Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2018

Hải quân và Không quân Việt Nam Cộng Hòa những ngày cuối cùng

Lữ Giang

Phải công nhận rằng Hoa Kỳ đã có một kế hoạch phá sập Việt Nam Cộng Hòa rất tinh vi, tỉ mỹ và hoàn chỉnh, kể cả đêm 29 rạng ngày 30/4/1975.

hq1

Ngày 29 tháng 4 năm 1975, Soái hạm Hạm đội Việt Nam Cộng Hòa, Khu trục hạm Trần Hưng Đạo HQ1, đã cùng một số tàu khác rời Việt Nam

Như chúng tôi đã trình bày, vào tháng 4 năm 1975, khi thấy tình hình Miền Nam Việt Nam đã đến giai đoạn không còn cứu vãn được nữa, Mỹ đã sắp xếp cho miền Nam đầu hàng Bắc Việt để tránh biển máu hay đổ máu quá nhiều. Biết tướng Dương Văn Minh có liên lạc với Việt Cộng, Đại sứ Martin của Mỹ đã phối hợp với Đại sứ Merillon của Pháp thuyết phục hai Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương từ chức và lừa tướng Dương Văn Minh ra làm hàng tướng, bằng cách tạo cho ông ta một ảo tưởng rằng chỉ có ông mới có thể nói chuyện với "phía bên kia" để hình thành một "chính phủ liên hiệp Quốc - Cộng" !

Sắp xếp cho tay chân bộ hạ ra đi

Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên tình báo gộc của CIA, chắc chắn đã được báo tin tình hình đang đến giai đoạn cuối, nên ngày 4/4/1975 ông đã tìm cách "bán cái" chức Thủ tướng cho ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ tịch Hạ Nghị Viện, để chạy. Ông Khiêm nói với ông Cẩn rằng chỉ có ông ta mới có thể kết hợp được các đảng phái và tôn giáo lại thành một lực lượng có thể đương đầu với Cộng quân nên ông muốn nhường chức Thủ tướng lại cho ông ta. Ông Cẩn chỉ là một chuyên viên về hành chánh và một tay chân bộ hạ của tướng Thiệu, không biết gì về tình hình, nên đã cắn câu !

Ngày 14/4/1975, Chính phủ Nguyễn Bá Cẩn ra mắt do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng, Trung tướng Trần Văn Đôn làm Đệ nhất Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng quốc phòng ; Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Đệ nhị Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ, và Kỹ sư Dương Kích Dưỡng, đặc trách về cứu trợ và định cư, v.v.

Ngày 21/4/1975, Tổng thống Thiệu bị cưởng ép phải từ chức và nhường chức Tổng thống lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Mất nơi nương tựa, ngày 23/4/1975, ông Nguyễn Bá Cẩn nộp đơn xin Tổng thống Hương cho ông từ chức Thủ tướng.

Tối 25/4/1975, CIA đẩy hai tay chân bộ hạ gộc của họ là tướng Nguyễn Văn Thiệu và tướng Trần Thiện Khiêm lên chiếc C-118 của Không quân Hoa Kỳ bay đi Đài Loan. Sau đó, theo lời yêu cầu của ông Nguyễn Bá Cẩn, tối 28/4/1975 người Mỹ cũng đã đẩy ông lên một chiếc C-130 đang nổ máy với nhiều người khác đã ngồi chờ sẵn, đưa ông đi Honolulu. Những chính khách và tướng tá không phải là tay chân bộ hạ hay tay sai của Mỹ, đều bị Mỹ bỏ lại đàng sau, sống chết mặc bây.

