Sau khi Hội nghị trung ương 7 kết thúc, nhiều người theo dõi chính trường Việt Nam cho rằng vụ án Mobifone mua AVG sẽ là một phiên tòa nóng bỏng không khác gì phiên xử Thăng và Thanh vừa qua. Liền kế đó là vụ lật lại hồ sơ dự án Khu đô thị Thủ Thiêm với sự tham gia nhiệt tình của báo chí trong nước.
Thanh tra Chính phủ đánh giá vụ Mobifone mua AVG là vụ án kinh tế rất nghiêm trọng. Courtesy of truyenhinhavg.org
Thế nhưng, chỉ còn hơn chục ngày nữa là kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 cộng với các nội dung, diễn tiến được đưa ra trong các buổi thảo luận, dư luận trong nước đưa ra nghi vấn là phải chăng "lò của ông Trọng đang nguội dần đi" ?
AVG không ‘chìm xuồng’
Không phải chỉ xảy ra với Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 lần này, mà từ rất lâu, các nhà quan sát theo dõi chính trị Việt Nam trong nước đều có cùng nhận xét, đó là "chính trường Việt Nam rất khó đoán". Một phần, cũng vì cái gọi là "rào cản báo chí", mà các tổ chức thế giới gọi tên chung là "tự do báo chí" hay "tự do ngôn luận".
Từ thông tin, diễn biến, cho đến cả nhân sự các cấp đều là những bài toán đố có mặt xuyên suốt chính trường Việt Nam. Blogger Kami từng có nhận định trong bài viết cá nhân đăng trên trang RFA cho rằng :
"Việc mọi ý chí của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng như những dự đoán của các nhà phân tích chính trị trong và ngoài nước đã hoàn toàn đảo lộn, là một bất ngờ lớn trước ngày khai mạc Hội nghị trung ương 7".
Không phải chỉ riêng Blogger Kami, mà phía dư luận theo dõi diễn biến những sự việc lớn xảy ra gần đây cũng phải đặt câu hỏi.
Trước tiên là vụ Mobifone mua AVG. Việc này từng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng sau khi có kết quả của Thanh tra Chính phủ, vụ án rơi vào im lặng như đã từng thế ba năm trước.
Rồi cho đến vụ khơi lại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm trong vòng 1 tuần lễ và ngưng bặt ngay sau đó. Thêm 1 lần nữa, dư luận có cơ sở để hỏi nhau rằng "cái lò của ông Trọng đã nguội rồi chăng ?"
Câu trả lời của blogger, nhà báo Trương Duy Nhất, người theo dõi rất sát sao những chuyển biến chính trị ở Việt Nam khẳng định là : Không.
Trước tiên, đối với vụ án AVG, blogger Trương Duy Nhất nhấn mạnh, những vụ án như thế kéo rất dài. Ông tiết lộ thêm chi tiết để ông tin rằng vụ án không bị "chìm xuồng" như dư luận đang nhận định.
"Tôi cho là vụ AVG không thể chìm xuồng được. Theo tôi biết, đó là 1 trong những vụ án được đưa vào diện quan sát đặc biệt, tức là những vụ án do Ban Bí thư chỉ đạo. Tiến trình điều tra thế nào, xử lý thế nào thì phải có ý kiến của Ban bí thư.
Vụ đó xử đến ai, mức độ nào chứ tôi cho rằng bên phía Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chuyển qua công an khởi tố, mà khi Thanh tra chính phủ đưa qua thì chắc chắn có chỉ đạo của Ban bí thư rồi thì khởi tố AVG không thể khác được, chỉ là dính đến nhân vật nào thôi".
Dư luận từng nhiều lần nhắc đến các "nhân vật" liên đới trong vụ AVG. Một trong những cái tên được cho là khá "nhạy cảm" là bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Câu hỏi của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng về vấn đề này có thể xem là câu trả lời tiếp nối cho ý kiến của blogger Trương Duy Nhất :
"Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào ? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không ?".
Nói tiếp về nhận định của mình, blogger Trương Duy Nhất đưa ra thêm các phân tích ông cho là vụ AVG là 1 vụ án liên quan rất nhiều nhân vật cấp cao.
