Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam lạm quyền

Dương Xuân Lương, VNTB, 24/11/2021

Qua hai việc lộng hành, lạm quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt nghi vấn cho thực quyền của chính phủ về nạn kiêu binh kèm sự thiếu hiểu biết của nhưng công cụ của họ dựng nên.

mttq0

Tịnh thất Bồng Lai bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa xổ

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền công nhận hay xóa bỏ các điểm tu tại gia

Một vấn đề pháp lý được dư luận quan tâm là Tịnh thất Bồng Lai bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa xổ. Hay nói rộng hơn các điểm tu tại gia có bắt buộc phải được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) công nhận và quản lý hay không ?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là 1 tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận. Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam mà cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Thẩm quyền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng giống như các tổ chức tôn giáo khác, không được trái với các quy định về quyền của một tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận.

1.1. Thẩm quyền công nhận

Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, hai chủ thể có thẩm quyền công nhận một tổ chức tôn giáo là : Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương (Ban Tôn giáo Chính Phủ). Ngoài hai chủ thể này, cá nhân hoặc cơ quan khác đều không có quyền công nhận hay phủ nhận bất kỳ một tổ chức tôn giáo nào. Như thế Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có quyền công nhận các điểm tu tại gia mà đây là Tịnh thất Bồng Lai.

1.2. Quyền tự do tín ngưỡng

Mỗi người đều có quyền tuyệt đối tin, hay không tin, theo một tôn giáo nào và đều có quyền biểu lộ lòng tin của mình hoặc một mình, hay chung với những người khác, tại điểm thờ phụng hay tại nhà riêng. Các quy định của pháp luật có thể hạn chế một số hoạt động tôn giáo vì những lý do bất khả kháng như dịch bệnh hay an ninh. Ngoài ra không tổ chức, đoàn thể nào có quyền cấm đoán sinh hoạt tôn giáo của cá nhân hay hội nhóm.

Như vậy việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu xóa sổ Tịnh thất Bồng lai, một tổ chức tôn giáo tu tại gia, hơn nữa chưa từng gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hay có thể nói một tôn giáo khác, là một hành động phi pháp, lộng quyền và thiếu hiểu biết. Nếu sự lộng quyền này được nhà nước cho phép bằng cách ủng hộ, hay làm ngơ để mặc GHPGV làm khó dễ Tịnh thất Bồng Lai, chính phủ có thể đã cho phép tổ chức này có quyền bao trùm các tôn giáo khác. 

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lộng quyền

Ban tôn giáo chính phủ cho rằng cơ sở Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Tịnh thất Bồng Lai, là cơ sở thờ tự bất hợp pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu hủy bỏ tu điểm tại gia này là các hành động phi pháp và lộng quyền.

Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra cách hành xử lộng quyền, phạm pháp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cánh tay của chính phủ Việt Nam đối với Đạo Cao Đài qua việc tịch thu tài sản của Đạo và ban phát cho một tôn giáo khác. 

Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ nói tắt là Đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 tại làng Long Thành, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra Sắc Luật 003/65 ngày 12/7/1965 công nhận pháp nhân Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ theo Hiến chương ngày 21/1/1965.

Sau ngày 20/7/1978, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh ban hành "Bản án Hoạt động phản cách mạng của một số tên phản động trong giới cầm đầu giáo phái Cao Đài Tây Ninh".

Cái tên "Bản án" của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh tây Ninh đã thể hiện rõ sự lấn quyền tòa án của Mặt trận Tổ quốc tỉnh này. Mặt trận Tổ quốc Tây Ninh viết ra một bản án, kết tội một số giới chức Cao Đài. Ủy ban Nhân Dân tỉnh Tây Ninh tiếp theo "Bản Án" đó ra quyết định 124 tịch thu hầu hết các cơ sở tôn giáo trong nội ô tòa thánh Tây Ninh và nhiều cơ sở khác tại các địa phương.

Đi quá xa hơn nữa, từ cái quái thai "bản án" của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, UBND tỉnh Tây Ninh lấy luôn Tòa Thánh Tây Ninh và các cơ sở khác giao cho tổ chức tôn giáo khác. 

Sau khi lấy Tòa Thánh Tây Ninh, chính quyền Tây Ninh tập trung một số giới chức của Đạo, theo đảng, có chân trong Mặt trận Tổ quốc dựng nên một tôn giáo mới khác với Cao Đài chính truyền từ năm 1926 được dựng nên bởi chính đức Thế Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Ngày 9 tháng 5 1997 Ban Tôn giáo chính phủ ra Quyết định số 10 QĐ/TCCP công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo mới này là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh. Điều 4 của quyết định này viết : "Trụ sở của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh". 

Tịch thu tài sản của Đạo Cao Đài Chân Truyền

Ngày 4/6/1980, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh ra Quyết định 124, tịch thu hầu hết các cơ sở của đạo trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh và nhiều cơ sở tôn giáo khác của đạo tại các địa phương.

Năm 1997 nhà nước lấy Tòa thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài 1926 giao cho Chi phái Cao Đài 1997, cho phép chi phái 1997 mở rộng một số sinh hoạt. 

Mãi đến năm 2017 qua quá trình giúp đỡ người Đạo Cao Đài 1926 bảo vệ quyền tự do tôn giáo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Tổng giám đốc BPSOS phát hiện ra sự thật : Đạo Cao Đài 1926 và chi phái 1997 là hai tổ chức tôn giáo khác nhau.

Tháng 6 năm 2018, BPSOS hoàn thành Hồ sơ Chi phái 1997 là tác nhân phi chính phủ với thành tích dài lâu vi phạm nhân quyền đối với Đạo Cao Đài. Hồ sơ đã đệ trình đến chính phủ Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế.

