Tôi vốn không thích cả George Orwell lẫn Charles Dickens. Orwell là vì ông ta quá bi quan, còn Dickens thì vì lúc bé bị phải đọc quyển "David Copperfield" của Dickens đã để lại cho tôi một ấn tượng rất không thích về ông.
Cuốn tiểu thuyết "1984" viết năm 1948 của nhà văn George Orwell trên kệ một nhà sách tại Los Angeles, California. (Hình : Justin Sullivan/Getty Images)
Nhưng cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 này có một cái lợi là bắt người ta phải ở nhà. Và với năm nay là năm kỷ niệm 70 năm ngày chết của Orwell và 150 năm ngày chết của Dickens đã làm cho tôi cảm thấy phải ngồi xuống và đọc lại hai người.
Và sự đọc lại này dẫn đến một khám phá thích thú về những gì Orwell viết về Dickens cũng như là quan điểm của hai người về chế độ tư bản mà có rất nhiều liên hệ tới những gì xảy ra vào lúc này.
Trước hết chúng ta có thể nhận thấy rằng cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đã khiến các đại công ty phải trải qua một cuộc sát hạch về lương tâm xã hội của họ. Những xí nghiệp nào biến cơ sở của mình sang làm các món hàng cần thiết như thuốc rửa tay (LVMH) hay tặng không những kiến thức của họ (IBM) thì được khen, những xí nghiệp nào hành động như là những kẻ ích kỷ thì bị chê trách. Điều này khiến các công ty phải cân nhắc làm sao đóng góp vào công cuộc chống dịch bệnh đến mức nào mà không ảnh hưởng đến sứ mệnh của mình là tồn tại và kiếm lời cho cổ động.
Và đó chính là một trong những khác biệt giữa Dickens và Orwell.
Trong một bản tiểu luận viết năm 1940, Orwell lật tẩy cái gọi là tư tưởng cực đoan của Dickens. Theo Orwell, Dickens không phải là một nhà cải cách xã hội. Dickens, Orwell giải thích theo quan điểm rằng không có gì xấu xảy ra trên thế giới mà không thể giải quyết qua lương tâm cá nhân.
Nếu Edward Murdstone đối xử tốt hơn đối với David Copperfield ; nếu ông chủ nào cũng tốt đối với công nhân như Fezziwig thì mọi sự trên thế giới đều tốt đẹp cả. Vấn đề mà không bao giờ được Dickens nhắc đến là làm sao xã hội có thể để cho một người có một quyền hạn to lớn trên cuộc sống của một người khác như vậy. Nhưng có lẽ trong thế giới quan của ông, Dickens không bao giờ nghĩ đến điểm này.
Sách và những tác phẩm liên quan đến Charles Dickens được bán tại Bảo Tàng Charles Dickens ở London, Anh. (Hình : Oli Scarff/Getty Images)
Dickens có một quan điểm đạo đức xã hội hoàn toàn trùng hợp với đạo đức cá nhân. Thành ra ông muốn có một thay đổi trong tinh thần cá nhân chứ không phải trong cơ cấu xã hội.
Cuộc cách mạng Pháp có thể sẽ tránh được nếu giới quý tộc chấp nhận thay đổi giống như Ebenezer Scrooge đã đổi khi gặp lại các bóng ma của quá khứ, hiện tại và tương lai. Và đó là điều mà ta có thể thấy trong tất cả các tác phẩm của Dickens một nhân vật : ông "Nhà Giàu Tử Tế" mà quyền lực được sử dụng để giúp cho một đứa trẻ mồ côi hay một con nợ nghèo.
Điều mà ta không thấy trong Dickens là người tổ chức nghiệp đoàn lương thiện đấu tranh để thay đổi cơ cấu xã hội cũng như là một nhà chính trị tốt tìm cách tái phân phối lợi tức quốc gia cho công bằng hơn. Đọc Dicken ta cảm thấy có một cái gì phong kiến trong tác phẩm. Ông nhà giàu trong tòa lâu đài của mình cần phải đối xử tốt hơn đối với người đồng bào nghèo sống trên túp lều ngoài cửa trang viên của ông, nhưng cả hai đều không thể có gì thắc mắc về địa vị của mình trong xã hội.
Ta không cần phải chia sẻ quan điểm xã hội chủ nghĩa không tưởng của Orwell mới có thể nhận thức được điều ông phê bình về Dickens. Và điều này cũng rất đúng với kinh tế hiện nay, nhất là tại Mỹ và Anh. Các công ty đều rất sẵn sàng đóng góp vào lợi ích chung của xã hội ngọai trừ việc đóng đúng thuế và tuân thủ các quy định. Nhà thơ Rutger Bregman tình cờ được đi dự một phiên họp tại Davos về làm sao cắt giảm bất công kinh tế. Khi trở về ông viết : "Tôi có cảm giác đi dự một hội nghị của các nhà cứu hỏa. Và không ai được nói đến nước". Trong suốt phiên họp không ai nói đến thuế.
Điều mà Orwell thù ghét ở chế độ tư bản không phải là vì nó đạt được những kết quả tốt hơn là một nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể còn tệ hơn là tư nhân trong việc cung cấp các nhu cầu căn bản cho dân chúng. Nó không phải cả ở việc nó cho những người có tiền còn thêm nhiều quyền hạn nữa trong việc quyết định sự sống của người khác.
Hiện tượng chính phủ thiếu tài nguyên phải trông cậy vào khu vực tư để cung cấp những dịch vụ căn bản có thể làm cho người ta ấm lòng nhưng cũng phải làm cho người ta lạnh người. Không. Điều có lẽ làm cho Orwell ghét nhất, và cả chúng ta nữa, là cái sự tự mãn của những nhà tư bản. Cái hào quang của "lương tâm" trong khi một đáp án tốt hơn, có tính hệ thống hơn có thể đạt được qua nhà nước. Và đó là cái hào quang mà Dickens còn đội.
Sự tương phản giữa hai quan điểm của Orwell và Dickens bỗng trở thành vấn đề trong thời đại dịch bệnh này. Dickens sẽ nhìn vào cuộc khủng hoảng và tìm cách kêu gọi lương tâm của các nhà tư bản để họ hành động như là Fezziwig. Trong khi Orwell đặt câu hỏi làm sao chúng ta có thể để đến nỗi phải trông cậy vào họ.
Sự khác biệt này rất quan trọng vì khi dịch bệnh này qua đi, có nhiều triển vọng sẽ dẫn tới một khế ước xã hội mới. Điều mà ta không biết là nó sẽ giống như của Dickens (theo ý nghĩa đẹp nhất) hay Orwell (cũng theo ý nghĩa tốt đẹp nhất). Nói một cách khác liệu nó có kêu gọi những nhà giàu nên đóng góp thêm cho cộng đồng hay là bắt họ phải làm vậy.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 15/04/2020
Đại dịch toàn cầu Covid-19 là một thử thách cho thế giới. Nó không những chỉ là một thử thách về khả năng y tế mà còn là một thử thách về chính trị, xã hội cũng như là về đạo đức xã hội, nó thách thức những ý tuởng mà con người dựa vào để giúp mình tạo ra những phán đoán về đạo đức và hướng dẩn các hành động cá nhân và xã hội.
Xa lộ của thành phố San Francisco, California vắng tanh trong ngày 1 tháng Tư vì lệnh "hạn chế ra đường". (Hình : Josh Edelson/AFP/Getty Images)
Đại dịch bắt tất cả chúng ta mỗi người phải đối mặt với những vấn đề sâu đậm của sự hiện hữu, những vấn đề mà những triết gia vĩ đại nhất của thế giới cũng đã phải vật lộn.
Thế nào là đúng và thế nào là sai ? Cá nhân có thể chờ đợi được những gì từ xã hội và xã hội chờ đợi gì ở cá nhân ? Chúng ta có thể bắt những người khác hy sinh cho chúng ta và ngược lại, chúng ta có thể bị phải hy sinh cho người khác hay không ? Đặt một giới hạn thiệt hại kinh tế cho việc chống lại một bệnh dịch chết người có chính đáng hay không ?
Ông phó thống đốc tiểu bang Texas nghĩ rằng những người trên 70 tuổi không nên "bắt đất nước phải hy sinh" bằng cách ngưng các họat động kinh tế mà, thay vào đó, phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đất nước.
Một sinh viên 22 tuổi trong dịp nghỉ Xuân, tụ tập vui đùa tại Florida đã trở thành một hiện tượng trên các môi trường truyền thông xã hội với một quan niệm khác về "tạo khoảng cách xã hội" khi tuyên bố "Nếu tôi bị corona, thì tôi bị corona".
Có ý thức hay không, hai người này đã đặt mình trên hai quan điểm đạo đức khác nhau.
Khi tin về một loại dịch bệnh mới xảy ra tại Trung Quốc, hầu hết mọi người đều không để ý đến bao nhiêu. Trên phương diện cá nhân, người ta tiếp tục đi làm, tiếp tục gặp gỡ tụ tập làm những công chuyện giao tế xã hội tại quán rượu, tiệm ăn, cũng như là đi xem kịch, xem xi nê, đến viện bảo tàng.
Ngay cả khi các chuyên gia y tế công cộng và những nhà chính trị bị báo động bởi các chuyện diễn ra tại các quốc gia khác kêu gọi chúng ta đừng nên tiếp tục như vậy nữa. Nhưng có vẻ đối với chúng ta, đời sống ít bị xáo trộn hơn nếu chúng ta tiếp tục lối sống cũ với hy vọng rằng con siêu vi này sẽ bị ngăn chặn trước khi nó đến được chúng ta.
Nhưng nay thì chúng ta không còn chổ tránh và hậu quả thì vượt quá cả những gì chúng ta chờ đợi. Cuối cùng thì cả Anh lẫn hầu hết nuớc Mỹ cũng phải theo gót các quốc gia khác đóng cửa để ngăn chặn bệnh dịch lan truyền.
Thế giới tự nhiên có vẻ thay đổi hẳn khi mỗi người chúng ta phải tự cô lập mình đối với hầu hết phần còn lại của xã hội. Đối với mọi chúng ta, đây là một cái gì rất phản tự nhiên và nhiều người đã chống lại những lệnh cách ly của nhà nước.
