Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/06/2018

Bộ mặt thật của ngoại giao kiểu Trump

Lê Mạnh Hùng

Trong thế giới của Tổng Thống Donald Trump, một nhà ngoại giao Mỹ phải như thế nào ? Tổng Thống Trump không tin tưởng vào các liên minh và thỏa hiệp và có một quan điểm "thắng bại" về quan hệ giữa các quốc gia có nghĩa là cái gì làm cho bất kỳ một quốc gia nào khác mạnh hơn thì sẽ làm cho nước Mỹ yếu đi.

trump1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo dựng được thương hiệu riêng với những cái bắt tay “đặc biệt” khi gặp các nhà lãnh đạo thế giới trong năm 2017. (VOV)

Trong bối cảnh đó công việc của một ông đại sứ bị thu lại từ những thương thuyết tế nhị để bảo vệ cho quyền lợi quốc gia xuống chỉ còn là những đòi hỏi thô bạo. Nói một cách khác, một nhà ngoại giao kiểu Trump điển hình trông giống như là ông đại sứ Hoa Kỳ tại Ðức Richard Grenell.

Ông Grenell đã gọi Sebastian Kurz, thủ tướng trung hữu của nước Áo là một "ngôi sao nhạc rock" và tuyên bố ông là một "fan lớn" của ông Kurz, vi phạm một nguyên tắc căn bản của ngành ngoại giao rằng – ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ đặc biệt – các ông bà đại sứ không được chọn phe chính trị nào để ủng hộ tại những khu vực mình được ủy nhiệm.

Cũng trong cùng một buổi họp báo ông Grenell đã cam kết "sẽ giúp tăng sức mạnh cho những người bảo thủ trên khắp Châu Âu", một chỉ trích công khai đối với đại liên minh Bảo Thủ-Xã Hội hiện đang cầm quyền tại Ðức. Sau đó qua Twitter, ông Grenell đã chối bỏ không có làm những gì ông rõ ràng là đã làm – "Ý tưởng rằng tôi ủng hộ các ứng cử viên/đảng phái cụ thể là điều nực cười".

Ðây không phải là lần đầu tiên mà ông Grenell đã vác một cái chầy đập vào các nghi thức ngoại giao. Khi chính phủ Mỹ tuyên bố rút ra khỏi thỏa hiệp hạch nhân với Iran, ông đã lập tức ra lệnh cho các công ty Ðức có quan hệ làm ăn với Iran "phải đóng cửa hoạt động ngay lập tức".

Có thể là ông Grenell không hành động theo chỉ thị của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Cái bộ này nay thiếu nhân viên đến nỗi nhiều ông bà đại sứ nay chỉ trông cậy vào mình. Thế nhưng chúng ta không thể nào coi nhẹ ông Grenell. Ông không phải là một tay mơ, nhảy vào làm đại sứ nhờ tiền bạc và quan hệ chính trị. Phải nói là ông có một kiến thức sâu sắc về thế giới hiểu theo nghĩa của Trump. Ông đã có kinh nghiệm làm mấy năm với tư cách là phụ tá cho ông John Bolton khi ông này làm đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Những lời tuyên bố và hành động của ông phù hợp với quan niệm rằng trật tự thế giới dựa trên luật lệ là chống lại Hoa Kỳ và hiện đang giãy chết.

Ðiều ông Trump muốn thay thế cho quan hệ hỗ tương phát triển những quyền lợi chung xuyên Ðại Tây Dương là một quan hệ trong đó Hoa Kỳ lấy và Châu Âu nhường, biểu tượng qua việc xé thỏa hiệp Iran và áp dụng thuế quan trên thép và nhôm. Một Châu Âu bị xáo trộn bởi những kẻ dân túy chính là thích hợp với sở thích của ông Trump. Nhưng như Tổng Thống Phần Lan Sauli Ninisto đã chỉ ra, một Châu Âu suy yếu và phân mảnh và một liên minh Ðại Tây Duơng lòng lẻo chỉ làm cho Nga trông mạnh hơn chứ không phải là Mỹ.

Ông Trump và ông Grenell cũng đòi hỏi các quốc gia Âu Châu giảm việc tùy thuộc về quân sự đối với Mỹ bằng cách chi ra 2% GDP cho quốc phòng như đã cam kết trong liên minh NATO. Về điểm này họ quả là đúng, thế nhưng khó có thể thấy rằng việc xé bỏ thỏa hiệp với Iran, áp đặt thuế quan và ủng hộ các đối thủ chính trị của chính phủ Ðức là một đường lối đứng đắn dẫn tới một liên minh bình đẳng hơn. Như ông Donald Tusk, chủ tịch Ủy Hội Châu Âu đã từng nói : "Với những người bạn như vậy, ai mà cần kẻ thù".

Ðức không có bao nhiêu lựa chọn để trả lời trực tiếp các hành động phi ngoại giao của ông Grenell. Thủ Tướng Angela Merkel chỉ có cách là bảo đảm sao cho ông Grenell phải chịu đựng những lời giáo huấn dài dòng và công khai từ miệng một viên chức thấp Bộ Ngoại Giao. Nhưng những hành động như vậy cũng chẳng có tác động gì tới những người vốn tự hào là khinh thị hệ thống liên minh cổ truyền.

Cách tốt nhất để đối phó với những người như ông Grenell là phải làm sao cho thấy rằng, hợp tác thì mang lại kết quả tốt hơn là kình chống. Châu Âu với Ðức cầm đầu phải cương quyết bảo vệ thỏa thuận với Iran và có phản ứng cứng rắn với việc áp đặt thuế quan của ông Trump.

Trong khi đó, Ðức cũng như các thành viên NATO khác tại Châu Âu cũng phải thực hiện đúng cam kết của mình về an ninh. Làm như vậy mới có thể xây dựng được một cơ sở vững chắc cho quan hệ mới với Mỹ dựa trên sự kính trọng nhau cũng như là những quyền lợi chung. Một quan hệ như vậy có thể rằng không có khả năng thực hiện ngày nào mà các tòa Ðại Sứ Mỹ tại Châu Âu còn do những người trung thành với ông Trump nắm, nhưng Châu Âu và Ðức không có cách nào khác ngoài việc phải có một tầm nhìn dài hạn. 

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : Người Việt, 06/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)