Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi vụ Công ty ALC II của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia - Agribank - bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.
Trong thực tế, cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.
Chưa đầy hai tháng sau khi ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước lại phải có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 07/11/2018 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng - trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Đáng chú ý, động thái ban hành văn bản của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về ‘quyết liệt xử lý nợ xấu’ cứ đều đặn diễn ra vào quý tư mỗi năm, lần nào cũng như lần nào đều thúc bách các ngân hàng thương mại cổ phần và chính quyền các địa phương phải gia tăng tiến độ xử lý nợ xấu, trong khi các báo cáo của Ngân hàng nhà nước vẫn luôn khoe khoang thành tích ‘nợ xấu giảm về dưới 3%".
Vì sao lại tồn tại nghịch lý quá lớn trên ?
Kết thúc quý 3 năm 2018, báo cáo kinh doanh công bố của 22 ngân hàng cho biết tổng số dư nợ xấu đã tăng 26,5% so với cuối năm trước với 75.826 tỷ đồng (chưa xét đến số dư nợ xấu tại VAMC). Hầu hết ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu tăng, có ngân hàng tăng hơn 80%. Nhóm ngân hàng tăng mạnh nợ xấu gồm : OCB (65,2%) ; VPBank (51,6%) ; MBBank (45,1%) ; LienVietPostBank (41,9%) ; VietBank (40,4%),...
Xét về số dư tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với 17.042 tỷ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng VietinBank (12.127 tỷ đồng) ; VPBank (9.401 tỷ đồng) ; Vietcombank (7.424 tỷ đồng)…
Xu hướng tăng vọt nợ xấu trên lại xảy ra trong bối cảnh khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng.
Ngày càng rõ về tâm lý của một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.
Trong thực tế, cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.
Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.
VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2.000 tỷ đồng (khoảng 86 triệu USD) từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (51,5 tỷ USD) vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2.000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao.
Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.
Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng (12,9 tỷ USD) ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng (38,65 tỷ USD) nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
Đã quá rõ là những con số thành tích về ‘xử lý nợ xấu’ của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước chỉ là ‘diễn’, để đến giờ, bởi quá sốt ruột trước tình trạng ậm ạch của khối ngân hàng thương mại hkk nợ mới chồng nợ cũ mà có thể sẽ dẫn đến nguy biến phá sản một số ngân hàng và dẫn đến domino sụp đổ một phần hệ thống ngân hàng, Ngân hàng nhà nước phải cấp tốc ban hành văn bản đốc thúc ‘xử lý nợ xấu’.
Tuy nhiên những văn bản đốc thúc của Ngân hàng nhà nước lại nằm trong tình tạng cám cảnh không khác gì VAMC : tất cả vẫn chỉ là xử lý nợ xấu trên giấy tờ !
Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi vụ Công ty ALC II của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia - Agribank - bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.
Mặc dù chưa thực sự bị cho phá sản, nhưng Agribank lại là quán quân về mức độ tham nhũng, thất thoát cùng số cán bộ bị xử án trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 13/11/2018
Sau 5 năm thành lập và bị xem là chưa hề bỏ ra một khoản đáng kể ‘tiền tươi thóc thật’ nào để mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC- Vietnam Asset Management Company) – thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam – vừa khiến giới doanh thương kinh ngạc và bức bối khi báo chí nhà nước đưa tin báo cáo cuối năm của VAMC đã ‘khoe’ công ty này mang gần 18.000 tỷ đồng gửi ngân hàng và giàn xếp lớn tại đây nhận lương gần 100 triệu đồng mỗi tháng.
Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc ngân hàng nhà nước từng ‘bảo kê’ cho VAMC, nay là ủy viên bộ chính trị phụ trách Ban Kinh tế trung ương. Ảnh : Vfpress
Rất nhiều người đã xem khoản ‘lương lậu’ trên của lãnh đạo VAMC là hết sức bất công và ‘ăn trên đầu trên cổ người khác’.
Thế còn ‘thành tích xử lý nợ xấu’ của VAMC thì ra sao ?
Từ nhiều năm qua, chủ nghĩa thành tích là yếu tố bất diệt dưới thời cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng (thủ tướng) – Nguyễn Văn Bình (thống đốc ngân hàng nhà nước – nay là ủy viên bộ chính trị phụ trách Ban Kinh tế trung ương).
Theo một chỉ đạo được lặp đi lặp lại của Thủ tướng Dũng vào năm 2015, Ngân hàng nhà nước phải làm mọi cách để ‘ép’ nợ xấu xuống dưới 3% tổng dư nợ, tức tạo nên một con số rất đẹp để Nguyễn Tấn Dũng lấy đó làm hoa hồng cho con đường chạy đua vào ghế tổng bí thư tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Vậy là VAMC được chọn là chủ công để ‘xử lý nợ xấu’. Trong suốt năm 2015, công ty này đã ồ ạt mua hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhưng chỉ mua… trên giấy.
