Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/05/2018

Vì sao Việt Nam vẫn nhập siêu kinh khủng từ Trung Quốc ?

Thiền Lâm

Việt Nam vẫn là quán quân về ‘thùng rác’ của Trung Quốc, biểu hiện ở góc độ hẹp là nhập công nghệ thấp và kể cả rác thải, còn trên bình diện vĩ mô là tình trạng nhập siêu thương mại vẫn lên đến ít nhất 45 tỷ USD mỗi năm, nếu tính cả giá trị nhập lậu qua đường tiểu ngạch.

nhap1

Ảnh minh họa

Một báo cáo vào tháng Năm năm 2018 của Bộ Tài chính Việt Nam cho biết trong thời gian gần 6 năm qua, Việt Nam đã chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu hàng từ Trung Quốc nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được trị giá hơn 100 tỷ USD, điều này dẫn đến thâm hụt thương mại nặng nề gần 150 tỷ USD giữa Việt Nam với Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu này vẫn gia tăng hàng năm.

Việt Nam hiện có khoảng 24 cửa khẩu quốc tế 25 cửa khẩu song phương, 68 cửa khẩu phụ, 57 lối mở biên giới và 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới.

Về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 2013 đến hết quý I/2018 là 362 tỷ USD, trong đó nhập khẩu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 250 tỷ USD bằng gần 70% tổng kim ngạch.

Xuất khẩu của Việt Nam sang sang Trung Quốc giai đoạn trên là 100 tỷ USD, chỉ chiếm 29% kim ngạch song phương hai nước. Nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam cùng thời gian trên là 250 tỷ USD, gấp 200% kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, qua gần 6 năm, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đã mất cân xứng, Việt Nam thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm.

Năm 2013, Việt Nam thâm hụt thương mại với Trung Quốc hơn 23 tỷ USD ; năm 2014 là gần 29 tỷ USD ; năm 2015 là hơn 33 tỷ USD ; năm 2016 là hơn 28 tỷ USD và năm 2017 có giảm xuống còn hơn 22,7 tỷ USD.

Cơ cấu hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị linh kiện, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá, trái cây tươi… Trong khi đó, Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc các sản phẩm giá trị thấp như cao su, nông sản, sắn lát, gạo, trái cây và gỗ…

nhap2

Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh hiện thời có lặp lại cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng về hành vi ‘nối giáo cho giặc’ bằng cơ chế nhập siêu vô tội vạ từ Trung Quốc ? Ảnh : NDH.vn

Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Nếu tính cả con số 20 tỷ USD nhập lậu mà "không ai biết" được tuồn vào theo con đường nào và bị biến hóa ra sao, tổng giá trị nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào những năm trước phải lên đến khoảng 50 tỷ USD mỗi năm – gấp gần 300 lần so với mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc vào năm 2002 !

Ngay sau khi xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2014, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam bắt đầu phải bàn luận đến khía cạnh "kinh tế Việt Nam sẽ sống được bao lâu nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc". Trả lời câu hỏi này là lời tường thuật rất thành thật của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may : nếu không được nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nhà máy của họ chỉ tồn tại được vài ba tháng !

Thói quen phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc đã trở nên quá khó bỏ. Nó không chỉ cột chặt giới doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn xiềng xích giới quan chức "ăn dầy" của Việt Nam – những người có thẩm quyền ký hạn ngạch nhập hàng từ Trung Quốc. Tình thế càng trở nên nên khốn quẫn khi tại một số cuộc hội thảo về đầu tư, người ta cho biết giới doanh nghiệp Trung Quốc có thói quen chi dưới gầm bàn "thoáng nhất" !

Không cần nhắc lại, ai cũng biết giới quan chức Việt thuộc loại "ăn đủ" nhất trên thế giới.

Đặc biệt nếu những quan chức này nằm trong những bộ ngành kinh tế liên quan mật thiết đến TPP như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn chuyển đổi kênh nhập khẩu sẽ bị hành hạ không ít bởi chủ kiến chính trị của Bắc Kinh.

Một nghiên cứu của Trung tâm WTO cho thấy các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu EPC của 77/106 dự án lớn trong các lĩnh vực hóa chất, khai thác chế biến bauxite, xi măng, nhiệt điện… của Việt Nam. Đây là những dự án lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện nên một phần đáng kể nguồn cung năng lượng, các hoạt động của nền kinh tế phụ thuộc vào năng lực, chất lượng và hiệu quả từ các hoạt động của nhà thầu nước này. Phần lớn các dự án lại sử dụng máy móc, vật tư, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc càng khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này thêm trầm trọng. Nhiều nhà máy sau khi đi vào vận hành lại gặp trục trặc, thời gian sửa chữa, bảo dưỡng kéo dài…

Những năm trước, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng là những nhân vật phụ trách bộ ngành liên hệ quá môi răng với hàng nhập từ Trung Quốc.

Liệu những bộ trưởng sau này như Trần Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thể… có nối gót những nhân vật trên ?

Kinh tế lại quấn siết chính trị. Tương lai Việt Nam làm sao có thể "thoát Trung" về kinh tế nếu vẫn khư khư ôm chặt mối tình ngang trái giữa hai thân xác chính trị thỗn thện ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 27/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)