"Đề xuất của Bộ Tài chính chỉ nhằm đánh vào số đông người thu nhập thấp để có nguồn thu tối đa chứ hoàn toàn không nhằm mục đích điều tiết, phát triển kinh tế xã hội".
Trụ sở Bộ Tài chính - Ảnh minh họa
Cách đây không lâu, khi Bộ Tài chính xây dựng đề xuất nâng thuế xăng dầu, người viết đã chỉ ra sự bất cập trong phương cách quản lý kinh tế của Bộ tài chính qua việc xây dựng chính sách thuế. Một trong những ví dụ đưa ra là chính sách tăng thuế chuyển mục đích sử dụng đất thời kỳ tăng trưởng nóng. Thực tế đã chứng minh : Bộ Tài chính đã thu được một số tiền đáng kể qua tăng thuế chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng đã góp phần không nhỏ đến việc đẩy giá đất lên quá cao. Dẫn đến cú vỡ bong bóng gây ra hệ lụy khủng khiếp cho nền kinh tế mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Thật bất ngờ sau khi cùng với Bộ Công thương, nhất quyết không chịu minh bạch cơ sở tính thuế xăng dầu. Buộc người dân phải chấp mức giá bao gồm khoản thuế ngất ngưởng, bất chấp phản ứng từ dư luận. Trơ trẽn hơn, một số quan chức còn đưa ra một kết luận ngược đời"tăng thuế có lợi cho dân" (!) Có vẻ như Bộ Tài chính sau khi thành công ép dân mua xăng dầu giá cao, tiếp tục thản nhiên thách thức dư luận, thách thức lòng dân bởi được sự chống lưng"thực hiện theo nghị quyết của Đảng"thì hôm nay lại thừa thắng xông lên - tiếp tục đề xuất thu thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Cũng tương tự vụ tăng thuế xăng dầu. Bộ Tài chính đang đứng ngoài những nỗ lực tìm kiếm giải pháp ổn định, phát triển kinh tế nếu không nói là đang đưa ra những chính sách đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ. Đề xuất thu thuế nhà của Bộ Tài chính vừa đưa ra tiếp tục thêm một dẫn chứng cụ thể.
Nhìn qua, có thể nói rằng chính sách thu thuế nhà là một khoản thuế bình thường mà hầu như tất cả mọi quốc gia đều thực hiện.Chưa cần bàn tới mức thuế cao hay thấp ở các quốc gia. Hãy xét đến khía cạnh chung và lý do thu thuế nhà ở.
Việc thu thuế nhà ở, ngoài tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Nguồn gốc xây dựng chính sách thu thuế nhà ở được các nhà hoạch định chính sách lý luận : Dân số sẽ luôn tăng, trong khi đất thì không tăng. Việc sử dụng đất vào mục đích xây dựng nhà ở dần sẽ đến lúc đối mặt khó khăn là không có quỹ đất cho dân số mới trong tương lai. Từ lý luận này, các chế độ nhà nước đã quyết định thu thuế đất ở, nhằm khuyến khích việc sử dụng đất để xây dụng nhà ở một cách tiết kiệm nhất. Việc thu thuế nhà ở trên thế giới chỉ thu ở hai nội dung : Thứ nhất là nhà xây dựng với mục đích thương mại, phát sinh thuế khi chuyển nhượng nhà ở, chỉ thu thuế đất ở vượt định mức tiêu chuẩn đất ở. Đối với nhà ở được qui là nhà thương mại, thực chất là loại nhà nằm ngoài mục đích sử dụng để ở chứ không chỉ riêng nhà dung để kinh doanh. Chẳng hạn luật Mỹ thì nhà mà hộ gia đình đang sử dụng để ở, có diện tích xây dựng bằng hoặc dưới mức qui định về tiêu chuẩn đất ở cho mỗi người trong hộ thì được miễn thuế. Việc áp dụng cũng khá linh động, hầu hết chỉ thu ở những căn nhà có diện tích đất phụ thuộc liên quan nhà ở (vườn, đất khuôn viên...) quá lớn. Nếu sở hữu căn nhà thứ hai trở lên thì bất kể lớn nhỏ đều phải nộp thuế nhà. Áp dụng như vậy, luật pháp đảm bảo được mấy vấn đề : Tôn trọng quyền được có chỗ ở và sử dụng chỗ ở để tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội khác. Thực chất là thu thuế đất ở chứ không phải là nhà. Gần như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đều có cách tính như vậy.