Bản phúc trình năm 2019 của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF) đã nêu đích danh "Chi Phái Cao Đài Tây Ninh (Chi Phái 1997)" là công cụ do Nhà nước quản lý và sử dụng. 

Năm 2019 Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã hủy giấy phép độc quyền danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh cấp tạm cho ông Trần Quang Cảnh, đại diện hải ngoại của chi phái 1997. Không những vậy, quyết định này của Bộ Thương mại Hoa Kỳ mặc nhiên xác định chi phái 1997 không phải là đạo Cao Đài. 

Trong báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế tháng 5/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu sự khác biệt giữa đạo Cao Đài được thành lập năm 1926 với Chi phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn.

Sự thật về sự vô pháp vô thiên của nhà nước Việt Nam qua các công cụ tay sai nối dài của họ được phanh phui ra ánh sáng.

Qua hai việc lộng hành, lạm quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, những cánh tay đắc lực của chính quyền Việt Nam, đặt nghi vấn cho thực quyền của chính phủ về nạn kiêu binh kèm sự thiếu hiểu biết của nhưng công cụ của họ dựng nên.

Dương Xuân Lương

Nguồn : VNTB, 24/11/2021

*************************

Chùa Thiên Quang Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu trước nguy cơ bị chính quyền địa phương ra lệnh gỡ bỏ

Người Tân Định, VNTB, 24/11/2021

Dù có sự quan tâm của dư luận, âu lo trong giới Phật tử và các cơ quan ngoại giao quốc tế, số phận của Chùa Thiên Quang tùy thuộc vào chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu.

mttq2

Thượng tọa Trụ trì chùa Thiên Quang tại Bà Rịa Vũng Tàu và đại diện Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa (facebook

Ngày 5 tháng 11 năm 2021 Thượng tọa Trụ trì chùa Thiên Quang tại Bà Rịa Vũng Tàu thông báo bị bắt buộc phải gỡ bỏ mọi công trình mà chính quyền cho là phi pháp trước ngày 15 tháng 11. Sự kiện này gây hoang mang cho giới Phật Tử trong và ngoài nước, đặc biệt cho tăng chúng trong chùa.

Ngày 16/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh điện thoại hỏi thăm đời sống sinh hoạt chư tăng tại chùa Thiên Quang ? Về phía Tổng Lãnh sự quán rất quan tâm đến đời sống yên bình tại chùa, và đang nổ lực hết mình cho việc gìn giữ sự bình yên đó. 

Tiếp đó ngày 19/11/2021, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ lại điện thoại hỏi thăm quý Thầy, nội dung cuộc nói chuyện như sau :

– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Ở chùa có được bình an không ? Mọi thứ vẫn ổn phải không ạ ?

– Thầy Thích Thiên Thuận : Dạ, hiện tại thì chư tăng tại chùa Thiên Quang vẫn được bình an và mong được bình an như vậy trong những ngày dài sắp tới. Thật tốt cho quý thầy ở đây với thiên nhiên và bình yên trong sự tu hành. 

– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Vậy là yên tâm cho chư Tăng đang tu tập ở chùa rồi. Nếu có gì thay đổi hay chuyện gì xảy ra đột ngột thì Thầy hãy gọi điện trực tiếp cho chúng tôi biết để chúng tôi kịp thời nắm bắt thông tin. 

Thầy Thích Thiên Thuận : Xin cảm niệm, biết ơn đến quý vị về những điều quý giá mà quý vị dành cho chúng tôi trong những lúc như thế này. Thật tình chúng tôi yêu mến thiên nhiên, yêu sự hòa bình và con người tại nơi đây. Thật là rất vui nếu trong dịp tết Nguyên Đán này xin mời quý vị ghé thăm chùa và dùng cơm. 

– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : (tiếng cười) dĩ nhiên rồi ạ ! ! ! xin cảm ơn Thầy. 

– Thầy Thích Thiên Thuận : Xin cầu nguyện tất cả mọi người được bình an.

– Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ : Xin chào và hẹn gặp lại ngày gần nhất

Trước đó ngày 15/11, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức đã gửi công hàm đến sở ngoại vụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về việc này. Công hàm cho biết bà Tổng Lãnh sự Đức lấy làm tiếc nếu các công trình trong khuôn viên chùa bị chính quyền buộc phá bỏ.

mttq3

Chùa Thiên Quang tọa lạc tại Thác Hòa Bình, Ấp 5, Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu nổi tiếng là đẹp và yên bình

mttq4

Chùa Thiên Quang tọa lạc tại Thác Hòa Bình, Ấp 5, Hòa Bình, Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu, là một ngôi chùa nổi tiếng với các pho tượng Phật, Bồ Tát bằng gỗ quý đồ sộ.

Từ Thị trấn Ngãi Giao vào 17km đến xã Hòa Bình chúng ta gặp ngay ngôi chùa hiển hiện giữa núi đồi hoang vu, là mái chùa Thiên Quang mộc mạc đậm nét cổ truyền xứ Huế.)

Chùa Thiên Quang được khởi công xây dựng ngày 19/07/2000 (Canh Thìn) do Đại đức Thích Thiên Thuận làm trụ trì. Lúc bấy giờ chùa chỉ là một thảo am nhỏ đủ để sinh hoạt cho bà con Phật tử nơi đây sinh hoạt tu học. Tháng năm dần trôi, mái chùa Thiên Quang được tô đậm thêm nét vững mạnh của xóm làng và dân tộc. Như cơ chỉ của thiên nhiên ban tặng trước mặt chùa là dòng thác quanh năm tuôn chảy, như rồng xanh cuộn mình thổi từng cơn gió mát cho thiền môn hưng thịnh. Phong thủy hữu tình, gió mát quanh năm, vào chùa là hình ảnh cửa không của thiền môn quy cũ, xây dựng theo lối kiến trúc cổ kính, không gian thoáng ngập phối với cảnh thiên nhiên làm nền chủ đạo. Ngoài ra những pho tượng thờ phượng đều được tạc từ gỗ quý được các nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng từ miền Nam Bắc quy tụ về đây.

