Chính thể độc đảng ở Việt Nam đang chìm trong một nỗi nhục vô bờ bến cùng nguy cơ nguồn ngoại tệ màu mỡ biến khỏi tầm tay ngân sách khi vừa phải "giương cờ trắng" lần thứ 2 tại Bãi Tư Chính.
Dự án Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính. Ảnh : F319.com
Ngày 23/3/2018, cây bút Bill Hayton của BBC News là nguồn tin đầu tiên phát ra tin tức "Việt Nam ‘bỏ dự án Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông" mà giới chóp bu Việt Nam dĩ nhiên hoàn toàn không muốn bị tiết lộ :
"Lần thứ hai chỉ trong vòng một năm, Việt Nam phải hủy bỏ một dự án dầu khí quan trọng ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, BBC được biết.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha, Repsol, ngưng một dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam, một nguồn đáng tin cậy trong ngành nói.
Điều này đồng nghĩa với việc Repsol và các đối tác có thể sẽ thiệt hại khoảng 200 triệu đô la đã đầu tư vào dự án".
"Dự án ở khu vực ngoài khơi phía đông nam" chính là mỏ dầu khí ‘Cá Rồng Đỏ" ở khu vực Bãi Tư Chính – nơi mà vào tháng Bảy năm 2017, cả PetroVietnam lẫn Repsol và chính quyền Việt Nam đều âm thầm "giương cờ trắng" lần đầu.
Biểu hiện đính kèm với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần 2 là rất tương đồng với "khủng hoảng Bãi Tư Chính" lần đầu : cũng là "tàu lạ" tấn công tàu ngư dân Việt Nam ở vùng biển Quảng Ngãi, Quảng Nam, cùng "người lạ" nhảy sang tàu Việt hành hung, phá phách và giết chóc.
Vụ "nhục quốc thể" xảy ra vào cuối tháng 7/2017 khi chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" và yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhung vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh "vòng kim cô" – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử "ngàn năm Bắc thuộc" lẫn và hiện tại "mười sáu chữ vàng".
Trong khi đó, một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính là một trong số ít tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng. Nếu không thể khai thác được mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ, chính quền Việt Nam sẽ không biết tìm đâu ra tiền để bù đắp cho khoản thiếu hụt ngân sách 60.000 tỷ đồng và ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.
Nhưng điều cay đắng mới nhất là sau cuộc viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ tại Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, bản lĩnh "dựa Mỹ khai thác dầu" của Hà Nội vẫn chẳng có gì cải thiện, để chỉ cần vài động tác đe dọa của Bắc Kinh là Việt Nam đã vội vàng "cuốn gói" ngay trên vùng biển của mình.
Sau vụ "giương cờ trắng" lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải "cầu viện" Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 – 12 tỷ USD/năm, và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 20 tỷ USD là con số rất đáng để giới lãnh đạo Việt Nam tỏ một chút can đảm "bám Mỹ" trước "đồng chí tốt" Trung Quốc.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải. Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Trong khi đó, những thước phim lịch sử "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ" vẫn được nhăn nhở chiếu lại. Từ nhiều năm qua, đã không có bất cứ trường hợp ngư dân Việt nào bị tàu Trung Quốc bắn giết được Bộ Quốc phòng Việt Nam công bố kết quả điều tra, bất chấp cơ quan bộ này hàng năm chi xài đến 5 tỷ USD tiền do dân phải è cổ đóng thuế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 24/03/2018
*********************
Việt Nam trước thông tin ngưng dự án khai thác dầu khí do áp lực Trung Quốc (Cali Today, 24/03/2018)
Việt Nam một lần nữa có nguồn thông tin là phải ngưng một dự án khai thác dầu khí quan trọng ngoài khơi Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc, động thái này cho thấy Việt Nam đang bị uy hiếp rất lớn từ Trung Quốc bất chấp việc thời gian gần đây Việt Nam luôn kêu gọi các cường quốc trên thế giới tham gia gìn giữ hòa bình Biển Đông…
Ảnh minh họa - RFI
Đây là thông tin lược trích từ bài viết của nhà báo Bill Hayton được BBC News đăng tải. Theo thông tin, khoảng mấy ngày gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) buộc phải yêu cầu hãng năng lượng của Tây Ban Nha là Repsol ngưng đặt giàn khoan Ensco 8504 tại Lô 07/03 mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, nằm phía đông nam Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Ensco 8504 cũng là nơi giữa Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí ga.