Đem Không quân và Hải quân ra khỏi Việt Nam

Ngày 26/4/1975, khi thấy tình hình đã đi vào giai đoạn cuối, Văn phòng Tùy viên quân sự Mỹ (Defense Attaché Office - DAO) do tướng Homer D. Smith điều khiển, đã bí mật khuyến cáo tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ra lệnh cho Không quân và Hải quân chuẩn bị rời khỏi Việt Nam để các phi cơ và chiến hạm khỏi rơi và tay địch. Lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa có lực lượng không quân và hải quân lớn nhất vùng Đông Nam Á.

hq2

Tướng Homer D. Smith, trương cơ quan DAO, người điêu khiển cuộc di tản cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

1. Di tản Không quân

Tối 28/4/1975, Chuẩn tướng Huỳnh Bà Tính, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Không quân đóng tại Biên Hòa, trình Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Bộ tư lệnh Không quân, về việc đột nhiên một số phi cơ ở phi trường Biên Hòa đã phát nổ. Tướng Minh cho biết lệnh phá hủy phi cơ không phải từ ông mà do lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Lúc đó, Cộng quân bắt đầu pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Tướng Minh ra lệnh dời Sư đoàn 5 Không quân ở Tân Sơn Nhứt và Sư đoàn 3 Không quân ở Biên Hòa xuống căn cứ Sư đoàn 4 Không quân tại Trà Nóc, ở Cần Thơ. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, các phi công có thể lái máy bay bay qua căn cứ Utapao của Không quân Hoa Kỳ ở Thái Lan. 

hq3

Khu trục cơ Skyraider A-1H là loại máy bay tấn công chủ lực của các sư đoàn không quân Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên 1970

Cơ quan DAO đã cho các phi cơ Mỹ ở Hạm đội 7 vào phụ giúp phá hủy các phi cơ còn lại, bom đạn và các giàn radar ở phi trường Biên Hòa.

2. Di tản Hải quân

Với Hải quân, vì lực lượng này rất cộng kềng, nên việc di tản sẽ gặp khó khăn và có thể gây hổn loạn nếu không được tổ chức chu đáo. Cơ quan DAO đã cho cựu Thiếu tá Richard Armitage, tùy viên viên quân sự Tòa đại sứ Hoa Kỳ, đến phối hợp với Đề đốc Chung Tấn Cang (Trung tướng), Tư lệnh Hải quân, lo tổ chức, đôn đốc và theo dõi việc di tản an toàn lực lượng Hải quân ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc di tản được thông báo cho các cấp là đi xuống miền Tây hay ra Phú Quốc. Đề đốc Chung Tấn Cang mới được Tổng thống Thiệu cử làm Tư lệnh Hải quân vào ngày 24/3/1975 thay thế Đề đốc Lâm Ngươn Tánh (Thiếu tướng).

Chiều 26/4/1975, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Tư lệnh Hạm đội, mặc dầu chưa có lệnh, đã vội báo tin này cho các hạm trưởng biết. Ông nói phải "chuẩn bị tinh thần vì có thể di chuyển về Phú Quốc". Ngày 28/4/1975 ông đã bị mất chức.

Vào sáng sớm ngày 29/4/1975, một cuộc họp mật của tham mưu cao cấp đã được tổ chức tại Bộ tư lệnh Hải quân. Đề đốc Cang cho biết rằng nếu không có một phản lệnh nào khác, toàn bộ Hạm đội sẽ rời Bộ tư lệnh ở Sài Gòn vào lúc 0 giờ tối 29 rạng 30/4/1975. Các hạm trưởng chuẩn bị thi hành. Tuy nhiên, cũng có chiến hạm đã lên đường trước giờ ấn định.

Đề đốc Cang đã liên lạc với Bộ Tổng tham mưu và Đại tá Thủy quân lục chiến Cổ Tấn Tinh Châu, chỉ huy trưởng Đặc khu Rừng Sát và Thủy trình sông Lòng Tảo - Vàm Cỏ, yêu cầu giữ an ninh cho đoàn chiến hạm có thể di chuyển an toàn trên sông Sài Gòn trong vòng vài giờ để ra khơi. Các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ cũng được phái đến để bảo vệ cho cuộc di tản này.

