Luật sư Đặng Trọng Dũng (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) kêu gọi cần có tổ chức nghiệp đoàn báo chí độc lập để lên tiếng bảo vệ những người làm báo tự do, nhân trường hợp bà Thư Lê, người vừa bị công an tỷnh Đồng Nai bắt giữ thô bạo kèm các hành động đe dọa tính mạng, và hủy hoại tài sản tác nghiệp của nữ nhà báo tự do này.
Nhà báo tự do Thư Lê bị bắt và bị công an đánh đập
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kể rằng bà Thư Lê rất xông xáo trong việc đưa tin hoàn toàn bất vụ lợi. Trong phiên tòa phúc thẩm vụ 15 người dân ở thành phố Biên Hòa xuống đường tuần hành hôm chủ nhật 10/06/2018, bà Thư Lê là người chăm chỉ ghi nhận những hình ảnh với các tình tiết phục vụ đắc lực cho việc bào chữa của nhóm luật sư từ Sài Gòn đến Biên Hòa hôm 9/11 vừa rồi.
Câu hỏi đặt ra : Liệu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng hoạt động với thêm chức năng chuyên sâu như một nghiệp đoàn báo chí, khi mà cuối tháng 11 này, Quốc hội hứa hẹn sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP] ?
Cần thấy rằng bất chấp đây là một quyền được Hiến định, cho đến nay Luật về quyền lập hội vẫn còn dừng ở mức chưa biết bao giờ sẽ được quay trở lại nghị trường Quốc hội. Liệu CPTPP gắn chặt với các quyền lợi kinh tế mà nhà nước Việt Nam đang coi như phao cứu hộ cho cứu vãn sự suy sụp tài khóa quốc gia, thì việc hình thành các tổ chức công đoàn độc lập kỳ vọng sẽ được xúc tiến nhanh hơn, mà vụ việc vài hôm trước đây Bộ Nội vụ đã cấp phép hoạt động Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có trụ sở đặt tại thành phố Thủ Dầu Một, tỷnh Bình Dương là một dấu chỉ ?
Hiệp hội này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Về kinh phí hoạt động, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tuy vẫn thuộc một Bộ chủ quản về mặt quản lý nhà nước, song với việc Bộ Nội vụ chấp thuận người đứng đầu Hiệp hội này không phải là đảng viên, không từng là một quan chức trong bộ máy công quyền, mà chỉ là một chủ doanh nghiệp, có thể tạm cho rằng đây là bước khởi động của hình thành những nghiệp đoàn độc lập.
Như vậy mô hình nào cho thêm chức năng của công đoàn độc lập trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam ? (1).
Trước năm 1975, ở miền Nam có Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam.
Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu.
Trước "Ngày ký giả ăn mày", hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau.
Một lợi thế dễ thấy ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là có nhiều hội viên quan hệ rất rộng, khắng khít với các nghiệp đoàn báo chí thế giới. Sắp tới đây, nếu bổ sung thêm chức năng của một tổ chức nghiệp đoàn, tin rằng sẽ là bước tiến đáng kể cho đời sống xã hội dân sự ở Việt Nam ; đặc biệt là ở miền Nam vốn từng trải nghiệm qua các nghiệp đoàn báo chí từ trước năm 1975.
Trước mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc mời gọi sự tham gia hội viên của những người hành nghề phát hành, những doanh nghiệp về truyền thông, truyền hình, các vị đại biểu Quốc hội, kể cả những cựu quan chức từng làm việc trong ngành truyền thông, xuất bản.
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 12/11/2018
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/10040-nghi-p-doan-d-c-l-p-giup-gi-cho-ng-i-vi-t-nam