Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/05/2018

Trí thức đại diện và đại diện trí thức

Ánh Liên

Sự thay đổi của một cộng đồng bắt đầu từ sự tự ý thức, sự thay đổi của một quốc gia bắt đầu từ lớp trí thức thực sự.

trithuc1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các trí thức, văn nghệ sĩ. Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Trọng một quốc gia, sẽ bao gồm hai loại trí thức, là trí thức đại diện và đại diện trí thức. Nếu trí thức đại diện là loại trí thức mang tính kiểu mẫu cho một hình thái kinh tế - chính trị - xã hội nhất định, hay nói đúng hơn là ‘lò’ thể chế - xã hội ra sao thì mẫu trí thức sẽ như thế ; thì đại diện trí thức mặc dù xuất phát từ trong lòng thể chế, nhưng nó đáp ứng những yêu cầu của một trí thức thực sự : nhân danh tri thức, phục vụ tri thức.

Cách đây ít ngày, một người thuộc lớp đại diện trí thức là Giáo sư Phan Đình Diệu đã mất, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ thời kỳ internet được đưa vào Việt Nam tưởng nhớ : ‘Lại thêm một người tử tế nữa ra đi.’ Còn Phó Giáo sư Phan Dương Hiệu, con trai của Giáo sư Phan Đình Diệu đã nói : sự say mê đối với khoa học, sự trăn trở của bố đối với đất nước là lời dạy vô giá. Bố nói với con, cuộc sống cần nhất sự trung thực. tưởng chừng đơn giản nhưng trung thực bao gồm sự dũng cảm, trung thực với chình mình để có những chính kiến độc lập, trung thực trong cuộc đời để dũng cảm để nói lên ý kiến tâm huyết.

Và lớp từ khóa của đại diện trí thức sẽ là : tử tế ; say mê khoa học ; trăn trở đất nước ; trung thực ; dung cảm ; chính kiến độc lập ; ý kiến tâm huyết.

Những con người càng hội tụ đủ lớp từ khóa nêu trên, thì số phận của họ lại càng phụ thuộc lớn vào sự dân chủ của thể chế. Thể chế càng thiếu dân chủ, thì đối diện họ có thể là : phê bình, cảnh cáo, bắt giam, truy tố…

Ngược lại, trí thức đại diện lại là lớp nảy sinh từ thế chế, bản chất của thể chế cũng tạo nên tính trí thức đại diện này ở mảng dũng cảm hay không dũng cảm ; chính kiến hay không chính kiến. Do đó, một trí thức đại diện tại Hoa Kỳ khác một trí thức đại diện tại Việt Nam. 

Tại Việt Nam, một Giáo sư tên là Nguyễn Đức Tồn – người đang bị đặt nghi vấn là ‘đạo văn của học trò’ tiếp tục làm rõ nét hơn lớp trí thức đại diện, nơi mà ‘bằng giả, đạo văn’ vẫn được phong cách tước hiệu hoặc đứng đầu ngành giáo dục, và lộ liễu đến mức lớp trí thức đại diện chen chân nhau lên chuyến tàu vét mang tên ‘chuyến tàu chót mang số hiệu 174’.

Thế nên, mới nảy sinh một câu chuyện ‘trạng chết chúa cũng bang hà’, nghĩa là trí thức đại diện phần lớn ‘dây máu ăn phần’, nên vừa qua, Giáo sư Nguyễn Đức Tồn - người đang bị hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ rà soát, kiểm tra việc có ‘đạo văn’ của trò hay không - vừa có đơn kiến nghị đến Thủ tướng đề nghị làm rõ cả những ‘nghi án’ Giáo sư, Phó Giáo sư khác ‘đạo văn’.

Và lúc này, đúng như quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (trên BBC Việt ngữ) là : đạo văn và bằng giả cũng là bệnh thể chế. Hay, trí thức đại diện mang mầm bệnh của thể chế ; hệ thống giáo dục – thể chế tạo những khuôn để tạo ra lớp trí thức đại diện.

Sở dĩ phải đề cập vấn đề này vì mới đây trên mạng xã hội chia sẻ về phiên tòa lịch sử ngày 6.6.1976, xét xử ông Tạ Đình Đề - người 'hào sảng, nghĩa hiệp', từng là Trưởng ban Thể dục thể thao, kiêm Xưởng trưởng Xưởng dụng cụ cao su của Tổng cục Đường sắt. Người bị xét xử vì 3 tội : chứa thuốc nổ và vũ khí ; tập hợp các phần tử xấu và rút tiền mặt chi tiêu vô tội vạ… Tuy nhiên, cuối cùng ông Tạ Đình Đề đã được Thẩm phán Phùng Lê Trân tuyên án vô tội vì 'chưa có căn cứ để tin'.

Vấn đề là, để có được lời tuyên án 'đề cao pháp luật và công lý' như thế thì bà Thẩm phán Phùng Lê Trân đã gặp không ít rắc rối trong đó, một vị công an hộ tịch cảnh cáo bà Thẩm phán : Chị làm thế nào thì làm, còn con chị nữa.

Lời cảnh cáo này hiện diện khi mà bà Thẩm phán Phùng Lê Trân giữ quan điểm 'ông Đề không có tội, tôi không thể vẽ tội cho ông ấy'. Thậm chí, cuộc chiến công lý còn được đẩy cao đến mức, trước buổi khai mạc phiên tòa, bà đã dặn chồng : hôm nay có thể em không về.

Câu chuyện Thẩm phán Phùng Lê Trân đối chiếu với những phiên tòa gàn đây, tạm gọi là bỏ túi - đang trở thành xu hướng của ngành tòa án Việt Nam. Nơi những đồng tiền, chỉ đạo, quan hệ đâm toạch công lý. Và nếu nhìn xuyên qua tấm gương bà Thẩm phán Phùng Lê Trân thì có nhận ra dễ dàng, một bên là trí thức đại diện, một bên là đại diện trí thức.

Sự 'dặn dò' như kiểu bà Thẩm phán Phùng Lê Trân hiện nay cũng thường gặp ở những đại diện tri thức đang tìm kiếm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp theo đúng tinh thần Hiến pháp của 'lãnh tụ cách mạng Việt Nam 1946', mà gần nhất là nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Quang Lập với vợ con khi ông được phía cơ quan an ninh 'mời làm việc về blog'.

Phân biệt vậy để biết rằng, tiếng nói của giới tri thức thực sự rất nhỏ trong xã hội, và có phần thoi thóp. Trong khi quan điểm của lớp đại diện trí thức lại tràn lan, ngông cuồng và có phần cộng sinh với quyền lực - tiền bạc. Nhưng một bên có thể tạo ra tính bền vững bởi phản biện trực diện, còn một bên có thể gây cho quốc gia sự đổ vỡ bởi sự cun cút và nịnh nọt thể chế.

Và rõ ràng, Việt Nam cần lắm những trí thức có tâm, có tầm hơn là những vị trí thức trên giấy tờ như thời gian qua, và nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh phong trào 'trăm hoa đua nở, trăm nhà lên tiếng', nhất ở các tầng lớp đại diện trí thức mà không ngại sự thẳng thắn, chính kiến, và nhiệt huyết của họ khi phản biện các chính sách của Nhà nước, ĐCSVN.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 27/05/2018

 

Quay lại trang chủ
Read 807 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)