Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2018

Vì sao #MeToo khó trở thành một phong trào mạnh mẽ ở Việt Nam ?

Song Chi

Từ khoảng tháng 10/2017, Hollywood và nước Mỹ rúng động bởi hàng loạt cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại ông trùm sản xuất phim cỡ bự Harvey Weinstein. Cụm từ #MeToo được nữ diễn viên Alyssa Milano phổ biến rộng rãi trên Twitter để khuyến khích phụ nữ tweet về nó và cho mọi người hiểu được độ lớn của vấn đề, đã nhận được sự hưởng ứng từ những bài viết của một số nhân vật nổi tiếng như Gwyneth Paltrow, Ashley Judd, Jennifer Lawrence, Uma Thurman…

me2

Cụm từ #MeToo được nữ diễn viên Alyssa Milano phổ biến rộng rãi trên Twitter

Tiếp theo sau ông trùm Harvey Weinstein, hàng loạt tên tuổi lớn trong giới làm phim, giới chính khách, quân đội, thể thao, y khoa, âm nhạc…bị tố cáo với những mức độ khác nhau, từ việc đã có những hành vi, lời nói không đúng đắn cho tới quấy rối, lạm dụng tình dục, thậm chí tấn công, cưỡng bức. Và rất nhiều người đã phải từ chức, hoặc "thân bại danh liệt" vì những việc làm của họ.

Trong đó có những tên tuổi lớn như diễn viên Kevin Spacey, diễn viên hài, nhà văn và nhà làm phim Louis C.K., đạo diễn và nhà sản xuất phim Brett Ratner, diễn viên James Fanco, Mark Halperin-nhà báo của nhiều cơ quan báo ch truyền thông lớn trong đó có HBO và NBC News, Charlie Rose - nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình trên PBS và Bloomberg LP, CBS…cùng vô số tên tuổi khác không kể xiết.

Từ Mỹ, những lời cáo buộc tương tự lan rộng ra hàng chục quốc gia khác trên thế giới, và Me Too (hoặc "#MeToo") trở thành một phong trào chống quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt tại môi trường làm việc. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc nhiều tên tuổi lớn trong giới chính khách, giới làm phim, ca nhạc, sân khấu…cũng bị "dính đòn", trong đó đáng chú ý có cả đạo diễn Kim Ki-duk, bị một số nữ diễn viên cáo buộc lạm dụng tình dục, kể cả hiếp dâm !

Kim Ki-duk là đạo diễn nổi tiếng, tác giả của bộ phim được biết đến rộng rãi trên thế giới "Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring" và nhiều bộ phim khác như "Time", "Breath", "Dream", "Beautiful", "Pietà"… người từng từng nhận vô số giải thưởng tại các Liên hoan danh giá của châu Âu như liên hoan phim quốc tế Venice, liên hoan phim quốc tế Cannes, Berlin…

Nhưng ở Việt Nam thì vẫn yên ắng. Không lẽ ở Việt Nam không có những chuyện dùng sức mạnh của đồng tiền, quyền lực, địa vị…và lợi dụng thế yếu của người khác để có những hành vi như lạm dụng tình dục, thậm chí cưỡng bức ? Hoàn toàn không phải.

Nhưng vì sao phong trào #Metoo lại không lan được đến Việt Nam ? Do phần lớn người Việt Nam, nhất là phụ nữ vẫn còn ngần ngại, xấu hổ khi nói về những sự việc như vậy ? Do lo ngại xã hội chưa chắc đã đứng về phía mình, lợi đâu không thấy còn thiệt hại hơn vì tự "vạch áo cho người xem lưng" ? Do không tin tưởng rằng kẻ phạn tội sẽ bị trừng phạt vì luật pháp Việt Nam vẫn là thứ luât pháp của kẻ mạnh, của đồng tiền ?

Mới đây, khi câu chuyện về một nữ cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ (là sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) tố cáo bị nhà báo Anh Thoa, tên thật Đặng Anh Tuấn, nguyên trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ, xâm hại tình dục, chính thức được đăng tải trên nhiều tờ báo chính thống của Việt Nam và công an đã vào cuộc điều tra, một số câu chuyện tương tự được người trong cuộc hoặc người ngoài lên tiếng trên mạng xã hội và cả trên báo. Mới nhất là vụ rocker Phạm Anh Khoa bị nữ vũ công Phạm Lịch tố cáo là có những hành động và lời nói "gạ tình" trong thời gian Phạm Anh Khoa là huấn luyện viên chương trình truyền hình Trời sinh một cặp còn Phạm Lịch là thí sinh.

