Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/05/2018

Hội nghị xây dựng tự do, dân chủ và hòa bình tại Châu Á

Nam Lộc

Phỏng vấn Luật sư Trần Kiều Ngọc về Hội nghị xây dựng tự do, dân chủ và hòa bình tại Châu Á.

phongvan1

Luật sư Trần Kiều Ngọc (hàng đầu, giữa) dự Hội nghị xây dựng tự do, dân chủ và hòa bình tại Châu Á

Kính thưa quý vị,

Sau khi nghe tin luật sư Trần Kiều Ngọc, sáng lập viên của Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền vừa tham dự một cuộc Hội Nghị Quốc Tế rất thành công tại thủ đô Delhi, Ấn Độ, chúng tôi đã liên lạc với luật sư Kiều Ngọc để có một phỏng vấn như sau, xin mạn phép chia sẻ cùng quý vị quan tâm.

Nam Lộc : Được biết ngày 10 và 11 tháng 5 năm 2018, tại Delhi, Ấn Độ, Kiều Ngọc có tham dự một Hội Nghị Quốc Tế với chủ đề "Building Freedom, Democracy, and Peace in Asia", tạm dịch là "Xây Dựng Tự Do, Dân Chủ và Hoà Bình tại Á Châu". Xin Kiều Ngọc cho biết ai tổ chức hội nghị này, với mục đích gì và thành phần tham dự ra sao.

Trần Kiều Ngọc : Dạ thưa đây là Hội Nghị Quốc Tế đầu tiên được tổ chức bởi Tibetan Youth Congress. Đây là một tổ chức Tây Tạng gồm những thành viên trẻ đã được thành lập từ năm 1970 và có đến 35.000 thành viên khắp nơi trên thế giới. Tổ chức này đã có thành viên tự thiêu để lên án sự tàn bạo của Trung Quốc đối với người dân Tây Tạng.

Mục đích của cuộc Hội Nghị này là nhằm quy tụ các nhà hoạt động trẻ cũng như các tổ chức đấu tranh tại các nước Đông Nam Á có chung lập trường là không chấp nhận những chính sách hà khắc và sự bành trướng bất nhân của Trung Quốc đối với nhiều nước nhỏ bé khác. Thành phần tham dự gồm có các nhà hoạt động xã hội dân sự từ Mông Cổ, Miến Điện, Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal, Phi Luật Tân, Nhật Bản, Thái Lan, và Việt Nam (mà Kiều Ngọc được mời tham dự).

phongvan2

Thành viên tham dự Hội nghị - Ảnh minh họa

Nam Lộc : Tại sao ban tổ chức không mời đại diện của chính phủ Việt Nam hay một tổ chức trong nước mà lại mời một người Việt ở nước ngoài ?

Trần Kiều Ngọc : Dạ thưa, theo như Kiều Ngọc được biết, Ban Tổ Chức tuyển chọn thành phần khách tham dự rất kỹ lưỡng. Họ đã xem xét và theo dõi các nhà hoạt động xã hội dân sự/tổ chức đấu tranh của các nước bạn một thời gian khá lâu trước khi họ gửi thư mời.

Hoạt động của Liên Minh Việt Nam Tây Tạng trong nhiều năm qua đã chứng tỏ lập trường kiên định trong việc chống lại sự bành trướng, áp bức của Trung Quốc trên thế giới. Bằng chứng là vào ngày 24 tháng 6 năm 2016, bảy thành viên của Liên Minh Việt Nam Tây Tạng đã can đảm đứng trước Thiên An Môn phát truyền đơn với nội dung lên án chính sách bất nhân của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Việt Nam. Kết quả sau đó là nhà sáng lập Liên Minh Việt Nam Tây Tạng, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và các thành viên đã bị bắt giữ 48 tiếng trước khi bị trục xuất khỏi nước.

Nam Lộc : Ở nước ngoài có nhiều tổ chức đấu tranh cho dân chủ, tự do, tại sao họ mời Kiều Ngọc cũng như Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền ?

