và anh em nhà Phạm Nhật Vượng, Phạm Nhật Vũ lợi dụng Phúc đi Úc để thỏa thuận giàn xếp vụ việc mua bán AVG khá ổn thỏa bằng cách anh em Vượng, Vũ trả lại tiền với lý do vụ mua bán chưa hoàn tất, đồng thời bồi thường thêm khoản thiệt hại lãi suất. Việc hủy hợp đồng này đã được tham vấn qua luật sư, có sự chứng kiến của luật sư và đã nhanh chóng hoàn tất.
Phúc phải thể hiện với dư luận vai trò thủ tướng không phải bù nhìn của mình như dư luận nghĩ, nhất là trong thời điểm này cuộc chay đua ở nhiệm kỳ kế tiếp đã vào cuộc, Phúc không thể để mình lép vế. Phúc cũng nhân thể vụ việc này để ép chết vài kẻ nằm trong Mobifone và bộ thông tin truyền thông cho cả Ban bí thư lẫn Trọng, Phúc được mát mặt thể hiện.
Vụ việc Mobifone không có chứng cứ nào dẫn đến Nguyễn Thanh Phượng như Trương Tấn Sang từng nghĩ, chính Sang là người khởi động nhắm vào Mobifone vì nghĩ Nguyễn Thanh Phượng có dính líu tới Mobifone. Sự phát động nhằm vào Mobifone của Tư Sang tạo cơ hội cho đám Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hòa Bình trong 2 năm qua đã gặt hái bao nhiêu tiền bạc của anh em nhà Phạm Nhật Vượng, đến bây giờ có thể nói anh em nhà Vượng Vũ đã được tách ra khỏi vụ việc.
Nhóm Trong, Phúc và Trương Hòa Bình sẽ thống nhất với nhau để lôi vài quan chức trong Mobifone và Bộ thông tin truyền thông ra kỷ luật để được lòng dư luận, đồng thời cũng che mắt được dư luận việc trong 2 năm qua, nhóm này đã nhận bao nhiêu tiền bạc của anh em nhà Vượng, Vũ. Môt điều đáng chú ý là cùng với việc đốt lò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, số lượng kim cương loại lớn giá trị hàng triệu USD được nhập về Việt Nam đột ngột tăng. Những viên kim cương này được thay thế cho tiền, vàng, USD trong việc hối lộ. Chúng dễ cất giấu và dễ bán khi cần.
Các quan chức cộng sản loại trung bây giờ một cổ hai tròng, một tròng bên Đảng do Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng không có ăn là dùng ủy ban kiểm tra trung ương làm thịt. Một tròng là bên chính phủ do cặp Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình dùng thanh tra chính phủ để làm thịt.
Vụ Mobifone là một vụ đẹp nhất mà hai nhóm đảng và chính phủ gặt hái được, về danh nghĩa họ đã thu được số tiền mua AVG về lại cho nhà nước, sẽ kỷ luật vài cán bộ để lấy niềm tin dư luận và họ đã được hàng chục triệu USD tiền hối lộ của anh em nhà Vượng, Vũ bỏ ra mua tấm vé yên thân.
Tới đây những kẻ bồi bút sẽ hân hoan ca ngợi đảng và chính phủ nghiêm minh khi đưa một số quan chức như Lê Nam Trà, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn... ra kỷ luật, thu tiền về cho nhà nước. Chẳng mấy ai biết đằng sau đó là một âm mưu thanh trừng nhưng nhầm đối tượng, được chuyển thành một vụ tống tiền anh em nhà Vượng, Vũ thu về túi cá nhân ủy viên bộ chính trị hàng triệu USD. Để dọn đường tâm lý dư luận và tăng thêm về huyền bí hấp dẫn, những bồi bút của Trọng, Phúc, Vượng, Trương Hòa Bình bắt đầu dạm gọi tên những vật tế thần trong vụ Mobifone.
Nếu một trong những kẻ đó là đương kim bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì hẳn là một điều đáng mừng cho giới yêu tự do, ngôn luận. Trong hai năm làm bộ trưởng bộ thông tin truyền thông, Trương Minh Tuấn đã hăm dọa và trừng phạt, tước thẻ nhiều nhà báo. Cũng như y đã ráo riết bắt ép các công ty như google, Facebook phải thực hiện những yêu cầu đàn áp tự do ngôn luận. Không có sự công bằng của pháp luât nào trong các vụ việc này, nó cũng như các vụ đại án khác, chỉ đạo của các ông trùm trong bộ chính trị chính là pháp luật.
Không cần trình tự khoa học của pháp lý, không cần đúng luật pháp. Những ông trùm trong đảng cộng sản muốn lôi kẻ nào ra trị tội thì kẻ ấy có tôi. Những kẻ có tội khác được dư luận phanh phui lại nhởn nhơ cười vào mặt dư luận như bí thư Thanh Hoá, Yên Bái..chủ tịch Đà Nẵng, trong khi những quan chức đầu tỉnh héo hút nào đó bị mang ra kỷ luật vì những tội chỉ bằng móng tay so với các quan chức khác. Cuộc cướp bóc lẫn nhau giữa những người cộng sản đang diễn ra khốc liệt hơn bao giờ hết, những kẻ chưa bị đụng tới hãy tìm cách thoát thân cho mình không chỉ bằng việc hối lộ, thần phục các lãnh đạo cấp cao, mà tốt nhất là hãy tìm cho mình những quốc gia nào đáng sống để dự phòng, đó là cách tốt nhât đối với những con sâu mọt yếu thế trước những con sâu mọt bự.
