Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2018

Hợp nhất tổ chức quần chúng công : 'lỗi kỹ thuật' sài ngân sách vẫn tái diễn ?

Ánh Liên

Trong tháng qua, có hai sự kiện liên quan đến vấn đề ngân sách của Việt Nam.

vepr1

Mô hình quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh : VEPR (Vietnam Center for Economic and Policy Research)

Đầu tiên là một trong 4 phương án đổi mới mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội vào sáng ngày 06/04/2018, theo đó hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội thành các ban của Mặt trận và trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã. Điều này được ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban tổ chức trung ương cho biết là khắc phục bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý và kém hiệu quả. 

Trong 3 phương án còn lại, cũng nhấn mạnh việc, nếu giữ nguyên mô hình hoạt động của khối Mặt trận và tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thì 'có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức.'

Hiện nay, năm tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Năm 2016, năm tổ chức này từng gây xôn xao dư luận khi dự toán ngân sách dành cho các tổ chức này lên đến 1.503,704 tỷ đồng. Số tiền dành nuôi các tổ chức chính trị - xã hội này gia tăng cùng với cơ cấu tổ chức và hoạt động đi kèm, tuy nhiên - nhìn chung là bị đánh giá 'thiếu thiết thực'. Bởi các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp theo xu hướng phong trào, thiếu tính thực tế, trong khi đó, biểu đồ sử dụng ngân sách dự toán của nhóm các tổ chức này chi thường xuyên cao hơn chi cho đầu tư phát triển. Dư luận vì vậy đã lên tiếng trong bối cảnh nguồn ngân sách quốc gia trong giai đoạn báo động đỏ. 

Dự toán chi tài chính năm 2017 sau đó có xu hướng giảm nhưng lại không mang tính đáng kể, ở mức 1.163,475 tỷ đồng. Một số nguồn chi thuộc nhóm tổ chức quần chúng công như Hội Nông dân Việt Nam vẫn lặp lại câu chuyện cũ khi ngân sách chi thường xuyên cho quản lý hành chính và nguồn lương cho số lượng người tham gia Hội, và nguồn ngân sách cấp cho tổ chức này còn cao hơn cả mức ngân sách dành cho Thanh tra chính phủ. 

Ước lượng của Viện VEPR (Vietnam Center for Economic and Policy Research) cho thấy, số lượng chi phí của các tổ chức quần chúng công này ở mức 1,7% GDP và tất nhiên, mức đầu tư này theo hướng dựa vào yêu cầu ngân sách của chính các tổ chức (phục vụ nhiệm vụ chính trị), chứ không phải dựa trên kết quả thực tế công việc tổ chức. 

Tuy nhiên, việc tinh giảm biên chế của các tổ chức phục vụ chính trị này đã không được đề cập trong thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016 của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2017. Và do đó, phương án đổi mới lần này áp dụng cho Mặt trận và tổ chức quần chúng công nêu trên là đáng lưu ý, một phần nó thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy nhà nước, một phần thể hiện sự cởi bỏ gánh nặng ngân sách trong tình hình nguồn tài chính quốc gia đã không còn mấy khả thi, khi mà sự huy động vốn trong chính phủ còn ít nhiều tắc nghẽn.

Dù đáng hoan nghênh, tuy nhiên, ở mức độ nào đó cũng cần nhìn nhận lại. Cơ cấu tổ chức được tinh giảm, biên chế được tinh giảm có thể giúp giảm nguồn ngân sách chi tiêu, nhưng mấu chốt vấn đề phải là giám sát chi tiêu, và hoạch định như thế nào cho việc chi tiêu (liên quan đến cân đối giữa chi thường xuyên và chi phát triển).

Trong một diễn biến có liên quan, chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam có có dấu hiệu chững lại trong một công bố mới đây của CDIVietnam. Theo đó, sau 10 năm khảo sát, với 6 vòng khảo sát, thì kết quả OBI của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình hạn chế (42/100 điểm - dưới mức trung bình) và xếp Việt Nam vào nhóm thứ 5 (ít công khai nhất, chỉ xếp trên Myanmar trong khu vực). Báo cáo này cho thấy tính chi tiêu, giải trình - yếu tố cải thiện phân bổ ngân sách nhà nước đã không được chú ý đến, sự minh bạch và sự tham gia của công chúng. Điều này phần nào thể hiện rõ qua việc, báo cáo kiểm toán của năm 2012 được công khai, nhưng giai đoạn 2015 - 2017 thì hoàn toàn công khai muộn, hoặc chỉ công khai nội bộ ; tương tự cho số phận của dự toán dự thảo ngân sách từ năm 2012 đến nay.

vepr2

Biểu đồ sử dụng ngân sách dự toán của 6 tổ chức chính trị - xã hội và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Dễ nhận thấy chi thường xuyên (cột biểu đồ mầu da cam) cao hơn chi đầu tư phát triển (cột biểu đồ mầu xanh).

Sẽ rất khó cho việc kiềm chế chi tiêu nếu chỉ thông qua một biện pháp cứng là tinh giảm biên chế hay cơ cấu lại tổ chức ; mà cần phải thực hiện chặt chẽ sự giám sát của công dân với nguồn tài chính và khả năng công khai nguồn tài chính (từ dự thảo cho đến kiểm toán), để từ đó sự giám sát tài chính công mới thực sự được hiệu quả. Câu chuyện này cũng tương ứng với một sự kiện nhỏ xảy ra trong tuần qua, đó là, trong bảng chi tiêu của trang web Mua sắm công, có hẳn một dự chi ngân sách cho việc mua thực phẩm chức năng cao hồng sâm nhằm mục đích 'Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Quảng ninh'. Đây là một thông tin khá nhỏ, và muốn nhận biết được thông tin này thì phải nhập một mã số dài : 20180413719.

Thông tin này cho thấy, nguồn ngân sách sẽ được điều chỉnh một cách thực tế nếu người dân có thể tiếp cận tốt với việc chi tiêu ngân sách trong các cơ quan nhà nước, hơn là việc giấu nó trong một mã số hoặc thông qua các báo cáo thiếu kiểm chứng ; thậm chí là qua các báo cáo khống (thường xảy ra ở các đơn vị nhà nước công thiếu giám sát). Vì vậy, đi cùng tái cơ cấu tổ chức hay hợp nhất các tổ chức lại là công khai, minh bạch, tăng cường giám sát của công dân, hay nói đúng hơn phản ứng dư luận đối với mức chi là khả năng tốt nhất để điều chỉnh ngân sách.

Trong câu chuyện có liên quan, vào năm 2014, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra đề án 34.000.000.000 tỷ đồng để soạn thảo sách giáo khoa theo chương trình mới và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, khi dư luận phản ứng, lên tiếng và tìm hiểu hiểu con số trên rút xuống còn 400 tỷ đồng, đến mức ông Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó phải thốt lên : sợ ! Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó đăng đàn Quốc hội giải thích đó chỉ là sai sót do 'lỗi kỹ thuật'.

Lỗi kỹ thuật trong sài ngân sách vô tội vạ là lỗi cơ bản ở các cơ quan nhà nước Việt Nam, và như thế nếu thiếu tính minh bạch và giám sát nêu trên, thì mọi sự hợp nhất chỉ tạo ra một siêu cơ quan, và việc ngốn ngân sách nhiều hơn chỉ là vấn đề thời gian.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 09/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 894 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)