Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/04/2018

Xử lý "cô giáo quyền lực" : Kỷ luật bằng cảm tính hay căn cứ quy phạm pháp luật ?

Trần Thành-Thảo Vy

Hội đồng kỷ luật Trung học phổ thông Long Thới huyện Nhà Bè Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất mức kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy cho đến hết năm học 2017-2018 với cô Trần Thị Minh Châu. Có nghĩa, cô giáo này sẽ có 5 tuần lễ "mất dạy".

cogiao3

Cô giáo "quyền lực" Trần Thị Minh Châu (giáo viên trường Trung học phổ thông Long Thới - Nhà Bè - Thành phố Hồ Chí Minh)

Sở dĩ nhấn con số ‘5 tuần lễ’, vì theo Bộ Luật Lao động, trong thời gian bị đình chỉ giảng dạy, cô giáo Trần Thị Minh Châu vẫn được nhận 50% tiền lương của mức lương hồi chưa "mất dạy". Và cũng vì mức kỷ luật chỉ có khoảng 45 ngày (theo quy định, niên học 2017/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc vào ngày 25/5/2018) nên theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, cô giáo Trần Thị Minh Châu vẫn được nhận đầy đủ phần phụ cấp ở 5 tuần lễ ‘mất dạy’.

Trước đó, trong chương trình gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng học sinh trên địa bàn thành phố sáng 23/3, nữ sinh Phạm Song Toàn (Trung học phổ thông Long Thới) phản ánh giáo viên dạy Toán là cô Trần Thị Minh Châu không giảng bài, không trò chuyện với học sinh, chỉ cho chép và giao bài tập. Hơn một học kỳ, lớp của Song Toàn tự học, không biết bày tỏ nỗi lòng với ai…

Cá nhân người viết nghĩ rằng trong vụ việc cô giáo Trần Thị Minh Châu cần được xem xét theo các quy định của Luật Giáo dục ; trong đó có cả phần trách nhiệm của ông Bùi Minh Bình, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Long Thới, và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn.

Thứ nhất, cô giáo Trần Thị Minh Châu cần bị truất quyền là "nhà giáo", chứ không phải "kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy đến hết năm học". Luật Giáo dục, tại Điều 15. Vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, quy định : "Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học".

Tháng 10/2011, nhiều tòa soạn báo chí ở Sài Gòn đã nhận đơn phản ánh, tường trình, khiếu nại - tố cáo (kèm đĩa ghi âm) cô Châu của phụ huynh và học sinh gửi đến (ảnh). Tóm tắt các tường trình này như sau : Ngày 12/9/2011, em Tống Khánh Linh bị bệnh, phải nghỉ học 2 ngày đi khám bệnh, đến ngày 14/9 đi học thì bị cô giáo chủ nhiệm là Trần Thị Minh Châu không cho vào lớp tiết của cô. Dù giám thị của trường và người giám hộ xác nhận Linh có xin phép nhưng cô Châu không chấp nhận. Ngày 16/9, đến tiết của cô Châu, em Linh không những bị đuổi, mà cô Châu còn xé sổ liên lạc của em trước lớp. Những ngày sau đó, cô giáo Châu chuyển em Linh xuống bàn thứ 3 với lý do là "nhìn mặt dạy không được". Em Linh sau đó đã phải chuyển lớp.

Nhiều học sinh từng bị cô Châu bắt chép phạt hơn 200 lần. "Với cô Châu, nếu không chép phạt đủ thì không được vào lớp. Có khi rất vô lý. Cô ra một bài toán khó, nếu không có ai làm được thì bắt cả lớp chép phạt"- Nguyễn Bảo Hoàng, nguyên là học sinh lớp 12A5, cho biết.

"Kẻ đê tiện tôi sẽ xử lý theo kiểu đê tiện, em tưởng có nhiêu đó mà đòi vào lớp với tôi sao ? Cái thằng con trai to, cao, bự kiểu đó mà bệnh gì ? Bệnh hoạn thì có. Cái người bệnh hoạn tôi không muốn nói đến. Người gì mà ngu si dữ vậy ? Phụ huynh đàng hoàng tôi mới tiếp, tưởng gặp tôi mà dễ sao. Kẻ đó có tư cách gì mà nói chuyện với tôi...". Đó là một trong rất nhiều đoạn băng ghi âm báo chí có được về những lời đe của cô Châu khi đứng trên bục giảng.