Dù có sự quan tâm của dư luận, âu lo trong giới Phật tử và các cơ quan ngoại giao quốc tế, số phận của Chùa Thiên Quang tùy thuộc vào chính quyền Bà Rịa Vũng Tàu. Trụ trì chùa chua xót viết trên facebook dặn dò các đệ tử :

Sư phụ dặn dò các đệ tử trong bữa cơm sáng ngày 17/11/2021 vì qua ngày 18/11/2021 những bữa cơm sáng như thế này có thể sẽ không còn nữa ??? Từng tấm ngói, chiếc bàn cũ, cái bếp lem nhem, cái tô, cái chén có thể trở thành những ước mơ của tăng chúng nơi đây !!!

Thượng tọa trụ trì cho biết : "Đơn ký ngày 5/11/2021 [gỡ bỏ một phần kiến trúc của Chùa] tới ngày 08/11/2021 chùa mới nhận được đơn, hôm nay là ngày thứ 9 chùa nhận được đơn, 10 ngày là đơn có hiệu lực.

Thương quý thầy, quý chú tiểu nhỏ, người già trong chùa… từ nay không biết ra sao ? Tết này…".

Thượng Tọa Thích Thiên Thuận cho biết thêm :

"Chùa Thiên Quang trải qua 20 năm xây dựng tạm bợ không ai kiện tụng tranh chấp về đất đai, chỉ có phía chính quyền trên dưới 10 lần đo đạc mà không tạo điều kiện giấy tờ pháp lý. Lý do làm việc là kênh nước đi qua chùa, cắt ngang phía sau chùa thành hai hình tam giác, năm 2019 – 2020 Chùa gửi đơn hai lần không thấy ai mời làm việc. Tất cả những công trình được xây dựng từ 2006 đến 2016 đã chấm dứt, giờ mới lập biên bản xử phạt".

Người Tân Định

Nguồn : VNTB, 24/11/2021

Additional Info

  • Author Dương Xuân Lương, Người Tân Định
Published in Diễn đàn

Nhiệm vụ của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam năm 2021 là sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thường xuyên, kịp thời phản ánh đầy đủ thực tế tình hình nhân dân.

mttq1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị 11/3/2021.

Vai trò "thật mà giả" ?

Đó là nội dung vừa được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Trần Thanh Mẫn nêu tại hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra ngày 11/3.

Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc cũng được Thủ tướng Việt Nam đồng thuận khi ông cho rằng nếu không tăng cường khối đại đoàn kết, không đồng thuận xã hội thì khó có thể thành công.

Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập, Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định về phát biểu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam :

"Tôi không có gì bất ngờ khi họ sử dụng phép ngụy biện trong vấn đề họ cho là không đồng thuận xã hội thì không thành công.

Thực tế đã chứng minh không đồng thuận xã hội họ vẫn thành công trong rất nhiều vấn đề như xăng tăng giá, trạm BOT hoặc những vấn đề hầu như người Việt nào cũng biết như vụ Formosa, vụ Hồ Duy Hải và mới nhất là vụ Đồng Tâm.

Rõ ràng xã hội rất không đồng thuận, rất phẫn nộ và nhiều cảm xúc bi quan.

Nếu như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn thành công trong những vấn đề đó thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn mờ nhạt, đúng vai trò là một bình hoa trang trí trong chế độ độc đảng toàn trị".

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại cuộc họp cũng cho rằng trong thời gian qua, các chính sách của Chính phủ lẽ ra nhận được nhiều đồng thuận xã hội hơn nếu có sự tham gia thảo luận và có ý kiến của Mặt trận Tổ quốc.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS nêu ra quan điểm của ông cho rằng vẻ bề ngoài của Mặt trận Tổ quốc rất hay, nhìn có vẻ dân chủ, có vẻ từ dưới lên, lấy chuyện dân chủ cơ sở, của người dân.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nghi vấn thực chất Mặt trận Tổ quốc có làm đúng được mong muốn, ý kiến thật của người dân hay chỉ làm ra vẻ ý kiến của người dân ? Ông lập luận :

"Nếu Mặt trận họ làm được vai trò đứng ra tổ chức chứ không nói, để những người họ mời đến hay để cho bất kể ai đến đấy có thể nói được, thường là những tổ chức liên quan đến các chính sách đó tức của người dân dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội dân sự, của người tiêu dùng… có đối thoại. Lúc đó quy trình làm chính sách rất tốt.

Còn chỉ nói cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách như cánh tay nối dài của Đảng cộng sản luôn nói họ là đại diện cho nhân dân, vấn đề là họ mời một vài người chuyên môn tán thưởng chính sách thì kiểu thảo luận như thế mang tính hình thức, lãng phí thời gian và vô bổ, hoàn toàn vô nghĩa".

mttq2

Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội bàn giao Danh sách trích ngang người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội

Ngụy biện, mị dân ?