Tại Việt Nam, từ thời Pháp đã thu thuế đất ở, gọi là"thuế điền thổ". Tất nhiên cũng tính trên giá trị đất, hạng đất chứ không thu trên nguyên tắc tính giá nhà. Trong chế độ hiện nay",thuế điền thổ" đã được thu từ lâu với tên mới là"thuế đất thổ cư". Vậy, việc đề xuất thu thuế nhà từ 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra dựa trên nguyên tắc nào ? Vì mục đích gì ? Câu trả lời ngắn gọn : Chỉ theo nguyên tắc ở Việt Nam, mục đích duy nhất là tăng thu ngân sách.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc thực hiện khoản thu này nó ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội Việt Nam ra sao ?
Nếu nói rằng : Kinh tế phát triển thì người dân có trách nhiệm cùng nhà nước chia sẻ khó khăn qua các khoản đóng góp của mình. Nhưng kinh tế người dân Việt Nam lại chưa phát triển bởi vì đã gánh quá nhiều các khoản thuế phí. Kinh tế, văn hóa, chính trị tụt hậu quá xa với thế giới bởi bộ máy chế độ không có chính sách phát triển kinh tế hữu hiệu. Nhằm củng cố quyền lực và cuộc tranh đoạt các lợi ích cá nhân cho bộ máy cầm quyền nên tỷ lệ người dân phải nuôi công chức cao đứng đầu thế giới. Việc tăng thuế, đưa thêm các khoản thuế mới vào để thu, tất nhiên sẽ làm cho đời sống, kinh tế người dân ngày càng khốn khó là điều đương nhiên.
Nhà ở có giá trị trên 700 triệu sẽ phải nộp thuế tài sản sẽ khiến đời sống người dân chồng thêm khó khăn !
Điều nguy hại hơn, việc thuê thuế nhà theo đề xuất mà Bộ Tài chính đưa ra không phải mới mà là thuế chồng lên thuế. Vì đề xuất tính giá nhà không phải tính trên giá trị phần xây dụng mà tình trên"giá trị giao dịch thị trường" - nghĩa là bao gồm cả nhà và đất. Thực tế, giá trị nhà đất nói chung trên toàn quốc, ngoại trừ nhà ở nông thôn thì giá trị nhà bao gồm đất có giá trị dưới mức từ 700 triệu đến 1 tỷ chiếm một tỷ lệ rất thấp. Ước tính có khoảng trên 80% nhà ở trên toàn quốc sẽ là đối tượng phải chịu thuế nếu được phê chuẩn.
Trong khi giá trị này tất nhiên là giá bao gồm cả giá trị ảo được hình thành từ giai đoạn bùng nổ địa ốc trước đây đã nói ở phần trên. Nó đồng nghĩa : Một căn nhà hiện đang sử dụng sẽ là đối tượng của ít nhất 3 loại thuế : Thuế đất thổ cư ; thuế chuyển nhượng ; thuế nhà ở. Nếu tính cả các loại thuế phí khác đã thu trước khi căn nhà được hình thành thì có khoảng trên dưới chục loại (vật liệu xây dựng ; thi công ; chuyển mục đích sử dụng đất ; chuyển nhượng đất.v.v.).
Ở một nội dung liên quan khác, Bộ Tài chính lại tìm cách lươn lẹo, né tránh việc thu thuế nhà thứ 2 vốn hợp lý và tác động ảnh hưởng tới xã hội thấp hơn nếu không nói là tích cực và công bằng hơn. Nó chỉ ra rằng, khoản thu này cũng tương tư việc tăng thu thuế xăng dầu : Đề xuất của Bộ Tài chính chỉ nhằm đánh vào số đông người thu nhập thấp để có nguồn thu tối đa chứ hoàn toàn không nhằm mục đích điều tiết, phát triển kinh tế xã hội.
Thật là mỉa mai khi chỉ cách đây mấy ngày, đương kim Thủ tướng vừa đặt ra câu hỏi :"Tại sao nông dân không giàu ?" ( !)
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 16/04/2018