Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2018

Trung Quốc có phải là cường quốc công nghệ - sáng tạo ?

Tam Don

Trung Quốc có phải là cường quốc công nghệ và sáng tạo không, đó là câu hỏi đã được thế giới đặt ra trong 5-7 năm trước. Giới chuyên gia công nghệ thế giới đã không thẳng thắn trả lời, chỉ mỉm cười như hàm chỉ rằng, Trung Quốc chỉ đang ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Trong khi đó, tự bản thân Trung Quốc coi mình là cường quốc công nghệ của thế giới. 

tq1

Trung Quốc là cường quốc công nghệ - sáng tạo ? Ảnh minh họa.

Ru ngủ và tự huyễn hoặc mình

Cách đây vài trăm năm về trước, Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh, có một nền văn minh rực rỡ. Nền văn hóa Trung Quốc, cho dù được bao phủ bởi thuyết âm mưu và luận anh hùng, bởi ân oán và trả thù, bởi mưu đồ vương bá và tranh đoạt quyền lực liên miên và đẫm máu, vẫn là nền văn hóa sống động bậc nhất thế giới. Thời trung cổ, bốn phát minh vĩ đại nhất của nhân loại đều xuất phát từ Trung Quốc, đó là : trang giấy, thuốc súng, in ấn và la bàn. Bốn phát minh này đã giúp Trung Quốc lan tỏa quyền lực mềm của mình một cách thành công, chủ yếu sang Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhưng, Châu Âu với thời kỳ Phục Hưng kỳ diệu đã thực sự cất cánh về khoa học và học thuật trong một thời gian ngắn, và bỏ xa Trung Quốc trung thành với các tín điều của Khổng giáo. 

Hơn 40 năm mở cửa với những chính sách kinh tế thực dụng đã giúp Trung Quốc phát triển chóng mặt, Trung Quốc có những đóng góp gì về khoa học công nghệ, về công nghệ nguồn cho văn minh nhân loại ? 

Người Trung Quốc vốn bị huyễn hoặc về tầm vóc trí tuệ và văn hóa của mình trong quá khứ, và bị bưng bít thông tin nặng nề, bị đầu độc tuyên truyền quá nhiều, nên đã khẳng định rằng : trong thời hiện đại, Trung Quốc đã có bốn phát minh thay đổi thế giới, đó là : tàu cao tốc, thương mại điện tử, thanh toán di động và xe đạp công cộng dùng chung. Từ tháng 5/2017 đến nay, báo chí Trung Quốc luôn tuyên truyền về bốn phát minh đương đại vĩ đại của Trung Quốc, tạo nên làn sóng tự hào dân tộc lớn chưa từng có, tạo nên niềm tin mãnh liệt trong người dân Trung Quốc về sự cường thịnh trí tuệ của đất nước. 

Thế giới đã ngỡ ngàng trước sự ngộ nhận của Trung Quốc. Trên thực tế, tàu cao tốc có đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1964, thương mại điện tử có đầu tiên ở Anh vào năm 1979, thanh toán di động có đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1997, xe đạp công cộng chia sẻ có ở Hà Lan những năm chục năm trước và được Nhật Bản nâng cấp bằng phần mềm tìm kiếm dễ dàng từ 20 năm trước. 

Nhiều chuyên gia công nghệ đã dứt khoát khẳng định rằng, trong suốt 500 năm nay, Trung Quốc không có một phát minh, sáng kiến nào cống hiến cho quá trình phát triển của nhân loại. 

Tại sao Trung Quốc lại tự nhận mình là tác giả của bốn phát minh ấy ? Không có gì khó hiểu cả. Bất kỳ một chế độ độc tài toàn trị nào cũng tuyên truyền cho thần dân (không phải là công dân) của mình rằng, chế độ cầm quyền là ưu việt, đất nước phát triển và ổn định, để từ đó, các thần dân ngủ mê trong mộng mị và hoang tưởng. Khi vùi mình trong mộng mị và hoang tưởng, các thần dân sẽ không còn nhận thức được thật- giả, không đấu tranh để lật đổ một chế độ độc tài toàn trị thối tha. 