Trưa ngày 29/4/1975, Đề đốc Chung Tấn Cang vào Dinh Hoa Lan gặp tướng Minh để thăm dò. Ông cho tướng Minh biết tình hình và hỏi tướng Minh có định ra đi không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con rễ là Đại tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại đi theo Đề đốc Cang, còn ông và bà Minh ở lại.

Lúc 5 giờ chiều 29/4/1875, Đề đốc Cang được tướng Dương Văn Minh gọi lên trình diện. Tướng Cang sợ tướng Minh sẽ ra lệnh cho ông phải phối trí Hải quân như thế nào, làm hỏng kế hoạch di tản do Mỹ đã vạch ra, nên không dám đi, mà cho Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy (Chuẩn tướng), Tư lệnh phó Hải quân kiêm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Hải quân đi thay. Sau đó, tướng Cang tuyên bố giải tán Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trên đài phát thanh Sài Gòn để không ai có thể ra lệnh cho Bộ tư lệnh này quay ngược lại vì Bộ tư lệnh này không còn, nhưng lực lượng Hải quân vẫn giữ nguyên đội hình và chuẩn bị di tản.

Khi Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy đến gặp tướng Minh thì tướng Minh cho biết tình hình đang biến động và ông bảo Bộ tư lệnh Hải quân phải đặt Hải quân trong tình trạng sẵn sàng để khi cần có thể di chuyển xuống Cần Thơ. Tướng Thủy xin tuân lệnh.

Tối hôm đó, khi biết được Đề đốc Cang đã giải tán Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và đang dẫn lực lượng Hải quân rời khỏi Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đã cấp thời ra khẩu lệnh cử Hải quân Đại tá Nguyễn Văn Tấn hành xử quyền Tư Lệnh Hải quân. Đại tá Tấn đã ở lại và sau khi Sài Gòn mất, ông phải đi tù.

Vào nửa đêm 29 rạng ngày 30/4/1975, Đề đốc Chung Tấn Cang đã đích thân chỉ huy Hạm đội Việt Nam Cộng Hòa, gồm khoảng 26 chiến hạm, hải hành trực chỉ căn cứ Hải quân Hoa Kỳ tại Subic Bay, Phi Luật Tân, "trong trật tự và kỷ luật theo đúng truyền thống của quân chủng". Trên trời có máy bay Mỹ thuộc Hạm đội 7 bay theo yểm trợ. Phó Đề đốc Diệp Quang Thủy ra khơi trên Tuần dương hạm HG-601 do Hải quân Đại úy Trần Minh Chánh chỉ huy.

Chuyện tướng Chung Tấn Cang thành lập một mặt trận chống lại Cộng quân được Pierre Darcourt ghi lại trong cuốn hồi ký "Vietnam, qu'as tu fait de tes fils ?" là chuyện không hề có trong thực tế.

Số phận của những kẻ mơ mộng

Như vậy, người Mỹ đã giải thoát cho các tay chân bộ hạ của họ, đưa các phi cơ và chiến hạm đi, để một miền Nam sắp sụp đổ lại cho tướng Dương Văn Minh và nhóm của ông, gồm những thành phần phản chiến, luôn đòi hòa hợp hòa giải với Cộng sản như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Vũ Văn Mẫu, Trần Ngọc Liễng, Hồ Văn Minh, Hồng Sơn Đông, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quí Chung, Lý Chánh Trung, v.v.

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin nhắc lại một lần nửa lời của Triết gia George Santayana (1863 - 1952) :

"Những người không thể nhớ quá khứ bị kết án tái diễn nó. Học từ quá khứ của chúng ta là cách duy nhất có trách nhiệm để chuẩn bị cho chính chúng ta về tương lai, nhất là khi quá khứ đó là chứng tích của thất bại đáng ghi nhớ".

Ngày 30/4/2018

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 1174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)