Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2018

Nợ xấu ‘dưới 3%’ sao vẫn phải ‘tăng cường xử lý nợ xấu’ ?

Minh Quân

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi vụ Công ty ALC II của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia - Agribank - bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.

no1

Trong thực tế, cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.

Chưa đầy hai tháng sau khi ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng nhà nước lại phải có văn bản số 8425/NHNN-TTGSNH ngày 07/11/2018 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng - trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Đáng chú ý, động thái ban hành văn bản của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về ‘quyết liệt xử lý nợ xấu’ cứ đều đặn diễn ra vào quý tư mỗi năm, lần nào cũng như lần nào đều thúc bách các ngân hàng thương mại cổ phần và chính quyền các địa phương phải gia tăng tiến độ xử lý nợ xấu, trong khi các báo cáo của Ngân hàng nhà nước vẫn luôn khoe khoang thành tích ‘nợ xấu giảm về dưới 3%".

Vì sao lại tồn tại nghịch lý quá lớn trên ?

Kết thúc quý 3 năm 2018, báo cáo kinh doanh công bố của 22 ngân hàng cho biết tổng số dư nợ xấu đã tăng 26,5% so với cuối năm trước với 75.826 tỷ đồng (chưa xét đến số dư nợ xấu tại VAMC). Hầu hết ngân hàng khảo sát có số dư nợ xấu tăng, có ngân hàng tăng hơn 80%. Nhóm ngân hàng tăng mạnh nợ xấu gồm : OCB (65,2%) ; VPBank (51,6%) ; MBBank (45,1%) ; LienVietPostBank (41,9%) ; VietBank (40,4%),...

Xét về số dư tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với 17.042 tỷ đồng. Tiếp đó là các ngân hàng VietinBank (12.127 tỷ đồng) ; VPBank (9.401 tỷ đồng) ; Vietcombank (7.424 tỷ đồng)…

Xu hướng tăng vọt nợ xấu trên lại xảy ra trong bối cảnh khối ngân hàng Việt đang có mùa vàng với lợi nhuận tăng khủng.

Ngày càng rõ về tâm lý của một số ngân hàng thương mại, dù lãi cao, nhưng lại ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách hầu như dựa dẫm vào VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) cho dù vẫn biết VAMC hoàn toàn bế tắc, cho thấy thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Với các ngân hàng này, rõ ràng quan niệm về lợi nhuận và hậu quả về nợ xấu là hai phạm trù tách rời mà chẳng dính dáng với nhau về mặt nhân quả và trách nhiệm.

Trong thực tế, cơ chế của VAMC là gần như vô tích sự kể từ khi tổ chức này ra đời.

Về thực chất, VAMC đã chỉ tô hồng cho những bản thành tích xử lý nợ xấu kéo lê từ thời bị xem là ‘phá chưa từng có’ Nguyễn Tấn Dũng sang thời ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc.

VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2.000 tỷ đồng (khoảng 86 triệu USD) từ lúc đầu thành lập. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng (51,5 tỷ USD) vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2.000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.

Thực tế ‘xử lý nợ xấu’ đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao. 

Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.

Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng (12,9 tỷ USD) ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng (38,65 tỷ USD) nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.

Đã quá rõ là những con số thành tích về ‘xử lý nợ xấu’ của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước chỉ là ‘diễn’, để đến giờ, bởi quá sốt ruột trước tình trạng ậm ạch của khối ngân hàng thương mại hkk nợ mới chồng nợ cũ mà có thể sẽ dẫn đến nguy biến phá sản một số ngân hàng và dẫn đến domino sụp đổ một phần hệ thống ngân hàng, Ngân hàng nhà nước phải cấp tốc ban hành văn bản đốc thúc ‘xử lý nợ xấu’.

Tuy nhiên những văn bản đốc thúc của Ngân hàng nhà nước lại nằm trong tình tạng cám cảnh không khác gì VAMC : tất cả vẫn chỉ là xử lý nợ xấu trên giấy tờ !

Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, khi vụ Công ty ALC II của ngân hàng thuộc loại lớn nhất quốc gia - Agribank - bị phát hiện đã làm biến mất hàng ngàn tỷ đồng bảo hiểm xã hội, đã tràn ngập thông tin ngoài lề về ‘Agribank sắp phá sản’.

Mặc dù chưa thực sự bị cho phá sản, nhưng Agribank lại là quán quân về mức độ tham nhũng, thất thoát cùng số cán bộ bị xử án trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Minh Quân

Nguồn : VNTB, 13/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)