Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/05/2018

Nợ xấu cực cao ở 3 ngân hàng bị mua giá 0 đồng : Hãy truy Nguyễn Văn Bình !

Thiền Lâm

Hiện thực quái lạ ở Việt Nam là cho tới nay, Nguyễn Văn Bình – cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước và đương kim ủy viên bộ chính trị, cũng là tác giả của chiến dịch ‘mua 3 ngân hàng giá 0 đồng’ – vẫn không bị hề hấn gì, bất chấp tình trạng cực kỳ đáng nghi ngờ của vụ mua bán này và nợ xấu cực kỳ cao của các ngân hàng này.

nvb1

Nguyễn Văn Bình đã lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng với giá 0 đồng ? Ảnh : Vietstock

Một báo cáo vừa được cơ quan Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội cho hay tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng đang lên mức rất cao.

3 ngân hàng trên được – Ngân hàng Nhà nước vào thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình mua lại 0 đồng – hiện đang bị âm vốn gần cả tỷ USD và có tỷ lệ nợ xấu tăng cao kỷ lục, lên đến 95% tổng dư nợ.

Cụ thể, nợ xấu của VNCB (chưa bao gồm nợ của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) đang ở mức 18.073 tỷ đồng, chiếm đến 95% dư nợ.

Nợ xấu của Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,3% dư nợ.

Nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,3% dư nợ.

Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc tái cơ cấu các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng diễn ra chậm, thực trạng tài chính của các ngân hàng này không có nhiều thay đổi nếu không muốn nói là ngày càng tệ đi, việc kinh doanh của các ngân hàng này tiếp tục thua lỗ lớn.

Như tại Oceanbank, từ thời điểm mua lại 0 đồng bắt buộc từ ngày 7/7/2015 đến ngày 31/12/2016 đã lỗ lũy kế 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng. Còn tính riêng năm 2016, Oceanbank lỗ thuần 1.417 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng).

GPBank kể từ thời điểm mua 0 đồng đến cuối năm 2016 cũng lỗ thêm 451 tỷ đồng, lũy kế lỗ 13.448 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng…

Hãy truy Nguyễn Văn Bình !

Một sự thật không thể chối bỏ là vào năm 2015, trước khi Đại hội 12 của đảng cầm quyền diễn ra, Ngân hàng nhà nước đã quyết định mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng – Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GP) và Ngân hàng Đại Dương. Nhân vật quyết định mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng chính là Nguyễn Văn Bình – thống đốc Ngân hàng nhà nước vào thời gian đó.

Cũng vào năm 2015, theo những tin tức đã từng được coi là "tuyệt mật" nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng chỉ vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Cả ba ngân hàng này lại đều có quan chức lãnh đạo bị khởi tố và sau đó bị truy tố lẫn án tù.

Tại sao Ngân hàng nhà nước mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng ? Phải chăng Thống đốc Bình làm theo lệnh của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng để "đạt thanh tích trước đại hội 12", nghĩa là vừa bảo đảm "nợ xấu không vượt quá 3%", vừa "khoanh" những ngân hàng xấu mà không để bị phá sản – một bằng chứng mà nếu xảy ra thì chắc chắn sẽ bị những đối thủ chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng lợi dụng triệt để để quy trách nhiệm "điều hành yếu kém" đối với ông ?

Hay hành động Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng là một chiêu thức thâu tóm lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích ngân hàng ? Với "đặc thù" cùng có 2-3 cán bộ lãnh đạo bị bắt và sau đó không lâu đều "được" Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, trường hợp của GP, VNCB và OceanBank đang đặt ra dấu hỏi rất lớn : phải chăng có một thế lực bí ẩn và thâm sâu nào đó muốn mượn tay Ngân hàng nhà nước để "thôn tính" các ngân hàng nhỏ thông qua "cơ chế bắt chủ ngân hàng" ?

Và Ngân hàng nhà nước lấy tiền ở đâu để mua các ngân hàng trên, dù là tuyên bố mua giá 0 đồng" ?

Từ sau vụ mua bán có vẻ rất ám muội trên, rất nhiều dư luận đã đặt dấu hỏi lớn về ý đồ Ngân hàng nhà nước đã dùng tiền ngân sách, tức tiền đóng thuế của dân, để giải cứu những ngân hàng thương mại sắp đổ bể.

Nhưng từ sau đại hội 12 của đảng cầm quyền cho tới nay, bất chấp nhiều dư luận và cả đại biểu quốc hội nêu nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước lấy đâu ra tiền để mua 3 ngân hàng trên, vẫn không hề có câu trả lời từ phía Ngân hàng nhà nước và Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình. Tất cả đều "trốn biệt".

Song lại có một lời khai rất đáng chú ý của Đinh La Thăng tại phiên tòa xử ông Thăng vào đầu năm 2018 : "Thực tế, việc mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển thành ngân hàng trách nhiệm hữu hạn MTV thì Ngân hàng nhà nước đã bỏ đồng nào vào Ngân hàng Đại Dương chưa khi vẫn đăng ký vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng ? Ngân hàng nhà nước lấy tiền đâu để bỏ vào đấy ?".

Rất đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên xuất hiện một con số (4.000 tỷ đồng) liên quan đến vụ "mua ngân hàng giá 0 đồng", bởi trước đó đã không hề tồn tại bất kỳ con số nào, trong bất kỳ báo cáo hay phát ngôn nào của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan, cá nhân liên quan về vụ việc đầy khuất tất này.

Vậy con số 4.000 tỷ trên từ đâu ra ? Có phải được lấy từ ngân sách ?

Con số 4.000 tỷ trên lại chỉ mới chứng minh cho vụ mua giá 0 đồng đối với OceanBank, mà chưa tính tới những con số tương tự hoặc có thể còn lớn hơn để mua giá 0 đồng tại VCB và GP.

Trách nhiệm trả lời những câu hỏi trên thuộc về cựu thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Nếu quả đúng là Ngân hàng nhà nước đã lấy 4.000 tỷ đồng từ ngân sách để mua OceanBank, đây chính là một vụ cố ý làm trái với mức độ ghê gớm, xứng đáng để Nguyễn Văn Bình bị "hồi tố", sau đó bị khởi tố và truy tố, phải nhận một mức án không thua gì Đinh La Thăng.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 24/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 930 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)