Theo Giáo Sư Robin Dunbar, một chuyên gia về tâm lý học tại Viện Đại Học Oxford thì đó là vì nó đi ngược lại với chiều hướng tiến hóa mà loài người dựa vào để tồn tại.
Ông nói : "Trong hầu hết thời gian tồn tại của loài người, sống sót tùy thuộc vào việc chúng ta là thành viên của một nhóm ; chúng ta thuộc loài khỉ vượn, toàn bộ chiến lược tiến hóa của các loài khỉ vượn tùy thuộc vào bản chất xã hội sâu đậm của chúng. Thành ra không có gì lạ nếu những người trẻ, các thanh thiến niên vẫn chạy ra ngoài tụ tập. Đối với con người, phải mất một thời gian rất dài, có thể đến 25 năm người ta mới nắm được những hậu quả mà hành động của mình tạo ra".
Và coi nhẹ tương lai cũng có thể là một bản năng sinh tồn như Giáo Sư Dunbar chỉ ra. Đối với những tổ tiên của chúng ta mà sự sinh tồn phải lo từng ngày thì họ có thể suy nghĩ rằng, "Tại sao phải lo đến những gì nằm trong tương lai khi cái độc nhất quan trọng là hiện tại. Nếu chúng ta không sống qua được hôm nay, thì không thể nào có ngày mai".
Đó là lý do Covid-19 có thể lan truyền mau chóng cho đến nay. Và chúng ta cần phải tính lại làm sao điều khiển cuộc sống của mình trong một thế giới chi phối bởi dịch bệnh.
Những tiến bộ của khoa học và nhất là y khoa đã khiến cho người ta không quen với một tình trạng như hiện nay. Đó là vì hầu hết những bệnh truyền nhiễm đều đã bị ngăn chặn không còn tác hại như xưa nữa.
Vấn đề y tế quan trọng, ít nhất là đối với xã hội phương Tây là những bệnh kinh niên, những bệnh không phải là truyền nhiễm tỷ như bệnh tim, tiểu đuờng hoặc ung thư. Các bệnh này chiếm đến 71% số tử vong trên thế giới và đòi hỏi những lựa chọn cá nhân chứ không phải tập thể.
Chúng ta có nên bỏ hút thuốc hay tiếp tục hút ? Đi "gym" hay là ra quán nhậu ? Nguy cơ và lợi ích hoàn toàn là do ta lựa chọn và gánh chịu. Covid-19 đòi hỏi một lựa chọn khác : phúc lợi của tập thể chống lại những hạn chế mà cá nhân phải chịu. Ta có thể bị nhiễm bệnh và truyền cho người khác mà không biết.
Nhưng hy sinh những tự do cá nhân đến mức nào là đúng ? Việc một số quốc gia như Hungary lợi dụng cơ hội này để thiết lập một chế độ độc tài là một tấm gương cảnh cáo.
Tại Anh một số hành động của cảnh sát chống lại những vi phạm luật lệ chống tụ tập đã khiến cho một cựu Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Anh Jonanthan Sumption cảnh báo với đài BBC.
"Khi những xã hội con người bị mất tự do thông thường không phải là vì tự do này bị một kẻ độc tài nào đó lấy đi, mà thường là vì người ta tự nguyện từ bỏ tự do để đổi lấy sự bảo vệ chống lại một nguy cơ nào đó bên ngoài".
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 02/04/2020
Có một số năm trong lịch sử như 1848, 1917, 1968, 1989, mà khi nhắc đến gợi cho người ta hình ảnh của những cuộc xuống đuờng, biểu tình phản đối và nổi dậy cách mạng.
Bất chấp đàn áp, các cuộc xuống đường ở Hồng Kông diễn ra liên tục trong nhiều tháng và dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2020. (Hình : Getty Images)
Khi các sử gia nhìn lại năm 2019 này, có thể rằng họ cũng công nhận năm nay cũng là một năm của những cuộc xuống đường.
Trên phương diện bao quát về địa lý, khó có thể tìm ra một năm nào có thể so sánh với năm nay. Xuống đường phản đối lớn đủ để làm xáo trộn đời sống hàng ngày và tạo ra hốt hoảng trong các chính quyền đã xảy ra tại Hồng Kông, Ấn độ, Chile, Ecuador, Colombia, Pháp, Cộng Hòa Czech, Nga, Malta, Algeria, Iraq, Iran, Lebanon và Sudan. Và danh sách này còn chưa đầy đủ.
Thế nhưng tất cả những xáo trộn này cho đến nay vẫn không có được một giải thích nào bao quát đủ.
Một trong những lý do của sự thiếu sót này là các cuộc nổi dậy của năm 2019 xảy ra tại quá nhiều nơi khác nhau, từ các thành phố giàu có toàn cầu hóa như Hồng Kông và Barcelona đến các quốc gia nghèo đói và cô lập như Sudan hay Venezuela. Điều đó làm cho người ta khó tìm ra môt mẫu số chung và để tạo ra phản ứng hoài nghi về một lý do toàn cầu. Ngoài ra cũng không có một giây phút biểu tượng đập vào ký ức như sự sụp đổ của bức tường Berlin ở Đức hay là việc tiến chiếm Cung Điện Mùa Đông ở Nga để làm đánh dấu cho nó.
Nhưng tuy rằng các cuộc nổi dậy của năm 2019 chưa tạo ra một sự sụp đổ vang dội cả thế giới, nó chắc chắn đã làm cho một số lãnh tụ mất việc.
Các cuộc xuống đường biểu tình đã khiến ông Evo Morales, tổng thống Bolivia phải từ chức hồi Tháng Mười Một, sau 13 năm nắm chính quyền. Các lãnh tụ chính trị khác bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình phản đối bao gồm Abdelaziz Bouteflika của Algeria và Omar al-Bashir của Sudan, cả hai đều bị lật đổ vào Tháng Tư sau nhiều chục năm nắm quyền. Thủ Tướng Saad al-Hariri của Lebanon bị buộc phải từ chức vào Tháng Mười sau hai tuần biểu tình phản đối. Tháng sau thì đến lượt Adel Abdul Mahdi, thủ tuớng Iraq, sau nhiều tháng xáo trộn. Tại cả Iraq và Iran các cuộc xuống đường đều đã bị đàn áp tàn bạo với hàng trăm người bị giết ở cả hai nước.
Sự kiện là một số các quốc gia tại Bắc Phi và Trung Đông đồng thời bị xáo trộn bởi các cuộc xuống đường cho thấy rằng có một quan hệ nào đó giữa chúng với nhau. Điều này cũng đúng với Châu Mỹ La Tinh. Tại cả hai vùng này các cuộc nổi dậy bao gồm nhiều nước đủ để có thể coi như là một hiện tượng vùng trong đó những sự xảy ra tại một nước rõ ràng đã kích động một sự bắt chước tại các nước láng giềng.
Một ngôn ngữ chung tại Châu Mỹ La Tinh cũng cho phép các tin tức và hình ảnh của những cuộc xuống đường lan truyền dễ dàng băng qua biên giới. Ngoài ra trong thế giới hiện nay nối liền bởi mạng internet và các phương tiện truyền thông đại chúng, các tư tưởng và ngay cả khẩu hiệu có thể lan truyền một cách tự nhân đi đến tận đầu kia của thế giới qua các điện thọai thông minh (smartphone). Những người xuống đường tại Barcelona chẳng hạn được thấy là mang cờ Hồng Kông và sử dụng cùng môt chiến thuật, chẳng hạn như là đánh chiếm phi cảng.
Tia lửa tạo ra vụ nổ bùng các vụ xuống đường thì khác nhau tùy theo từng nước một. Nó có thể là một kích động kinh tế, tỷ như việc tăng giá xe điện ngầm tại Chile hay là một khoản thuế đánh trên việc sử dụng WhatsApp tại Lebanon. Nó có thể là chính trị như tại Hồng Kông với đạo luật về dẫn độ hay là luật về công dân và tỵ nạn chính trị tại Ấn Độ. Tuy nhiên cũng có một số chủ đề chung cho hầu hết các cuộc phản đối này : phản đối chống lại những khó khăn của cuộc sống hàng ngày, bất mãn trước tình trạng tham nhũng và sự cai trị của môt nhóm nhỏ bè phái, tố cáo là tầng lớp thượng lưu kinh tế chính trị đã xa rời và không biết gì đến quần chúng.
Các môi trường truyền thông xã hội là những công cụ rất mạnh cho việc tổ chức các cuộc xuống đường, giúp phối hợp hành động của những người phản đối. Thế nhưng tuy rằng các cuộc biểu tình khổng lồ có thể xảy ra dễ dàng qua các môi trường truyền thông xã hội, nó lại có một khuyết điểm lớn là dẫn đến việc thiếu tổ chức và thiếu một chiến lược nhất quán.
Có lẽ chính vì vậy mà không có bao nhiêu cuộc xuống đường này thành công trong việc lật đổ một chế độ. Và một số tuy là thành công, như ở Algeria, nhưng vẫn còn tiếp tục xáo trộn ngay cả sau một cuộc thay đổi chính quyền trên hình thức.
Vào những ngày cuối năm này những cuộc phản đối chính của năm 2019 chưa cho thấy dấu hiệu nào chấm dứt. Ngược lại chúng còn có vẻ đang tập trung lực lượng để thách thức các chính quyền.
Tại Ấn Độ, phản ứng của chính quyền Modi đã vừa vụng về vừa tàn bạo với những nhà trí thức nổi tiếng bị bắt trước ống kính truyền hình và cảnh sát dùng các phương tiện tàn bạo chống lại các sinh viên học sinh. Tất cả những điều đó có thể dễ dàng kích động một đợt leo thang phản đối mới tại Ấn Độ trong năm tới.
Các cuộc xuống đường tại Hồng Kông trông cũng có vẻ sẽ tiếp tục trong năm tới trong lúc các cuộc đối đầu tại Tây Ban Nha và Chile cũng sẽ gia tăng. Trên tất cả, như trong năm qua cho thấy, các cuộc bùng nổ bất mãn xã hội nay có thể nổ ra tại những nơi bất ngờ và vì những lý do không ai biết trước.
