Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2018

Sự kiện ông Lưu Bình Nhưỡng : liệu đó là một phép thử ?

Hoa Nghi

Đại biểu quốc hội tỷnh Bến Tre, Lưu Bình Nhưỡng đã lên tiếng chấm dứt mọi ồn ào liên quan đến phản ánh sự sai phạm trong ngành công an : Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến lúc đó, tôi sẽ tiếp tục trả lời phỏng vấn các bạn.

Cấp thẩm quyền ở đây là Đảng đoàn Quốc hội. 

dbqh1

Nhiều người chỉ trích ông Lưu Bình Nhưỡng, cho rằng ông chỉ là một phép thử, và phép thử đó là nhằm... nhử mồi. Vì mục đích gì không biết, nhưng chắc chắn nó không hề tốt đẹp.

Tuy nhiên, những chỉ trích này là hơi quá đà và có phần phiến diện, bởi trong nội dung chia sẻ chính thức với báo giới, ông Lưu Bình Nhưỡng đã nhấn mạnh ông - với tư cách là một thành viên ở tổ Đảng và với tư cách là một đảng viên, ông theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của pháp luật, và nghiêm túc chấp hành các quy định của Đảng.

'Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Đảng', bởi nó gắn liền với sự nghiệp chính trị của ông Lưu Bình Nhưỡng, và là một người trưởng thành ngành Luật, từng giảng dạy về Luật tại trường Đại học Luật Hà Nội, ông hiểu hơn về yếu tố quyết định của điều lệ đảng, quy định của đảng đối với con đường công danh của ông.

Facebooker Trần Anh Tuấn bày tỏ bằng ngôn ngữ của nhà vật lý học Galileo, người đứng trước tòa án dị giáo đã tuyên bố rằng : Tôi nhìn nhận trái đất hình vuông dù sao trái đất vẫn quay. Ông Lưu Bình Nhưỡng, trong hoàn cảnh hiện nay cũng nên được cảm thông theo phương diện đó, bởi hoàn ông cũng không khác nhà khoa học trong xã hội đêm trường trung cổ đó là bao. 

Năm 2016, trong phiên họp Hội đồng bầu cử quốc gia vào sáng ngày 8/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc, đại diện cho biết, có 496 người trúng cử Đại biểu quốc hội khóa XIV, trong đó chỉ 21 đại biểu trong số 496 đại biểu là người ngoài đảng (chiếm 4,2%), Quốc hội Khóa XIV có tỷ lệ đảng viên cao nhất từ trước đến nay. Phải đề cập thêm số liệu như vậy để hiểu hơn rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng dù cố giành một chút quyền dân biểu như cách mà ông từng tuyên bố trên Facebook cá nhân, thì áp lực của hơn 96% đảng viên bao vây ông và khiến cho phần lệ thuộc đảng phải tạm khuất đầu cúi mặt.

Sự 'đầu hàng' nêu trên đã cho thấy nhiều vấn đề, một là tính chất đảng ủy công an và tiếng nói của giới công an trong hệ thống nghị trường Quốc hội là... bao trùm. Thứ hai, nó lột tả được nhiều vấn đề, trong đó, tiếng nói đại diện cho người dân dường như chưa bao giờ là trọng điểm của 1/2 vị đại biểu đang ngồi dự họp từ đó đến nay. Vì thế, nhà thơ Lưu Trọng Văn trong một chia sẻ về sự kiện này trên Facebook cá nhân đã bình một cách cay đắng : Gã tán đồng ông Nhưỡng với tư cách đảng viên phải tuân thủ kỷ cương và nguyên tắc của đảng của mình. Nhưng nếu chỉ tuân theo nguyên tắc đảng thì với tư cách đại biểu quốc hội đại diện cho dân của ông ở đâu ? Vì lợi ích của đảng, đảng bảo im. Ok ! Vì lợi ích của dân, dân bảo nói. Ok hay không Ok ?

Lợi ích của Đảng hay lợi ích của Dân, cũng chỉ là một sự lựa chọn. Và không có một sự lựa chọn 'kết hợp' nào ở đây, vì bản thân nếu anh đã hướng về Dân, thực hiện đúng quy trình Dân biểu, thì đồng thời tính đảng của anh sẽ sụp giảm. Và có khả năng, kỳ sau, anh sẽ rời khỏi Hội trường Quốc hội vì sự 'sa sút' tính Đảng đó. Câu hỏi trên của nhà thơ Lưu Trọng Văn vì thế trở nên rất khó cho những đại biểu quốc hội như ông Lưu Bình Nhưỡng, và những người có tâm thế giống như ông. 

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong một động thái có vẻ có liên quan, đã bày tỏ về bài viết 'Phân tích sai lầm của giáo sư Chu Hảo' [báo Tiền Phong] trên Facebook cá nhân bằng cụm từ ngắn gọn 'thật đáng tiếc'. Một Facebooker khác lập tức phản hồi bên dưới, 'Đáng tiếc cho dân'. Tiếc cho dân, không phải vì bản thân Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, mà cả vì chuyện Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã bị áp chế bởi yếu tố 'Đảng đoàn Đại biểu quốc hội'.

Trở thành một dân biểu thực ra là cực kỳ dễ dàng ở Việt Nam, nhất là xuất xứ từ những hạt giống đỏ, những chồi non được ươm mầm bởi chế độ, nhưng để làm rõ nét tính chất Dân biểu - tức làm tròn 'tư cách là người đại biểu hoạt động chuyên trách của Nhân dân, vì sự cẩn trọng và tôn trọng nguyên tắc pháp luật' không bao giờ dễ dàng. Và những người làm, kiên trì thực hành điều đó sẽ khó ngoi lên trong hệ thống chính trị hiện tại, khi mà chiếc mũ quy chụp 'suy thoái tư tưởng, hay tự diễn biến, tự chuyển hóa' dễ dàng đặt lên đầu bất kỳ ai chạm vào lĩnh vực mang tính chất nhạy cảm của chế độ. 

Nhà báo Lê Phú Khải trong một bài viết gần đây về Giáo sư Chu Hảo đã đặt câu hỏi 'Tại sao Chu Hảo', và người viết cũng đặt câu hỏi tương tự : Tại sao Lưu Bình Nhưỡng. Đặt không phải để giải thích hay diễn giải bản chất con người Đại biểu quốc hội này, mà đặt để tái khẳng định rằng, tính chất Đảng viên đã đẩy lùi tính Dân biểu của hàng trăm vị đại biểu quốc hội trong hàng thập niên qua. Chính vì thế, vai trò giám sát của Quốc hội trước các chủ trương lớn của đảng (vốn được coi là hệ quả của quyết tâm chính trị thuộc Bộ Chính trị) là vô cùng yếu kém, tính chất phản biện đúng vai trò rất mờ nhạt, và đất nước đã rơi vào nhiều cuộc khủng hoảng là vì thế.

Tại sao Lưu Bình Nhưỡng sẽ là một câu hỏi về tâm và tầm của một đại biểu quốc hội, chừng nào tâm và tầm còn phụ thuộc vào ý kiến chỉ đạo của đảng, chừng đó tâm và tầm cũng nằm trong vòng kim cô của đảng, và câu nói của ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước 'là người đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng' thực ra cũng chỉ là câu nói vô thưởng vô phạt mà ông Lưu Bình Nhưỡng lỡ tin theo,... và đến giờ phải trả giá.

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 13/11/2018 

Quay lại trang chủ
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)