Đây là thứ hai, Việt Nam phải ngưng một dự án khai thác dầu khí tại vùng biển đang bị tranh chấp trước áp lực Trung Quốc. Lần thứ nhất là vào tháng 7/2017, tại Lô 136/03 mỏ Cá Kiếm Xanh, hãng năng lượng Repsol cũng bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan dò, có nguồn thông tin nói là Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa bằng vũ lực quân sự nên phải rút lui. Một số trang truyền thông có lập trường đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngay sau đó thông tin phản hồi không có chuyện Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa quân sự nên phải yêu cầu hãng năng lượng Repsol ngưng hoạt động khoan dò tại Lô 136/03 mà do hãng năng lượng này đã hoàn thành việc thăm dò, đo đạc và thu thập dữ liệu đã đủ nên rút lui.
Trả lời câu hỏi của báo chí trước thông tin Trung Quốc đe dọa quân sự buộc Việt Nam rút lui dự án khoan dò dầu khí tại Lô 136/03, người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN bà Lê Thị Thu Hằng vào ngày 27/08/2017 đã khẳng định :
"Tất cả hoạt động dầu khí liên quan của Việt Nam được tiến hành trong khu vực biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982″.
"Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của Việt Nam, đóng góp tích cực và thiết thực cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông"
Lô 136/03 chính là Lô gần với Lô 07/03, hiện tại chưa thấy Việt Nam có sự phản hồi nào về thông tin xảy ra tại Lô 07/03. Nếu đây là một sự thật thì cho thấy rõ ràng là Việt Nam đang bị Trung Quốc uy hiếp rất lớn về quyền quản lý những thực thể mà Việt Nam đang giữ ngoài khơi xa.
Tranh chấp, căng thẳng lãnh hải trên Biển Đông với sự bá quyền độc chiếm của Trung Quốc. Đường lãnh hải "Lưỡi bò 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ trên bản đồ Biển Đông biểu hiện dã tâm độc chiếm hơn 2/3 diện tích thực của Biển Đông. Tuy nhiên, không phải Việt Nam mà chính Philippines vào tháng 01/2013, đã kiện tính pháp lý đường "Lưỡi bò 9 đoạn" ra Tòa trọng tài quốc tế. Bất chấp phía Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa này nhưng Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 phán quyết Trung Quốc thua kiện đồng nghĩa với việc đường "Lưỡi bò 9 đoạn" không thể hiện tính pháp lý lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều quốc gia có đường lãnh hải tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông trong đó có Việt Nam về mặt chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình trước mộng bá quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đang cho thấy họ không e ngại gì phán quyết quốc tế, đẩy mạnh quân sự hóa, làm phức tạp tình hình Biển Đông. Sự bá quyền này, cũng có lý do vì hầu hết các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc tại Biển Đông bao gồm tất cả các nước trong khối ASEAN có tiềm lực quân sự quá chênh lệch với gã "khổng lồ Châu Á" Trung Quốc.
Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông, đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, Việt Nam luôn kêu gọi quốc tế hóa cùng tham gia gìn giữ hòa bình và ổn định Biển Đông.
Ngày 05/03/2018 vửa qua, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) trong mục đích bảo vệ tự do hàng hải quốc tế. tháng 11/2017, trong chuyến công du các nước Châu Á, Tổng thống Hoa Kỳ ông Donald Trump đem thông điệp từ Nhà Trắng tái khẳng định mối quan hệ đồng minh với các nước Ấn Đô- Thái Bình Dương. Dù thế giới ngày nay có nhiều cường quốc kinh tế và quân sự nhưng chắc hẳn một điều mà Việt Nam và nhiều quốc gia đều biết là trong tình hình hiện tại chỉ có Hoa Kỳ mới đủ sức kìm hãm mộng bá quyền đầy hung hăng của Trung Quốc.
Tranh chấp, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông truyền thông nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thận trọng hoặc hạn chế đưa tin nhưng lại là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam.
Năm 2011, sự kiện tàu Bình Minh 02 bị các tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò đánh dấu sự gây hấn, xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Đáp lại sự kiện này, người dân Việt Nam đặc biệt là tại Hà Nội đã tạo một "mùa hè đỏ lửa" có hơn 10 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc vào các ngày chủ nhật hằng tuần.
Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 tiến sâu vào lãnh hải Việt Nam để thăm dò dầu khí, đắm chìn tàu ngư dân Việt Nam, bắn hỏng tàu cảnh sát biển Việt Nam. Người dân Việt Nam từ Nam ra Bắc, liên kết với cộng đồng người Việt ở hải ngoại rầm rộ biểu tình.
Ngoài ra, rất nhiều vụ Trung Quốc tấn công và bắt giữ ngư dân Việt Nam, cho tàu cá ồ ạt tập trung đánh bắt ở Biển Đông, ngang nhiên đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ tháng 05 đến tháng 08 hằng năm.
Quê Hương