Thành ra tuy rằng 2019 có thể có một chỗ đứng trong lịch sử như là môt năm của xuống đường, nhưng có khả năng, năm mà tạo ra những thay đổi làm rung chuyển thế giới sẽ là năm 2020.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 25/12/2019
Khi kết quả cuộc bầu cử địa phương tại Hồng Kông được đưa ra hôm Chủ Nhật vừa qua, những người thuộc phe dân chủ – một liên minh lỏng lẻo của các đảng phái ủng hộ quyền bầu cử cho tất cả mọi người dân và chống lại các chính sách của Bắc Kinh, đã ngạc nhiên đến phát khóc. Tuy rằng họ hy vọng sẽ chiến thắng mặc dầu những e sợ về sự can thiệp của chính quyền và gian lận, nhưng không bao giờ họ ngờ là chiến thắng lại lớn đến như vậy.
Hàng vạn cánh tay đưa lên vì một Hồng Kông dân chủ (Hình : Getty Images)
Cho đến khi cuộc kiểm phiếu kết thúc, phe dân chủ đã tăng gấp ba số ghế tại các chính quyền địa phương, đánh bại phe thân Bắc Kinh chiếm đến 87% số phiếu bầu so với chỉ có 13% cho các đảng thân chính quyền với tỷ lệ số người đi bầu cao nhất từ trước tới nay.
Cách đây bốn năm, các đảng thân Bắc Kinh được đến 65% tổng số phiếu nhưng lần này các đại biểu của phe chính quyền lần lượt gục ngã, bị cuốn vào sọt rác bằng một làn sóng phẫn nộ nuôi dưỡng bởi hơi cay và những hành động đàn áp càng ngày càng tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông.
Trong khi đó, ở các tòa soạn báo chí tại Bắc Kinh, kết quả bầu cử đã tạo ra một sự hoảng hốt với các biên tập viên cuống cuồng tìm cách làm sao xoay kết quả lại để coi như là có lợi cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Trái ngược với đa số các quan sát viên tại Hồng Kông, các biên tập viên, và các quan chức cộng sản đằng sau họ có vẻ như thật sự tin rằng các đảng thân chính quyền sẽ chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử này. Tuyên truyền quả là một chất ma túy làm người ta say và Bắc Kinh đã say vì chính ma túy của mình.
Theo một phóng viên ngoại quốc tại Bắc Kinh, vốn có quan hệ nhiều với các nhà báo người Hoa thì cả tại hai tờ Global Times (tiếng Anh) và Nhân Dân Nhật báo (tiếng Hoa) các phóng viên đều được lệnh viết bài mừng chiến thắng trước ngày bầu cử hôm 24 Tháng Mười Một (với các con số để trống dành sau khi có kết quả). Và những tiên đóan này bao gồm cả chiến thắng cho những nhân vật như Junius Ho mà những lời tuyên bố mạt sát các người tranh đấu đã bị dân Hong Kông căm ghét, nhưng lại được Bắc Kinh ưa thích và thường xuyên đưa lên mặt báo.
Cuộc bầu cử tại Hồng Kông như vậy đã cho ta thấy một vấn đề đáng quan ngại : ở những tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Hoa người ta tin vào chính những tuyên truyền của mình. Và đó là một triển vọng đáng sợ cho tương lai Trung Quốc, cho Hồng Kông và cho cả thế giới, đặc biệt là vào lúc hệ thống cai trị này đang phải vật lộn với những vấn đề khó khăn mà chính họ tạo nên.
Có nhiều triển vọng rằng ngay đến cấp lãnh đạo cao nhất, nhóm chung quanh ông Tập Cận Bình cũng tin vào những luận điệu đưa ra bởi chính quyền Hồng Kông và các quan chức của mình, tức là "cái đa số thầm lặng" như bà Carrie Lam, trưởng quan hành chánh Hồng Kông thường xuyên gọi họ, đã chán ngắt việc phản đối, quy trách nhiêm cho phe đối lập và muốn quay trở lại tình trạng bình thường. Thế nhưng đây là một luận điệu có thể được chứng minh là không đúng một cách dễ dàng qua các cuộc thăm dò dư luận vốn liên tục cho thấy người Hồng Kông không cảm thấy là đồng tộc với dân lục địa, không tin tưởng vào cảnh sát và tuy rằng chán ngán với những bạo động nhưng quy trách nhiệm cho chính phủ chứ không phải phe đối lập.
Điều gì đã tạo ra cái sự sai lầm khổng lồ này ?
Có lẽ nhân tố chính là chính những người chịu trách nhiệm thao túng dư luận Hồng Kông lại là những người chịu trách nhiệm báo cáo về sự thành công hay thất bại của những gì mình làm.
Cơ quan chính chịu trách nhiệm việc này là Văn phòng Hồng Kông của Trung ương đảng, vốn trên nguyên tắc lo về quan hệ giữa Hồng Kông và đại lục, nhưng trên thực tế đóng vai trò điều hợp cho các họat động Mặt Trận Thống Nhất phối hợp các họat động của các chính trị gia thân Bắc Kinh, báo chí thân Cộng cũng như là cho những ưu đãi cho những doanh nghiệp hoặc cá nhân nào họ nghĩ là cần thiết. Đồng thời cơ quan này cũng chịu trách nhiệm cung cấp những tin tức tình báo cho chính quyền Bắc Kinh.
Các cuộc biểu tình phản đối là một thất bại khổng lồ cho Văn Phòng Hồng Kông. Chủ đề "đa số thầm lặng" là một cách để nhằm biện minh cho mình thành ra những tin tức gì ủng hộ cho chủ đề này được chuyển về Bắc Kinh trong khi những tin tức gì đi ngược lại thì bị ếm nhẹm. Một chuyện tương tự cũng đã xảy ra cách đây bốn năm với Văn Phòng Đài Loan của Bắc Kinh, khi họ tiên đoán là Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn sẽ thua nặng.
Nhưng đây không phải là một vấn đề mới gì đối với các chế độ chuyên chế. Ta có thể thấy nó có ngay từ thời nhà Thanh với các tướng lãnh báo cáo với triều đình về những chiến thắng chống lại quân Anh.
Hồng Kông chưa phải là một vấn đề có tầm quan trọng chính trị sinh tử đối với chế độ. Thế nhưng nếu tình trạng này tiếp tục đối với các vấn đề khác thì sẽ có lúc nó dẫn giới lãnh đạo Bắc Kinh có một quyết định mà có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm hơn nhiều cho chế độ và cho thế giới.
Lê Mạnh Hùng
Nước Mỹ mất gì khi bức tường Berlin sụp đổ ?
Lê Mạnh Hùng, Người Việt, 13/11/2019
Khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 10 tháng Mười Một cách đây ba muơi năm, Tổng Thống Mỹ George H.W Bush không tỏ ra xúc động và vui mừng bao nhiêu. Và khi được các phóng viên báo chí vặn hỏi, ông Bush trả lời "Tôi không phải là loại người đa cảm" (I’m just not an emotional kind of guy).
Tổng Thống George H. W. Bush và Thủ Tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin hồi tháng Bảy, 2008. (Hình : Getty Images)
Một phần lý do là bản tính tự kiềm chế bẩm sinh của một con người điển hình thượng lưu của miền New England. Một phần khác là ông không muốn làm gì để động lòng Moscow vốn trong tình trạng dao động vì việc mất cả đế quốc tại Đông Âu. Nhưng nay sau ba mươi năm nhìn lại có thể rằng ông Bush đã linh cảm rằng việc sụp đổ của bức tường Berlin đã làm cho nuớc Mỹ mất nhiều hơn là được.
Người ta đã nói nhiều điều, những hậu quả không ngờ của sự sụp đổ của đế quốc Xô Viết đối với trật tự thế giới. Chúng ta đã biết đến việc nó thả ra khỏi cái chai các ông thần của tinh thần tôn giáo và dân tộc nguyên thủy. Người ta cũng nói đến sự xuất hiện của một nước Nga hận thù. Nhưng điều mà rất ít người nói đến là điều mà Mỹ bị mất trong sự sụp đổ này. Với sự sụp đổ của đế quốc Cộng Sản, nước Mỹ mất một kẻ thù có thể làm cho toàn dân đoàn kết. Ngày nào mà đất nước còn bị đe dọa bởi một kẻ ngoại thù, thì tự nhiên có một giới hạn cho những tranh chấp bên trong. Đẩy mâu thuẫn nội bộ lên đến quá mức là không ái quốc.
Thế nhưng một khi không còn đối thủ, hay ngay cả một kẻ cạnh tranh, người Mỹ bắt đầu bỏ các giới hạn trong việc tranh chấp phe đảng. Không có gì làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn là khi vị thế độc tôn của Hoa Kỳ được xác định. Tinh thần phe đảng không phải đến khi Cộng Sản sụp đổ mới có, nhưng nó đã được đẩy lên đến đỉnh cao sau đó. Điều này có thể thấy qua việc lựa chọn thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
Trong số năm vị thẩm phán cuối cùng được đề cử trước năm 1989, có đến bốn người được tất cả Thượng Viện bỏ phiếu đồng ý. Từ đó đến nay, không một thẩm phán nào được toàn thể Thượng Viện chấp nhận. Trong vòng vài tuần nữa, có rất nhiều triển vọng rằng Tổng Thống Donald Trump sẽ bị Hạ Viện đàn hạch và đưa ra Thượng Viện xử. Nếu như vậy có nghĩa là chỉ trong vòng hơn hai chục năm đã có nhiều vụ đàn hạch hơn là cả hai trăm năm trước của lịch sử nước Mỹ.
Lịch sử không cho phép làm một thí nghiệm như trong vật lý. Chúng ta không thể biết tình trạng của chính trị Hoa Kỳ trong một thế giới mà vẫn còn một thế giới Cộng Sản vũ trang đe dọa đằng sau bức tường Berlin. Chúng ta chỉ quan sát những sự kiện và những sự kiện cho thấy rõ ràng là có một sự phân hóa gia tăng bắt đầu từ những năm 1990.
Sử gia Peter Beinart mô tả ông George H.W. Bush như là vị tổng thống chính đáng (legitimate) cuối cùng của nước Mỹ. Tuy rằng cử tri không chịu cho ông một nhiệm kỳ thứ hai nhưng không ai coi việc ông làm tổng thống là một vết nhơ cho đất nước. Trong số những người kế nhiệm ông, ba người bị các đối thủ tố cáo là trốn lính, một người bị tố cáo là không phải dân Mỹ. Có thể rằng có một thay đổi nào đó trong việc lựa chọn ứng cử viên kể từ năm 1992, nhưng rõ ràng là thấy sự thù nghịch gia tăng.
