Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2017

Nợ, trả nợ và khủng hoảng

Vũ Quang Việt

Nợ công của Việt Nam là vấn đề tranh cãi từ lâu. Nợ của Chính phủ và của doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu. Cả hai loại nợ này có lẽ cho đến nay ít dựa vào đánh giá khả năng trả nợ mà dựa vào kế hoạch chỉ tiêu (hay lệnh) của cơ quan chủ quản. Nợ chính phủ đòi hỏi tăng thuế để trả nợ. Nợ doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải giảm đầu tư vì áp lực trả nợ. Cả hai đều kìm hãm tăng trưởng trong nền kinh tế.

Một minh chứng điển hình là vấn đề nợ của Nhật Bản trong vài chục năm qua đã làm kinh tế Nhật tiếp tục trì trệ. Nếu không thế, phát hành tiền và tăng tín dụng để tài trợ sẽ gây lạm phát.

nocong1

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ đã ngừng hoạt động từ giữa năm 2015, bị âm vốn chủ sở hữu 528 tỉ đồng (tại thời điểm cuối năm 2015), chưa kể nợ phải trả gần 7.000 tỉ đồng.

Sau một thời gian kìm hãm, nợ công ở Việt Nam có vẻ tăng mạnh, nhất là trong năm 2015 (xem bảng 3, dựa vào số liệu chính thức).

Thông tin trình bày ở dưới bao gồm nợ của Chính phủ (bao gồm cả nợ doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh) - mà Bộ Tài chính gọi là nợ công và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Số liệu tới năm 2015 dựa vào các nguồn chính thức. Số liệu năm 2016 chủ yếu dựa vào ước tính của tác giả.

Khu vực công (public sector) theo định nghĩa của Hệ thống Tài khoản quốc gia của Liên hiệp quốc 2008 bao gồm cả Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước nên có thể coi nợ công là tổng của nợ chính phủ và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Thông tin này là cần thiết, dù Việt Nam vẫn chỉ chú ý đến nợ chính phủ (được gọi là nợ công), nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước nào phá sản thì việc trả nợ là do Chính phủ chịu trách nhiệm, dù Chính phủ tuyên bố không có trách nhiệm và nếu giả thiết cho phá sản, đất và tài sản công sẽ bị tịch biên và thuộc về chủ nợ. Vì thế khi phân tích về nợ công, không thể bỏ qua nợ của doanh nghiệp nhà nước. Dù không đồng ý về định nghĩa, cách tốt nhất là Bộ Tài chính nên công bố cả nợ của doanh nghiệp nhà nước vào Bản tin nợ công để các nhà phân tích tùy nghi sử dụng.

Số liệu tin cậy được cho thấy nợ chính phủ năm 2015 là 115 tỉ đô la Mỹ, bằng 59,5% GDP và ước tính nợ chính phủ năm 2016 lên tới ít nhất 131 tỉ đô la Mỹ, bằng 63,9% GDP. Nợ chính phủ tăng quá nhanh, ở mức gần 35% năm 2015.

Nợ của doanh nghiệp nhà nước ở đây cho thấy toàn cảnh khoảng 3.200 doanh nghiệp với số nợ theo điều tra của TCTK năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.

Với tỷ lệ nợ lớn như trên, khó lòng nền kinh tế phát triển mạnh. Không những thế thời gian qua, do tăng tín dụng, tăng nợ, lạm phát cuối năm 2016 đã lên đến 4,7% và có khả năng tăng cao hơn trong năm 2017 (xem bảng 4). Điều dễ hiểu là tín dụng tăng mạnh. Lạm phát tăng như trên sẽ đẩy lãi suất lên, có thể tới ít nhất 8%/ năm vào năm 2017, trái ngược với tình hình lạm phát và lãi suất giảm cho đến cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Nợ cao, lãi suất cao, khả năng trả nợ sẽ giảm. Kinh tế khó lòng mà phát triển mạnh, nếu không nói là có thể bị rơi vào khủng hoảng.

nocong2

Bảng 1. Nợ công và GDP Việt Nam tính theo USD giai đoạn 2010-2016

nocong3

Bảng 2. Nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp nhà nước, 2010-2016, tỷ USD

Bảng 3. Tốc độ tăng nợ, 2010-2015 (%)

Bảng 4.1. Lạm phát năm 2015 (so với cùng tháng trước) %

Bảng 4.2. Lạm phát năm 2016 (so với cùng tháng trước) %

Vấn đề nợ, đặc biệt là nợ chính phủ ngày càng tăng là do chi ngân sách ngày càng tăng, đưa đến thiếu hụt ngân sách lớn, khoảng 5-6% GDP một năm. Thông tin trong quá khứ cho thấy thường tỷ lệ chi ngân sách vượt nghị quyết của Quốc hội 30-40% (xem bài trên TBKTSG số ra ngày 29/10/2015), mà tới hai năm sau mới biết. Như thế, khả năng kiểm soát chi gần như không có.

Cách tốt nhất để kiềm chế trong một vài năm tới là đóng băng chi, và đóng băng tăng biên chế (dài lâu hay tạm thời), chỉ cho phép thay thế người về hưu ở vị trí cần thiết. Nếu làm được thế, thu ngân sách tăng, ít nhất theo tốc độ tăng trưởng kinh tế (6%), thiếu hụt ngân sách sẽ bị xóa bỏ nhanh chóng. Chỉ có thể kiểm soát chi tiêu nếu thống kê ngân sách cụ thể, cập nhật và theo đúng chuẩn quốc tế.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt

Nguồn : TBKTSG, 09/02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Quang Việt
Read 1870 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)