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng khi Đảng cộng sản Việt Nam đã chiếm quyền dân thì người dân không có vai trò gì, dẫn đến Mặt trận Tổ quốc cũng chỉ mang tính hình thức, không đại diện người dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Già, phía nhà cầm quyền hiện đưa lại vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì hai lẽ sau :

"Thứ nhất là vừa rồi vụ Đồng Tâm quá kinh khủng trong xã hội, ngay cả những người vẫn còn yêu thương đảng cũng đã có những ý kiến, lời lẽ phẫn nộ nhất.

Thứ hai là chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội sắp tới nên họ vẽ ra, vờ vịt ra những thành công của họ do phối hợp họ gọi là nhịp nhàng giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là những điều mị dân ai cũng thấy rõ".

Theo số liệu được đưa ra ngày 11/3, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong 5 năm qua đã vận động được hơn 27.000 tỷ đồng cho Quỹ ‘Vì người nghèo’ và chương trình an sinh xã hội.

Đồng thời Mặt trận Tổ quốc đã xây mới và sửa chữa hơn 198.000 căn nhà đại đoàn kết ; hỗ trợ hơn 9 triệu lượt người nghèo và cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam và đối tượng khó khăn với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc đã tổng hợp và phản ánh đến Chính phủ hơn 34.000 ý kiến của nhân dân về 19 nhóm vấn đề.

Nhận xét về những thành quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành trong 5 năm qua, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng :

"Họ nâng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua những con số mà thú thật tôi đọc tôi giật mình.

Họ cho rằng họ huy động tới 27.000 tỷ đồng cho Quỹ người nghèo, tức hơn 1 tỷ Đô la Mỹ nhưng thực tế thì xã hội vẫn nghèo, người nghèo vẫn rất nghèo.

Đây là phép ngụy biện thống kê, tức họ đưa ra những con số không ai kiểm chứng được, chỉ có họ, tức nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biết con số là thật hay giả nên nó rơi vào phép ngụy biện thống kê, anh đưa ra những con số không ai kiểm chứng được, những thành công giả tạo để anh che giấu".

Trong những bản tin được truyền thông nhà nước đăng tải, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi nói về nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong 5 năm tới đã nhận định rằng chính phủ và Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong đó, các chính sách, thể chế pháp luật không thể tách rời quyền lợi của nhân dân, không lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng nếu muốn xây dựng chính sách như lời người đứng đầu bộ máy chính phủ vừa nêu, việc đầu tiên là phải thay đổi :

"Vấn đề thủ tục làm thế nào, cách làm thế nào mới quan trọng, còn theo cách mà như tôi hiểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như bây giờ, người đứng đầu, toàn bộ bộ máy đấy do đảng cộng sản Việt Nam chỉ định, có mạng lưới dài đến tận làng, tận xã và những người đấy được coi là cán bộ, tức một bộ phận của của guồng máy thì tôi nghĩ rằng không đạt được mục đích tốt đẹp như họ mong muốn".

Bầu cử Quốc hội : Tự do ứng cử nhưng phải do Đảng kiểm tra, xét duyệt

"Phấn đấu số người ngoài đảng trúng cử vào Quốc hội khóa mới từ 25 đến 50, tức là chiếm từ 5 đến 10%" là điều mà bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc vào sáng 4/2.

Tuy vậy, Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa ra công văn về "Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp", yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy phải quán triệt thực hiện chỉ thị và kết luận của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong đó, điều 5 của công văn này ghi rõ "Đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình".

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong những năm quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cứ 5 năm một lần, họ thay mặt Đảng cộng sản đứng ra tổ chức các Hội nghị hiệp thương của cuộc bầu cử Quốc hội, cũng như Hội đồng nhân dân các cấp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản Việt Nam, trên 90% là đảng viên cộng sản. Đó không phải là một cơ quan độc lập trong việc đánh giá những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cho nên, khi để cho những người ở trong Mặt trận Tổ quốc đánh giá những ứng viên ngoài đảng về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị thì hoàn toàn là không khách quan và không công bằng :

"Theo Hiến pháp Việt Nam thì tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự ứng cử cũng như tham gia bầu cử của Quốc hội, mà ở đây đã gọi là công bằng thì không phân biệt giàu nghèo, thành phần giai cấp hay là phân biệt quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị, không phân biệt về tôn giáo.

Vậy, khi cơ quan của Đảng cộng sản mà đánh giá những quan điểm độc lập hay quan điểm đối lập với Đảng cộng sản để nhằm mục đích loại những ứng cử viên đó ra. Tức là họ chỉ chọn những ứng cử viên mặc dù không phải là đảng viên của Đảng cộng sản nhưng lại có những quan điểm và lập trường ủng hộ cho sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam".

Ông Nguyễn Đình Hà, là người đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 nói rằng quy định này của Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhằm để loại các ứng viên độc lập có quan điểm khác với Đảng, chỉ để lại những người ngoài Đảng nhưng phải "phò Đảng" mới được lọt vào danh sách ứng viên Đại biểu quốc hội cuối cùng :

"Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba vòng hiệp thương. Vòng đầu tiên là vòng hồ sơ. Vòng thứ hai là hiệp thương tại nơi làm việc và nơi cư trú và vòng thứ ba là lựa chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng.

Theo như tiêu chí của quy định mà bên Ban Tổ chức Trung ương đảng đưa ra như thế thì người ta sẽ loại bỏ ngay hồ sơ của những người ngoài Đảng mà họ cho là không đạt tiêu chuẩn ngay từ vòng nộp hồ sơ. Việc này sẽ làm tăng sự khó khăn cho các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng.

Trong cái thông báo đó còn có chữ "tiêu chuẩn chính trị", thì thế nào là đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị ?