Không một tổng thống nào kể từ năm 1988 đạt được 400 phiếu cử tri đoàn ; không một người Cộng Hòa nào thắng tại hai bên bờ đại duơng và không một người Dân Chủ nào thắng ở miền Nam. Thành ra có thể nói kể từ sau Chiến Tranh Lạnh không có một vị tổng thống nào đại diện cho toàn quốc.
Trong truyện hoạt họa The Simpsons có một đoạn trong đó Homer bị gởi xuống địa ngục để chịu trừng phạt. Homer lúc nào cũng thèm ăn bánh "donut" thành ra cái sự trừng phạt của Homer là bị nhồi nhét chỉ ăn "donut" không cho ăn gì khác. Độc tôn đơn cực chính là sự trừng phạt của nuớc Mỹ. Sau gần nửa thế kỷ đấu tranh để đánh đổ đối thủ của mình, Hoa Kỳ cuối cùng có quá nhiều cái mà mình muốn.
Đế quốc Xô Viết là kẻ thù tốt nhất mà nước Mỹ có thể có. Nó cho người Mỹ một cảm giác an toàn nhất về mình và vị thế của mình trên thế giới. Nó cũng cho phép người Mỹ lái lòng thù hận ra phía ngoài thay vì quay vào trong xâu xé lẫn nhau. Giống như năng lượng trong đạo luật thứ nhất của nhiệt động lực học, nó không bị tiêu hủy mà chỉ chuyển biến. Một quốc gia càng ít hướng nó ra ngoài thì nó càng quay vào trong.
Chiến thắng của Hoa Kỳ trong Chiến Tranh Lạnh là một kỳ công cần phải được xưng tụng trong dịp kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của bức tường Berlin tháng này. Nhưng đó cũng là một chiến thắng mà nuớc Mỹ phải trả một giá quá đắt.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 13/11/2019
*****************
Hướng về Việt Nam trong ngày kỷ niệm 30 năm bức tường Bá Linh sụp đổ
Tường An, RFA, 12/11/2019
Tại nơi này, không ai có thể tưởng tượng được là cách đây 30 năm, đã có một bức tường như thế đứng sừng sững, ngăn đôi Đông Bá Linh và Tây Bá Linh trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 43 năm. Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm, một phần bức tường vẫn còn được giữ lại. Năm 2007, chính quyền Bá Linh cho xây dựng một tuyến đường cho xe đạp dọc theo bức tường năm xưa. Tại đây, một bảo tàng viện nhỏ cũng được xây lên để giữ lại những hình ảnh vượt biên của người từ Đông Bá Linh vượt tường sang Tây Bá Linh.
Khoảng gần 3 triệu người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau - Reuters
Nhiều người Việt từ khắp nơi cũng đã đến đây để thăm lại di tích lịch sử này, để sống lại một sự kiện đã làm thay đổi cục diện của thế giới, từ chế độ chủ nghĩa xã hội Đông Đức sang chế độ tự do của Cộng Hoà Liên bang Đức.
Đến từ Paris, nhà báo Từ Thức cho biết lý do ông phải có mặt tại Berlin trong thời điểm này :
"Tôi muốn có mặt ở đây là vì ngày hôm nay là một ngày lịch sử, không phải chỉ riêng cho nước Đức mà cho khắp thế giới. Có hai điều :
- Điều thứ nhất : Ngày này chứng tỏ chế độ cộng sản chấm dứt ở Tây phương, người Tây phương đã vỡ mộng về chế độ cộng sản.
- Điều thứ hai : Bất cứ một chế độ độc tài nào, dù vững mạnh tới đâu đi chăng nữa, cũng có một ngày sụp đổ như bức tường này. Bức tường này là một biểu hiệu cho sự sụp đổ của bất cứ chế độ độc tài nào.
Chúng ta hy vọng rằng, một ngày gần đây Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh đó, nghĩa là : chế độ cộng sản sụp đổ để cho người dân đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình".
Chẳng những người Việt ở hải ngoại quan tâm đến sự kiện lịch sử này, từ trong nước, một phái đoàn Việt nam cũng đã đến Bá Linh để một lần được nhìn thấy nơi đã xảy ra một sự thay đổi vô cùng quan trọng, Tại cổng thành Brandenburg, một khách du lịch đến từ Hà Nội mong ước :
"Tôi mong muốn Trung quốc phải sụp đổ như bức tường Bá Linh ấy ! Trung quốc bây giờ nó hầm hè Việt Nam ghê gớm. Ấy ! người ta thì cần hoà bình, cần hoà hợp, người ta cần chung sống, Trung quốc nó làm đủ chuyện !"
Bức tường dài 155 cây số giờ chỉ còn là những hàng gạch được giữ làm kỷ niệm Reuters
Khoảng gần 3 triệu người đã trốn thoát khỏi Đông Đức sang Tây Đức, trong đó, có khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường bằng nhiều ngã khác nhau như trên không bằng khính khí cầu hay dưới nước qua những kênh đào hay đào đường hầm qua bức tường hoặc liều mạng leo qua tường. Chính quyền Cộng Hoà Dân chủ Đông Đức không thông báo con số chính xác về những người đã nằm lại dưới chân bức tường ở phía Đông. Nhưng không có người dân nào vượt tường từ Tây Đức sang Đông Đức
Phần lớn của bức tường giờ đây không còn nữa Tuy nhiên khoảng 1,3 km của bức tường cũng đã được giữ lại, trên đó - vào năm 1990 - thành phố Bá Linh đã mời các hoạ sĩ vẽ 106 bức họa đầy màu sắc nói lên sự mong muốn được tự do, yêu chuộng hoà bình và sự giải thoát khỏi chế độ cộng sản chấm dứt một thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ, nhà báo Từ Thức nhận xét :
"Sự thực xã hội Đông Đức thời đó, một cách tương đối họ cũng không đến nỗi đói khổ, nhưng người ta vẫn đứng dậy là vì không có sự tự do. Do đó, không có gì mà ngăn chận nỗi những người đi tìm Tự do. Người ta vẫn nói : thời đó, người dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân, bỏ phiếu bằng cách leo qua bức tường này để đến nơi tự do. Sau đó, nó đã kéo theo sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu.
Vì vậy, ngày hôm nay, đối với chúng ta là một ngày quan trọng cho tất cả mọi người, kể cả những người Việt Nam đang sống trong chế độ kiềm kẹp của chế độ cộng sản mà hiện giờ cả thế giới đang ruồng bỏ".
Sau thế chiến thứ hai, khoảng 2,5 đến 3 triệu người dân từ Đông Đức sang Tây Đức để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Đến năm 1961, mỗi ngày có đến khoảng 1.000 người Đông Đức tìm cách sang Tây Đức. Do vậy, Liên Xô và Đông Đức đã quyết định xây bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin vào ngày 13/08/1961 để chặn đứng dòng người vượt biên.
Hai mươi tám năm sau, đêm 9/11 rạng sáng ngày 10/11/1989 những nhát búa đầu tiên đã được đập xuống bức tường ô nhục trong sự hân hoan của mọi người. Từng viên gạch văng tung toé, từng mảng tường rơi xuống. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường, tràn qua các trạm kiểm soát, họ mở sâm- banh và hô vang : "Tor auf !" (Mở cửa đi !) Cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ chấm dứt một cách ngoạn mục. Từ thủ đô Bá Linh nhìn về Việt Nam, chị Kiều Thị An Giang - một người Việt Nam từ Đông Bá Linh đã sang Bá Linh sinh sống cách đây 20 năm - chia sẻ :
"Việt Nam cũng có một lịch sử như nước Đức, nhưng Việt Nam thống nhất tốn rất nhiều xương máu. Nước Đức ngược lại, họ thống nhất không tốn một viên đạn nào.
Sau bao nhiêu năm nhìn lại, có những điều mà người Đức vẫn chưa hài lòng. Có rất nhiều ý kiến cho rằng, hai bên chưa có thực sự bình đẳng. Cá nhân tôi là một người sống ở nước Đức đã 32 năm, tôi tự hào và kiêu hãnh về những gì mà chính phủ Đức đã làm cho một nước Đức thực sự thống nhất và bình đẳng. Nhìn lại quê hương mình, tôi chỉ dám nói hai từ "Mơ Ước".
Check point Charlie, trạm kiểm soát quan trọng nhất, cửa giao thông giữa Đông và Tây, một điểm kiểm soát nghiêm ngặt giữa Tây Berlin do người Mỹ kiểm soát và vùng Đông Berlin do Liên Xô kiểm soát, giờ là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch với bảo tàng viện Check Point Charlie, một mảng tường cũ cũng được đem về đây. Nhà bảo vệ của Trạm kiểm soát Charlie đã bị gỡ bỏ vào tháng 10/1990 và hiện đang nằm trong Bảo tàng Đồng Minh ở Zehlendorf, thủ đô Berlin. Phần còn lại của Check Point Charlie đã bị phá hủy vào năm 2000, chỉ còn chốt canh và hai tấm hình chụp người lính Mỹ và Liên Xô vẫn còn được giữ lại.
Ông Phạm Xuân Thủy, cũng là một người từ Đông vượt biên sang Tây Đức, hiện cư ngụ tại thành phố Stuggart bày tỏ mong ước :
"Trên thế giới này, loài người, và ngay cả bản thôi tôi đều mong muốn xóa bỏ chế độ độc tài để đưa toàn thế giới đến thành một Cộng đồng hòa hợp với nhau, có Tự do, Dân chủ cho tất cả mọi người".
Bên cạnh khoảng tường được giữ lại như một dấu ấn của lịch sử, cùng trò chuyện và nghe được mong ước của những người Việt đến từ khắp nơi, một người Đức hồ hởi chúc :
"Tôi chúc cho các bạn, một ngày nào đó trong tương lai, có được một đất nước Tự do, một thế chế không còn cộng sản, Tự do trên toàn thế giới. Chúc cho các bạn và đất nước các bạn những điều tốt đẹp nhất" !
