Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/05/2018

Từ ngày tự do báo chí đến trách nhiệm và công lý nhà báo độc lập

Ánh Liên

Ngày 3/5 được định là ngày gày tự do báo chí 2018, với nguyên tắc được đề ra là : Kiểm soát quyền lực : Truyền thông, Công lý và Pháp quyền.

tudo1

Ngày 3/5, ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek được coi Ngày Tự do báo chí thế giới.

Ngày Tự do báo chí thế giới đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 12/1993, theo đề nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Kể từ đó, ngày 3/5, ngày kỷ niệm Tuyên ngôn Windhoek được coi Ngày Tự do báo chí thế giới.

Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nhân sự kiện này đã nhấn mạnh : vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm 2018, tôi kêu gọi chính phủ tăng cường tự do báo chí và bảo vệ các nhà báo. Thúc đẩy nền báo chí tự do đang đứng lên vì quyền được biết sự thật của công chúng.

Trong nền báo chí tự do đó, có cả những nhà báo và giới truyền thông độc lập, và quan điểm của người đứng đầu tổ chức Liên Hiệp Quốc chính là sự vô giá của nhóm báo chí này đối với quần chúng.

Trong quan điểm này, có cụm từ ‘phục vụ quần chúng’, và bản thân người viết cũng đánh giá cao cụm từ này khi nghĩ về IJAVN.

tudo2

Trang website của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) - Ảnh minh họa (screenshot 07/05/2018)

Thành lập từ năm 2014 đến nay là 4 năm, trong 4 năm đó, bản thân IJAVN đã trải qua nhiều biến đổi, thậm chí có lúc còn bị đánh phá bởi các luồng quan điểm thuộc cực tả hoặc cực hữu. Nhưng Ban điều hành và tôn chỉ mà tổ chức đề ra vẫn là nhằm phục vụ cho vai trò của sự tự do báo chí và nhấn mạnh về sự hài lòng của quần chúng là trên hết. Chính điều này đã khiến cho IJAVN không trở thành một lá cờ chính trị - truyền thông trong tay bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Trong cục diện của cuộc chiến đốt lò của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện nay, IJAVN thông qua chuyên trang Việt Nam Thời báo đã liên tục cho đăng tải các thông tin đa chiều. Tin bài không nhằm tô hồng chế độ hay bôi xấu chế độ, mà ngược lại là ghi nhận và phản ánh các quan điểm khác nhau về các sự kiện và hiện tượng của nền chính trị - xã hội. Do đó, mà bản thân chuyên trang Việt Nam Thời Báo loại bỏ tính ‘chửi’, mà thay vào đó là ‘phản biện’ một cách trung thực của các góc nhìn cá nhân liên quan.

Hãy xem, cùng một cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, có bài viết ghi nhận sự cố gắng và thanh tẩy của ông ; có ý kiến cho rằng đây là cuộc chiến bè phái ; cũng có ý kiến cho rằng, những nỗ lực này không làm biến đổi được bản chất của thế chế (hay đúng hơn tham nhũng sẽ không chấm dứt mà tạm thời sẽ ngưng lại trong đợt đốt lò lần này).

Đề cập như thế để nhận biết rằng, bản thân trang Việt Nam Thời báo không hướng đến phục vụ chính trị, mà chính là phục vụ sự thật và góc nhìn đến người dân. Và bản thân điều này duy trì cũng là muốn tạo ra một Diễn đàn ngôn luận cho tất cả những ai mong muốn phản ánh và bày tỏ quan điểm của mình (như cách mà IJAVN khẳng định là các quan điểm trái chiều được bảo hộ bởi Điều 19 – Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền).

Việt Nam Thời Báo (IJAVN) tồn tại trong sóng gió, liên quan đến sự chú ý đặc biệt lẫn trấn áp của Nhà nước đối với các hội đoàn dân sự độc lập (như bắt giam và kết án đối với Hội Anh em dân chủ). Điều này là thách thức, nhưng đúng như Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã đề cập, thì dù thế nào đi chăng nữa, công chúng vẫn cần biết sự thật, và Chính phủ cần bảo vệ quyền tự do báo chí.

Khi Nhà nước Việt Nam phản đối báo cáo Nhân quyền của Mỹ, thì ít nhất, Nhà nước phải đảm bảo rằng, sự phản đối đó là trung thực, tức là hệ thống xử sự bên trong nhà nước không có việc tống giam những người bất đồng chính kiến. Việc nhiều blogger, nhà báo bị tống giam vừa qua vì phản ánh các sự kiện chính trị hay thực hành quyền biểu đạt (biểu tình) đã cho thấy điều ngược lại.

Năm nay, chủ đề của Tự do báo chí là môi trường pháp lý cho tự do báo chí, vậy ở Việt Nam thì như thế nào ? Chưa bao giờ, khung pháp lý dành cho các tổ chức Hội đoàn lại cần thiết như hiện nay, đặc biệt về luật về hội – nhưng bao giờ được thông qua vẫn là câu hỏi lớn.

Khi Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến cơ quan tư pháp độc lập trong việc đảm bảo các điều kiện pháp lý cho tự do báo chí cũng như truy tố tội phạm chống lại các nhà báo, thì ở Việt Nam, những nhà báo hay tổ chức báo chí – truyền thông độc lập (kể cả nhà nước) cũng mong mỏi cơ quan tư pháp hiểu đúng và đủ về quyền tự do báo chí, trước khi đi đến một kết luận hoặc bản án đối với tự do báo chí.

Trở lại với IJAVN hay Việt Nam thời báo. Rõ ràng, con đường tự do báo chí còn dài, và mệnh đề của Ngày tự do báo chí năm nay tại Việt Nam vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, sự ra đời của IJAVN và sự tôn trọng tính đa nguyên trong quan điểm, góc nhìn của người viết trong thời gian qua, kể cả về vai trò ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng chính là thiết lập và đi từng bước đến mệnh đề đó. Và đó chính sự khẳng định đậm nét tôn chỉ hoạt động phục vụ ‘quần chúng trên hết’, trên cơ sở đặc tính ‘độc lập’.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 06/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)