Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh : Chính quyền Việt Nam ‘cấm khẩu’ đến bao giờ ?

Thiền Lâm

5 ngày sau khi Bộ ngoại giao và Bộ nội vụ Slovakia công khai nêu ra nghi vấn về ‘Tô Lâm làm bình phong’ liên quan vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, đến nay vẫn không có bất kỳ một phản ứng, dù chỉ ở mức tối thiểu, của Bộ trưởng công an Tô Lâm, Bộ ngoại giao hay của bất kỳ giới chức có trách nhiệm nào của Việt Nam.

camkhau0

Ảnh chụp bài báo TAZ ra ngày 04/05/2018 với hình lưu trử của không lưu về chuyến bay SSG004

Trả lời BBC tiếng Việt, ngay cả một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cũng phải cho rằng : "nếu như chính phủ tiếp tục im lặng cũng như không có truyền thông về những nội dung này thì trong thời đại Internet cũng như truyền thông quảng bá hiện nay thì người dân đều biết cả", và "theo tôi cách ứng xử có lẽ là thông thái nhất, mặc dù nó đã chậm rồi, thì chính phủ Việt Nam, và các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có những thông tin về vụ việc tòa án ở Đức đang xử Trịnh Xuân Thanh và cũng nên có những lời giải thích thỏa đáng đối với nhân dân… Bởi vì muốn hay không muốn thì đây là trách nhiệm của chính phủ đối với nhân dân Việt Nam".

Trong khi đó, bóng dáng của cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam đang lừng lững ập đến.

Một tia lửa có thể đầy nguy biến đối với Việt Nam đã phát ra từ phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Mặc dù chỉ là một nghi can và có thể không đóng vai trò chủ chốt trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng Nguyễn Hải Long đã khai báo một tình tiết cực kỳ quan trọng : 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Berlin, Bộ nội vụ Slovakia đã cho phái đoàn công an cao cấp Việt Nam mượn một chuyên cơ của chính phủ Slovakia để bay từ Bratislava, thủ đô nước này, tới Moscow, sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng nội vụ khi đó là Robert Kalinak và Bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm.

Vào những ngày này, Bộ nội vụ Slovakia đang cấp tập làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 3/5/2018, Bộ ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Dương Trọng Minh. Trong cuộc phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ chính trị Bộ ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia). "Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được", ông M. Jakubócy nói.

Theo lời ông Vụ trưởng này, "nếu chúng tôi thấy lời giải thích của Việt Nam là không thỏa đáng, thì CH Slovakia bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp tiếp theo phù hợp quy tắc ngoại giao" (thoibao.de).

Vậy Việt Nam sẽ ‘trả lời’ như thế nào ?

Cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Việt Nam muốn trả lời theo cách công khai, cho dù các cuộc đàm phán Việt – Đức sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã diễn ra suốt từ tháng Tám năm 2017 đến gần đây. Trong thực tế, những nội dung hiếm hoi được tiết lộ từ các cuộc đàm phán này chỉ đến từ phía Đức, trong khi có tin cho biết đảng cầm quyền ở Việt Nam đã thông báo cấm ngặt các đảng viên không bàn tán về vụ Trịnh Xuân Thanh. Báo chí nhà nước cũng bởi thế đã chẳng có bất cứ tin tức nào về câu chuyện mang tính ‘danh thể cầm quyền’ này.

Giới chức Việt Nam đã ‘cấm khẩu’ kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Thế nhưng cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Trong khi không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm ‘đăng đàn’ để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’, người ta cũng chẳng thấy phát ngôn nào của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam hay của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.

Có thể hy vọng gì vào Phạm Bình Minh ?

Không có gì cả, ngoài một thực tế là dường như viên bộ trưởng này đã tự cho mình tư thế ‘vô can’ trong vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy Bộ ngoại giao của Phạm Bình Minh đã ‘không biết gì’, hoặc chỉ biết rất ít về vụ việc chấn động trên. Nhưng đến khi vụ việc nảy nở hậu quả, chính Bộ ngoại giao lại được chỉ đạo ‘đàm phán xoa dịu’ với phía Đức.

Phạm Bình Minh có vẻ đã chẳng mấy nhiệt tình trong cái chuyện ‘đổ vỏ’ ấy. Và có lẽ chính vì thế, trong khi kết quả của các cuộc đàm phán Việt – Đức chẳng đi tới đâu, Bộ trưởng Phạm Bình Minh lại bị điều ra Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 để đọc một báo cáo chuyên đề về… dân số.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 08/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)