Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/05/2018

Hội nghị Trung ương 7 : Thay đổi nhân sự để củng cố quyền lực ?

Phạm Quý Thọ

Tại sao dư luận lại quan tâm ai sẽ được chọn để thay thế những vị trí 'khuyết' trong Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 ? Không thể hiểu thấu đáo những gì đang diễn ra nếu không đề cập đến bản chất công tác cán bộ và tổ chức đảng, trong đó vai trò của cá nhân người đứng đầu luôn quan trọng trong hoạt động chính trị nhằm củng cố quyền lực.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Phiên họp trù bị

Hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra như những thách thức với đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình chuyển đổi thể chế, cải tổ nền kinh tế trước mong muốn ổn định chính trị của ban lãnh đạo - Ảnh minh họa 

Hội nghị Trung ương 7 khóa 12, theo chương trình, sẽ diễn ra trong tháng năm này, dự kiến thảo luận 3 đề án : "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" ; "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" và "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp".

Các đề án đã được Bộ chính trị, Ban bí thư cho ý kiến khi các cơ quan soạn thảo chuẩn bị. Tuy nhiên, dư luận, các nhà phân tích chú ý là về những thay đổi nhân sự có thể diễn ra trong Hội nghị cho các vị trí lãnh đạo cao nhất trong Bộ chính trị, cũng như dự kiến quy hoạch cán bộ chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ khóa 13.

Bộ chính trị hiện thời gồm 19 ủy viên. Sau hơn 2 năm hoạt động, nay 'khuyết' 2, trong đó 1 vì lý do sức khoẻ, 1 do bị kỷ luật và án tù. Những vị trí Thường trực ban bí thư và Bí thư thành phố Hồ Chí Minh đã có các ủy viên khác thay thế. Sự thay đổi nhân sự có thể tiếp tục. Ngoài ra, gần đây lan truyền đồn đoán về vị trí chủ tịch nước cũng có thể thay đổi trong hội nghị này.

Việc thay đổi các cá nhân cụ thể không phải là công việc khó khăn. Riêng trong năm 2017, ngoài 5 vị trí Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư, Đảng cộng sản Việt Nam bổ nhiệm, điều động, luân chuyển một số bộ trưởng và tương đương, trưởng ban cơ quan đảng, đoàn thể trung ương, bí thư tỉnh, thành và đảng ủy trực thuộc trung ương… Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt hơn gắn liền với 'chống tham nhũng' sau những 'bất ổn' kéo dài.

'Thuần hóa'

Phương thức hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, về nguyên lý, không thay đổi. Đó là các cán bộ lãnh đạo được lựa chọn dựa trên cơ sở công trạng và thành tích ; sự lãnh đạo tập thể ở Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương tạo sự thống nhất, làm dịu đi 'khác biệt' ; việc đề ra chủ trương, chính sách của đảng, về cơ bản, theo chương trình toàn khóa và chỉ đạo tập trung. Song, không thể hiểu thấu đáo những gì đang diễn ra nếu chỉ đề cập đến thể chế, mà không gắn với vai trò của cá nhân được tạo ra bởi thể chế đó.

Sau Đại hội 12 Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều quy định mới thay thế cho nội dung cũ về công tác cán bộ. Trong đó đáng chú ý là Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quy định số 105-QĐ/Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Các quy định mới tạo ra 'luật chơi' mang tính nguyên tắc đã khiến quyền lực tập trung mạnh hơn cho Bộ chính trị và cá nhân Tổng bí thư.

Việc theo dõi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chống tham nhũng, từ vụ Trịnh Xuân Thanh đến 'không vùng cấm', trong khoảng 2 năm nhiều đại án được xét xử, các bị cáo từ nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên các tướng công an, nguyên lãnh đạo đã nghỉ hưu… đến nguyên cán bộ các tập đoàn nhà nước, nhân viên ngân hàng… Qua các phương tiện truyền thông nhà nước, sự 'vận động quần chúng' công khai khiến cho uy tín cá nhân Tổng bí thư được nâng cao, và ông tạo được hình ảnh như người thực hiện sứ mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam, tạo sức ép đối với chế độ quan liêu, tham nhũng để cứu chế độ, lấy lại niềm tin. Ông và các đồng chí trong Bộ chính trị dường như đã 'thuần hoá' được Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo các địa phương. 'Sự chuyển hoá' trong nội bộ trước đây đã không thể tạo thành phe phái nổi lên 'thách thức' quyền lực tập trung của đảng.