Trần Kiều Ngọc : Thưa đây cũng là một cơ duyên. Trong hai năm qua, Kiều Ngọc đã cùng Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền đi khắp nơi để kêu gọi giới trẻ Việt Nam đứng lên nhận lãnh trách nhiệm cứu nước khỏi ngoại bang Trung Quốc. Vì theo Kiều Ngọc, muốn cộng sản Việt Nam ra đi thì Trung Quốc là cái rào cản lớn chúng ta phải đương đầu không thể lẫn tránh. Và muốn đạt được kết quả đó, chúng ta cần phải nương vào sức mạnh của quốc tế để đối đầu với Trung Quốc. Qua những trao đổi trên, tổ chức Liên Minh Việt Nam Tây Tạng nhận thấy có thể gửi thác trách nhiệm cho Kiều Ngọc để trình bày về "Những Cơ Hội & Thách Thức Xây Dựng Tự Do, Dân Chủ và Hòa Bình tại Á Châu" theo cách thức của Việt Nam.

Nam Lộc : Xin Kiều Ngọc lược qua về diễn tiến của Hội Nghị, những tham luận và sinh hoạt.

phongvan3

Luật sư Trần Kiều Ngọc chụp ảnh kỷ niệm với Shri. Ashok Sajjanhar, Chủ tịch Viện nghiên cứu tổng quát v cựu nhân viên ngoại giao Ấn Độ

Trần Kiều Ngọc : Hội Nghị được diễn ra trọn hai ngày thứ Sáu và Bảy (10-11 tháng 5/2108). Mọi chủ đề đều xoay quanh các diễn tiến, phương pháp cũng như những cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng tự do, dân chủ và hòa bình tại các nước Đông Nam Á như đúng chủ đề của Hội Nghị.

Vị diễn giả chính của Hội Nghị là ông Ashok Sajjanhar, cựu đại sứ rất uy tín của Ấn Độ, đã khai mạc Hội Nghị bằng một bức tranh tổng thể về lịch sử, các diễn biến về dân chủ, nhân quyền trên thế giới và truyền cảm hứng cho những nhà hoạt động trẻ bằng những lời khích lệ thật sâu sắc. Tiếp theo sau là các bài thuyết trình và thảo luận của các nhà hoạt động trẻ đại diện cho mỗi quốc gia lên trình bày về tình hình của đất nước họ.

Có một đặc điểm chung, mà tất cả các thuyết trình viên nêu lên, là đất nước của họ đều đã và đang chịu nhiều đau khổ mất mát vì sự thôn tính, ảnh hưởng của Trung Quốc lên trên đời sống kinh tế, văn hóa, và chính trị, đó là chưa nói đến hai nước, Tây Tạng và Mông Cổ, đã bị Trung Quốc cướp mất hoàn toàn.

Trong cuộc Hội Nghị này, Kiều Ngọc đã cố gắng đóng góp và đẩy mạnh ba việc :

1. Kiều Ngọc xin tham gia vào nhóm 6 người soạn tuyên cáo cho Hội Nghị, với lòng mong muốn là tiếng nói liên quan đến Việt Nam cũng được quan tâm trong các văn kiện có tính cách quốc tế ;

2. Kiều Ngọc kêu gọi các nước tham dự trong Hội Nghị, cùng đồng hành lên án sự bành trướng bất nhân của Trung Quốc ;

3. Đẩy mạnh việc liên kết giữa các nhà hoạt động cũng như các tổ chức đấu tranh của các nước Á châu bằng cách thành lập một ủy ban. Ủy ban này có vai trò kêu gọi và thúc đẩy những dự án ngắn hạn và dài hạn giữa các nhà hoạt động dân chủ của các nước, trong việc lên án những vi phạm nhân quyền và sự bành trướng bất nhân của Trung Quốc đối với các nước nhỏ.

Vào những giờ cuối bế mạc của Hội Nghị thì Kiều Ngọc xin được tham gia vào ủy ban trên. Ủy ban cuối cùng đã được thành lập gồm có đại diện của các nước Mông Cổ, Tây Tạng, Phi Luật Tân và Việt Nam (Kiều Ngọc đại diện).

Nam Lộc : Kiều Ngọc nhận định về ý nghĩa và tầm quan trọng chính trị của Hội Nghị này như thế nào.

Trần Kiều Ngọc : Theo Kiều Ngọc thì Hội Nghị này quả là một bước ngoặc và là cánh cửa mới cho những tiếng nói cô đơn, còn yếu ớt, muốn đi tìm sự liên kết, muốn cùng đồng hành với các bạn bè quốc tế để tạo ra một sức mạnh có tầm ảnh hưởng lớn và trọng lượng hơn trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Nam Lộc : Theo Kiều Ngọc thì Hội Nghị nói chung và chúng ta nói riêng đã gặt hái được những kết quả gì ?