Tường An
Nguồn : RFA, 12/11/2019
*********************
Ba mươi năm sau khi ‘Bức Tường Berlin sụp đổ’
Lê Phan, Người Việt, 10/11/2019
Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 20 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, chúng tôi có được cái may có mặt trong ngày kỷ niệm.
Pháo bông trên nền trời quảng trường Brandenburg ở thủ đô Berlin trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ hôm 9 tháng 11/2019. (Hình : Getty Images)
Lễ kỷ niêm 20 năm thật là một cuộc ăn mừng ngoạn mục, đầy ý nghĩa và vào lúc hoàng kim nhất của nền văn minh dân chủ Tây phương. Tâm điểm của nghi thức là Khải hoàn môn Brandenburg, nơi mà cách đó 20 năm, những người dân Berlin, Đông cũng như Tây tụ tập để nhảy múa trên đỉnh của bức tường và chào đón sự đột ngột sụp đổ của Bức Màn Sắt.
Khải hoàn môn nổi tiếng, mà trong giai đoạn còn bức tường đứng cô đơn trong một vùng "no man’s land", một thứ cấm địa, bao quanh bởi hàng rào kẽm gai và súng máy, hai mươi năm sau là nơi một cuộc trình diễn âm nhạc và đốt pháo bông nhớ lại những giây phút huy hoàng đó.
Một trong những nghi thức có ý nghĩa nhất là 1,000 tấm foam cao bằng đầu người như hình những quân cờ domino, được các thanh niên khắp thế giới vẽ và dựng lên dọc theo nơi trước kia là bức tường ngay trước Khải Hoàn Môn Brandenburg. Cựu lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết và cựu Tổng Thống Lech Walesa đã đẩy cái domino đầu tiên, một cách biểu tượng, lập lại sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Đông Âu. Tham gia với ông đã có khôi nguyên Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus từ Bangladesh, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela và cựu Tổng Thống Cộng hòa Czech Vaclav Havel, vốn đã là lãnh tụ của cuộc Cách Mạng Nhung. Cùng với ông Walesa, ông Havel đã đóng góp cho sự sụp đổ của Liên Xô.
Thủ Tướng Angela Merkel, lớn lên ở Đông Đức, đã tiếp các vị khách, kể cả Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev và lãnh tụ của 26 quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu cho một bữa dạ tiệc chào mừng.
Vào mùa Hè năm 1989, chỉ vài tháng trước khi những người biểu tình tràn qua Checkpoint Charlie, trạm gác phân chia giữa Đông và Tây Berlin, Giáo sư Francis Fukuyama đã viết một bài trên tạp chí Nationa Interest mang cái tên "Sự chấm dứt của Lịch sử ?" vốn sau đó trở thành nền tảng cho cuốn sách của ông "Sự chấm dứt của lịch sử và con người cuối cùng".
Ông lý luận rằng cuộc tranh đấu chủ thuyết vĩ đại của thế kỷ thứ 20 – đầu tiên giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa phát xít và rồi giữa dân chủ tự do và cộng sản – đã kết thúc. Lịch sử, định nghĩa bởi nhà chính trị học Fukuyama là cuộc tranh đấu giữa những chủ thuyết vĩ đại, đã đến lúc kết thúc. Dân chủ tự do đã chiến thắng.
Ông viết : "Điều chúng ta có thể chứng kiến không phải là kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, hay sự đi qua của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử hậu chiến, nhưng là chấm dứt của chính lịch sử : tức là, chấm dứt của một tiến hóa chủ thuyết của nhân loại và việc phổ cập hóa nền dân chủ tự do Tây phương như là hình thức cuối cùng của chính quyền nhân loại".
Khi Bức tường Berlin sụp đổ vài tháng sau đó, ông Fukuyama đã có vẻ như là một nhà tiên tri hơn là một nhà chính trị học. Ngay cả 20 năm sau ông có vẻ vẫn còn đúng. Nhưng ngày nay thì sao ?
Ba mươi năm sau, lịch sử tự nó có vẻ đã bác bỏ "sự kết thúc của lịch sử". Trung Quốc, Nga và Việt Nam đã hồi sinh hay kéo dài chế độ độc tài bằng cách thích ứng tư bản chủ nghĩa theo khuôn mẫu của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã tạo nên một hình thức chế độ độc tài sultan mới. Và ở Đông và Trung Âu, ông Walesa hẳn sẽ không nhận ra Ba Lan ngày nay mà cùng với Hungary (đã có thời là những điểm son của cuộc cách mạng năm 1989) lại một lần nữa chọn chế độ độc đảng dầu cho mang cái vỏ dân chủ. Đức quốc, có thời lãnh đạo Âu Châu, nay cũng đang bị xáo trộn vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà cố Tổng Thống Ronald Reagan đã từng gọi là "thành phố chiếu sáng ở trên một ngọn đồi" hồi tháng Giêng năm 1989, một vị tổng thống vốn muốn độc đoán hơn nay cai trị.
Những thí dụ này và nhiều nữa, đang thúc đẩy một chiều hướng nguy hiểm. Thanh niên ở phương Tây đang mất niềm tin vào các định chế dân chủ. Khoảng 75% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1930 nói "cần thiết" sống trong một nền dân chủ, nhưng chỉ có 30% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 chia sẻ quan điểm đó. Anh Quốc, Tân Tây Lan, Úc và Thụy Điển, những nền dân chủ bền vững cũng cho thấy như vậy.
Còn đáng lo sợ hơn nữa là ngày càng có nhiều người tính đến một giải pháp khác mà trước kia là lập trường không tưởng tượng được dành cho những kẻ bên lề. Năm 1995, 1 trong 16 người Mỹ nói quân đội cai trị là "tốt" hay "rất tốt". Đến năm 2014, con số đó đã trở thành 1 trong 6 người.
Nhưng cũng phải xin thêm ngay đó không phải là toàn thể câu chuyện. Một điều quan trọng là chiều hướng suy thoái hiện nay của chế độ dân chủ không phủ nhận sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các nền dân chủ trên thế giới từ Thế Chiến thứ 2.
Năm 1945, thế giới có 137 chế độ độc tài trong khi chỉ có 12 nền dân chủ. Đến năm 1989, số các nền độc tài giảm xuống 105 so với 51 nền dân chủ. Đến năm 2018 thì dân chủ đang dẫn trước với 99 so với 80. Dĩ nhiên phải xin thêm ngay định nghĩa dân chủ đây khá bao dung kể cả những nền dân chủ thực sự với những nền dân chủ tương đối không mấy cấp tiến. Nhà kinh tế học Max Roser của viện đại học Oxford tính là số người sống trong một nền dân chủ tăng gần gấp đôi giữa năm 1989 và 2015, từ 2 tỷ lên 4 tỷ.
Còn đáng chú ý hơn có lẽ chính là sự việc các nhà độc tài hậu 1989 cố trình bày mình là dân chủ. Nhiều nhà độc tài cố tình tổ chức những cuộc bầu cử thường xuyên và có vẻ dân chủ trong khi gian lận.
Họ cho phép báo chí bán tự do, bịt miệng khi cần. Họ giả vờ cai trị theo chế độ pháp trị, ít nhất trên giấy tờ. Và đó, theo ông Brian Klaas của nhật báo Washington Post, chính là lý do tại sao có nhiều cuộc bầu cử trên thế giới hơn bao giờ hết mặc dầu thế giới ngày càng ít dân chủ đi.
Chế độ độc tài và thiếu tự do không chết. Nhưng như chúng ta đọc, nghe và thấy hàng ngày, dân chúng lại xuống đường trên toàn thế giới, từ Hồng Kông đến Chile, Ecuador đến Algeria, Lebanon và Sudan. Lý do tại sao họ xuống đường khác biệt rất nhiều, nhưng điều họ đều chia sẻ là đòi một tiếng nói về những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình. Không một người nào tham gia vào các cuộc nổi dậy khổng lồ này đòi các nhà độc tài bảo họ phải làm gì.
Tất cả họ đều đang xuống đường theo chân của những người mà cách đây 30 năm, đã đẩy vào những bức tường, những bức màn của độc tài cho đến khi sau cùng chúng sụp đổ. Những người bảo vệ cho một xã hội tự do cởi mở tiếp tục chiến đấu, và họ vẫn còn có nhiều điều để tranh đấu.
Nhưng dầu sao chăng nữa, hứa hẹn của dân chủ vẫn còn kêu gọi như đã từng kêu gọi năm 1989. Nếu không thì những nhà độc tài đã không có lý do để sợ. Mà quả thật họ đang rất sợ.
Lê Phan
Việc khám phá ra thi thể 39 người chết vì ngạt và rét bên trong một chiếc xe container ở phía sau một xe tải tại miền nam nước Anh là một điều nhắc nhở mạnh mẽ cho người ta thấy những nguy hiểm mà con người có thể chấp nhận để đi tìm một cuộc sống tốt hơn.
Khung cảnh trong một ngôi làng ở huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều người tìm cách sang Anh Quốc để mưu sinh. (Hình : NHAC NGUYEN/AFP/Getty Images)
Cảnh sát đầu tiên nghĩ rằng tất cả những nạn nhân đều là người Trung Quốc, nhưng nay người ta biết rằng hầu hết là người Việt và một số tin còn nói có thể tất cả đều là người Việt. Điều lạ là hầu hết những nạn nhân này đều đến từ một vùng của Việt Nam, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Nghệ An và Hà Tĩnh vốn vẫn là hai trong những tình nghèo nhất tại Việt Nam từ xưa tới nay và dân chúng vẫn có truyền thống đi kiếm ăn phương xa nếu không nói là di cư sang sống tại nơi khác. Nhưng có lẽ chưa thời nào họ lại mạo hiểm đi xa và đi trong nguy hiểm như thế này.
Theo như tường thuật của phóng viên đài Al-Jazeera trong môt chương trình đặc biệt về việc buôn bán nô lệ hiện đại năm 2016, trong đó một phóng viên của đài giả làm người muốn xuất ngoại bất hợp pháp bằng chuyến đi đầy nguy hiểm. Trên nguyên tắc, đám buôn người này sẽ đưa những người muốn đi lậu bằng máy bay sang Nga. Từ Nga họ sẽ được chở bằng xe sang Tây Âu rồi từ đó sang Anh. Những người đi đều được trấn an rằng cả tiến trình này không có gì nguy hiểm và chỉ mất chừng vài tuần.
