"…Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người" đây là lời của cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cuối tại phiên xử sơ thẩm với cáo buộc tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc Tâp đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Dư luận và đặc biệt là giới đấu tranh dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam quan tâm đến lời nói này và đặt câu hỏi ông Thăng nói lời này trước Tòa có nội hàm gì ?…
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày 24/03/2018 xử vụ OceanBank - Ảnh : Tuoitre
Nguyên văn lời trình bày của ông Đinh La Thăng ở Tòa án Hà Nội tại phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 24/03/2018, được báo chí cộng sản Việt Nam ghi lại rằng ; "Bị cáo mong Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát xem xét, đánh giá một cách khách quan và thực tế tại thời điểm lịch sử đó, để có hướng xử lý công minh, khách quan, công bằng. Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người". Đây cũng là lời trình bày được Hội đồng xét xử cho phép ông Đinh La Thăng nói lời sau cuối trước khi Tòa tuyên bản án 18 năm tù giam và buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng cách sau đó vài ngày.
Mặc dù phiên xử luôn là bản tin thời sự "nóng" được báo đài cộng sản Việt Nam, báo đài quốc tế và báo đài - truyền thông tự do quan tâm từng ngày, một trong những sự quan tâm ấy có sự quan tâm đến những lời phát biểu của ông Đinh La Thăng tại tòa "…Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người", dư luận đã có những bàn luận đa chiều về lời nói này, có người cho rằng nó thể hiện như một lời tố cáo sự ngược đãi phạm nhân ở nhà tù cộng sản Việt Nam, nhà tù cộng sản Việt Nam người nào bị bắt vào không còn là thân phận của một con người và có người hả hê bởi tình cảnh của ông Thăng lúc còn đương chức, đương quyền thì có lắm kẻ dạ thưa, cung kính nay sa cơ thất thế thì ngược lại có lắm kẻ đối xử ông không ra gì, không đúng tình cảm của một con người chứ đừng nói đến một thời từng là đồng chí, đồng nghiệp.
Chia sẻ với Cali Today, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng cho rằng lời nói trên của ông Đinh La Thăng có hàm ý cầu xin tuy gián tiếp nhưng biểu thị rất rõ cách điều tra, tố tụng và xét xử không coi bị cáo là con người của tư pháp, hành pháp Việt Nam.
"Chỉ khi không coi bị cáo là "con người" thì bị cáo mới cầu xin như vậy. Ví dụ các vụ án oan sai hàng chục năm sau mới được giải oan và người bị kết án oan đã kể cho báo giới biết những đòn tra tấn của cán bộ điều tra với phương châm : "Đánh cho không có tội thành có tội, cho có tội thì phải chừa" đã cho ta thấy khi đã bị triệu tập vào đồn công an thì người bị triệu tập không còn là con người nữa".
Trước khi bị bắt giam và bị khởi tố, ông Đinh La Thăng vốn là Ủy viên Bộ chính trị cộng sản Việt Nam nên khó có chuyện ông bị nhân viên điều tra cộng sản Việt Nam bức cung, nhục hình trong quá trình lấy cung. Nhưng phải đứng trước tòa nghe phán xử, phải nói những lời như "muốn chết làm ma tự do chứ không phải ma tù" hoặc tiếng kêu ai oán "Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người" rồi buồn, rồi khóc, ít ai nghĩ rằng ông Thăng từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn, thậm chí với vị trí Ủy viên Bộ chính trị mới hôm qua là cấp trên của những người bắt ông, xử ông mà nay phải nói những câu này thì thật sự quá đau đớn.
"Chế độ độc tài nào cũng hành xử theo cây gậy của kẻ chuyên chế mặc dù chế độ đó cũng có luật pháp. Chỉ có chế độ dân chủ thì luật pháp mới tiến bộ và được thực thi công bằng, minh bạch. Chúng ta đang đấu tranh để xây dựng chế độ dân chủ, khi đó quan tòa mới tuyên theo khung luật và các bản án mới thực sự "tâm phục, khẩu phục" cho tất cả các đối tượng khi phải tụng đình".- Lời của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.
Con số 18 năm tù giam về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là bản án dành cho ông Thăng tại phiên xử sơ thẩm vụ án thứ hai liên quan đến việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào ngân hàng Oceanbank nhưng bị mất trắng vì sau đó ngân hàng này được Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Còn vụ án thứ nhất, ông Thăng cùng hơn 20 người khác bị cáo buộc tội "tham ô" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVN và Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC). Ở vụ án thứ nhất này, ông Thăng bị tuyên bản án 13 năm tù giam tại phiên xử sơ thẩm bắt đầu từ ngày 8/1/2018- 22/1/2018. Nếu không có phiên xử phúc thẩm hoặc phiên xử phúc thẩm không có gì thay đổi thì chung hình phạt của hai bản án dành cho ông Thăng là 30 năm tù giam (luật hình sự Việt Nam quy định hình phạt năm cộng dồn tối đa là 30 năm).
