Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2018

Đặc khu kinh tế và 99 năm : Bài toán cũ và lỗi thời

Cát Linh

Ngày 15/6 sắp đến, Quốc hội sẽ hoàn tất quá trình thảo luận và quyết định việc thông qua Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế đối với Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

baitoan1

Phú Quốc, 1 trong 3 khu vực nằm trong Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế - hành chính cho thuê đất 99 năm AFP

Hàng triệu triệu người Việt Nam đang nỗ lực lên tiếng phản đối về dự án cho nước ngoài thuê đất làm đặc khu kéo dài 99 năm.

Phần 1 : Đâu là những giá trị kinh tế cốt lõi của đặc khu kinh tế và những ‘nguy cơ’ nếu thực hiện điều này ở Việt Nam.

Mô hình không mới

Thuật ngữ "Đặc khu kinh tế" được nhắc đến rất nhiều những ngày qua vốn dĩ không phải ý tưởng mới với Việt Nam, và càng không xa lạ với thế giới.

Có một cách lý giải đơn giản nhất để hiểu về Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ), hay còn gọi là khu kinh tế tự do, là các khu kinh tế được thành lập trong một quốc gia nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước bằng các biện pháp khuyến khích đặc biệt.

Ông Lê Hưng Quốc, Nguyên Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cùng RFA về lịch sử của mô hình này.

"Cái mô hình kinh tế này thế giới người ta đã làm và có thành công có thất bại. Thành công ở Thẩm Quyến, rồi Thượng Hải. Thế nhưng, nhìn ở phía thứ hai, như Ấn Độ chẳng hạn. Ấn Độ hồi năm 60, 70 làm đặc khu như thế thì lại thất bại. Thành thử ra Việt Nam mình cũng muốn tìm mô hình nào đó để thúc đẩy phát triển kinh tế thì hoàn toàn chính đáng. Bây giờ 90 triệu dân mà không tìm ra bước đột phá thì rất nguy".

Nói đến sự phát triển của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến, hay Thượng Hải. Trong một tài liệu do Cộng đồng tri thức và Giáo dục nghiên cứu cho biết, vào năm 1978, khi Trung Quốc thực hiện chính sách kinh tế "mở cửa", Thâm Quyến chỉ là một làng chài nghèo nàn, bên cạnh Hồng Kong lúc đó là thuộc địa của Anh quốc, giàu sang hoa lệ hàng đầu Châu Á. Sau 30 năm khi Thâm Quyến được phát triển thành SEZ, ngôi làng này trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu Trung Quốc, với dân số gần 13 triệu người và GDP hàng năm lên đến gần 300 tỷ USD.

Quốc hội khóa 14 năm 2017 từng đã thảo luận Dự luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt với 104 điều khoản. Nếu được thông qua, văn bản này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc hình thành SEZ ở Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), và Vân Đồn (Quảng Ninh).

Chi tiết này được Giáo sư Nguyễn Đình Cống khẳng định là "Đúng" và nhấn mạnh ngay rằng "Cách đây ba bốn chục năm, việc đặc khu là việc hay".

"Thời trước những ông như Võ Văn Kiệt cũng đã nghĩ đến chuyện lập đặc khu. Ở Trung Quốc như Thâm Quyến người ta cũng lập đặc khu và đã đạt được mục đích nào đấy. Việt Nam cũng đã thử lập đặc khu đấy chứ, ví dụ như Đặc khu Bà Rịa – Vũng Tàu. Xong rồi cũng không điều khiển gì được, rồi cũng tan".

Ngay cả việc lựa chọn Vân Đồn – Bắc Vân Phong và Phú Quốc làm đặc khu kinh tế, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng khẳng định không phải là ý kiến mới xảy ra vài tháng nay.

"Nó từ lâu rồi. Những điều thảo luận chỗ ấy là Thường vụ Quốc hội đã thảo luận từ năm 2017. Và năm 2016 người ta đã đề xuất. Như thế là người ta đã chọn 3 nơi ấy".

99 năm : Không còn mang lại lợi ích

Một vấn đề cũng quan trọng không kém, nhận được sự phản đối rất lớn từ cộng đồng, đó là thời gian cho thuê đất 99 năm.

