Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/05/2018

Trung Quốc mang tên lửa ra Trường Sa, còn ai dám vào Cá Rồng Đỏ ?

Phạm Chí Dũng

Liên tiếp những tin tức ê chề thất bại đối với giới chóp bu Việt Nam cùng nền ngân sách đang lao vào khốn quẫn của chế độ này vào đầu tháng Năm, 2018 : cùng lúc với tiết lộ lần đầu tiên của hãng dầu khí Repsol của Tây Ban Nha về việc đang "nói chuyện" với PetroVietnam để đòi bồi thường do phải ngưng dự án khoan dầu ở mỏ Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam, "bạn vàng" Trung Quốc đã chính thức đưa tên lửa ra Trường Sa – một hành động nhắm thẳng vào các căn cứ quân sự và đất liền của Việt Nam.

paracel1

Vụ giàn khoan HD-981 gây dậy sóng Biển Đông hồi tháng Năm, 2014 khi Trung Quốc vào tận cửa nhà Việt Nam gây hấn. (Hình : Getty Images)

Từ ‘bản lĩnh Việt Nam’ đến ‘nhục quốc thể’

Một cảnh nạn cay đắng và quá khó hiểu đang xảy đến với Repsol : không phải mùa hè năm ngoái, mà chỉ đến thời điểm này Repsol mới dám "mở miệng", dù vẫn giữ thái độ hết sức dè dặt, mà ngoài việc đòi bồi thường còn phác lộ một tâm thế thất vọng chua chát trước "bản lĩnh Việt Nam".

Miguel Martinez – người phụ trách tài chính của hãng Repsol – đã trở thành quan chức đầu tiên của hãng này đề cập đến vấn đề "đòi bồi thường" tại một cuộc họp báo qua điện thoại theo hãng tin Reuters.

Vào tháng Bảy, 2017 khi lần đầu tiên phải cắm mặt rút khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ trong khu vực Bãi Tư Chính ở vùng Đông Nam Việt Nam, đã chẳng một quan chức nào của Repsol hé nửa lời về nguyên nhân lẫn nỗi cay đắng vì nguy cơ mất sạch phần kinh phí ban đầu cho hoạt động thăm dò – khi đó là được cho là khoảng 36 triệu USD.

Tháng Bảy, 2017 đã xảy ra một sự kiện xứng đáng được liệt vào loại "nhục quốc thể" : chính quyền Việt Nam phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu Repsol ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp một cách kỳ lạ với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.

Vậy những giàn phóng tên lửa mà Việt Nam đã mang ra quần đảo Trường Sa vào khoảng nửa đầu năm 2016 nhưng không dám hé ra một lời về hành động này – để đối chọi với những quả tên lửa mà Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, liệu có tác dụng gì ?

Ảo ảnh những giàn phóng tên lửa

Vào năm 2016, điều lạ lùng là tin tức về chuyện Việt Nam "can đảm" mang tên lửa ra Trường Sa không phải được công bố bởi Bộ quốc phòng của viên tướng được một số người xem là "quan văn" – ông Ngô Xuân Lịch, mà lại được tiết lộ vào tháng Tám 2016 bởi hãng tin Anh Reuters, dẫn nguồn từ một "thông tin tình báo", cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa.

paracel2

Tháng 8/2016, hãng tin Reuters cho biết Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa.

Một cơ sở khá chắc chắn để có thể khẳng định về sự hiện diện của các bệ phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, trùng với thời gian mà VietsoPetro và Repsol đã lên kế hoạch tiến hành những bước thăm dò cuối cùng tại mỏ Cá Rồng Đỏ để chuẩn bị chính thức khai thác – là sau việc Reuters tiết lộ "tin tức tình báo" trên, một viên tướng khác của Bộ quốc phòng Việt Nam là thứ trưởng bộ này – Nguyễn Chí Vịnh – mặc dù không xác nhận tin tức này nhưng cũng không có bất cứ lời lẽ nào phủ nhận nó trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters tại Singapore vào tháng Sáu, 2016.

Thậm chí, tướng Vịnh còn lần đầu tiên thể hiện một khẩu khí lạ : "Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi" – một phát ngôn khác hẳn với loại văn phong mô tả bầu không khí "Bốn tốt" lẫn "Mười sáu chữ vàng" vào lúc tàu hải cảnh Trung Quốc công khai tấn công các tàu cá và giết hại ngư dân Việt Nam – như một thái độ lấp lửng cố hữu trước đó của viên tướng 3 sao này.

Nhưng bất chấp hình ảnh như thể ảo ảnh của các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, 9 tháng sau "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, nỗi nhục lần thứ hai đã xảy ra ở cùng địa điểm.

Vào tháng Tư, 2018, một lần nữa Repsol vội vàng tháo chạy khỏi mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ. Cũng vẫn do sức ép không hiểu đến mức độ nào của Trung Quốc. Tin tức này cũng không phải từ hệ thống chính trị hay báo chí nhà nước Việt Nam, mà lại là từ giới truyền thông quốc tế – vào lần này là cây bút Bill Hayton của đài BBC – đã phát hiện ra vụ "giương cờ trắng" nhục nhã đến nỗi không còn đất mà chui xuống như thế.

Đến lúc đó, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn : không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu tháng Ba, 2018 – theo lời "cầu viện" chính thức của Bộ quốc phòng Việt Nam – cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.