Ở đây không phải là việc người ta có đáp ứng về chuyên môn hay những yêu cầu của một đại biểu quốc hội hay không, mà đây là người ta có thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng cộng sản hay không. Đó là một điều rất mơ hồ. Có nghĩa rằng đảng đang lọc ra những người có xu hướng thân với đảng và phò Đảng".

Bầu cử Quốc hội không thể hiện ý chí nhân dân

Ngày 1/3, Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là cơ quan chủ trì hiệp thương, lựa chọn người ứng cử Quốc hội. Ông Hầu A Lềnh khẳng định tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.

Trái ngược lời ông Lềnh, ông Đình Hà cho biết, khi tự ứng cử hồi năm 2016, ông luôn bị các cơ quan chức năng gây khó dễ nhằm loại hồ sơ ngay từ vòng đầu :

"Khi tôi tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 thì hồ sơ của tôi đã bắt đầu bị gây khó khăn bằng việc Chính quyền cấp phường là nơi xác nhận vào bảng sơ yếu lý lịch của ứng viên Đại biểu Quốc hội đã phê vào đó những lời không tốt về tôi, và những lời đó hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với quy định của Ủy ban bầu cử hướng dẫn.

Pháp luật quy định rõ ràng rằng khi mà xác nhận vào sơ yếu lý lịch thì chỉ xác nhận là người đó có cư trú ở đó hay không mà thôi chứ không được quyền nhận xét về cá nhân, phẩm chất của người ta như thế nào".

Lan Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 20/03/2021

Additional Info

  • Author Lan Anh
Published in Diễn đàn

Một khi Bộ công an - được biệt danh là "thanh kiếm và lá chắn" và thực chất là "cánh tay gắn liền của đảng" - mà còn phải sa vào cơn xáo trộn "cải tổ" trong năm 2018, thân phận những đoàn thể chính trị - xã hội vốn chỉ là "cánh tay nối dài của đảng" sẽ đi đâu, về đâu ?

vedau1

Hàng triệu phụ nữ Việt Nam vẫn phải làm các công việc nặng nhọc với thu nhập thấp trong khi vai trò của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chỉ là "bù nhìn". (Hình : Getty Images)

Những kẻ hết thời

Tình thế thu không đủ chi và ít nhất 30% công chức viên chức bị dư luận xem là "ăn bám" đã trở nên bĩ cực đến mức đảng phải tìm nhiều cách nhằm "bóp" lại ngân sách với ưu tiên tối thượng là duy trì bằng được sự tồn tại của các cơ quan đảng. Nhưng không còn cách nào khác, muốn thắt chặt ngân sách thì phải "siết" biên chế.

Sau một thời gian dài giằng co níu kéo có vẻ đầy nuối tiếc, rốt cuộc một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản chính là các đoàn thể chính trị - xã hội, từng có thời được đảng sủng ái nhưng giờ đây không còn quá quan trọng với đảng.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam - 6 tổ chức chính trị xã hội từng được ưu ái hàng đầu ấy - đang nhìn thấy cái vực thẳm "tiền đâu" lồ lộ dưới bóng chợ chiều chính thể.

Không trả lời được câu hỏi quá thiết thân ấy, và nhất là chẳng làm gì để kiếm tiền tự nuôi thân, "cánh tay nối dài" nào cũng phải chịu rủi ro bị thu ngắn, thậm chí còn có thể bị đảng chặt phăng không thèm đoái hoài.

‘Ghế ít đít rất nhiều’

Đầu tháng Tư, 2018, Ban tổ chức trung ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".

Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm :

Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức ; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.

Phương án hai, nhất thể hóa chức danh chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này ; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.

Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Việc 3 trong số 4 phương án trên nhằm mục tiêu "tinh giản" cho thấy phương án cuối cùng được chọn rất nhiều khả năng sẽ không phải là giữ nguyên hiện trạng mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Mà sẽ phải "gom lại".

Nhưng "gom" như thế nào ? "Gom" làm sao để vừa đạt được mục tiêu tiết giảm đến mức tối đa phần ngân sách phải chi ra, đồng thời hài hòa được tình trạng "ghế ít đít nhiều" khi phải "tái cơ cấu" một khối đoàn thể khổng lồ không chỉ về năng khiếu "ăn" ngân sách mà còn quá nhiều năng lực bày biện ghế ngồi cho giới quan chức ?

Đề tài nghiên cứu "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" phát ra trong bối cảnh chủ trương "tinh gọn biên chế" và "giảm 10% biên chế" của Hội nghị Trung ương 6 vào tháng Mười, 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.

Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người - chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.

Và nếu tinh gọn được bộ máy "cánh tay nối dài của đảng", đảng sẽ loại được hàng trăm ngàn nhân sự "chỉ biết ăn không biết làm" - một con số rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh khốn khó hiện thời.

Trong thực tế, một trong những nguồn lực lớn nhất mà các tổ chức quần chúng công sử dụng là các khoản chi cho nguồn nhân lực. Theo Tổng Cục Thống Kê, vào năm 2012 Việt Nam có 246.144 người làm việc cho 34.378 cơ sở của tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội được nhà nước đãi ngộ theo chế độ.

Số cán bộ, công chức làm việc cho các tổ chức chính trị, đoàn thể, xã hội được nhà nước trả lương chiếm 7.2% nhân lực làm việc cho nhà nước và 1,1% tổng lực lượng lao động xã hội. Nếu tính cả số cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thôn, xóm (hoạt động trong các tổ chức quần chúng công cấp cơ sở), tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế) ước tính vào khoảng 337.981 người.

