Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2018

"Mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam" vẫn quá mập mờ !

Thiền Lâm

Ngay sau khi Thủ tướng Phúc chấp nhận đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải và Công ty tư vấn ADP-I của Pháp và chỉ đạo "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam" mà không có nội dung nào về lấy lại đất sân golf cho phi trường vào ngày 28/3/2018, dư luận xã hội một lần nữa phẫn nộ và phản ứng quyết liệt.

sanbay0

Cách chỉ đạo nước đôi và mập mờ đầy màu sắc mị dân cho thấy trong lòng ông Phúc vẫn chưa có gì được gọi là "liêm chính" trong việc xử lý khủng hoảng "sân golf trong sân bay". Ảnh : tintuchangngay.com

Cho dù quyết định trên cho thấy Thủ tướng Phúc đã bất chấp làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện về hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của "con tin phi trường Tân Sơn Nhất", một thực tế có thể đã xảy ra là ông Phúc đã phải tiếp nhận những chỉ trích từ chính trong nội bộ những "đồng chí" của ông, trong đó có những người không thích ông Phúc và cả những đối thủ chính trị chỉ lăm le "đánh chìm uy tín" của ông Phúc.

Rất có thể, nguồn cơn trên đã dẫn đến sự việc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 diễn ra vào ngày 2/4/2018, Thủ tướng Phúc phải "cải chính" khi phát ra một chỉ đạo khác hẳn : "tôn trọng ý kiến tư vấn độc lập, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của Ủy ban nhân dân TP.HCM. Việc mở rộng sẽ được tiến hành cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần thiết thì lấy đất sân golf để làm các công trình phục vụ cho phi trường".

Thế nhưng, chỉ đạo trên lại một lần nữa biến phi trường Tân Sơn Nhất, xã hội và người dân trở thành "con tin" của thói tính toán và âm mưu bất tận của các nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và phi trường Long Thành.

Một kiểu "câu giờ" chăng ? Kéo dài thời gian để trong lúc phi trường Tân Sơn Nhất chỉ còn đủ sức "cầm hơi" trước thảm cảnh kẹt cả dưới đất lẫn trên trời thì dự án phi trường Long Thành có đủ thời gian để hoàn thành và thay thế phi trường Tân Sơn Nhất ?

Nhưng đến lúc này mới là một phương trình quá nhiều ẩn số và quá khó để giải mã đối với những kẻ theo đuổi âm mưu "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam".

Bởi dự án phi trường Long Thành cũng không tránh khỏi nạn kẹt tiền khi không còn nguồn vốn ODA ưu đãi và cũng chưa có được nguồn đầu tư mới nào. Ngay con số 18 ngàn tỷ dồng dùng để giải tỏa bồi thường khu dân cư xung quanh dự án này mà Quốc hội Việt Nam đã phải họp đến hai lần trong năm 2017 mới quyết định được cắt từ ngân sách - tức tiền đóng thuế của dân - để chi dùng cho việc bồi thường dự án phi trường Long Thành, Thủ tướng Phúc và nhóm lợi ích giao thông sẽ tìm đâu ra số tiền lên đến 18 tỷ USD để xây dựng phi trường này ?

Trong khi đó, ông Phúc dường như đã cố tình nhắm mắt trước một giải pháp mà bất kỳ người dân nào cũng nhìn ra. Từ khi cuộc khủng hoảng "sân golf trong phi trường" bùng nổ từ giữa năm 2017, rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào. Vào năm 2017, chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.

Cách chỉ đạo nước đôi và mập mờ đầy màu sắc mị dân cho thấy trong lòng ông Phúc vẫn chưa có gì được gọi là "liêm chính" trong việc xử lý khủng hoảng "sân golf trong sân bay".

Nhưng đến tận lúc này khi phi trường Tân Sơn Nhất đã rơi vào thảm cảnh kẹt cứng, Thủ tướng Phúc vẫn đánh đố nhân dân với câu điều kiện "Việc mở rộng sẽ được tiến hành cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần thiết thì lấy đất sân golf để làm các công trình phục vụ cho sân bay".

Chẳng lẽ ông Phúc cho rằng đến lúc vẫn "chưa cần" ?

Cách chỉ đạo nước đôi và mập mờ đầy màu sắc mị dân trên cho thấy trong lòng ông Phúc vẫn chưa có gì được gọi là "liêm chính" trong việc xử lý khủng hoảng "sân golf trong phi trường".

Cần nhắc lại, lối chỉ đạo mập mờ như thế đã được Thủ tướng Phúc thể hiện trong quyết định gần đây nhất vào ngày 28/3/2018 về "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam", khi đã phát lộ ít nhất hai bất hợp lý - nghi vấn rất lớn liên đới trực tiếp đến quyết định cuối cùng trên :

Nghi vấn lớn nhất là vì sao ông Phúc lại chấp nhận 16 ha đất phi trường ở phía Nam do Bộ Quốc phòng "trả lại" để xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) - do Bộ Giao thông vận tải thuê, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất lại một lần nữa được giới chức chính phủ cho lủi thoát khỏi sự phẫn nộ đã gần như đã bùng nổ của dư luận xã hội, không những thế vẫn ung dung ngự trị đến tận năm 2025 ?

Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã chiếm dụng một diện tích 157 ha - gấp 10 lần con số 16 ha được "bồi thường" - nằm trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, chính là nguyên nhân chính khiến cho phi trường Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.

Nghi vấn thứ hai là trong nội dung quyết định cuối cùng của Thủ tướng Phúc về mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, phương án mở rộng phi trường về phía Nam đã chỉ đề cập đến việc xây nhà ga T3 trên diện tích 16 ha của Bộ Quốc phòng, nhưng lại không, hoặc dường như cố ý mập mờ về việc có giải tỏa các khu dân cư hay không, và nếu giải tỏa thì diện tích giải tỏa là bao nhiêu.

Trong những thông tin cung cấp cho báo chí, Bộ Giao thông vận tải cũng như cố tình giấu biệt phương án diện tích phải giải tỏa ở "phía Nam"…

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 03/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 717 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)