Cũng đến lúc đó, "bản lĩnh Việt Nam" – một lối tuyên giáo không còn giới hạn liêm sỉ nào – đã tiến đến thời kỳ mà chỉ mới bị Trung Quốc dọa nạt một chút về chính trị, kinh tế hoặc quân sự là đã "đái ra quần" – như một cách ví von rất lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của dân gian đương đại.

Và thay vì tiếp tục "can đảm bám biển", "bản lĩnh Việt Nam" lại thể hiện bằng cơ chế "tự xử" : nếu ở "nỗi nhục Bãi Tư Chính" lần đầu, Petro Vietnam có thể phải bồi thường cho Repsol khoảng 36 triệu USD – kinh phí mà Repsol đã phải bỏ ra để thăm dò dầu khí, thì đến tháng Ba, con số bồi thường đã lên đến 200 triệu USD.

Cô độc trong khu rừng ‘đối tác chiến lược’

Hai lần liên tiếp phải cắm mặt và cấm khẩu rút khỏi Cá Rồng Đỏ của Repsol, trong tình cảnh chính thể độc đảng ở Việt Nam như thể "đái ra quần", đã trở thành một bức tranh quá sống động về "vị thế Việt Nam không ngừng nâng cao trên trường quốc tế". Đây là lối nói của tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam vốn không còn biết trời cao đất dày nào cho đến nay, bất chấp vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" mà đã khiến bùng nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và đang dẫn đến cuộc khủng hoảng mới mang tên Slovakia – Việt Nam.

Trong toàn bộ câu chuyện có lẽ chưa hề kết thúc của Repsol, người ta phải tự hỏi "đối tác chiến lược Tây Ban Nha đâu rồi ?"

Bởi trong cả hai lần Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã không có bất kỳ phản ứng nào từ phía Tây Ban Nha – một quốc gia mà Việt Nam đã ký kết "đối tác chiến lược" vào năm 2009.

Hai thất bại liên tiếp ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy, 2017 và tháng Tư, 2018 đã khiến lộ ra một sự thật quá cay đắng : trên trường quốc tế, chính thể Việt Nam chưa bao giờ cô độc đến thế, bất chấp "thành công đối ngoại chưa từng có" của chính thể này là sở hữu đến chẵn một tá đối tác chiến lược cho đến nay, bao gồm cả hai "tân binh" là Ấn Độ và Úc được ký kết vào đầu năm 2018.

Nhưng có lẽ không một quan chức Việt Nam nào dám tưởng tượng rằng nếu xảy ra thêm một vụ giàn khoan Hải Dương 981 như năm 2014, sẽ có một "đối tác chiến lược" nào đó chìa tay vào giúp Việt Nam để đối phó với "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc.

Sự bế tắc trong trí tưởng tượng trên lại kéo theo một câu hỏi mang tính sống còn : vẫn biết rằng mỏ Cá Rồng Đỏ có trữ lượng ước tính đến 45 triệu thùng dầu thô và 172 tỷ mét khối khí mà có thể mang lại một cứu vãn được ngày nào hay ngày nấy cho nền ngân sách nợ nước ngoài như chúa chổm và đang chứa chất quá nhiều dấu hiệu cạn kiệt của Việt Nam, nhưng liệu còn có đối tác nước ngoài nào dám chen chân vào Bãi Tư Chính để cùng Việt Nam khai thác dầu khí sau việc giới quan chức Việt đã muối mặt yêu cầu Repsol rút khỏi Cá Rồng Đỏ ?

Nước Nga chăng ?

Nhưng người bạn được xem là truyền thống ấy của Việt Nam lại đã không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm, đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Quay lại Mỹ ?

Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga có thể được lý giải phần nào : Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ.

Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị – Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc – đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.

"Kinh nghiệm" mà Bắc Kinh đã đạt được với Philippines là tỉ lệ ăn chia 40/60 cho một dự án khai thác dầu khí trên vùng biển không phải của Trung Quốc.

Nếu Tây Ban Nha – quốc gia được Việt Nam xem là đối tác chiến lược – mà còn chẳng có nổi một thao tác nào bảo vệ cho Repsol, liệu đối tác ngoài nào dám nhảy vào mỏ Cá Rồng Đỏ để thay thế cho Repsol và đương đầu với những trò vây hãm đầy tiểu xảo và ti tiện của hải quân Bắc Kinh ?

Kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.

Phương trình Biển Đông cứ mỗi tháng trôi qua lại sinh sôi thêm nhiều ẩn số. Có quá nhiều lý do để Bộ chính trị đảng cộng sản cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận "hợp tác cùng khai thác dầu khí" với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của "Hoàng đế Tập Cận Bình".

Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.

Chỉ còn một lối thoát gần như duy nhất đối với chính thể Việt Nam : dựa Mỹ.

Chắc hẳn vào những ngày đen tối này, giới chóp bu Việt Nam đã nghĩ đến cái tên ExxonMobil của Mỹ như một giải pháp thay thế cho Repsol, cho dù Mỹ chưa hề là đối tác chiến lược với Việt Nam.

Nhưng muốn thế, Việt Nam lại phải làm được một điều tối thiểu : cùng với ExxonMobil vượt qua thử thách đầu tiên tại mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Ngãi và Quảng Nam – mỏ dầu khí có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay mà ExxonMobil đã thăm dò thành công và đã ký một hợp đồng trị giá 10 tỷ đô la để khai thác dầu khí ở đây với PetroVietnam.

Bởi ngay cả Cá Voi Xanh cũng đang phải chịu sức ép của Trung Quốc. Vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí tại mỏ Cá Voi Xanh. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 13/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)