Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2018

Dọa Mỹ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao ?

Nguyễn Tường Thụy

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans-Pacific Partnership) đã được 12 quốc gia thành viên (Australia, Brunei, Canada, Chile, Japan, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, United States, Vietnam) ký ngày 04/02/2016. Nhưng 3 ngày sau ngày nhậm chức, ngày 23/01/2017 ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của Mỹ, đã ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định vì cho rằng Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt thòi nếu hiệp định này được thi hành.

Liền ngay sau đó, dưới sự điều động của Nhật Bản, 11 thành viên còn lại đã cùng nhau họp lại để bàn thảo cách thức duy trì nội dung hiệp định TPP. Và ngày 14/03/2018 một hiệp định mới ra đời, mang tên Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP-Comprehensive and Progressive Agrement for Trans-Pacific Partnership).

cptpp0

Ngày 23/01/2017 ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của Mỹ, đã ban hành quyết định rút khỏi Hiệp định TPP

Tuy nhiên, theo VOA, ngày 12/04/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho các cố vấn kinh tế và thương mại hàng đầu nghiên cứu việc tái gia nhập Hiệp ước mậu dịch vòng đai Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, ngày 19/4, người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết : "Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là CPTPP, là hiệp định thương mại mở, theo đó các nền kinh tế có thể tham gia CPTPP sau khi hiệp định đi vào triển khai trên cơ sở chấp thuận các tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên".

Không có một chữ nào nói lên sự hoan nghênh khi Mỹ quay trở lại TPP và có vẻ lạnh lùng, muốn làm khó cho Mỹ.

Lời phát ngôn của Bộ ngoại giao có thể hiểu như sau : Mỹ trước đây đã rút khỏi hiệp định, bây giờ coi như lính mới nhưng vẫn có thể tham gia. Mỹ muốn vào thì phải chấp nhận các tiêu chuẩn cao của tổ chức này và đương nhiên phải được sự chấp nhận của các thành viên (trong đó có Việt Nam).

Báo Mới giật tít đầy dụng ý : "Muốn gia nhập CPTPP, Mỹ sẽ phải chấp thuận các tiêu chuẩn cao".

Phát ngôn của Bộ ngoại giao có vẻ tréo ngoe với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc có vẻ thực tế và biết mình hơn khi cho rằng Hoa Kỳ tham gia vào hiệp định này thì "tất cả các nền kinh tế thành viên sẽ hưởng lợi" và đó sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng "trong khu vực và trên toàn thế giới".

Khi Mỹ chưa rút, TPP bao gồm 12 nước trong đó, Việt Nam và Mỹ đều không phải là nước sáng lập. Nhưng nhìn vào danh sách 12 nước, người ta thấy vị thế của Việt Nam và Mỹ khác hẳn "một đầu, một cuối". Việt Nam đã phải khá vất vả để đàm phán với các nước trong đó có Mỹ. Nhiều vấn đề mà Việt Nam phải vượt qua một cách nhọc nhằn như các điều khoản về lao động, phải tuân theo những tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế, phải chấp nhận một mức lương tối thiểu, phải cấm tình trạng bắt buộc lao động dưới mọi biện pháp, cho phép công nhân thành lập công đoàn, độc lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… Việc loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp sẽ làm mất đi một nguồn thu rất lớn để đổi lại các lợi ích khác. Các điều kiện khó khăn như vậy nên rất có thể Việt Nam cứ chấp nhận để được vào đã, rồi thực hiện được hay không thì… tính sau. Kinh nghiệm về thực hiện thỏa thuận của Việt Nam với các nước trước đây cho thấy tình trạng đó.

Những điều kiện khó đối với Việt Nam thì với Mỹ lại là điều đơn giản. Đó là những tiêu chuẩn đương nhiên và sẵn có dù Mỹ vào TTP hay không.

Còn với Việt Nam, TPP là Hiệp định thương mại mà Việt Nam đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 12 nước, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP chỉ 3 ngày sau khi ông Donald Trump nhậm chức, thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzō tiếc rẻ, cho rằng TPP sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tham gia của Mỹ.