Sáng 29/10/2011, làm việc với báo chí, ông Lê Xuân Giang - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ - khẳng định : "Hiện tại cô Châu vẫn đuổi học sinh. Có lần 17 em bị đuổi. Giám thị báo, tôi xuống can thiệp cho các em vào lớp, các em ngập ngừng không dám vào. Khi tôi đi khỏi, cô lại phạt các em đứng úp mặt vào tường. Tôi trở lại, bảo các em quay mặt ra, các em không dám quay…". Ông Giang cho biết : "Đơn thư, băng ghi âm tố cáo cô Châu trù dập học sinh, ăn nói hồ đồ, xúc phạm học sinh và phụ huynh, quan hệ với phu huynh rất căng thẳng… nhà trường nhận được rất nhiều. Tôi đã làm việc với cô Châu, tổ trưởng tổ toán và từng thành viên trong tổ về đạo đức nhà giáo và phương pháp sư phạm.

Chưa hết, còn có chuyện cô Châu cấu kết với một vài giáo viên khác để trù úm học sinh. Hễ học sinh bị cô này "chiếu" là các cô kia cũng "chiếu" theo ; năm nay bị cô này "đì" thì năm sau gặp các cô kia cũng sẽ bị "đì". Rất phản sư phạm ! Kiểu giáo dục đó làm ảnh hưởng xấu đến uy tín nhà trường. Ba năm qua, điểm tuyển sinh đã tụt rất nhiều ; ba năm liền hiệu suất đào tạo chỉ còn 61%, rất thấp...".

Bức xúc đến vậy, nhưng cũng đầy bất ngờ là sau đó, cô giáo Trần Thị Minh Châu được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chuyển cô về dạy trường Trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè, để rồi xảy ra vụ việc "im lặng suốt 3 tháng".

cogiao2

Cô giáo quyền lực vẫn tại vị sau hàng loạt hành vi xúc phạm và bạo hành tinh thần học sinh.

Lẽ ra ngay sau khi vụ việc bị báo chí đăng tải, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét về hành vi nhục mạ học sinh được quy định tại Luật Giáo dục, Điều 75. Các hành vi nhà giáo không được làm : "1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học" ; và xúc phạm nhân phẩm phụ huynh của cô giáo Trần Thị Minh Châu được quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005, Điều 37 "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".

Thứ hai. Đã có thể buộc thôi việc cô giáo Trần Thị Minh Châu vì không đáp ứng các yêu cầu của Luật Giáo dục, Điều 70. Nhà giáo : 1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. 2. Nhà giáo phải có những tiêu chuẩn sau đây : a) Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt ; b) Đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ ; c) Đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp ; d) Lý lịch bản thân rõ ràng".

Theo quy định viện dẫn, cô giáo Trần Thị Minh Châu đã không làm nhiệm vụ giảng dạy khi đứng lớp. Tiêu chuẩn "phẩm chất, đạo đức, tư tưởng" của cô giáo Trần Thị Minh Châu cũng thực sự có vấn đề, vì các tiết toán mà cô giảng dạy bằng hình thức "im lặng" ròng rã suốt 3 tháng được diễn ra ở lớp 12, và toán là môn thi bắt buộc cho tốt nghiệp phổ thông trung học.

Cô giáo Trần Thị Minh Châu đã không tuân thủ quy định về nhiệm vụ của nhà giáo được ghi tại Điều 72, Luật Giáo dục : "1. Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục ; 2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường ; 3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo ; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học ; 4. Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học ; 5. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật".

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cần trả lời liệu có dấu hiệu bao che về sai phạm có hệ thống của cô giáo Trần Thị Minh Châu hay không ?

Trần Thành – Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 15/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 664 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)