Trong thực tế, nạn "gạ tình", quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, kể cả cưỡng bức trong môi trường làm việc ở Việt Nam không hề ít hơn các quốc gia phương Tây hay Mỹ. Do những nguyên nhân, những đặc thù riêng của xã hội, văn hóa và tính cách của con người Việt Nam, vấn đề này ít được công khai nói tới nhưng vẫn tồn tại trong đời sống xã hội, như một con sóng ngầm nhưng không kém kinh khủng nếu được phơi bày.

Thậm chí, cũng lại do những đặc thù riêng đó mà vấn đề này trở nên phổ biến, chẳng khác nào nạn "phong bì" hay hối lộ tiền bạc, ở đây là hối lộ tình cảm, tình dục, hoặc ngược lại, từ phía những kẻ có chức, có quyền, có ưu thế, coi đó như một đặc ân, một cái quyền mà họ được hưởng.

Chúng ta biết, một trong những "căn bệnh" khá nặng trong xã hội Việt Nam là chạy theo thành tích, chạy theo những cái bên ngoài, ví dụ điểm số khi đi học, cái bằng, một chỗ đứng trong xã hội cho tới chạy theo danh vọng, tên tuổi… Ngay từ hồi còn đi học cấp một cho tới đại học, học sinh, sinh viên Việt Nam đã bị áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội vì điểm số, thứ hạng, bằng cấp… Và vì những cái đó, nhiều em đã chấp nhận "trả giá". Lâu lâu chúng ta lại đọc thấy trên báo chí những câu chuyện kiểu như "đổi tình lấy điểm" của một số nữ sinh với thầy giáo, đến khi ra trường, đi làm lại có hiện tượng "đổi tình lấy… công việc" của nhân viên với sếp, vì một chỗ làm "thơm", nhiều cô sẵn sàng chấp nhận qua đêm với sếp, không chỉ những cô còn độc thân mà ngay một số cô đã có gia đình ! Trường hợp ngược lại, khi sếp là nữ còn nhân viên là nam cũng có, nhưng có lẽ ít hơn, do văn hóa Việt Nam, phụ nữ vẫn còn cảm thấy ngượng ngùng khi phải chủ động trong những mối quan hệ chỉ thuần túy "trao đổi" kiểu như vậy.

Còn trong giới showbiz, giới văn nghệ, truyền thông ư ? Đầy. Một cô sinh viên báo chí mới vào thực tập ở một tờ báo lớn hay một cơ quan truyền hình cỡ bự, nếu muốn được nhận vào làm, hoặc đang ngồi ở một vị trí thấp muốn được cất nhắc lên vị trí khác, sẽ có ngay những kẻ gợi ý phải "biết điều". Một diễn viên chưa nổi, một giọng hát chưa thành sao, muốn đi tắt, lên nhanh, dễ thôi, hãy "biết điều". Thời còn đi làm phim ở Việt Nam, tôi biết chắc một số câu chuyện như vậy, và trong nghề còn biết tay đạo diễn nào, phó đạo diễn nào "nổi tiếng" vể khoản này nữa kia.

Xã hội Việt Nam là một xã hội chuộng bằng cấp, địa vị, và lại lắm kẻ hở về luật pháp nên bất cứ môi trường nào, ngành nghề nào cũng có những nghịch lý kiểu như người có tài thì bị chèn ép, kẻ háo danh, cơ hội, bất tài nhưng có tiền, có thế (hoặc có sắc) thì lại leo cao, leo nhanh. Và phía sau những sự thăng quan tiến chức với tốc độ phi mã, những mảnh bằng Giáo Sư, Tiến Sĩ, những danh xưng nhà thơ, nhà văn cho tới Hoa hậu, Hoa khôi, siêu mẫu… là có bao nhiêu người đi đường tắt và đánh đổi hoặc mua bằng, mua danh bằng tiền, bằng những thứ khác ? Vụ quan lộ thần tốc của người đẹp xứ Thanh Trần Vũ Quỳnh Anh với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến chỉ là một trong vô số ví dụ, ở đây còn là quan hệ bồ nhí, chứ nhiều khi chỉ cần tình một đêm, sòng phẳng.

Cũng như vậy, showbiz Việt càng ngày càng nhiễu loạn, tài năng thực thì hiếm mà những người nổi nhanh vì chiêu trò, vì scandal thì nhiều. Nên có gì đáng ngạc nhiên nếu có những câu chuyện "gạ tình", "đổi tình" ? Thuận lòng đôi bên thỉ không ai biết, xã hội hay luật pháp cũng chẳng làm được gì trong những trường hợp như vậy, nhưng lại có những vụ lợi dụng vị thế để gạ gẫm, quấy rối, thậm chí cưỡng bức, lúc đó mới thành chuyện ! Và không chỉ phụ nữ mới bị, nam giới cũng bị, còn nhớ khi diễn viên hài Minh Béo bị bắt về tội quấy rối tình dục trẻ em ở Mỹ, một vài nam diễn viên trẻ đã lên tiếng từng bị đàn anh sàm sỡ, quấy rối ra sao !