Nhưng thực tế khác hẳn. Con đường đi của họ đầy những hiểm nguy, bạo lực, và đối với phụ nữ còn có thêm vấn đề xách nhiễu tình dục. Điều tra của Al-Jazeera cho thấy một số phụ nữ Việt sang Anh may mắn kiếm được việc tại các tiệm nail và có thể gửi tiền về giúp đỡ gia đình, cũng có nhiều người bị buộc phải làm nô lệ không công hoặc là được trả luơng rất ít và còn phải đi làm mãi dâm vào buổi tối.
Không có công ăn việc làm, môi sinh hủy hoại, băng đảng buôn lậu người, lơ là và khuyến khích của các giới cầm quyền cũng như cách đối xử kỳ thị của chính quyền đối với cộng đồng Công giáo,… đều là những yếu tố đóng góp vào việc người ta bỏ ra đi.
"Hầu hết mọi người ở đây đều có một bà con ở nước ngoài". Đó là lời ông Bùi Thạc mà người cháu ông là Bùi Phan Thắng đang bị e sợ là nằm trong số những người chết trong chiếc container tại Anh.
Và ông nói thêm : "Hầu hết các gia đình tại đây đều có người ra nước ngòai. Người già ở lại nhưng người trẻ đều phải kiếm đường ra nước ngoài vì ở nhà không kiếm ra việc".
Đối với chính quyền cộng sản tại Việt Nam thì việc xuất khẩu lao động là một trong những chính sách được đặt ưu tiên, nhất là đối với những tỉnh nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh. Thu nhập đầu người tai hai tỉnh này thấp hơn nhiều so với toàn quốc. Trong lúc thu nhập đầu người trung bình cho toàn cõi Việt Nam là 2.540 USD một năm thì tại Nghệ An chỉ có 1.636 USD và Hà Tĩnh 2.217 USD. Nếu không nhờ có tiền của những người ra nước ngoài gửi về thì tình trạng còn tệ hơn nhiều. Theo thống kê chính thức, Nghệ An nhận được trung bình mỗi năm khoảng 255 triệu USD.
Nhưng cơ hội được đi xuất khẩu lao động chính thức không nhiều và phải có quan hệ. Và nếu bạn là một người Công giáo thì cơ hội này lại càng nhỏ. Thành ra không có gì lạ khi đa số những người đi lậu này là người Công giáo. Trong số những nạn nhân chết trong vụ này mà đã được nhận diện, đa số đều có tên thánh.
Thị xã Kỳ Anh là một huyện lỵ nhỏ nằm ở phía đông nam tỉnh Hà Tĩnh, ngay phía bắc tỉnh Quảng Bình. Đây là một nơi có phong cảnh rất đẹp, có cảng Vũng Áng là nơi mà có thời là một trung tâm buôn lậu lớn trong khoảng sau 1975, thời cộng sản Việt Nam còn bị phong tỏa kinh tế.
Những năm về sau, tuy rằng cuộc sống không còn được phồn thịnh như thời còn cảng Vũng Áng nhưng cũng không đến nỗi nào. Nhưng đến năm 2016 một tai họa đổ xuống đầu thị xã Kỳ Anh và cả huyện.
Nằm giữa những bãi cát bờ biển và những thửa ruộng nghèo, các ống khói khổng lồ của nhà máy luyện thép Formosa Steel Plant đè nặng lên đầu cái góc nhỏ này của tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy này, chủ là công ty Đài Loan Formosa Plastic, năm 2016 đả xả nước thải độc hại xuống biển tạo ra một thiên tai môi sinh tồi tệ nhất của Việt Nam biến vùng biển này thành một bờ biển chết mà đến nay vẫn còn chưa hồi phục.
Dân ở đây chỉ còn cách là đi tha phương cầu thực. Và hầu hết những nạn nhân mà người ta biết cho đến nay đều xuất phát từ đây.
Trong một buổi lễ đặc biệt tổ chức tại nhà thờ Mỹ Khánh hôm Thứ Bảy vừa qua, cha Anthony Đặng Hữu Nam, đặt câu hỏi : "Tại sao có biết bao nhiêu người Việt phải trả bao nhiêu tiền chỉ để chết ? Tại sao Việt Nam không còn chiến tranh nữa mà người ta vẫn phải bỏ đi sang nước khác ?".
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 30/10/2019
Tuần qua chúng tôi sang Paris chơi. Tình cờ trong một câu chuyện với mấy anh bạn cũ về đám "áo gi-lê vàng" (gilets jaunes), một anh bạn bỗng nhận xét, có vẻ rằng người ta đã phát điên lên hết cả rồi.
Trong năm 2017, tại Hoa Kỳ có 47.000 người chết vì tự sát.
Câu chuyện đến đó là chấm dứt, nhưng tình cờ đọc một báo cáo về số người mắc bệnh tâm thần tại Mỹ, tôi bỗng có cảm giác nhận xét của anh bạn là đúng.
Có quá nhiều thống kê cho thấy đời sống tại Hoa Kỳ đang càng ngày càng tốt hơn. Thất nghiệp xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1969. Các tội ác có bạo hành đã giảm hẳn so với những năm 1990, các thành phố như New York chẳng hạn, đã trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Và tuổi thọ trung bình của người Mỹ đã dài thêm 9 năm vào năm 2017 so với năm 1960. Thành ra đời sống tinh thần của dân Mỹ phải tốt đẹp hơn so với trước mới phải.
Thế nhưng sự thực không phải vậy. Trong năm 2017, tại Hoa Kỳ có 47.000 người chết vì tự sát. Theo cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (US Centers for Disease Control and Prevention – CDCP) trong báo cáo công bố vào ngày 20 tháng Sáu thì tỷ lệ tự tử tại Hoa Kỳ đã lên đến mức cao nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai. Và nó càng ngày càng trở nên tệ hơn. Tỷ lệ tự tử tại Mỹ đã gia tăng với tốc độ trung bình là 1% từ 2000 đến 2006 và 2% từ 2006 đến 2016.
Mặc dù tự sát là biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng khủng hoảng tinh thần, nhưng cũng có đầy những dấu hiệu khác.
Chết vì ma túy quá liều đã lấy đi 70.000 sinh mạng vào năm 2017, và 17,3 triệu hay 7% người Mỹ trưởng thành cho biết đã bị ít nhất là một cuộc khủng hoảng tâm thần lớn (depression) trong năm 2018. Và tuy rằng tuổi thọ trung bình so với năm 1960 có tăng, nhưng nó đã đi xuống liên tục trong ba năm qua. Đây là lần đầu tiên có một chuyện giảm sút tuổi thọ như vậy kể từ lần chót trong Thế Chiến Thứ Nhất, từ năm 1915 đến năm 1918.
Tình trạng "suy thoái tâm thần" này có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng điều mà chúng họp lại là một tình trạng có thể là "dịch bệnh tâm thần" trên toàn nước Mỹ.
Nhưng phản ứng của chính phủ đã hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu theo như ý kiến của Paul Gionfriddo, chủ tịch Mental Health America, môt tổ chức vận động cho giải quyết vấn đề này.
Ông nói : "Người ta bỏ tiền vào việc xây các nhà tù hơn là chữa bệnh".
Nhưng vấn đề này có vẻ không chỉ là vấn đề thuần túy Mỹ.
Ấn Độ và Trung Quốc (cả hai chiếm đến một phần ba tổng số nhân loại) cũng bị vấn đề bệnh tâm thần trầm trọng
Theo một tài liệu nghiên cứu trên tập san y khoa The Lancet về tình trạng sức khỏe tâm thần trên thế giới thì Ấn Độ và Trung Quốc (cả hai chiếm đến một phần ba tổng số nhân loại) cũng bị vấn đề bệnh tâm thần trầm trọng. Không như ở Mỹ, trên 80% những người mắc bệnh này ở Ấn Độ và Trung Quốc không dám công khai tìm thầy chạy chữa. Và tài liệu này cũng bác bỏ luận điệu nói rằng sử dụng ma túy có thể giúp giải quyết vấn đề.
Việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc chống trầm cảm tại Anh, Mỹ, Úc, Canada và các nước giàu có khác đã không dẫn đến việc giảm sút các trường hợp tâm thần như người ta hy vọng.
Tập san The Lancet cảnh cáo là các bệnh tâm thần có thể làm tổn hại cho kinh tế toàn cầu đến khoảng 16.000 tỷ USD từ 2010 đến 2030 nếu các chính phủ và doanh nghiệp không tìm cách giải quyết.
Các vấn đề bệnh tâm thần được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau biểu hiện cho nhiều trạng thái khác nhau bao gồm từ lạm dụng ma túy, tâm thần phân liệt, trầm cảm cho đến tự tử. Mỗi người, tùy theo các yếu tố di truyền, xã hội và môi sinh, có thể bị rơi vào các trạng thái khác nhau. Nhưng chúng không phải độc lâp mà gắn liền với nhau cũng như gắn liền với các vấn đề xã hội.
Hoa Kỳ hiện nay đang có một số vấn đề đặc biệt tạo ra căng thẳng ảnh huởng đến tâm thần : thu nhập trì trệ, chi phí y tế gia tăng, các loại thuốc chống đau ma túy opioids lan tràn sau một chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các công ty dược phẩm ; biến đổi trong cơ cấu công việc với những công việc đều đặn có phúc lợi mất dần để thay thế bằng những công việc loại "gig". Tính chất phá họai của những kỹ thuật số mới, đi từ việc "bully" trên mạng cho đến sự cô độc của cá nhân trầm mê trong các môi truờng truyền thông xã hội cũng là một yếu tố quan trọng trong việc gia tăng số lượng tự tử của nhóm từ 10 đến 34 tuổi tại Mỹ. Ngoài ra còn có vấn đề, sự dễ dàng mua và sử dụng các loại súng tại Mỹ, vốn là tác nhân được dùng trong hơn một nửa các vụ tự tử tại Hoa Kỳ.
