Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/05/2018

Vụ Giáo sư Trương Nguyện Thành : sửa Luật Đại học ?

BBC tiếng Việt

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói với báo chí Việt Nam rằng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ bỏ tiêu chuẩn về kinh nghiệm 5 năm quản lý, cho phép những người như Giáo sư Trương Nguyện Thành làm hiệu trưởng.

giao1

Giáo sư Trương Nguyện Thành về trường Hoa Sen với vị trí phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016.

Dư luận đang xôn xao việc Giáo sư Việt kiều Mỹ Trương Nguyện Thành được Hội đồng quản trị Trường Đại học Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí Hiệu trưởng, nhưng không thể làm.

Lý do vì theo quy trình công nhận Hiệu trưởng của Luật Giáo dục Đại học hiện hành, ông Thành chưa đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm 5 năm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Hôm 9/5, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng giải thích với báo giới trong chỉ dấu Bộ đang quan tâm vụ việc.

Sửa luật, chờ thông qua

Bà Kim Phụng nói vẫn có cách làm "đúng luật" để tạo điều kiện cho giáo sư Thành.

"Ví dụ, có thể bổ nhiệm với chức danh là phó hiệu trưởng phụ trách để chờ tới lúc Luật thay đổi phù hợp thì có thể bổ nhiệm hiệu trưởng".

"Với lộ trình sửa đổi Luật Giáo dục Đại học hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018 thì giáo sư Thành có thể chỉ phải đợi 1 năm, tức là năm 2019 để Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung có hiệu lực".

Theo bà Kim Phụng, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ "mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng để lựa chọn và kết hợp chuẩn có tính định lượng và chuẩn có tính định tính để đảm bảo mặt bằng chung, nhưng cũng đảm bảo quyền tự chủ cho các trường".

"Dự thảo hiện nay cũng đã bỏ thủ tục là hiệu trưởng trường Đại học tư thục thì phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận, mà trực tiếp là Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục Đại học tư thục do Hội đồng quản trị trực tiếp quyết định".

giao2

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ cởi mở hơn ?

Bà Kim Phụng thừa nhận : "Ở thời điểm năm 2012, Luật Giáo dục Đại học quy định về điều kiện tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục Đại học ít nhất 5 năm là quy định mang tính định lượng rõ ràng nhưng chính vì vậy mà bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng".

Được biết hiện nay ở Việt Nam, với các trường đại học 100% vốn nước ngoài như RMIT, chủ sở hữu được toàn quyền quyết định Hiệu trưởng. Trong khi đó đối với các trường có chủ sở hữu tư nhân Việt Nam, việc bổ nhiệm phải thông qua Bộ Giáo dục và sau đó được Chủ tịch UBND thành phố hay tỉnh công nhận.

Tại Đại học Fulbright Việt Nam, đại học đầu tiên ở Việt Nam hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận của Mỹ, đại diện chủ sở hữu nước ngoài có quyền bổ nhiệm hiệu trưởng.

Một nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nói với BBC rằng đây là một vấn đề "khập khiễng với cộng đồng chủ sở hữu tư nhân người Việt".

Một số ý kiến từ lâu đã đề nghị chính quyền không "tước đi quyền quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng" của cộng đồng chủ sở hữu người Việt Nam ở các trường đại học tư nhân.

Phải là đảng viên ?

Bên cạnh đó, một tiêu chuẩn khác của Luật giáo dục đại học Việt Nam là hiệu trưởng "có phẩm chất chính trị".

Trên thực tế, điều này có nghĩa là hiệu trưởng đại học phải là đảng viên cộng sản, và kiêm nhiệm chức Bí thư Đảng ủy.

Dường như chưa có dấu hiệu là tiêu chuẩn này sẽ được bỏ đi trong tương lai gần ở Việt Nam.

Tuy nhiên, được biết vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị trường đại học tư nhân ở Việt Nam lại không nhất thiết là đảng viên.

Trả lời VTV hôm 8/5, giáo sư Trương Nguyện Thành nói Nhà nước nên tạo môi trường và cơ hội để người tài có thể đóng góp cho đất nước.

"Trí thức Việt kiều không cần phải trải thảm đỏ, họ cũng không quá nặng nề về chuyện thu nhập nhưng điều quan trọng là họ sẽ làm được gì và có quyền quyết định những gì. Chúng ta nên tạo môi trường và cơ hội để cho họ đóng góp", Giáo sư Thành nói.

Giáo sư Trương Nguyện Thành nhận lời mời về công tác tại trường Hoa Sen với vị trí phó hiệu trưởng điều hành từ năm 2016.

Hồi tháng 4, ông được Hội đồng quản trị Đại học Hoa Sen đề xuất công nhận vị trí hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022 với 16/18 phiếu tán thành.

Vụ việc liên quan đến ông và đại học Hoa Sen có vẻ đã làm dư luận chú ý hơn đến những quy định "trói buộc" trong luật pháp Việt Nam.

Nguồn : BBC, 09/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)