Nhưng tại sao con số người dám dũng cảm lên tiếng vẫn là quá ít ỏi ? Câu trả lời cũng lại do đặc thù xã hội, văn hóa, tính cách con người Việt Nam.

VN không chỉ là một xã hội Á Đông, nơi mà những vụ việc như vậy vẫn còn bị coi là chuyện riêng tư, không nên phơi bày cho toàn xã hội biết, nhất là khi nạn nhân là phụ nữ, sợ lên tiếng thì gia đình, họ hàng, dư luận sẽ đánh giá "danh dự, tiết hạnh" của mình trước tiên ; và kỳ lạ là dư luận thì thường chỉ trích người con gái nặng hơn đàn ông trong những vụ việc như vậy-cứ đọc những status, comment trên mạng xã hội về vụ cô thực tập sinh báo chí tố cáo ông nguyên trưởng phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ kia thì thấy ! Bên cạnh những status, comment ủng hộ, bênh vực là những lời chỉ trích, mai mỉa nặng nề khó nghe, thậm chí ác độc, như con gái kiểu gì đêm khuya tới ngủ nhà đàn ông, hoặc cô này phải làm sao thì ông kia mới dám…chứ v.v…Cái kiểu quay ngược lại đổ lỗi, chỉ trích nạn nhân này không hiếm, và không chỉ ở Việt Nam mới có !

Trong một xã hội Á Đông, đàn ông vẫn tự cho mình có một số cái quyền, trong đó có quyền…tán tỉnh, gạ gẫm phụ nữ, ngay cả ở môi trường làm việc. Vấn đề là tán tỉnh đến mức độ nào thì chấp nhận được, mức độ nào thì không, thì là… phạm pháp, hình như nhiều người vẫn chưa hiểu được cái "lằn ranh mỏng manh" đó.

Nhưng Việt Nam còn là một xã hội độc tài, ở đó quyền mở miệng (dù mở miệng về bất cứ chuyện gì) và quyền con người nói chung còn xa vời. Đa số người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng vẫn chưa hiểu rằng gạ tình, quấy rối tình dục cho tới lạm dụng tình dục, cưỡng bức là những tội danh bị xử nặng ở các nước tự do, dân chủ. Có nhiều người thì lại nghĩ rằng tấn công, cưỡng bức mới là phạm tội, chứ còn những lời nói gạ gẫm, những hành vi sờ mó hay một cái hôn không được sự cho phép thì cũng… nhẹ thôi, thường thôi. Cho nên kẻ gạ gẫm thường ỷ y và nạn nhân thì thường bỏ qua những hành vi kiểu như vậy ! Cần phải biết rằng ở nhiều quốc gia chỉ cần một câu nói không đúng mực đúng chỗ hay một hành vi sờ mó thôi là đã bị kiện và bị pháp luật xử lý, bị dư luận lên án, nếu là người có tên có chức thì chắc chắn sẽ phải trả giá cho cái tên, cái vị trí của mình !

Người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng vẫn chưa quen mở miệng, nhất là những chuyện "nhạy cảm" như thế này, dư luận thì chưa chắc đã đứng về phía nạn nhân, luật pháp thì cũng chưa chắc đã xử lý những vụ gạ tình, quấy rối này, đó là lý do vì sao người viết tin rằng cũng giống như ở Trung Quốc, #MeToo khó có thể trở thành một phong trào như ở nhiều quốc gia tiên tiến khác !

Nhưng dù sao, các nạn nhân, trước hết hãy dũng cảm lên tiếng, dù dư luận có thể nói này nói kia, danh dự nạn nhân có thể bị ảnh hưởng ít nhiều, dù kẻ phạm tội có thể chả bị pháp luật xử lý, nhưng hãy cứ lên tiếng ! Sự dũng cảm của bạn sẽ được những người hiểu biết đồng cảm và ủng hộ, kẻ phạm tội phải bị vạch mặt, bị "mất mặt", bị tẩy chay, đặc biệt đối với những kẻ có tên tuổi, có chức hoặc có danh thì sự lên tiếng này vừa giúp xã hội nhìn ra cái mặt trái của y, vừa giúp những người khác không tiếp tục trở thành những nạn nhân !

Vì vậy, hãy lên tiếng ! Trước hết là để giải thoát bản thân mình khỏi nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh, những chấn thương tâm lý từ vụ việc, và để vượt lên chính mình !

Song Chi

Nguồn : RFA, 01/05/2018 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)