Tại Anh, tháng Hai vừa qua, Cơ quan Thống kê Quốc gia lần đầu tiên công bố những dữ liệu phối hợp thống kê kinh tế và tình trạng "hạnh phúc" đo lường cái gọi là "hạnh phúc" (happiness) và "hài lòng với cuộc sống" (life satisfaction) bên cạnh các con số truyền thống như thu nhập và tài sản. Những cố gắng đo lường mức sống tinh thần này bắt đầu vào năm 2010 khi Thủ tuớng David Cameron tuyên bố chính phủ Anh sẽ tìm cách đo lường cả đời sống tinh thần bên cạnh đời sống vật chất. Thế nhưng có lẽ những cố gắng của chính phủ Cameron không giải quyết được tình trạng bất ổn tâm thần của dân Anh thành ra mới xảy ra hiện tượng Brexit.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 26/06/2019
Những ngày gần đây, Tổng thống Donald Trump có vẻ thoải mái trong việc sử dụng kinh tế Hoa Kỳ vừa như một cái mồi dụ dỗ, vừa là một vũ khí dọa nạt. Trong chuyến đi thăm Anh Quốc vừa qua, ông đã "tweet" rằng nước Anh có thể chờ đợi "một thỏa hiệp thương mại huy hoàng" với Mỹ nếu Anh chịu "vứt bỏ những xiềng xích" của Liên Hiệp Châu Âu.
Những công ty khổng lồ như Nike và Adidas đều phản đối việc đánh thuế quan vào giầy dép. Trong hình, một cửa hàng Adidas tại Los Angeles, California. (Hình : Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)
Trong khi tuần trước, ông đe dọa gây chiến tranh kinh tế với tất cả mọi người, bất chấp cả bạn thù. Các nước Châu Âu bị đe dọa trừng phạt vì họ tìm cách tiếp tục buôn bán với Iran. Mexico bị đe dọa đánh thuế quan vào hàng của mình bán sang Mỹ nếu không chặn những người tị nạn Trung Mỹ vào đất Mỹ.
Đầu tháng Sáu, ông loại Ấn Độ ra khỏi danh sách những nước đang phát triển được WTO cho phép nhận một số những ưu đãi vì lý do Ấn không làm đủ để mở cửa thị trường cho Mỹ.
Nhật báo New York Times tường thuật rằng ông còn tính đánh thuế vào nhôm của Úc cho đến khi Ngũ Giác Đài phản đối vì Mỹ còn nhờ quá nhiều vào Úc tại Thái Bình Dương. Những phát súng này chỉ là chuyện nhỏ trong chiến dịch chính của ông Trump : tìm cách bao vây và cô lập Trung Quốc.
Quan thuế và trừng phạt cấm vận là hai chuyện khác nhau. Quan thuế là công cụ mậu dịch thường được dùng để cân bằng quyền lợi của cả người sản xuất lẫn tiêu thụ trong lúc cấm vận là trừng phạt công khai đối với kẻ thù. Nhưng đối với ông Trump, mà hiện nay dùng chúng song song cùng một lúc, bởi vì ông lợi dụng một nhược điểm của thế giới, ước muốn buôn bán với Mỹ, thị trường giàu có và béo bở nhất thế giới.
Hoa Kỳ đã hưởng vị thế này từ hơn hai thế hệ nay. Nó là một yếu tố then chốt cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Cho đến lúc gần đây, nó được đưa ra như là một món mồi nhử, nhưng nay Tổng thống Trump dùng nó như một cây gậy.
Quan thuế làm cho việc xâm nhập vào thị trường tốn kém hơn. Nhưng cái tốn kém hơn đó ai phải chịu thì còn là một vấn đề với nhiều tay chơi tham dự, từ nhà sản xuất nước ngoài, công ty xuất nhập cảng, cửa hàng bán lẻ trong nước và người tiêu thụ, tất cả đều phải chịu ít nhất là một phần của cái tốn kém thêm đó.
Trong một lá thư ngỏ ngày 20 tháng Năm gửi Tổng thống Trump, 173 công ty giầy dép bao gồm những công ty khổng lồ như Nike và Adidas đã phản đối việc đánh thuế quan vào giầy dép, nói rằng : "Với tư cách là một ngành hoạt động phải chịu thêm môt khoản thuế quan $3 tỷ mỗi năm, chúng tôi có thể bảo đảm với ngài rằng mọi gia tăng trong chi phí nhập cảng giầy sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu thụ Hoa Kỳ".
Ông Jeffrey Sachs, giáo sư kinh tế tại Đại Học Columbia, đặt vấn đề kiểu khác : "Đây là một cách tiếp cận có rủi ro rất cao. Một hệ thống mở có thể trở thành một hệ thống đóng hay phân hóa thành nhiều hệ thống. Nó đã xảy ra sau những loạn lạc của Thế Chiến thứ Nhất và cuộc Đại Khủng Hoảng. Và nếu Hoa Kỳ rút khỏi hệ thống này thì những nước khác cũng sẽ làm theo".
Theo ông Ben Emons, giám đốc điều hành công ty tư vấn Medley Global Advisors, thì chiến lược của Tổng thống Trump dựa trên niềm tin rằng "nhu cầu tiêu thụ của dân Mỹ thì lớn và hấp dẫn đến mức mà không ai có thể bỏ qua thị trường Mỹ được". Ông Emons cho rằng trong tương lai gần, điều đó có thể đúng. Nhưng về lâu về dài thì chưa chắc.
Không phải chỉ có riêng Hoa Kỳ mới chơi được trò chơi này. Trung Quốc cũng đã lập ra danh sách các công ty Mỹ đưa vào sổ đen để phản ứng với việc ông Trump cấm buôn bán với Huawei. Và theo ông Emons, "Trung Quốc có thể chuyển sang dựa vào buôn bán với các nước khác cũng như thị trường trong nước".
Ngoài quan thuế và cấm vận ra, số vũ khí có trong tay hai nước – và thật sự là tất cả các nước – thì rất rộng lớn. Chúng bao gồm giới hạn đầu tư, kiểm soát xuất cảng, tẩy chay hàng hóa, sổ đen, truy tố chống độc quyền, và ngay cả điều tra hình sự. Trung Quốc đã từng dùng đe dọa ngăn chặn du lịch đối với Nam Hàn và đã thành công. Họ có thể dùng những biện pháp tương tự đối với Hoa Kỳ để đối phó lại.
Tuy rằng chiến tranh kinh tế có thể mang lại nhiều rủi ro, nhưng rõ ràng là ông Trump thích loại chiến tranh này hơn là chiến tranh dùng máy bay, xe tăng và những người lính cầm súng mà hầu như đời Tổng thống Mỹ nào cũng phải có trong suốt nửa thế kỷ vừa qua.
Ngay cả ông Barack Obama, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình, cũng cho ném bom Libya cho đến khi chế độ Khaddafi sụp đổ. Ông Trump thì không phải là không muốn chiến tranh, ông đe dọa máu và lửa chống lại Bắc Hàn chẳng hạn, để thêm tiền vào cho ngân sách Ngũ Giác Đài và đe dọa "tiêu diệt" Iran, nhưng cho đến nay ông chỉ mới ra lệnh bắn hai lần hỏa tiễn vào Syria và tìm cách rút quân khỏi Syria và Afghanistan nhưng không mấy thành công.
Không phải ông Trump không thích chiến tranh, nhưng ông biết rằng dân Mỹ chán ghét những cuộc chiến bên ngoài và đặc biệt là nếu những cuộc phiêu lưu này không mang lại kết quả. Chiến tranh kinh tế dễ biện minh hơn. Nhưng nếu nó mang lại những hậu quả trực tiếp đến đời sống dân Mỹ thì có lẽ Tổng thống Trump cũng khó có thể tiếp tục.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 15/06/2019
Lần này, Lá Thư Luân Đôn xin nói một chuyện vui tuy rằng cũng hơi dính dáng đến thời sự để quý độc giả giải trí.
Ban nhạc Jason Crest hát bài "Waterloo Road". (Hình : YouTube)
Đời sống một bài hát có nhiều khi có những biến hóa kỳ lạ mà người ta khó có thể tưởng tượng được. Bài "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" của Nguyễn Đức Quang chẳng hạn, được viết cho phong trào du ca của Việt Nam Cộng Hòa nhưng nay bỗng trở thành bài hát được những thanh niên chống đối tại Hà Nội hát trong những lúc biểu tình phản đối. Một trường hợp tương tự cũng xảy ra đối với bài hát coi như là bài hát chủ đề của phong trào "Gilets Jaunes" tại Pháp.
"Waterloo Road" là một bài hát xuất hiện tại Anh vào năm 1968 được viết cho một ban nhạc không lấy gì làm nổi tiếng lắm tại Anh tên là Jason Crest. Ban nhạc này được hãng Philip Records ký hợp đồng nhằm lợi dụng phong trào nhạc "pop" mới nhưng những bài hát mà ban nhạc này đưa ra đều không ăn khách. Trong số những bài hát này có bài "Waterloo Road".
Đây là một bài hát có gốc trong nhạc kịch, điệu nhảy giật với một giọng điệu tương tự như bài "Penny Lane" của ban Beatles. Bài hát mở đầu với một cô gái chào mời chàng ca sĩ của ban Jason Crest, Terry Clarke, hãy "đi theo đường Waterloo" nơi mà "bất cứ ngày đêm bạn sẽ tìm ra cái gì mà bạn muốn tìm". Một lời dụ dỗ khá trâng tráo nhưng mà tại đây thì chàng ta chỉ tìm thấy "một anh chàng vui vẻ đang chơi điệu cakewalk trên chiếc guitar của anh" (a happy feller playing cakewalks on his guitar). Cakewalk là một điệu nhạc nhảy của những người da đen nô lệ tại miền Nam nước Mỹ trong thế kỷ 19.
Nhưng không may cho Jason Crest, bài hát này cũng như những bài hát khác của ban nhạc không thu được bao nhiêu khách mua và chẳng bao lâu sau thì ban nhạc rã đám. Đối với những bài hát khác của ban nhạc thì cuộc đời đến đó là hết, nhưng "Waterloo Road" lại có một số mệnh khác.
Jason Crest - Waterloo Road 1969 - Tuy nhiên, bài hát bị "chết yểu" cho đến khi được làm lời mới và đổi tên thành "Les Champs-Elysées".
