Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’.
Bị bức tử, một dân oan Thủ Thiêm tự thắt cổ dến chết. Ảnh : Việt Nam Dân Đen
Dự luật về đặc khu kinh tế, có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính-kinh tếđặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, đang được Quốc hội xem xét trước khi bỏ phiếu theo lịch dự kiến vào ngày 12/6/2018.
Nhưng rất nhiều người dân và trí thức đang dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Tuyệt đại đa số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
Nhưng lại không có một quan chức ‘có trách nhiệm’ nào của Quốc hội hé môi về vụ Thủ Thiêm – vụ việc đã kéo dài suốt hai chục năm trời mà đã đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh bị cướp trắng đất đai và mất sạch kế sinh nhai cuối cùng.
Trong khi đó, một báo cáo của chính quyền TP.HCM cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm.
Bản báo cáo trên đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền TP.HCM, mà chỉ thòng một câu ‘Ủy ban nhân dân TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu độ thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền TP.HCM Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền TP.HCM, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức TP.HCM, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Cần nhắc lại, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM đã có văn bản gửi Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh ý kiến của cử tri thành phố liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, có 4 nhóm vấn đề được cử tri phản ánh đến Quốc hội :
Thứ nhất và quan trọng nhất, cử tri đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất để tiến hành dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cử tri cho rằng quyết định số 367 (ngày 4/6/1996) của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm gồm các nội dung : khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 930 ha, trong đó khu đô thị mới rộng 770 ha, khu tái định cư 160 ha và quyết định này cũng phân định rõ khu vực trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và khu tái định cư liền kề nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã không như quy hoạch ban đầu khi thành phố lấy thêm đất của dân ngoài ranh giới để nhập vào khu trung tâm đô thị. Sau đó, phần đất tái định cư cho người dân thì bố trí rải rác nhiều nơi.
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng nhà, đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế. Ủy ban nhân dân Quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân mà chỉ căn cứ vào quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố để thu hồi là trái pháp luật.
Cử tri đề nghị làm rõ việc Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bằng quyết định 6565 ngày 27/12/2005 có đúng quy định không ? Cử tri cho rằng quyết định 6565 này không thể thay thế quyết định 367 của Thủ tướng và đề nghị xem xét lại việc này.
Cử tri cũng yêu cầu công khai bản đồ kèm theo quyết định 367. Cử tri có nhiều ý kiến bức xúc trước thông tin chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm và đặt ra nhiều nghi vấn liệu có khuất tất trong vấn đề này ? "Có cử tri cho rằng chính quyền đã cưỡng chế xong rồi, giờ lại nói bản đồ quy hoạch bị thất lạc thì chính quyền căn cứ vào đâu mà cưỡng chế nhà dân ? Nếu không có bản đồ gốc thì làm sao để quản lý, triển khai các bước quy hoạch tiếp theo ?".
Nội dung thứ 2, cử tri cho rằng trong quá trình triển khai dự án, có nhiều việc thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Theo đó, cử tri nêu nhiều ý kiến phản ánh chính sách, cơ sở để tiến hành kiểm đếm, lập hồ sơ giải tỏa, đền bù trong nhiều trường hợp không đúng quy định pháp luật,chưa chính xác, lập hồ sơ thiếu… Một số cử tri phản ảnh không nhận được quyết định cưỡng chế, không được mời làm việc, chính quyền không lập hồ sơ di dời, gia đình chưa ký các văn bản liên quan… vẫn bị cưỡng chế, giải tỏa.
Cử tri cũng cho rằng các chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư còn nhiều bất cập, giá bồi thường cho người dân quá thấp. Có cử tri dẫn chứng chỉ được đền bù 18 triệu đồng/m2, nhưng khi liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản để hỏi giá đất dự án nhà ở Thủ Thiêm thì được báo giá 350 triệu/m2. Có cử tri phản ảnh khi giải tỏa chỉ được nhận đền bù 94 triệu đồng, được tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư, người dân không đủ tiền mua nên rất khó khăn… Đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng và đề nghị làm rõ có hay không có tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ?
Ở nhóm nội dung thứ ba, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Trung ương để tổ chức đoàn thanh tra liên ngành của Trung ương, tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Làm rõ các nội dung bức xúc, trong đó cử tri nêu một số nội dung cụ thể như cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện, điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đúng, quá trình triển khai có những việc thực hiện không đúng quy định pháp luật.
Cử tri cũng đề nghị làm rõ từ khi triển khai thực hiện dự án đến giờ, ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu, trong khi số tiền đi vay để đền bù giải tỏa là rất lớn. Cử tri phản ánh thông tin và đề nghị làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12km trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm giá rất cao (12.000 tỉ đồng), thanh toán bằng quỹ đất có giá trị rất lớn. Cử tri cho rằng người dân đồng tình thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng phải làm đúng quy hoạch, hiện nay là không thực hiện đúng như quy hoạch.
Tại nhóm ý kiến cuối cùng, cử tri đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, hội đồng nhân dân thành phố phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 06/06/2018