Chỉ đến năm 2016, báo chí mới "vô tình" phát hiện là hàng năm, ngân sách đã phải vung đến 14.000 tỷ đồng cho các tổ chức chính trị - xã hội. Nhưng sau đó, con số này đã trở nên quá nhỏ bé khi xuất hiện một đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP- Vietnam Institute for Economic and Policy Research) cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương với hơn 71.000 tỷ đồng.

‘Ăn tàn phá hại’

Trong tình hình ngân sách xuất hiện nhiều dấu hiệu cạn kiệt từ cuối năm 2015 và kéo dài liên tục trong hai năm 2017 và 2018, đã rộ lên nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng đối với hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị - xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích. Chỉ riêng 6 tổ chức chính trị - xã hội trên đã "ngốn" hơn 1 nghìn tỷ ngân sách mỗi năm.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam - còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cho đến nay, "thành tích" lớn nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là giúp đảng cầm quyền ngăn chặn và loại hầu hết các ứng cử viên độc lập, mà bằng chứng sống đông nhất đã hiện hình trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng Năm, 2016, chủ yếu qua những màn đấu tố thô bạo không khác mấy so với thời cải cách ruộng đất cách đây đến bảy chục năm : số người tự ứng cử lọt vào Quốc hội đã giảm đi phân nửa so với những kỳ bầu cử Quốc hội trước đó. Cũng trong cuộc bầu cử Quốc hội này, thậm chí tỉ lệ người ngoài đảng đã rớt xuống chỉ còn khoảng 4%, so với "10% theo tiêu chí".

Một bằng chứng sống sượng khác : Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hầu như không chia sẻ với bất kỳ tổ chức và nhân vật tôn giáo nào khác thể hiện tiếng nói và hành động khác với chủ ý độc trị của đảng cầm quyền. Thậm chí ngược lại, giới lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tự nguyện biến thành cánh tay đắc lực giúp cho đảng bóp nghẹt hơn quyền tự do tôn giáo của người dân - được hiến định qua các Hiến Pháp nhưng còn lâu mới được khẳng định trong một văn bản luật về tôn giáo.

Trong khi đó, một cựu quan chức cấp sở cũng nói công khai là có thể giải tán Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng trở nên vô tích sự và phản cảm không kém Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ khi có Luật Lao Động, tổ chức này đã chưa hề chủ động tổ chức một cuộc đình công hoặc lãn công nào cho công nhân, bất chấp vô số khó khăn và bất công trùm phủ lên đầu lớp công nhân vừa nghèo vừa đói cùng hàng ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân nổ ra hàng năm.

Không những không hỗ trợ công nhân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại nối thêm một cánh tay giúp công an ngăn chặn đình công. Trong một số trường hợp, công nhân còn phát hiện chính cán bộ công đoàn làm công tác chỉ điểm để "khoanh vùng đối tượng" và sau đó là bắt bớ tống giam những công nhân khởi xướng đình công.

Từ rất nhiều năm qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đương nhiên trở thành một khâu trung gian hưởng ít nhất 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp. Số tiền không nhỏ này, cộng với khoản ngân sách mập mạp hàng năm, đã biến Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thành một gã trọc phú ngồi mát ăn bát vàng…

Quan chức cũng ‘bất đồng chính kiến ?’

Trong tương lai gần, rất gần, có lẽ không ít công chức và viên chức của đoàn thể nhà nước - những người đã quen "gật" trong các cuộc họp chi bộ trước đường lối nghị quyết cực kỳ sáo rỗng của đảng, đã quen với những từ "sẵn sàng !", "nhất trí" với các phong trào vừa hình thức vừa vô bổ mà đảng phát động, sẽ phải ngậm đắng nuốt cay rời nhiệm sở - nơi họ đã có thể ngồi không nhiều năm qua hoặc gần như thế trong lúc đều đều hưởng những đồng tiền vắt kiệt từ mồ hôi và cả nước mắt của dân chúng.

Rất có thể đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" của Ban tổ chức trung ương sẽ được Tổng bí thư Trọng ưu ái cho "ứng dụng kết quả" sớm. Theo đó và cũng giống như chiến dịch "cải tổ" Bộ công an đang diễn ra, khối đoàn thể chính trị - xã hội sẽ lâm vào cảnh "ghế rất ít, đít rất nhiều", kéo theo yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập nhiều ghế vào một ghế, dẫn đến cảnh tượng nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải hưu non hoặc bị hạ cấp, thậm chí phải "ra đường" - một dạng thân phận hoàn toàn trái ngược với cảnh trước đây ung dung ăn thuế của dân nhưng chỉ biết "hót" theo đảng.

Thế nhưng lại có chuyện "rời biên chế, chúng tôi biết sống bằng gì ?" - một loại tán thán rất đặc trung rất điển hình mà chính Tổng bí thư Trọng đã nghe được từ giới cử tri "trung thành" của ông và được ông thuật lại.

Biết đâu đấy, chính cái thành phần thất nghiệp bắt buộc ấy sẽ phát sinh và trở thành nhân tố đả kích "chế độ bất công" nhiều nhất, mạnh nhất, có khi còn mạnh hơn cả giới đấu tranh dân chủ nhân quyền. 

Phạm Chí Dũng

Người Việt, 15/04/2018

Published in Diễn đàn

Trong tháng qua, có hai sự kiện liên quan đến vấn đề ngân sách của Việt Nam.

vepr1

Mô hình quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh : VEPR (Vietnam Center for Economic and Policy Research)

Đầu tiên là một trong 4 phương án đổi mới mô hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội vào sáng ngày 06/04/2018, theo đó hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội thành các ban của Mặt trận và trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã. Điều này được ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban tổ chức trung ương cho biết là khắc phục bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý và kém hiệu quả. 