Cũng cần lưu ý, việc trở lại của Mỹ là chưa chắc chắn. Tổng thống Mỹ ngỏ ý còn đang xem xét nếu hiệp định này "tốt hơn đáng kể" so với thỏa thuận mà chính quyền của ông Obama trước đây. Điều này có nghĩa, họ sẽ trả treo, làm mình làm mẩy, đưa ra các điều kiện khó hơn cho các nước thành viên, làm sao có lợi hơn cho nước Mỹ.

Qua đó, có thể thấy rõ vị thế của Mỹ và Việt Nam trong TPP. Ngược về quá khứ để biết, Việt Nam đã khốn khổ khốn nạn như thế nào trong 20 năm bị Mỹ cấm vận. Vì vậy, khi bà Lê Thu Hằng có vẻ "rộng lượng" khi nói Mỹ "có thể tham gia" nhưng dọa phải "chấp thuận các tiêu chuẩn cao" và phải được các nước chấp nhận khiến người ta không khỏi thấy khôi hài.

Cư dân mạng thì được một phen cười bể bụng, rằng "ngoại giao lớp 3 trường làng", "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng", "chảnh", "không biết mình là ai và đang ở đâu", "xưa khốn khổ vì vướng phải nhân quyền và công đoàn độc lập, phải cầu lụy Mỹ. Nay đã gia nhập rồi thì trở mặt".

Có người còn tếu táo hỏi tiêu chuẩn cao đặt ra với Mỹ là gì ? Có phải café…pin ? Thuốc than tre trị ung thư ? Thịt cá nuôi bằng thuốc tăng trọng hay là rau quả đầy thuốc kích thích ?

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : VNTB, 21/04/2018

*********************

Trump ‘đổi ý, không muốn Hoa Kỳ tái nhập TPP’ (BBC, 18/04/2018)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lại lên Twitter tuyên bố ông không thích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù Nhật và Hàn Quốc mong muốn Mỹ "quay lại TPP".

tpp1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào ngày làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng ông vào tháng 1 năm 2017

Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP ngay khi lên nhậm chức năm 2017, nhưng gần đây nói có thể tham gia trở lại nếu có điều khoản tốt hơn.

Nhưng hôm thứ Ba, viết trên Twitter sau khi ăn tối với ở Florida với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Hoa Kỳ nói đã bác lời mời của Tokyo để ông tái nhập thỏa thuận mậu dịch này.

"Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng ta trở lại TPP, tôi không thích thỏa thuận cho Hoa Kỳ", ông nói.

"Quá nhiều điểm không chắc chắn và không có cách nào để thoát nếu thỏa thuận này không mang kết quả".

"Các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn, có lợi nhuận và tốt hơn cho người lao động của chúng ta. Nhìn thấy WTO đã khiến nước Mỹ tệ hại ra sao", ông Trump viết.

Thông báo trên truyền thông xã hội của tổng thống Hoa Kỳ được đưa ra vào cuối ngày đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh hai ngày với ông Abe tại câu lạc bộ Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.

Ông Trump đã đưa Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào ngày làm việc đầu tiên của mình tại văn phòng ông vào tháng 1 năm 2017 sau khi chống lại TPP trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2016 cho chức vụ tổng thống.

Tuy nhiên tuần trước, ông đã có một cuộc gặp với các chính trị gia từ các tiểu bang Hoa Kỳ dựa vào nông nghiệp vốn thuyết phục ông tránh chiến tranh thương mại với Trung Quốc và xem xét tái nhập TPP.

Đầu năm nay, ông cũng nêu ra ý tưởng gia nhập TPP trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Tuy nhiên, quyết định của ông Trump không tham gia TPP, trước ngày thứ hai của cuộc hội đàm về mậu dịch, là tin không vui cho Thủ tướng Nhật Bản.

Nhật Bản không muốn tham gia đàm phán thương mại song phương với Hoa Kỳ vì nghi ngờ Washington sẽ yêu cầu bắt Nhật nhượng bộ nhiều hơn những gì Tokyo đã nhượng bộ trong TPP, mà Washington lại không nhượng bộ gì để đổi lại.

Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định, 11 quốc gia còn lại tiếp tục đàm phàn và ký kết thỏa thuận hồi tháng Ba.

Quay lại trang chủ
Read 889 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)