Có một cái gì trong điệu nhạc hấp dẫn những thính giả tại Châu Âu lục địa. Năm 1969 nó xuất hiện tại Hòa Lan dưới cái tên Hòa Lan "Oh Waterlooplein" với những lời mới không còn đi dọc theo con đường Waterloo Road ở Luân Đôn nữa mà về một khu chợ trời nổi tiếng ở Amsterdam nơi mà "người ta có thể mua được tất cả mọi thứ" và được cặp hài hước nổi tiếng của Hòa Lan Johnny Kraaijkamp và Rijk de Gooyer trình bày. Sau đó nó xuất hiện tại Slovenia dưới tên "Sustarski most", nói về một cây cầu cổ tại Liubliana do danh ca Majda Sepe của Slovenia trình diễn.
Nhưng đỉnh cao của nó đến tại Pháp khi nhạc sĩ Pierrer Delanoe làm lời mới cho nó và đổi tên "Waterloo Road" thành "Les Champs-Elysées". Được ca sĩ Joe Dassin trình bày và phát hành vào năm 1969, nó không còn dính dáng gì đến trận đánh mà quân đội Pháp thua một cách tủi nhục, mà chuyển sang con đường nổi tiếng tại Paris, nơi mà hằng năm vẫn có diễn binh biểu dương sức mạnh của quân đội Pháp.
Nhưng điệu và ý lời cũng không đổi. Dassin đóng vai trò một chàng công tử hào hoa khoác vai cô bạn gái đi bộ dọc theo đại lộ Champs-Elysées, một nơi phóng khoáng mà những người không quen biết có thể chỉ trong một đêm trở thành tình nhân và những hộp đêm chơi nhạc nhảy biểu diễn thâu đêm suốt sáng. Một Champs-Elysées lý tưởng của những năm 1960 chứ không phải Champs Elysées hiện nay với các tiệm bán hàng tàng tàng và quán ăn cho du khách.
Bài hát của Dassin nhảy vọt lên hàng đầu trong những bài hát được ưa thích tại Pháp và được các ca sĩ trên khắp các nước Châu Âu sử dụng. Ca sĩ Đan Mạch Daimi hát một bản dịch sang tiếng Đan Mạch. Ban nhạc Raymond Lefevre chuyển nó sang thành một điệu hòa âm "pops". Chính Dassin cũng hát bài này bằng tiếng Nhật, Đức và Ý. Và điều mỉa mai cho ban Jason Crest, Dassin còn trình diễn bài này bằng tiếng Anh.
"Les Champs-Élysées" nay trở thành bài hát phổ thông tại Pháp. Tại giải túc cầu thế giới năm ngoái, các "fan" Pháp sửa lời bài này thành bài ca tụng trung vệ Pháp N’Golo Kanté. Và nay thì nó trở thành bài hát chủ đề của những người phản đối "Gilets Jaunes" mà những biểu tình bạo động trên chính đường Champs-Elysées đã kích động một cuộc khủng hoảng chính trị tại Pháp. Và đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất tại Pháp kể từ các cuộc biểu tình chống de Gaulle của sinh viên năm 1968, năm "Waterloo Road" ra đời.
Cái mỉa mai của việc những người "Gilets Jaunes" hát bài Champs-Elysées là bài này ca ngợi một Paris lịch sự của những giới thượng lưu nhàn hạ chứ không phải là những người lao động như họ. Đáng lẽ họ nên lấy thẳng bài "Waterloo Road" với những mô tả một khu lao động của Anh thì đúng hơn.
Lê Mạnh Hùng
Người Việt, 01/05/2019
Khi liên minh NATO ăn mừng sinh nhật 50 tuổi trong một hội nghị thượng đỉnh tại Washington, Tổng thống Bill Clinton tìm cách trấn an các đồng minh Châu Âu của Mỹ về sự cam kết của Mỹ đối với vùng này. Dẫn lời Tổng thống Theodore Roosevelt, ông Clinton nói chắc chắn là Mỹ sẽ còn "đóng một vai trò lớn trên thế giới. Vấn đề độc nhất là vai trò đó là tốt hay xấu…".
Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập của liên minh quân sự này với một bài phát biểu hiếm hoi trước Quốc Hội Mỹ vào hôm 3 tháng Tư, 2019, khi nói : "NATO là có lợi cho Châu Âu nhưng NATO cũng luôn có lợi cho Hoa Kỳ". (Hình : Mandel Ngan/AFP/Getty Images)
Vào lúc đó, các lãnh tụ Châu Âu còn có thể mỉm cười trước câu này, nhưng vào lúc NATO chuẩn bị cho sinh nhật 70 tuổi tại Washington tuần này, cái mai mỉa trong nhận xét của ông Clinton nay mới thấy thấm thía.
Lễ kỷ niệm sinh nhật của khối liên minh này đã cho thấy một cách hiển hiện những căng thẳng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà đang từ từ xé tan liên minh kể từ khi ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.
Nhưng đối với một số nhà quan sát Châu Âu, những quan điểm của ông tổng thống Mỹ về Châu Âu tuy rằng đi ra ngoài mức độ lịch sự, không phải là một ngoại lệ nhưng chỉ là một phản chiếu của tình trạng mờ nhạt dần trong cam kết của Hoa Kỳ đối với Châu Âu.
Một số tại Châu Âu nay nhìn thái độ của ông Trump đối với quan hệ Mỹ Âu như là một phần của một thay đổi có tính lâu dài trong cách Washington nhìn thế giới. Họ chỉ ra một sự quan tâm càng ngày càng tăng đối với Trung Quốc và cuộc đấu tranh giữa siêu cường và một niềm tin, không phải chỉ riêng của ông Trump, rằng chỉ triển khai quân đội Mỹ một cách dè dặt và Châu Âu phải lãnh lấy thêm trách nhiệm bảo vệ cho mình tuy rằng theo các điều kiện của Washington.
"Quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang thay đổi ; nó bắt đầu trước khi Trump lên làm tổng thống và sẽ còn tiếp tục sau Trump". Đó là nhận xét của bà Sophia Bosch, một nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu Centre for European Reform. Bà nói thêm : "Thái độ nói rằng Hoa Kỳ không được gì từ liên minh là của riêng ông Trump. Nhưng việc chuyển sự quan tâm sang Châu Á và một sự ngần ngại không muốn dính líu về quân sự phản ảnh những kinh nghiệm uốn nắn tư duy của cả một thế hệ các lãnh tụ Mỹ tương lai".
Một dấu hiệu rõ rệt về sự chia cách giữa Washington và các thủ đô Châu Âu kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống là lãnh tụ các nước hội viên sẽ không có mặt tại buổi lễ sinh nhật 70 tuổi của NATO khác với các cuộc lễ sinh nhật 50 và 60 tuổi trước kia. Phải đến tháng Chạp năm nay, lãnh đạo các quốc gia trong NATO mới dự trù họp tại Luân Đôn.
Đối với một số nhà quan sát Châu Âu, những khó khăn hiện nay trong quan hệ với Hoa Kỳ chỉ là một hồi chuông báo thức muộn về những thực thể chiến lược vốn đã xuất hiện từ sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt.
Bà Nathalie Tocci, giám đốc Viện Nghiên Cứu Các Vấn đề Quốc Tế (Institute of International Affairs) của Ý, nhận xét rằng "sự thất bại không nhận thức được sớm hơn" là "cái hubris lớn của chúng ta". Bà nói : "Chúng ta cảm thấy rằng không cần thiết. Nó là lúc lịch sử kết thúc, đối với chúng ta cũng như đối với Hoa Kỳ. Chúng ta không nhận thức bởi vì chúng ta cảm thấy không cần thiết phải nhận thức". Bà Tocci hiện đang làm cố vấn cho Liên Hiệp Châu Âu về chiến lược toàn cầu.
Rất nhiều những chỉ trích của ông Trump về quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải là mới. Các vị tổng thống Hoa Kỳ từ cả hai đảng đều đã đưa ra những chỉ trích tương tự nhất là việc Châu Âu cần phải chi thêm cho việc bảo vệ an ninh cho chính mình.
Năm 2011, ông Robert Gates, bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Obama, đã đưa ra một lời cảnh cáo trong bài diễn văn giã từ tại Brussels đối với những quốc gia "hưởng thụ những quyền lợi của một thành viên NATO nhưng lại không muốn chia sẻ các nguy cơ và chi phí". Nhiều người Âu cũng nhận thức thấy điểm này. Trong số 29 quốc gia thành viên chỉ có sáu quốc gia ngoại trừ Hoa Kỳ là có chi phí quốc phòng đạt chỉ tiêu 2% GDP vào năm 2018. Nhưng chi phí quân sự của Châu Âu cũng bắt đầu gia tăng ngay từ trước khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng, 2017, một phần vì những áp lực của Hoa Kỳ nhưng một phần nữa là vì cú sốc của việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào đất mình.
Nhưng mặt khác Mỹ lại nhìn một cách ngờ vực những cố gắng của Liên Hiệp Châu Âu trong việc thúc đẩy hợp tác quân sự giữa các nước Châu Âu. Thành ra tuy rằng Mỹ kêu gọi Châu Âu chi thêm cho quốc phòng nhưng lại không muốn các quốc gia này có thể phát triển lực lượng quân sự của riêng họ bên ngoài khuôn khổ NATO và trở nên quá độc lập với Hoa Kỳ. Và ông Trump chỉ làm cho một cuộc tranh cãi lâu dài trở thành gay gắt hơn. Năm ngoái ông đã chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về môt đề nghị "nhục mạ" (đối với Mỹ) rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải tổ chức quân đội cho riêng mình.
Nhưng cuối cùng thì số phận NATO tùy thuộc vào một nhận thức là cam kết của Hoa Kỳ có giá trị đến mức nào. Như ông Philip Gordon, một viên chức cao cấp trong chính quyền Obama, nhận xét : "NATO chỉ có giá trị khi mà người ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận chiến tranh để bảo vệ các nước Châu Âu. Nếu ta không còn tin điều đó thì NATO không còn hiện hữu nữa".
Căng thẳng hiện nay có tính lâu dài bởi vì nó có tính cơ cấu. Và về lâu về dài Âu Châu sẽ phải chọn con đường của riêng mình. Trong khía cạnh đó, có lẽ Âu Châu nên cảm ơn những lời lẽ tàn bạo của Tổng thống Trump, vì nó làm Âu Châu cảm thấy không còn trông cậy được vào Hoa Kỳ nữa.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 03/04/2019