Trong 3 phương án còn lại, cũng nhấn mạnh việc, nếu giữ nguyên mô hình hoạt động của khối Mặt trận và tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thì 'có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức.'

Hiện nay, năm tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh. Năm 2016, năm tổ chức này từng gây xôn xao dư luận khi dự toán ngân sách dành cho các tổ chức này lên đến 1.503,704 tỷ đồng. Số tiền dành nuôi các tổ chức chính trị - xã hội này gia tăng cùng với cơ cấu tổ chức và hoạt động đi kèm, tuy nhiên - nhìn chung là bị đánh giá 'thiếu thiết thực'. Bởi các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp theo xu hướng phong trào, thiếu tính thực tế, trong khi đó, biểu đồ sử dụng ngân sách dự toán của nhóm các tổ chức này chi thường xuyên cao hơn chi cho đầu tư phát triển. Dư luận vì vậy đã lên tiếng trong bối cảnh nguồn ngân sách quốc gia trong giai đoạn báo động đỏ. 

Dự toán chi tài chính năm 2017 sau đó có xu hướng giảm nhưng lại không mang tính đáng kể, ở mức 1.163,475 tỷ đồng. Một số nguồn chi thuộc nhóm tổ chức quần chúng công như Hội Nông dân Việt Nam vẫn lặp lại câu chuyện cũ khi ngân sách chi thường xuyên cho quản lý hành chính và nguồn lương cho số lượng người tham gia Hội, và nguồn ngân sách cấp cho tổ chức này còn cao hơn cả mức ngân sách dành cho Thanh tra chính phủ. 

Ước lượng của Viện VEPR (Vietnam Center for Economic and Policy Research) cho thấy, số lượng chi phí của các tổ chức quần chúng công này ở mức 1,7% GDP và tất nhiên, mức đầu tư này theo hướng dựa vào yêu cầu ngân sách của chính các tổ chức (phục vụ nhiệm vụ chính trị), chứ không phải dựa trên kết quả thực tế công việc tổ chức. 

Tuy nhiên, việc tinh giảm biên chế của các tổ chức phục vụ chính trị này đã không được đề cập trong thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật cải cách bộ máy hành chính giai đoạn 2011-2016 của Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2017. Và do đó, phương án đổi mới lần này áp dụng cho Mặt trận và tổ chức quần chúng công nêu trên là đáng lưu ý, một phần nó thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy nhà nước, một phần thể hiện sự cởi bỏ gánh nặng ngân sách trong tình hình nguồn tài chính quốc gia đã không còn mấy khả thi, khi mà sự huy động vốn trong chính phủ còn ít nhiều tắc nghẽn.

Dù đáng hoan nghênh, tuy nhiên, ở mức độ nào đó cũng cần nhìn nhận lại. Cơ cấu tổ chức được tinh giảm, biên chế được tinh giảm có thể giúp giảm nguồn ngân sách chi tiêu, nhưng mấu chốt vấn đề phải là giám sát chi tiêu, và hoạch định như thế nào cho việc chi tiêu (liên quan đến cân đối giữa chi thường xuyên và chi phát triển).

Trong một diễn biến có liên quan, chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam có có dấu hiệu chững lại trong một công bố mới đây của CDIVietnam. Theo đó, sau 10 năm khảo sát, với 6 vòng khảo sát, thì kết quả OBI của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình hạn chế (42/100 điểm - dưới mức trung bình) và xếp Việt Nam vào nhóm thứ 5 (ít công khai nhất, chỉ xếp trên Myanmar trong khu vực). Báo cáo này cho thấy tính chi tiêu, giải trình - yếu tố cải thiện phân bổ ngân sách nhà nước đã không được chú ý đến, sự minh bạch và sự tham gia của công chúng. Điều này phần nào thể hiện rõ qua việc, báo cáo kiểm toán của năm 2012 được công khai, nhưng giai đoạn 2015 - 2017 thì hoàn toàn công khai muộn, hoặc chỉ công khai nội bộ ; tương tự cho số phận của dự toán dự thảo ngân sách từ năm 2012 đến nay.

vepr2

Biểu đồ sử dụng ngân sách dự toán của 6 tổ chức chính trị - xã hội và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Dễ nhận thấy chi thường xuyên (cột biểu đồ mầu da cam) cao hơn chi đầu tư phát triển (cột biểu đồ mầu xanh).

Sẽ rất khó cho việc kiềm chế chi tiêu nếu chỉ thông qua một biện pháp cứng là tinh giảm biên chế hay cơ cấu lại tổ chức ; mà cần phải thực hiện chặt chẽ sự giám sát của công dân với nguồn tài chính và khả năng công khai nguồn tài chính (từ dự thảo cho đến kiểm toán), để từ đó sự giám sát tài chính công mới thực sự được hiệu quả. Câu chuyện này cũng tương ứng với một sự kiện nhỏ xảy ra trong tuần qua, đó là, trong bảng chi tiêu của trang web Mua sắm công, có hẳn một dự chi ngân sách cho việc mua thực phẩm chức năng cao hồng sâm nhằm mục đích 'Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Quảng ninh'. Đây là một thông tin khá nhỏ, và muốn nhận biết được thông tin này thì phải nhập một mã số dài : 20180413719.

Thông tin này cho thấy, nguồn ngân sách sẽ được điều chỉnh một cách thực tế nếu người dân có thể tiếp cận tốt với việc chi tiêu ngân sách trong các cơ quan nhà nước, hơn là việc giấu nó trong một mã số hoặc thông qua các báo cáo thiếu kiểm chứng ; thậm chí là qua các báo cáo khống (thường xảy ra ở các đơn vị nhà nước công thiếu giám sát). Vì vậy, đi cùng tái cơ cấu tổ chức hay hợp nhất các tổ chức lại là công khai, minh bạch, tăng cường giám sát của công dân, hay nói đúng hơn phản ứng dư luận đối với mức chi là khả năng tốt nhất để điều chỉnh ngân sách.

