Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/05/2018

Việt Nam có chịu trả lời Slovakia vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’ ?

Thiền Lâm

Mối quan hệ giữa Slovakia – quốc gia được Việt Nam đánh giá là ‘đối tác thân thân thiện nhất’ – với chính Việt Nam đang trở nên kém hẳn thân thiện cứ sau mỗi ngày.

slovakia1

Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak. Ảnh : VOA

Tình cảnh kém thân thiện mới nhất là một thông tin từ đài VOA Việt ngữ dẫn tờ Slovak Spectator của Slovakia cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5/2018 vẫn chưa nhận được câu trả lời.

"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.

Cần nhắc lại, ngay sau cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, sang ngày 3/5/2018, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ông Dương Trọng Minh. Trong cuộc phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia). "Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được", ông M. Jakubócy nói.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?

Truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.

Một cách chính thức, vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã quốc tế hóa, kéo theo mối quan tâm của dư luận thế giới và báo chí nhiều nước, đặc biệt là báo chí Đức.

Nếu trong thời gian tới, phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).

Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.

Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Vào năm 2017, cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von "không xin được thì ăn cắp" đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức – Việt.

Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.

Nếu 2017 là ‘năm thành công của đối ngoại Việt Nam’ như Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên rao nhưng đã kết thúc bằng cuộc khủng hoảng Đức – Việt sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, 2018 đang đầy hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm ‘thành công’ nữa của không chỉ với ngành ngoại giao mà cho toàn bộ đảng CSVN khi lao nhanh đến cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam.

Tương lai của cuộc khủng hoảng là gần như không thể tránh khỏi bởi não trạng che giấu thiếu liêm sỉ và bản lĩnh trốn tránh càng lâu càng tốt của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có một chế độ mà về lợi ích thì ‘sở hữu cá nhân’, nhưng về trách nhiệm thì lại quy về ‘tập thể’. Sau khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, ngay cả Bộ Ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể "đá" trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế "hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo" trong cảnh "tang gia bối rối".

Cái cách thể hiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát : vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn "dây" đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức lẫn Việt – Slovakia.

Chính vì lẽ đó, rất có thể Bộ Ngoại giao Slovakia sẽ hoài công chờ đợi câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh – một quan chức bậc trung và chẳng có quyền quyết định gì, cũng khó trông đợi hồi âm nào từ phía bộ Ngoại giao Việt Nam trong những ngày tới.

Trừ Tổng bí thư Trọng, nếu ông ta bất chợt muốn đích thân cải chính điều gì đó…

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 18/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 826 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)