Một ngày tháng Bảy của năm 2018, trong một căn phòng nhỏ là nơi được Tổng thống Slovakia Andrej Kiska dùng làm việc, cảnh sát trưởng Milan Lučanský với gương mặt cực kỳ căng thẳng khi đối diện với Tổng thống Andrej Kiska.
Cảnh sát trưởng Milan Lučanský (trái) với gương mặt cực kỳ căng thẳng khi đối diện với Tổng thống Andrej Kiska. Ảnh The Slovak Spectator
Tháng Bảy lại thường là thời gian nóng nực nhất trong năm trên miền đất ôn đới Slovakia.
Những tháng Bảy nóng nực và căng thẳng
Bối cảnh cuộc gặp có vẻ không còn đường lùi trên diễn ra hơn hai tháng sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin vào đầu tháng Năm năm 2018. Trong khi bà Merkel phàn nàn về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với chi tiết một đoàn cán bộ công an cấp cao của Việt Nam dường như đã lợi dụng lòng hiếu khách và sự nhẹ dạ của Chính phủ Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Slovakia, rồi dùng máy bay này để ‘vận chyển’ Trịnh Xuân Thanh bay qua không phận Ba Lan về Hà Nội…, thì báo chí Đức nêu ra một câu hỏi rất khó chịu với Peter Pellegrini : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?
Năm ngoái, truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam là tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Trong đoàn của ông Tô Lâm lại có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Thủ tướng Peter Pellegrini đã không trả lời thẳng câu hỏi của bà Merkel, nhưng lại mạnh miệng khẳng định với đám đông các nhà báo vây quanh là Chính phủ Slovakia không dính dáng gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ngay trước đó, rất có thể ông Peter Pellegrini đã được tham mưu bởi Bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák - nhân vật luôn cho là ‘không liên quan’ đến vụ bắt cóc.
Khi đó, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cũng như Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Peter Pellegrini chỉ mới thay thế cho người tiền nhiệm là thủ tướng Robert Fico, sau khi ông Fico phải từ chức do liên đới trách nhiệm về cái chết của một nhà báo chống tham nhũng tại Slovakia. Khỏi phải nói, Peter Pellegrini mong muốn đến thế nào việc Slovakia ‘vô can’ trước nghi vấn về Trịnh Xuân Thanh đã được trung chuyển qua đất nước này, trước khi đến Moscow và được đưa về Hà Nội trên một cái cáng cứu thương. Cũng là để Peter Pellegrini không phải chịu bất kỳ trách nhiệm ‘đổ vỏ’ nào cho đời thủ tướng cũ Robert Fico.
Những diễn viên chính của vở kịch
Ít lâu sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Robert Kaliňák chuyển giao cái ghế Bộ trưởng nội vụ cho người khác.
Nhưng mới đây, vào thời điểm kết thúc phiên tòa thượng thẩm Berlin xử Nguyễn Hải Long - một nghi can tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - sớm hơn dự kiến gần cả tháng do Nguyễn Hải Long rốt cuộc đã quyết định thú tội bắt cóc để được hưởng mức án 3 năm 10 tháng tù giam, thay vì phải ‘bóc lịch’ đến 7 năm rưỡi, phía Cảnh sát Đức đã nêu công khai về một cuộc họp chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam là Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Kaliňák ở Bratislava vào tháng Bảy năm 2017 dường như ‘chỉ có một mục đích’, cụ thể là ‘di chuyển ông Thanh tương đối suôn sẻ từ khối Schengen về đến Việt Nam’ *.
Thì ra lời khẳng định ‘không liên quan’ vào năm 2017 của Bộ trưởng nội vụ Slovakia Robert Kaliňák lại tương phản hoàn toàn với hình ảnh chính ông ta thủ vai diễn viên chính trong vở kịch ‘trung chuyển Trịnh Xuân Thanh’.
Còn vào lúc này đây, có lẽ nụ cười xuê xoa như thể chối bỏ trách nhiệm của Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đã tắt lặng. Thay vào đó, viên cảnh sát trưởng Milan Lučanský đang nhìn chằm chằm vào Tổng thống Andrej Kiska như thể chờ đợi những lời khiển trách nặng nề.
Bởi Tổng thống Kiska đang hỏi về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bày tỏ sự không hài lòng với công việc của cảnh sát Slovak.