Trong câu chuyện có liên quan, vào năm 2014, Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra đề án 34.000.000.000 tỷ đồng để soạn thảo sách giáo khoa theo chương trình mới và thực hiện từ thí điểm đến đại trà đến năm 2023 ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, khi dư luận phản ứng, lên tiếng và tìm hiểu hiểu con số trên rút xuống còn 400 tỷ đồng, đến mức ông Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó phải thốt lên : sợ ! Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau đó đăng đàn Quốc hội giải thích đó chỉ là sai sót do 'lỗi kỹ thuật'.

Lỗi kỹ thuật trong sài ngân sách vô tội vạ là lỗi cơ bản ở các cơ quan nhà nước Việt Nam, và như thế nếu thiếu tính minh bạch và giám sát nêu trên, thì mọi sự hợp nhất chỉ tạo ra một siêu cơ quan, và việc ngốn ngân sách nhiều hơn chỉ là vấn đề thời gian.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 09/04/2018

Published in Diễn đàn

Đây là một tin không hề đáng vui mừng dành cho đội ngũ "cánh tay nối dài của đảng", vô tích sự và chỉ chăm chăm ăn tiền thuế của dân.

mattran1

Quan chức Mai Văn Chính, Phó trưởng ban tổ chức trung ương, công bố 4 phương án về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội". Ảnh : VietNam Finance

Vào đầu tháng Tư năm 2018, Ban tổ chức trung ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".

Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm :

Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức ; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.

Phương án hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này ; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.

Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Người đang nắm giữ chức vụ Trưởng ban tổ chức trung ương là ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ chính trị "thường" nhưng lại được xem là "sủng thần" của Tổng bí thư Trọng, thậm chí gần đây còn có dư luận cho rằng ông Chính về thực chất đã nằm trong "tứ trụ mới" của Bộ chính trị.

Phạm Minh Chính có nguồn gốc là Bí thư Quảng Ninh - địa danh không chỉ nổi tiếng về nạn hủy hoại môi trường tự nhiên và làn sóng du khách Trung Quốc đang biến địa phương này thành "Phố Tàu", mà còn có thành tích là nơi đi đầu trong hệ thống chính trí về thí điểm và sau này là triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa" - tức nhập hai chức danh bí thư và chủ tịch chính quyền cấp huyện làm một.

Với bề dày thành tích như vậy và khi được đưa về làm Trưởng ban tổ chức trung ương, ông Phạm Minh Chính có thể được xem là một nhân vật "có trọng lượng" trong những đề xuất của ông.

Đề tài nghiên cứu "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" diễn ra trong bối cảnh chủ trương "tinh gọn biên chế" và "giảm 10% biên chế" của Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.

Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người - chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.

Một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản là các hội đoàn chính trị - xã hội.

Trong tình hình ngân sách xuất hiện nhiều dấu hiệu cạn kiệt từ cuối năm 2015 và kéo dài liên tục trong hai năm 2017 và 2018, đã rộ lên nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng đối với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội lớn, bao gồm các nhân tố Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị - xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích. Chỉ riêng 6 tổ chức chính trị - xã hội trên đã "ngốn" hơn 1 nghìn tỷ ngân sách mỗi năm.

Không phải "chỉ có" 14.000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị - xã hội như một số báo đài đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương với hơn 71.000 tỷ đồng.

Nhiều người đánh giá rằng so với nguồn kinh phí rất lớn nhận được hàng năm từ bầu sữa nhà nước, công sức và hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trên bỏ ra là hoàn toàn bất tương xứng. Còn nếu nhìn từ góc độ ngân sách được cấu tạo bằng tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn nước ngoài mà các đời dân chúng phải nai lưng gánh chịu, sự thể còn trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.

Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối : đã đến lúc các tổ chức chính trị - xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam - còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Nhưng dĩ nhiên, sẽ không có chuyện đảng để cho Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải giải tán, mà sẽ lặp lại cơ chế "tái sắp xếp" như nhiều năm trước, tức "gom" một số cơ quan làm một. Vào lúc này, cơ chế đó càng có tính thời thượng khi đáp ứng chủ trương "nhất thể hóa".

Trong hai năm 2016 và 2017, kinh phí ngân sách cấp cho nhiều hội đoàn nhà nước đã giảm đến một nửa hoặc đến 60% so với trước đây. Chẳng hạn Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2017 đã phải than vãn bị cắt một nửa kinh phí và có nguy cơ phải giải thể.

Trong bối cảnh đó, những "cánh tay nối dài của đảng" như Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng nằm trong diện bị cắt giảm ngân sách như một phương cách không thể nào khác hơn.

Rất có thể đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" của Ban tổ chức trung ương sẽ được Tổng bí thư Trọng ưu ái cho "ứng dụng kết quả" sớm. Theo đó và cũng giống như chiến dịch "cải tổ" Bộ công an đang diễn ra, khối đoàn thể chính trị - xã hội sẽ lâm vào cảnh "ghế rất ít, đít rất nhiều", kéo theo yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập nhiều ghế vào một ghế, dẫn đến cảnh tượng nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải hưu non hoặc bị hạ cấp, thậm chí phải "ra đường" - một dạng thân phận hoàn toàn trái ngược với cảnh trước đây ung dung ăn thuế của dân nhưng chỉ biết "hót" theo đảng.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 07/04/2018

Published in Diễn đàn