"Thứ 1 là dính đến quan chức cấp cao, có thể là hàm Trung ương, Uỷ viên, Bộ trưởng. Yếu tố thứ 2, tôi nghĩ vì nó dính đến các nhân vật mà tôi cho là số 1 Việt Nam bây giờ đó là nhóm Phạm Nhật Vượng và Phạm Nhật Vũ. Theo tôi khả năng khởi tố Phạm Nhật Vũ rất cao. Cho nên mặc dù phía ông Vũ và AVG đã trả lại số tiền đó, thì nếu, tôi chỉ cho là nếu, nếu gọi đó là hành vi phạm tội thì coi như hành vi phạm tội đã hoàn thành, thì việc anh trả lại tiền chỉ là tình tiết giảm nhẹ thôi".
Kết luận do blogger Trương Duy Nhất đưa ra để khẳng định AVG không thể "chìm xuồng" và phải cần 1 thời gian dài để xử lý là do vụ án này dính đến hai đối tượng, thứ nhất là các quan chức cấp cao và thứ hai là 1 nhóm quyền lực kinh tế ở Việt Nam : Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Thêm một chi tiết đáng chú ý được nêu ra từ những nhà quan sát, đó là năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG.
Thủ Thiêm, cần thận trọng
Tương tự, vụ dự án Khu đô thị Thủ Thiêm từng được dự đoán là hướng cháy mới của ngọn lửa đốt lò của ông Tổng Bí thư. Thế nhưng, sau 1 tuần ồn ào hầu như không có giới hạn báo chí, thì lại hoàn toàn rơi vào im lặng.
Với quan sát của blogger Trương Duy Nhất, ông cho rằng nếu xem Thủ Thiêm là "một nhánh củi lửa của ông Trọng thì nhánh củi lửa đó nhằm hướng đến những nhân vật phía Nam, mà như thế thì phải thận trọng chứ không thể bùng lên mà có thể xử được".
Một cách phân tích khác từ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng vụ Thủ Thiêm là một vụ án lớn liên quan nhiều tổ chức, phải có 1 cách nào đó để người ngoài và người trong cuộc nhìn vào để thấy rằng đây là 1 câu chuyện chống tham nhũng thật sự. Và như thế, thời gian là yếu tố bắt buộc.
"Ví dụ một cá nhân nào đi ông Thăng, ông Thanh thì nó chỉ là chuyện cá nhân liên quan những cá nhân khác trong 1 công ty. Chuyện Thủ Thiêm lớn hơn nhiều ở chỗ nó liên quan nhiều tổ chức khác nhau : Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dân ở đấy, doanh nghiệp…Nó lớn hơn chuyện dầu khí rất nhiều và độ phức tạp rất nhiều.
Không thể nói là người ta sẽ làm nhanh như những vụ trước đây được".
Một hướng suy luận thứ hai được blogger Trương Duy Nhất đặt ra để giải thích cho diễn tiến "Thủ Thiêm rơi vào im lặng", đó là có thể Thủ Thiêm không phải là nhánh củi lửa của Tổng bí thư, mà chỉ là cuộc đánh đấm trong nội bộ của Thành phố Hồ Chí Minh.
"Cho nên nó bùng lên thì các tập đoàn đã nuốt Thủ Thiêm thì tôi nghĩ họ bịt miệng báo chí, bịt miệng dư luận thì cũng không khó lắm, một khi nó chỉ là cuộc chiến của các nhân vật trong Thành phố Hồ Chí Minh. Còn nếu nó là nhánh củi lửa của ông Trọng thì có nguôi 1 thời gian rồi nó lại bùng lên thôi".
Nhìn lại con đường chính trị và những quyết định khi đương vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ Hội nghị Trung ương 6 của khóa trước, blogger Trương Duy Nhất cho rằng không nên chủ quan với suy nghĩ "lò của ông Trọng bắt đầu nguội lạnh". Theo ông, sự tạm thời im lặng vời AVG, Thủ Thiêm có nhiều khả năng sẽ là chiến thuật trước một cơn bão lớn.
Cát Linh