Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2018

Nhận nợ bảo hiểm xã hội bằng trái phiếu chính phủ còn có giá trị gì ?

Thiền Lâm

Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ (một hỗn danh của Bộ Tài chính được dân gian đặt) – ông Đinh Tiến Dũng – lại vừa ‘kiến tạo’ một giải pháp ‘lấy mỡ nó rán nó’ : Phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với Quỹ Bảo hiểm xã hội về khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/2018.

ngansach1

2017 là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán. Tranh minh họa - Tuổi Trẻ

Giải pháp trên được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra tại Quốc hội chiều 26/5/2018. Số tiền nhận nợ là 22.090 tỷ đồng.

Ông Dũng lý giải : trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 – 2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ trên, với nguyên nhân hàng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư, nếu ngân sách chuyển 22.090 tỷ đồng vào thì Quỹ cũng sử dụng để mua trái phiếu chính phủ.

Bộ Tài chính còn tự tin cho rằng việc phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo nguyên tắc như trên không làm tăng bội chi ngân sách Nhà nước và vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, an toàn nợ công giai đoạn 2018-2020…

Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 – 2017 mà Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề cập ở trên về thực chất lại là một thất bại trong thu ngân sách.

Vào năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, tức chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.

Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Đó cũng là bối cảnh mà chi ngân sách đã phải dùng đến hơn 70% cho mục chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương cho đội ngũ công chức viên chức lên đến gần 3 triệu người, với ít nhất 30% trong số đó bị coi là ‘không làm gì cả những vẫn đều đều lãnh lương, và không những không giảm qua ‘tinh giản biên chế’ mà còn phình to thêm đến 58000 người).

Căn bệnh ung thư di căn của bội chi ngân sách đã khiến ‘Bộ bóp cổ’ không những phải ra sức ‘bóp dân’ mà còn phải dè sẻn từng khoản chi.

Theo chiến thuật‘Lấy mỡ nó rán nó’ – một cách gọi của Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tìm cách ‘huy động 500 tấn vàng trong dân’ vào năm 2011, nếu vụ ‘phát hành trái phiếu 22000 tỷ đồng’ thành công, sẽ khiến ngân sách nuôi đảng và chính phủ được vay tiền thực của Qũy Bảo hiểm xã hội, tức từ hàng triệu người đóng bảo hiểm này, nhưng đến khi trả lãi và nợ thì Bộ Tài chính lại chỉ trả bằng… giấy.

Tức bằng ‘trái phiếu chính phủ’.

Vậy ‘trái phiếu chính phủ’ có giá trị như thế nào, hoặc còn có giá trị gì đối với hàng triệu công chức thường bị bộ phận phát lương cắt ngay một phần thu nhập của họ để nộp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội ?

Kinh nghiệm xương máu trong hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng là lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đã tăng cao và tăng đột ngột trong thời gian gần đây, gây sức ép mạnh lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán, trong lúc chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.

Bất chấp hiện trạng vẫn được ưu ái và o bế bởi chính phủ cùng Ngân Hàng Nhà Nước, ngay cả những ngân hàng loại một như Vietcombank cũng chẳng còn mặn mà gì với "giấy lộn".

Bằng chứng hiển hiện nhất đã lộ ra vào giữa năm 2016 : cái cách hai ngân hàng BIDV và VietinBank quay lưng thẳng thừng với yêu cầu của Bộ Tài Chính về nộp cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt – giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, có thể cho thấy ngay cả các ngân hàng lớn cũng đang khó khăn và phải lo thủ thân như thế nào trước cơn suy trầm kinh tế đang gõ cửa từng nhà.

Còn có một minh họa khác – cũng rất sống động.

Vào năm 2016, sau hơn nửa năm kế hoạch phát hành 3 tỷ USD "trái phiếu đặc biệt" của chính phủ Việt Nam – với mục tiêu của kế hoạch này là "nhằm cơ cấu lại nợ trong nước của chính phủ", mà về thực chất là đảo nợ – được giới quan chức và báo chí nhà nước ồn ào tung hô, Bộ Tài chính đã phải gián tiếp thừa nhận vụ phát hành này đã thất bại cay đắng.

Khi đó, giới quan chức hy vọng vào một phép màu sẽ xảy đến khi các tập đoàn quốc tế dang tay ôm "trái phiếu đặc biệt" và góp thêm một khoản tiền vừa để trả lương vừa trả nợ cho Việt Nam.

Tuy thế, hy vọng ấy đã tan vỡ như bong bóng xà phòng. Nếu lần phát hành trái phiếu gần nhất của chính phủ ra thị trường quốc tế diễn ra vào năm 2014 thất bại đến mức chính phủ phải "ép" Ngân hàng Vietcombank – một trong số ngân hàng mà nhà nước có cổ phần chi phối, phải mua 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm, thì nay có thể thấy rõ là chẳng một doanh nghiệp quốc tế nào ngó ngàng đến "giấy lộn" của chính phủ Việt Nam.

Trong thực tế, ‘trái phiếu chính phủ’ chỉ còn đôi chút giá trị ở trong nước, với điều kiện khi phát hành trái phiếu này, Chính phủ phải ‘vừa ép vừa ấn’ để các ngân hàng, doanh nghiệp và người đóng bảo hiểm xã hội phải nhận ‘giấy lộn’.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 29/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 766 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)