Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/05/2018

Lãnh lương cả trăm triệu đồng/người, VAMC đã làm gì để ‘xử lý nợ xấu’ ?

Thiền Lâm

Sau 5 năm thành lập và bị xem là chưa hề bỏ ra một khoản đáng kể ‘tiền tươi thóc thật’ nào để mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC- Vietnam Asset Management Company) – thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam – vừa khiến giới doanh thương kinh ngạc và bức bối khi báo chí nhà nước đưa tin báo cáo cuối năm của VAMC đã ‘khoe’ công ty này mang gần 18.000 tỷ đồng gửi ngân hàng và giàn xếp lớn tại đây nhận lương gần 100 triệu đồng mỗi tháng.

noxau1

Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc ngân hàng nhà nước từng ‘bảo kê’ cho VAMC, nay là ủy viên bộ chính trị phụ trách Ban Kinh tế trung ương. Ảnh : Vfpress

Rất nhiều người đã xem khoản ‘lương lậu’ trên của lãnh đạo VAMC là hết sức bất công và ‘ăn trên đầu trên cổ người khác’.

Thế còn ‘thành tích xử lý nợ xấu’ của VAMC thì ra sao ?

Từ nhiều năm qua, chủ nghĩa thành tích là yếu tố bất diệt dưới thời cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) – Nguyễn Văn Bình (thống đốc ngân hàng nhà nước – nay là ủy viên bộ chính trị phụ trách Ban Kinh tế trung ương).

Theo một chỉ đạo được lặp đi lặp lại của Thủ tướng Dũng vào năm 2015, Ngân hàng nhà nước phải làm mọi cách để ‘ép’ nợ xấu xuống dưới 3% tổng dư nợ, tức tạo nên một con số rất đẹp để Nguyễn Tấn Dũng lấy đó làm hoa hồng cho con đường chạy đua vào ghế tổng bí thư tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.

Vậy là VAMC được chọn là chủ công để ‘xử lý nợ xấu’. Trong suốt năm 2015, công ty này đã ồ ạt mua hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ mua… trên giấy.

Nếu vài năm trước đó, lãnh đạo của VAMC luôn báo cáo rằng VAMC mua nợ xấu bằng "tiền tươi thóc thật", thì đến năm 2016 mọi chuyện đã hoàn toàn bế tắc khi cũng những quan chức thích cường điệu và ma mị này phải gián tiếp thú nhận rằng từ khi được sinh ra đến nay, VAMC chưa bao giờ mua nợ xấu bằng tiền mặt, và sau đó là "năm 2016 VAMC sẽ chỉ mua nợ xấu rất ít".

Trong một cuộc tranh luận trên diễn đàn xử lý nợ xấu, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, công ty Quản Lý Quỹ TGM tại Australia, nói toạc ra : "VAMC thực chất chỉ là một dạng ‘thủ thuật kế toán’ để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng".

Giữa tháng Chín năm 2016, trong một cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, đã dè dặt lách khỏi tâm thế im ắng quá lâu trước đây để lần đầu tiên thể hiện cách nhìn đong đưa của bà về nợ xấu : "Báo cáo nợ xấu của các tổ chức dưới 3% là chưa chính xác, vì nó vẫn treo ở VAMC".

Đó là phút nói thật hiếm hoi, quá hiếm hoi trong trường đời những quan chức "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Nhưng lại quá muộn để nói thật. Nếu những quan chức như bà Nguyễn Thị Kim Ngân phải tỏ ra bức bối, tiếng chuông báo tử đã vang rền.

Trong thực tế, nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 600.000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Nhưng dù chỉ xử lý trên giấy, VAMC cũng chỉ mua được khoảng 10% số nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, cho thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng "một đi không trở lại" là rất cao trong vài năm tới.

Cho đến nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn không có hồi âm chính thức. Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước "ôm" lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy "của nợ Việt Nam".

Tại phiên chất vấn trên Quốc hội hồi giữa tháng 11/2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm sau. Tuy nhiên, ông Hưng cũng phải thừa nhận rằng đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng, chưa gộp các nợ xấu đã bán sang VAMC và được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.

Ngay cả việc chấp nhận con số chỉ có 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc : trong đó có 207,876 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC (công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng) nhưng chưa được xử lý. Nói trắng ra, sau 5 năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng "đúng quy trình" : từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.

Tròn một năm sau khi Chính phủ và Quốc hội ‘quyết tâm xử lý nợ xấu’, và gần một năm sau khi Quốc hội phải ra hẳn một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu, hoạt động này vẫn hầu như bế tắc. Nhiều tin tức cho biết thực tế một số ngân hàng thương mại tổ chức bán nợ xấu nhưng đã bị thất bại vì không có ai mua, hoặc phải bán với giá quá thấp.

Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải "đội nón ra đi", và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.

Nhưng bất chấp cái tương lai quá u ám đó, giới lãnh đạo VAMC vẫn ung dung mang đến 18.000 tỷ đồng – rất có thể được ngân sách cấp với mục đích mua lại nợ xấu – đi gửi ở ngân hàng, trong khi chỉ mua lại nợ xấu trên giấy, cùng lúc ung dung hưởng thụ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho mỗi ‘đầu bò’.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 14/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 713 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)