Giải thích về con số này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho biết nó có điểm xuất phát từ Trung Quốc cổ.

"Con số 99 năm là 1 con số có trong lịch sử, nhà Mãn Thanh cho nước Anh thuê Hồng Kong 99 năm. Và người ta cũng kiêng con số 100. Sau này có nhiều nước học theo. Đấy là chuyện xưa cách đây hàng trăm năm, lúc mà công nghệ phát triển chậm, đầu tư lao động, tài chính là chủ yếu. bây giờ với giai đoạn cách mạng 4.0 không cần phải yêu cầu có thuê đất dài như thế. Tôi cho là không cần".

Một thời gian dài 99 năm, có thể tương ứng với 3 thế hệ trong gia đình. Do đó, lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa có được trong thời gian đó là vấn đề không nhỏ. Đây là nội dung được tranh luận khá nhiều trong các phiên họp Đại biểu Quốc hội vừa qua. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tich Quốc hội nêu ý kiến : "Một câu hỏi cần được trả lời rõ là 3 đặc khu này mang lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta phải bỏ ra cái gì để thu được cái gì ?".

Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc đến những nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật Đặc khu mà ông cho là không thực tiễn và không hợp thời.

"Tôi đọc dự thảo Luật Đặc khu 85 điều, 6 Chương, viết rất nhiều những thứ vớ vẫn trong ấy, gần 3 vạn từ".

Việc lập ra 3 đặc khu này theo tôi là lợi ích, hại nhiều. Vì thứ nhất, cách lập đặc khu như luật dự thảo ấy đã cũ quá, không phù hợp nữa. Thứ hai, nó quá thiên về ý chí chủ quan của 1 số người định mang tư tưởng ấy ra áp đặt cho 1 thực tế sinh động".

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn định nghĩa Đặc khu kinh tế như những cửa ngõ để đón nhận nguồn lực từ bên ngoài, là 1 nơi để chính quyền bắt đầu hội nhập với thế giới có thể học hỏi những kinh nghiệm, và áp dụng rộng rãi trên toàn quốc. Do đó ông cho rằng mô hình này không còn mang lại lợi ích với Việt Nam hiện tại.

"Phải nói rằng Việt Nam trong mấy chục năm đổi mới và mở cửa thì tính hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới rất cao, Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn cao hơn cả GDP. Điều đó cho thấy độ hội nhập của Việt Nam rất sâu vào kinh tế thế giới. Tôi cảm thấy những cơ chế thoáng nếu có thể áp dụng ở 1 nơi thì có thể áp dụng lại ở những nơi khác".

Vấn đề ông đặt ra là nếu Việt Nam đã chấp nhận một mô hình kinh tế mở và có một cơ chế đầu tư nước ngoài như thế thì nên áp dụng rộng rãi ở các địa phương khác. Do đó, cá nhân ông cho rằng Việt Nam hiện tại không cần những mô hình đặc khu kinh tế như Quốc hội đang thảo luận.

Vì không cần nên cũng không thể mang lại lợi ích, đó cũng là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống.

"Thành ra trước đây có ý kiến cho rằng đặc khu cũng có lợi ích kinh tế nào đấy trong hoàn cảnh còn khó khăn, cần phải thu hút vốn liếng của nước ngoài. Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay, thì nhiều nhà nghiên cứu và tôi cũng tán thành rằng đặc khu không mang lại nhiều lợi ích, không quan trọng".

Ý kiến này đồng thuận với nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được Giáo sư Tương Lai trích dẫn trong bài viết của ông : "Đặc khu 1960 xây dựng là lúc kinh tế thế giới đóng, vì thế mà các ưu đãi thuế phát huy hiệu quả. Nhưng hiện nay Việt Nam là mở… chúng ta phải tìm kiếm nguồn đầu tư và tài nguyên phát triển trong tương lai trong mối quan hệ mới, cần những chính sách mới thay vì chỉ cởi bỏ thuế quan".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai 4/6/2018 lên tiếng cho hay, dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý và cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thủ tướng Phúc nhấn mạnh "Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội".

Cát Linh

Nguồn : RFA, 04/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)