Trần Kiều Ngọc : Thưa Hội Nghị đã rất thành công khi mời được đại diện của 12 nước tham dự, mặc dù giờ phút chót, một vị đại diện của Nam Hàn kẹt công việc không đến được. Chỉ trong vòng hai ngày hội nghị ngắn ngủi và ngày thứ ba cùng nhau đi thăm quan thắng cảnh, nhưng Hội Nghị đã tạo ra sự liên kết, lý tưởng chung và sự tin tưởng giữa các nhà hoạt động đấu tranh của các nước. Theo Kiều Ngọc, đó là bước thành công đầu tiên quá tốt để cùng nhau thực hiện những dự án lâu dài.

Riêng về phía chúng ta, thì Kiều Ngọc vui mừng khôn tả. Kiều Ngọc tin rằng, Hội Nghị này đã cho mình thêm hy vọng vào con đường mới đó là qua việc liên kết với các ‘nước nạn nhân’ Trung Quốc, chúng ta có thêm đồng minh để gây áp lực trước quốc tế về cách hành xử của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đối với Kiều Ngọc, ngày nào còn cộng sản và cộng sản Việt Nam còn làm tay sai cho Trung Quốc thì ngày đó người dân Việt Nam sẽ không bao giờ được làm chủ thật sự trên đất nước mình. Mà muốn cộng sản Việt Nam ra đi thì ngoài việc người dân trong nước phải ý thức biết đòi hỏi nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam, thì một việc vô cùng quan trọng nữa là kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế, tìm cách gây áp lực, ép buộc Trung Quốc phải buông cuồng vọng bành trướng của họ.

Nam Lộc : Cuối cùng, Kiều Ngọc có điều gì muốn chia sẻ thêm cùng đồng hương ở hải ngoại và đồng bào trong nước, đặc biệt là với giới trẻ không ?

Trần Kiều Ngọc : Dạ thưa, đối với đồng hương ở hải ngoại, Kiều Ngọc cũng hiểu được sau hơn 43 năm, một số ngọn lửa đấu tranh trong chúng ta đã nguội dần vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là sự mất niềm tin. Kiều Ngọc chỉ xin rằng, đồng hương hãy tiếp tục thổi ấm lại ngọn lửa của mỗi người trong chúng ta trở về. Ngọn lửa đấu tranh có thể lớn nhỏ theo thời gian, nhưng chúng ta quyết không thể để cho nó tắt lụi. Xin đồng hương hãy thắp sáng ngọn lửa đó lên để làm tỏa sáng tâm hồn và nuôi ý chí quật cường, để tìm thấy công lý, hỗ trợ và đồng hành cùng nhau trong công cuộc chung, cứu nguy đất nước.

Riêng với đồng bào và đặc biệt là giới trẻ trong nước, các bạn đừng thụ động chờ một phép mầu hoặc ỷ lại hoàn toàn vào bất cứ một tổ chức hay thần tượng nào sẽ cứu nguy đất nước. Chính các bạn phải là mũi nhọn, chất xúc tác, tích cực đi tìm kiếm và đóng góp vào công cuộc chung giải thể chế độ độc tài, đang làm tay sai cho ngoại bang để bán nước. Các bạn hãy tỉnh thức, và nếu các bạn chưa biết sự thật vì sự tuyên truyền dối trá của cộng sản, thì các bạn hãy nhìn cuộc sống chung quanh mình qua lăng kính của chính lương tâm mình để tìm biết công lý đang nằm ở đâu.

Cầu chúc các bạn vững tâm và nghe được tiếng gọi của Tổ Quốc. Tin rằng, tiếng gọi đó cũng chính là ‘ơn gọi’ của của mỗi người con dân Việt Nam trong thời kỳ đen tối nhất trong dòng lịch sử Việt Nam vậy.

Nam Lộc : Tôi cũng cũng xin cám ơn và cầu chúc Kiều Ngọc cùng các thành viên của Phong Trào Giới Trẻ Vì Nhân Quyền luôn vững tâm và cứ thẳng lòng mà hoạt động vì quê hương, vì tổ quốc. Chúng tôi luôn hỗ trợ và tiếp tay cùng các bạn.

Nam Lộc thực hiện

Nguồn : CaliToday, 26/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)