Hội nghị Trung ương 7 là quan trọng, bởi vì các động thái thay đổi nhân sự trước mắt cũng như việc quy hoạch người kế cận và đội ngũ lãnh đạo chiến lược có ý nghĩa thiết yếu để tiếp tục củng cố quyền lực đảng.

Từ năm 2014 Đảng cộng sản Việt Nam, lần đầu tiên, đã công khai danh sách các cán bộ được coi là chiến lược, luân chuyển về địa phương tỉnh, thành phố, trong đó hơn nửa đã được cơ cấu vào BCHTrung ương khóa 12, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ngoài ra, theo truyền thống kế cận, một số con em các lãnh đạo thế hệ trước được tiếp nối giữ các cương vị cao trong bộ máy đảng, nhà nước.

Danh sách trên cho thấy tính chất thoả hiệp trước Đại hội 12. Hơn thế, thực tế một số vụ kỷ luật đảng nổi cộm diễn ra ở cả trung ương và địa phương, như vụ nguyên bí thư Đà Nẵng, phó bí thư Đắc Lắc, Đồng Nai…, các hiện tượng 'thái tử đảng', 'cả họ làm quan', 'nhóm lợi ích', 'sự thoái hóa, biến chất' trong lực lượng bảo vệ pháp luật… buộc Đảng cộng sản Việt Nam cân nhắc kỹ việc ai ở, ai đi, ai đến trước mắt cũng như lâu dài.

Các cán bộ muốn thăng tiến lên các vị trí cao cần phải trải qua, cọ sát với thực tế. Trong nền kinh tế tập trung, xã hội khép kín thì phẩm chất tuân thủ, trung thành với lý tưởng, với Đảng cộng sản Việt Nam là nguyên tắc bất biến, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nhưng khi chuyển đổi sang thị trường, với độ mở nền kinh tế cao, trong hệ thống cấp bậc 'tôn ty trật tự' các cán bộ, đảng viên lãnh đạo không thể biết chắc liệu có phải đối mặt với những hậu quả hay không nếu thời thế chính trị thay đổi. 'Bản kê khai tài sản' của họ khó có thể được giải thích rõ ràng về nguồn gốc sự giàu có trong thời gian ngắn. Thay vì cần năng nổ trong kinh tế thị trường, họ luôn có động cơ tìm kiếm sự an toàn hoặc là dưới sự bảo trợ của một lãnh đạo cấp cao hoặc là 'giấu mình chờ thời'.

Trong chuyến công tác đến nước Cộng hòa Cuba, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quan điểm 'kinh tế thị trường không thể hủy hoại xã hội chủ nghĩa'. Đây là câu hỏi lớn để xây dựng thể chế chính trị phù hợp với thể chế kinh tế, cụ thể hơn Đảng cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường như thế nào vẫn chưa có lời giải thuyết phục. Tập trung quyền lực cao độ để củng cố Đảng cộng sản Việt Nam, song vấn đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" chống tha hóa không theo mô hình tam quyền phân lập sẽ như thế nào ?

Mặt khác, theo các nhà quan sát, cá nhân Tổng bí thư Trọng có uy tín cao, song ông đang gặp giới hạn về tuổi và 2 nhiệm kỳ, khiến ông không đủ thời gian có thể vận dụng bài học của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình để thay đổi điều lệ đảng và nhiệm kỳ nhằm tiếp tục thực hiện 'sứ mệnh'. Vậy ai sẽ kế nhiệm ?

Công tác cán bộ là cốt yếu của Đảng cộng sản Việt Nam. Hội nghị Trung ương 7 lần này bàn về thay đổi nhân sự trước mắt cũng như đề án quy hoạch cán bộ chiến lược về lâu dài. Sẽ thực chất hơn giá như nó được đặt trong tổng thể cải cách thể chế chính trị và kinh tế.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 06/05/2048

Phạm Quý Thọ là Phó Giáo sư Tiến sĩ Học viện Chính sách và Phát triển, Hà Nội.

Quay lại trang chủ
Read 864 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)