Sức mạnh của Bắc Kinh nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát

Nhiều người Việt Nam, và cả chính báo chí nhà nước đang ra sức ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc và bước tiến công nghệ vượt bậc của nước này. Không thể phủ nhận rằng, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh về kinh tế, đang tăng tốc trong việc ứng dụng công nghệ cao, nhưng cần phải khẳng định rằng : trong 40 năm qua Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia sáng tạo và làm chủ công nghệ. Sao chép đã trở thành thuộc tính của Trung Quốc. Chiếm đoạt công nghệ cao dưới nhiều hình thức đã trở thành bản tính của họ. Sao chép và chiếm đoạt không đem lại những sản phẩm tốt, trên thực tế chỉ đem lại những sản phẩm lỗi. 

Gần đây nhất, vào ngày 03/04/2018, tiêm kích F-7 của Myanmar do Trung Quốc sản xuất đã bị rơi khi đang bay, và phi công đã thiệt mạng. Nguyên nhân hoàn toàn thuộc về lỗi kỹ thuật, trong đó lỗi kỹ thuật đáng chú nhất là ghế phi công đã không kích hoạt dẫn đến cái chết của phi công. 

Trước đó, vào năm 2015, một máy bay quân sự không người lái của Nigeria do Trung Quốc sản xuất đã rơi ở bang Borno của Nigeria và đã gây bão mạng thế giới. Dĩ nhiên, cũng là lỗi kỹ thuật. 

Cũng vào năm 2015, Cameroon mua 04 máy bay trực thăng tấn công Harbin- Z9 của Trung Quốc, và 01 chiếc đã rơi( dĩ nhiên là do lỗi kỹ thuật) sau vài lần bay. Cameroon ngán ngẩm, đành để 3 chiếc còn lại làm cảnh, và ngậm bồ hòn làm ngọt. 

Cũng vào năm 2015, Congo mua một lô xe bọc thép chống đạn từ Trung Quốc. Loại xe này uống xăng như uống nước khiến quân đội Congo sợ hãi. Và sau đó, trong một lần tuần tra, một chiếc xe bọc thép chống đạn loại này trúng mìn, kết quả là xe banh xác. Quân đội Congo đành phải cho lô xe nghỉ hưu ngoài ý muốn. 

Còn tàu sân bay Liêu Ninh có phải là biểu tượng công nghệ của Trung Quốc ? Chỉ đúng khi khẳng định rằng nó là sản phẩm của đua đòi và tập tành sĩ diện. Tàu Liêu Ninh có nguồn gốc là con tàu bỏ đi của hải quân Liên xô cũ, Trung Quốc hoán cải lại nó. Từ 50 năm trước, tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đã sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng tàu Liêu Ninh chỉ là máy thủy hàng hải đơn thuần do Ucraina sản xuất, phun khói mù mịt, tiêu tốn nhiên liệu khủng khiếp. Tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đều có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt từ hàng chục năm trước, nhưng tàu Liêu Ninh vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngọt được cung cấp từ các tàu hậu cần. Dĩ nhiên, nhiên liệu cũng được các tàu hậu cần cung cấp. Các công nghệ khác của tàu sân bay Liêu Ninh dĩ nhiên kém xa các công nghệ của tàu sân bay Hoa Kỳ. Vậy, sức mạnh của tàu sân bay Liêu Ninh nằm ở đâu ? Sức mạnh của nó nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát. 

tq2

Cho đến thời điểm năm 2018, cho dù sử dụng nhiều con chíp nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 80% con chíp, 20% con chíp do Trung Quốc sản xuất chỉ là những con chíp biết bò - Ảnh minh họa.

Cho đến thời điểm năm 2018, Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất bút bi, mặc dù đất nước này sản xuất 80% lượng bút bi của thế giới. Cho đến thời điểm năm 2018, dù là nước sản xuất điện thoại di động nhiều nhất, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu làm chủ công nghệ điện thoại di động. Cho đến thời điểm năm 2018, cho dù sử dụng nhiều con chíp nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 80% con chíp, 20% con chíp do Trung Quốc sản xuất chỉ là những con chíp biết bò. 

Thế giới có gì Trung Quốc có cái đó. Trung Quốc có tàu vũ trụ, có vệ tinh - biểu tượng của khoa học kỹ thuật cao ? Không, nó là biểu tượng của những khát vọng hơn là biểu tượng của sáng tạo và phát minh. 

Các nước láng giếng của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang tỏ ra khá lo lắng và e ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, nhưng họ không hề sợ hãi. Nhưng có lẽ Việt Nam không nằm trong số đó !

Tam Don

Nguồn : VNTB, 08/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)