Mọi chuyện chưa biết sẽ ra sao, khi bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có một văn bản mấy chục trang với tiêu đề "Những sai phạm của Thanh tra chính phủ". Trong văn bản này bộ trưởng Tuấn chỉ rõ thanh tra chính phủ yếu kém, vận dụng luật tùy tiện, thiếu kiến thức về chuyên môn, hành xử cưỡng ép... và cuối cùng bộ thông tin truyền thông đe dọa sẽ đưa những sai trái của thanh tra chính phủ ra thường vụ quốc hội để khiếu nại.
Hiện nay Nguyễn Xuân Phúc dang dùng công an để thực hiện kế hoạch mọi sự đã rồi, đó là kiếm cớ bắt giam một số đối tượng trong vụ Mobifone, một hành động thường thấy ở nhóm Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoa Bình, đó là bắt giam và kết tội, không cho đối tượng co hội thanh minh hay vận động nhờ ai trong bộ chính trị can thiệp.
Khó hiểu nhất lúc này là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã chỉ đạo Ban bí thư làm rõ vụ Mobifone.
Phúc và Trọng đang có những toan tính riêng của mình, bởi thế vụ Mobifone sẽ rất khó lường.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 24/03/2018
***********************
Cựu chủ tịch MobiFone ‘lo sợ’ sau kết luận thanh tra MobiFone mua AVG (Người Việt, 23/03/2018)
Sáng 23 tháng Ba, Thanh tra chính phủ cộng sản Việt Nam công bố toàn văn kết luận thanh tra thương vụ tổng công ty quốc doanh MobiFone mua 95% cổ phần công ty truyền hình cáp trả tiền AVG.
Ông Lê Nam Trà. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Thanh Niên, ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội Đồng Thành Viên MobiFone, được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Theo báo Tuổi Trẻ, Thanh tra chính phủ cộng sản Việt Nam "đánh giá đây là vụ việc kinh tế rất nghiêm trọng và kiến nghị thủ tướng giao Cơ Quan Điều Tra-Bộ Công An tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu thanh tra dự án MobiFone mua AVG để xem xét khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật".
Báo này tường thuật, thủ tướng cộng sản Việt Nam "đồng ý với kết luận thanh tra", Bộ Thông tin và truyền thông "sẽ nghiêm túc triển khai kết luận", trong lúc ông Lê Nam Trà nói "MobiFone mua AVG theo đúng chức năng nhiệm vụ".
Ông Trà cũng nói : "Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế, thực hiện theo phê duyệt về chiến lược của MobiFone đã được Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt. Chúng tôi mong muốn được xem xét kỹ về nguyên nhân và bối cảnh thực hiện việc đó".
Ông Trà lộ rõ vẻ mệt mỏi, xuống sắc trong những hình ảnh được truyền thông Việt Nam đăng tải.
Theo VOV – báo điện tử của Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông Trà "mong muốn tiếp tục được gửi văn bản giải trình liên quan đến một số nội dung kết luận thanh tra nhằm làm rõ bản chất của sự việc". MobiFone được ghi nhận sẽ giải trình về các vấn đề liên quan đến hãng này : Không báo cáo trung thực về tình hình tài chính của AVG ; nguy cơ thiệt hại 7,006 tỷ đồng (hơn $307.1 triệu) ; hai khoản đầu tư ngoài ngành, gây hậu quả nghiêm trọng trong điều hành sản xuất kinh doanh trong năm 2016.
Hồi tháng Sáu, 2017, khi có tin ông Trà bị Bộ Thông tin và truyền thông cho thôi chức chủ tịch MobiFone, điều chuyển về công tác tại văn phòng bộ này, công luận đã dự báo vụ MobiFone mua AVG sắp bị lôi ra ánh sáng, nhưng vấn đề là "cái lò của ông Trọng" sẽ tiếp nhận "củi" đến cấp độ nào trong vụ này ?
Thời điểm ông Trà bị mất chức, chuyên trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam – VietnamFinance – của Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) viết : "Trong thời gian không quá dài làm lãnh đạo MobiFone, ông Lê Nam Trà đã kịp để lại ‘di sản lớn’ cho MobiFone mang tên AVG". "Di sản lớn" ấy trị giá tới 8,889 tỷ đồng ($389.7 triệu), chiếm hơn 1/3 tổng tài sản của MobiFone và hơn 1/2 vốn chủ sở hữu của tổng công ty này.
Thương vụ MobiFone thâu tóm AVG từng được coi là thương vụ bí ẩn bởi kể từ khi hoàn tất giao dịch hồi đầu năm 2016, giá trị thương vụ này hoàn toàn không được công bố dù vấp phải rất nhiều yêu cầu minh bạch, công khai từ phía dư luận. Phải đến tháng Mười Một, 2016, khi MobiFone công bố báo cáo tài chính sáu tháng đầu năm 2016, mức giá 8,889 tỷ đồng mới được hé lộ. So sánh đơn giản có thể thấy, riêng trong năm 2016, MobiFone đã bị hụt đi số lợi nhuận lên đến vài trăm tỷ đồng khi chi tiền thâu tóm AVG thay vì gửi tiền tại ngân hàng.
Trên mạng xã hội, có suy đoán về những vụ mặc cả, dàn xếp của gia đình Phạm Nhật Vượng, Phạm Nhật Vũ (chủ của AVG) diễn ra trong thời những tháng qua vì Thanh tra chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua AVG từ hồi năm 2016 nhưng trì hoãn việc công bố kết quả đến nay.
Đáng lưu ý, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Thông tin và truyền thông, người đang là tâm điểm của báo giới trong vụ này, không hiện diện tại sự kiện công bố toàn văn kết luận thanh tra thương vụ nêu trên mà chỉ cử cấp phó, Thứ Trưởng Phạm Hồng Hải tham dự. (T.K.)