Mặc dù cả hai vụ án liên quan đến PVN chỉ mới diễn ra phiên xử sơ thẩm nhưng theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, không những hai vụ án này mà sắp tới đây các vụ án khác Chính quyền cộng sản Việt Nam sắp đưa ra xét xử dưới sự chỉ đạo của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho ta thấy hai điều : thứ nhất ; Ông Tổng bí thư Trọng đang nhằm tới 2 mục tiêu đó là Chống tham nhũng và Thanh trừng nội bộ. Ranh giới giữa hai mục tiêu này rất mờ nhạt khiến người quan sát không phân định được đâu là mục tiêu thực của ông Trọng. Người ta phải đặt câu hỏi ràng vụ làm thất thoát tài sản quốc gia của PVN và vụ đội giá mua AVG liên quan gì đến ông Đinh La Thăng khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn làm thủ tướng ? Nếu có vậy tại sao ngay lúc đó ông Trọng không phát động chiến dịch chống tham nhũng để đưa vụ làm thất thoát tiền bạc quốc gia tại PVN và vụ đội giá mua ở AVG ra ánh sáng ? Bởi vì càng phát hiện sớm thì cơ quan công an càng dễ điều tra và ông Thăng cũng không có cơ hội để làm thất thoát thêm vụ sau. Vì vậy, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng :
"Chỉ có một câu trả lời duy nhất có thể trả lời cho nghi vấn này rằng, đương thời ông Nguyễn Tấn Dũng đã cản trở ông Trọng. Tại sao cản trở ? Bởi vì ông Trọng không cùng cánh với ông Dũng, hai người không chung một nhóm lợi ích cả về chính trị và kinh tế. Cho nên ông Trọng phải tìm cách cho ông Dũng về "làm người tử tế" sau đó tiếp tục thanh trừng nhóm của ông cựu Thủ tướng Dũng mà ông Đinh La Thăng là người gần ông cựu Thủ tướng nhất".
Điều thứ hai mà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia sẻ là qua hai phiên xử sơ thẩm vụ án PVN liên quan đến bị cáo là cựu Ủy viên Bộ chính trị ông Đinh La Thăng ta thấy những cáo buộc của Viện kiểm sát khá mập mờ, các bằng chứng không rõ ràng và các lời khai của nhân chứng cũng vậy điều này các luật sư đã nêu ra ở trong các ngày xử án.
"Đặc biệt khi ông Đinh La Thăng khai việc góp vốn 800 tỷ đồng và ngân hàng Oceanbank có chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, báo chí nhà nước đăng tải công khai nhưng hôm sau tất cả đồng loạt gỡ xuống, đồng thời Hội đồng xét xử cũng bác bỏ lời khai này của ông Thăng thay vì yêu cầu cơ quan Công an điều tra vụ án triệu tập ông Dũng đến để mở rộng vụ án hoặc triệu tập ông Dũng ra tòa để đối chất. Có cảm giác như ông Trọng không muốn đẩy vụ án lên cao hơn, chỉ đến Thăng thì dừng".
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói chi tiết này khiến chúng ta nhớ lại vụ án ở Vinashin khi Dương Chí Dũng khai trước tòa có đưa hối lộ cho thứ trưởng Bộ công an Phạm Qúy Ngọ là 500.000 USD thì ít ngày sau ông Ngọ chết đột ngột. Vụ án Vinashin dừng lại ở Dương Chí Dũng thì vụ án PVN cũng chỉ dừng lại ở Đinh La Thăng.
Cùng chia sẻ với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, có không ít dư luận đồng nhận định rằng ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không dám mở rộng vụ án, đành để "lọt người" vì sợ chất vài "khúc củi" to quá sẽ "vỡ lò" giống như khi mới phát động chống tham nhũng ông Trọng cũng nói quan điểm "ném chuột đừng để vỡ bình", đây là lời ông Trọng nói trong một tiếp xúc cử tri tại Hà Nội trước kỳ họp Quốc hội cộng sản Việt Nam vào tháng 10/2014.
Quê Hương
Nguồn : CaliToday, 02/04/2018