“Vụ án này đã trở thành một vụ bê bối quốc tế” - Tổng thống Andrej Kiska nói, “Việc này có thể có hậu quả nghiêm trọng về sự tin tưởng trong quan hệ giữa Slovakia và Đức”, tờ Nhật báo The Slovak Spectator của Slovakia thuật lại như thế.
Khác hẳn với bầu không khí vài ba tháng trước chỉ thuần túy bị nghi ngờ nhưng không có bằng chứng, giờ đây Chính phủ Slovakia đang phải hứng chịu búa rìu từ báo chí Đức - những tờ báo mang đẳng cấp quốc tế và có uy tín trên thế giới, chẳng hạn như Frankfurter Allgemeine Zeitung, kéo theo sự ‘tham chiến’ của nhiều tờ báo Mỹ và các nước khác, tạo nên một sức ép ghê gớm về việc cấp thiết phải minh bạch việc Slovakia có tiếp tay cho Bộ Công an Việt Nam để ‘vận chuyển’ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam hay không.
Tại thời điểm tháng Bảy năm 2018, báo chí Đức tự tin viết rằng ‘gần như không còn nghi ngờ’ rằng một máy bay của chính phủ Slovakia đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng chính vào thời gian nước sôi lửa bỏng hiện thời, Cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kaliňák lại chạy một đường vòng lắt léo khi từ chối những tuyên bố rằng ông biết về vụ bắt cóc khi ông tại chức, bỏ lại một di sản bê bối chính trị mang tầm cỡ quốc tế mà chẳng biết trách nhiệm sẽ trút lên đầu quan chức nào mang trọng trách của Slovakia.
Kaliňák còn bày tỏ quan điểm của ông ta về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên một mạng xã hội : tên của Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách hành khách sử dụng máy bay do chính quyền Việt Nam cung cấp ; không có bệnh nhân nào được vận chuyển trên máy bay, hoặc một ai bị trói hoặc có cử động bị hạn chế theo bất kỳ cách nào khác ; mọi người đều có hộ chiếu ngoại giao.
“Làm thế nào những chính trị gia như chúng ta có thể đối mặt với hàng trăm ngàn người đang kêu gọi một Slovakia tử tế, một Slovakia, nơi quyền lực chính trị sẽ không bị lạm dụng, khi chúng ta không nhìn vào những gì đã được nói đến !” - Tổng thống Andrej Kiska thốt lên đầy bức bối và có thể cả giận dữ.
Khi đã được xác nhận rằng Slovakia cung cấp máy bay của chính phủ, sau đó được sử dụng để bắt cóc cựu quan chức Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, hiển nhiên một lời giải thích thuyết phục về tất cả những nghi ngờ và phản đối hoặc hình phạt đối với những người có trách nhiệm là điều mà Tổng thống Andrej Kiska đang mong đợi và hối thúc.
Cường độ hối thúc trên sẽ chắc chắn tăng vọt và cực kỳ khẩn cấp khi vào ngày 3/8/2018, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã đăng một bài báo tường thuật về một phát giác mới : chính cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák đã giúp Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Bộ trưởng Tô Lâm là người đầu tiên bước lên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia, tiếp theo là các thành viên của phái đoàn Việt Nam, tất cả 12 người. Trịnh Xuân Thanh là người cuối cùng được đưa lên máy bay, rõ ràng là ông ta bị thương, trông có vẻ đờ đẫn và được hai mật vụ Việt Nam xốc nách hai bên dìu đi…
Khác hẳn với thái độ nhẩn nha và lẩn tránh trách nhiệm cách đây vài ba tháng, vào lúc này Chính phủ Slovakia đang như thể bấn loạn để cứu vãn cấp thời thể diện đối nội và uy tín quốc tế của họ. Đã đến lúc Slovakia phải tìm cách đưa ra ít nhất một quyết định nào đó, và phải là quyết định cứng rắn và sòng phẳng về mặt ngoại giao, để cứu vãn tình thế.