Nếu vài năm trước đó, lãnh đạo của VAMC luôn báo cáo rằng VAMC mua nợ xấu bằng "tiền tươi thóc thật", thì đến năm 2016 mọi chuyện đã hoàn toàn bế tắc khi cũng những quan chức thích cường điệu và ma mị này phải gián tiếp thú nhận rằng từ khi được sinh ra đến nay, VAMC chưa bao giờ mua nợ xấu bằng tiền mặt, và sau đó là "năm 2016 VAMC sẽ chỉ mua nợ xấu rất ít".
Trong một cuộc tranh luận trên diễn đàn xử lý nợ xấu, Tiến sĩ Lê Hồng Giang, công ty Quản Lý Quỹ TGM tại Australia, nói toạc ra : "VAMC thực chất chỉ là một dạng ‘thủ thuật kế toán’ để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng".
Giữa tháng Chín năm 2016, trong một cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, đã dè dặt lách khỏi tâm thế im ắng quá lâu trước đây để lần đầu tiên thể hiện cách nhìn đong đưa của bà về nợ xấu : "Báo cáo nợ xấu của các tổ chức dưới 3% là chưa chính xác, vì nó vẫn treo ở VAMC".
Đó là phút nói thật hiếm hoi, quá hiếm hoi trong trường đời những quan chức "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Nhưng lại quá muộn để nói thật. Nếu những quan chức như bà Nguyễn Thị Kim Ngân phải tỏ ra bức bối, tiếng chuông báo tử đã vang rền.
Trong thực tế, nợ xấu bất động sản lại chiếm đến ít nhất 70% tổng nợ xấu lên đến 600.000 tỷ đồng trong khối ngân hàng. Nhưng dù chỉ xử lý trên giấy, VAMC cũng chỉ mua được khoảng 10% số nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, cho thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng "một đi không trở lại" là rất cao trong vài năm tới.
Cho đến nay, toàn bộ 500 hồ sơ chào bán nợ xấu mà VAMC gửi cho các tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2014 vẫn không có hồi âm chính thức. Nếu cả VAMC mà còn không thuyết mị nổi những doanh nghiệp cá mập trong nước "ôm" lại nợ xấu, sẽ chẳng một tập đoàn nước ngoài nào dại dột rước lấy "của nợ Việt Nam".
Tại phiên chất vấn trên Quốc hội hồi giữa tháng 11/2017, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là 2,34%, giảm so với mức 2,46% cuối năm sau. Tuy nhiên, ông Hưng cũng phải thừa nhận rằng đây chỉ là tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng, chưa gộp các nợ xấu đã bán sang VAMC và được đưa ra khỏi bảng cân đối tài sản.
Ngay cả việc chấp nhận con số chỉ có 600.000 tỷ đồng nợ xấu hiện thời theo báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước, người ta cũng nhìn thấy ngay một nan đề hoàn toàn bế tắc : trong đó có 207,876 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC (công ty Quản Lý Tài Sản Các Tổ Chức Tín Dụng) nhưng chưa được xử lý. Nói trắng ra, sau 5 năm kể từ lúc thành lập VAMC, nợ xấu đã chạy đủ một đường vòng "đúng quy trình" : từ ngân hàng đến VAMC, rồi lại từ VAMC trở về ngân hàng. Giữa những khoảng trống vận động ấy, vẫn chưa có gì được lấp bù. Nghĩa là nợ xấu vẫn nguyên vẹn cùng lãi mẹ đẻ lãi con.
Tròn một năm sau khi Chính phủ và Quốc hội ‘quyết tâm xử lý nợ xấu’, và gần một năm sau khi Quốc hội phải ra hẳn một bản nghị quyết về xử lý nợ xấu, hoạt động này vẫn hầu như bế tắc. Nhiều tin tức cho biết thực tế một số ngân hàng thương mại tổ chức bán nợ xấu nhưng đã bị thất bại vì không có ai mua, hoặc phải bán với giá quá thấp.
Tương lai hầu như không cần bàn cãi là nếu không sớm xử lý được khối nợ xấu ngân hàng, e rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có một số ngân hàng loại nhỏ phải "đội nón ra đi", và không loại trừ làn sóng này sẽ gây ra hiệu ứng domino đến một số ngân hàng hạng trung và cả ngân hàng loại lớn của nhà nước.
Nhưng bất chấp cái tương lai quá u ám đó, giới lãnh đạo VAMC vẫn ung dung mang đến 18.000 tỷ đồng – rất có thể được ngân sách cấp với mục đích mua lại nợ xấu – đi gửi ở ngân hàng, trong khi chỉ mua lại nợ xấu trên giấy, cùng lúc ung dung hưởng thụ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cho mỗi ‘đầu bò’.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 14/05/2018