Ẩn số trên là rất quan trọng, thậm chí quan trọng đến mức then chốt trong phương trình "Mobifone mua AVG".
Bà Nguyễn Thanh Phượng - Ảnh minh họa
Theo bản kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra Chính phủ – được công bố vào chiều 14/3/2018, mặc dù sai phạm đã được quy khá rõ về Công ty Mobifone, AVG và các bộ ngành như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng chính phủ, nhưng đối với 4 công ty tư vấn định giá AVG thì việc quy trách nhiệm cho một cái tên cụ thể nào đó vẫn hoàn toàn mơ hồ.
Nói cách khác, trong kết luận thanh tra trên đã không hiện diện cái tên Nguyễn Thanh Phượng – con gái ruột cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà theo đánh giá của dư luận chính là một "cá lớn".
Có 4 đơn vị tư vấn thẩm định giá "thương vụ mafia" AVG là Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng ; Hà Nội Valu thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Công ty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng.
Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.
Một luồng thông tin cho biết trong khi AASC và VCBS đều là những thương hiệu lớn, thì Hanoi Value và AMAX đều là công ty rất nhỏ, vốn điều lệ của Hanoi Value chỉ là 1 tỷ đồng và của AMAX chỉ là 3,8 tỷ đồng. Với khả năng tài chính như vậy, việc Hanoi Value và AMAX được tham gia tư vấn cho một dự án lớn tính bằng trăm triệu đô đến tỷ đô như vậy là "quá kì lạ".
Luồng thông tin trên cũng cho biết chỉ một năm sau khi thương vụ thẩm định giá trên hoàn thành, Hanoi Value đã chuyển thành công ty mỹ viện, chuyên chăm sóc sắc đẹp. Còn AMAX vẫn là một công ty nhỏ với vốn điều lệ giữ nguyên 3,8 tỷ và gần như không có gì nổi bật sau khi được nhận một thương vụ rất lớn như thế. Người đại diện pháp lý và là Tổng giám đốc là Võ Văn Mạnh, một Thạc sỹ giảng dạy tại Fulbright.
Ngay sau khi kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra Chính phủ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ để chuyển sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, một hiện tượng đáng chú ý là một số tờ báo nhà nước đã xoáy vào trách nhiệm của công ty tư vấn thẩm định giá vụ AVG, đặc biệt đặt dấu hỏi "AMAX là công ty nào ?", trong khi dường như bỏ quên vai trò của các công ty tư vấn lớn hơn nhiều là AASC và VCBS.
Bà Nguyễn Thanh Phượng và ông Lê Nam Trà. Ảnh ghép : Phạm Viết Đào blog
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, MobiFone lựa chọn AMAX chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong 3 đơn vị tư vấn. Việc làm này không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Đáng chú ý, AMAX đã sử dụng số liệu đầu vào bất hợp pháp, không có cơ sở để tính "giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán…" nhưng MobiFone đã nghiệm thu kết quả thẩm định giá ; nhận xét, đánh giá kết quả thẩm định giá của AMAX "tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…".
Vì sao lại là AMAX mà không phải những công ty tư vấn khác ?
Một luồng dư luận cho rằng "Manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phẩn nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả… Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng". Luồng dư luận này cũng yêu cầu Bộ Công an khởi tố điều tra vụ "Mobifone mua AVG" càng sớm càng tốt.
Nhưng lại dường như đang có một sức ì nào đó nằm trong Bộ Công an, hoặc trong một bộ phận của cơ quan đang bị bê bối bởi hàng loạt vụ Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa phụ trách "Cục đánh bạc công nghệ cao", sai phạm trong vụ "Mobifone mua AVG"… Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh văn phòng Bộ Công an – trả lời sự sốt ruột của báo chí, chỉ nói "Thanh tra Chính phủ có kiến nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an nhưng việc chuyển phải có quy trình".
Thiếu tướng Lương Tam Quang cũng là nhân vật đã trở nên nổi tiếng với phát ngôn "Bộ Công an chưa có thông tin gì" trong vụ Phan Văn Anh Vũ và Trung tướng Phan Văn Vĩnh, dù rằng sau đó Vũ đã bị bắt, còn "anh hùng lực lượng vũ trang" Phan Văn Vĩnh đang bị Công an Phú Thọ triệu tập liên quan vụ án "đánh bạc công nghệ cao".
Nhiều người dang lo ngại là tính "quy trình" mà ông Lương Tam Quang nêu ra liệu có đi theo vệt mòn cố ý trì hoãn công bố kết luận thanh tra đến hơn một năm trời của Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh – người vừa nghỉ hưu vào đầu năm 2018 nhưng đang bị đồn đoán sẽ trở thành "củi" trong "lò".
Tiến độ bàn giao hồ sơ vụ "Mobifone mua AVG" giữa Thanh tra chính phủ và Bộ Công an dự kiến sẽ diễn ra trong tuần cuối của tháng Ba năm 2018. Nếu tiến độ này được giữ nguyên mà không gặp phải sức cản nào đủ lớn, có khả năng Bộ Công an sẽ ra quyết định khởi tố vụ án "Mobifone mua AVG" vào giữa tháng 4/2018, hoặc chậm thì đến cuối tháng đó.
Khi đó và cùng với kết quả điều tra mà Bộ Công an có thể được chỉ đạo phải thông tin rộng rãi, người ta sẽ biết Công ty tư vấn AMAX thực chất thuộc về ai, có liên quan đến bà Nguyễn Thanh Phượng hay không.
Trong thực tế, đã có một cơ sở để hy vọng về kết quả điều tra vụ "Mobifone mua AVG" không nhất thiết phải đóng dấu "MẬT" trước công luận : việc ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ công bố toàn văn bản kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" vào ngày 14/3/2018 được hiểu như một thông điệp bật đèn xanh để vừa phản ứng cơ chế "đi đêm" giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an khi đưa vụ "Mobifone mua AVG" vào danh mục độ "MẬT" của ngành công an, vừa tạo tiền lệ "thanh tra đến đâu công bố đến đó", để gây sức ép "công bố rộng rãi kết quả điều tra" đối với Bộ Công an.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 25/03/2018