Trong Đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra ngày 17/5/2018 tại Washington DC, ấn tượng đáng thất vọng nhất của là đã không có một lời hứa nào của phía Việt Nam được đưa ra trong cuộc đối thoại này – theo trả lời của ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ thuộc văn phòng phụ trách vấn đề dân chủ, nhân quyền, và lao động với Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Đối thoại nhân quyền Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 22 tại Washington DC Ảnh : State Department
Hiện tượng trên có thể được xem là bất thường, bởi câu tục ngữ ‘lời nói không mất tiền mua’ đã ứng với thói đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam một cách đặc biệt, và cũng đặc biệt được thể hiện trong vô số hứa hẹn về ‘cải thiện nhân quyền’ từ trước đến nay.
Vào những lần đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ trước đây, phía Việt Nam luôn hứa, thậm chí hứa hẹn rất nhiều về đủ thứ ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo vệ quyền con người’ như tự do tôn giáo tự do báo chí, tự do hội họp, quyền của người lao động, tù nhân chính trị… Chỉ có điều lịch sử của các kỳ đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vẫn thường khá trắc trở và luôn bị biến dạng ngay sau cái bắt tay kết thúc một kỳ họp. Bởi sau đó, chính thể độc đảng và giới công an trị ở Việt Nam đã không thực hiện hứa hẹn của mình, hoặc thậm chí làm ngược lại hứa hẹn, nghĩa là gia tăng đàn áp và bắt bớ người bất đồng và nhà hoạt động nhân quyền.
Bài học gần đây nhất về ‘lời hứa Việt Nam’ là Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2017. Kết quả của cuộc đối thoại này đã đánh dấu một thực tế mà khó dùng từ nào khác hơn là "thất bại" đối với phái đoàn đối thoại của bà Virginia Bennett – Trợ lý bộ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền và lao động, một chính khách mới trong chính quyền Donald Trump và có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam.
Kết quả mà bà Bennett nhận được bằng những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam – một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế – là sau cuộc đối thoại này đã không có gì được cải thiện.
Ngay sau tháng Năm năm 2017 khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, thậm chí còn bị Trump "đòi nợ" về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm 2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ.
Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng, có vẻ phía Mỹ đã phải tạm ngưng đàm phán nhân quyền, dù cơ chế đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam được duy trì 2 lần mỗi năm. Vào cuối năm 2017, đã không có đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nào diễn ra.
Vào cuối năm 2012, cũng đã không có đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ nào. Trước tình trạng chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người bất đồng và phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc, phía Mỹ đã ngưng vô thời hạn đàm phán nhân quyền. Cuộc đối thoại này chỉ được khơi lại bằng vai trò của Dan Bayer – người tiền nhiệm của Malinowsky – vào gần giữa năm 2013 trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp Obama – Trương Tấn Sang tại Washington với nhu cầu thiết thân của giới lãnh đạo Việt Nam là Hiệp định TPP.
Vào cuối năm 2016, Tom Malinowsky – Trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, lao động và nhân quyền và cũng là trưởng đoàn đàm phán nhân quyền của Mỹ, đã không có cơ hội để lặp lại lời mỉa mai đến não ruột của chính ông vào giữa năm 2015 tại Hà Nội "Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người này để thế vào". Cuối năm 2016 và đầu năm 2017 lại là khoảng thời gian mà công an Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến với số lượng lớn, khiến phía Mỹ quá thất vọng mà không thể tiến hành đối thoại nhân quyền với Hà Nội.
Còn vào năm 2017, công an Việt Nam không còn ‘thả một bắt một’ như năm 2015, mà không những không thả ai trong khi bắt đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền. Rất có thể, đó là nguồn cơn khiến nhà cầm quyền Việt Nam thấy không còn cần thiết phải tung ra những lời hứa hẹn với người Mỹ, cũng là một cách gián tiếp để trả đũa Washington về việc Trump đã rút khỏi Hiệp định TPP, không có Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ, và Trump còn đang áp dụng nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ để tăng vọt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Nhưng cũng có thể còn một nguyên do khác mà đã khiến trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam không dám đưa ra hứa hẹn nào : nội bộ đảng xáo trộn mạnh và không một quan chức cao cấp nào còn quan tâm đến chủ đề đối thoại nhân quyền với Mỹ, hoặc nếu có đôi chút quan tâm cũng không dám chịu trách nhiệm về chỉ đạo của mình. Nói tóm lại, đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam đã không nhận được chỉ đạo cụ thể nào từ các quan chức cao cấp.
Trong khi đó, Bộ Công an – thường có vai trò chủ công trong đối sách nhân quyền với Mỹ, lại đang lâm vào cơn khủng hoảng nhiều mặt trong năm 2018. Ngay cả Bộ trưởng công an Tô Lâm cũng đang bị phía Slovakia và Đức nghi ngờ về việc đã dính líu đến vụ Trịnh Xuân Thanh được đưa về Việt Nam trên một máy bay của Slovakia trong thời gian ông Tô Lâm có mặt tại quốc gia này vào tháng Bảy năm 2017.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 28/05/2018