Tương lai của những tháng tiếp tới trong quan hệ Slovakia - Việt Nam là cực kỳ khó đoán định. Sẽ không loại trừ khả năng do phải chịu áp lực từ dư luận đủ lớn tại Slovakia, từ Chính phủ Đức và từ giới báo chí quốc tế, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Ngay vào thời điểm này, cả ông Kaliňák và Bộ Nội Vụ Slovakia đều phủ nhận các cáo buộc của báo chí, gọi đây là “những điều bịa đặt.”
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 03/08/2018
* Khối Schengen bao gồm các quốc gia là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Luxemburg, Hà Lan, Đức, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Italy, Estonia, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Hungary, và Na Uy, Iceland và Thụy Sĩ.
Mối quan hệ giữa Slovakia – quốc gia được Việt Nam đánh giá là ‘đối tác thân thân thiện nhất’ – với chính Việt Nam đang trở nên kém hẳn thân thiện cứ sau mỗi ngày.
Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak. Ảnh : VOA
Tình cảnh kém thân thiện mới nhất là một thông tin từ đài VOA Việt ngữ dẫn tờ Slovak Spectator của Slovakia cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5/2018 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.
Cần nhắc lại, ngay sau cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, sang ngày 3/5/2018, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – ông Dương Trọng Minh. Trong cuộc phỏng vấn với đại sứ, Vụ trưởng Vụ Chính trị Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Marián Jakubócy, yêu cầu giải thích về những nghi ngờ nghiêm trọng trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị đưa về nước (bằng chuyên cơ của Slovakia). "Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến một hành vi như vậy, đó là một vi phạm Công pháp quốc tế không thể chấp nhận được", ông M. Jakubócy nói.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?
Truyền thông Đức cho biết vào ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Một cách chính thức, vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã quốc tế hóa, kéo theo mối quan tâm của dư luận thế giới và báo chí nhiều nước, đặc biệt là báo chí Đức.
Nếu trong thời gian tới, phía Slovakia tổ chức điều tra làm rõ và xác định được nghi vấn của cơ quan an ninh Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong ?’ là đúng, phản ứng tối thiểu của Chính phủ Slovakia đối với Việt Nam sẽ là hạ cấp mối quan hệ ngoại giao và thương mại mà được xem là ‘tốt đẹp’ trước đây, cùng lúc có thể chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ Việt Nam để vận động Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).
Và nếu xảy ra hậu quả về EVFTA như thế, Slovakia sẽ là quốc gia thứ hai, sau Đức, khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam mất hẳn 2 phiếu trên cung đường đầy gai nhọn hoa hồng dẫn đến một EVFTA ‘cứu cánh’.
Cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam nếu xảy ra còn chắc chắn làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA. Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.
Vào năm 2017, cái cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mà theo một người bình luận phải ví von "không xin được thì ăn cắp" đã khiến nổ ra cuộc khủng hoảng Đức – Việt.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Nếu 2017 là ‘năm thành công của đối ngoại Việt Nam’ như Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên rao nhưng đã kết thúc bằng cuộc khủng hoảng Đức – Việt sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, 2018 đang đầy hứa hẹn sẽ tiếp tục là một năm ‘thành công’ nữa của không chỉ với ngành ngoại giao mà cho toàn bộ đảng CSVN khi lao nhanh đến cuộc khủng hoảng Slovakia – Việt Nam.
Tương lai của cuộc khủng hoảng là gần như không thể tránh khỏi bởi não trạng che giấu thiếu liêm sỉ và bản lĩnh trốn tránh càng lâu càng tốt của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam có một chế độ mà về lợi ích thì ‘sở hữu cá nhân’, nhưng về trách nhiệm thì lại quy về ‘tập thể’. Sau khi xảy ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, ngay cả Bộ Ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể "đá" trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế "hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo" trong cảnh "tang gia bối rối".
Cái cách thể hiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát : vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn "dây" đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt – Đức lẫn Việt – Slovakia.
Chính vì lẽ đó, rất có thể Bộ Ngoại giao Slovakia sẽ hoài công chờ đợi câu trả lời từ Đại sứ Dương Trọng Minh – một quan chức bậc trung và chẳng có quyền quyết định gì, cũng khó trông đợi hồi âm nào từ phía bộ Ngoại giao Việt Nam trong những ngày tới.
Trừ Tổng bí thư Trọng, nếu ông ta bất chợt muốn đích thân cải chính điều gì đó…
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 18/05/2018