Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2019

NATO ở tuổi 70 : Châu Âu sợ căng thẳng với Mỹ

Lê Mạnh Hùng

Khi liên minh NATO ăn mừng sinh nhật 50 tuổi trong một hội nghị thượng đỉnh tại Washington, Tổng thống Bill Clinton tìm cách trấn an các đồng minh Châu Âu của Mỹ về sự cam kết của Mỹ đối với vùng này. Dẫn lời Tổng thống Theodore Roosevelt, ông Clinton nói chắc chắn là Mỹ sẽ còn "đóng một vai trò lớn trên thế giới. Vấn đề độc nhất là vai trò đó là tốt hay xấu…".

AFP_1FC562

Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập của liên minh quân sự này với một bài phát biểu hiếm hoi trước Quốc Hội Mỹ vào hôm 3 tháng Tư, 2019, khi nói : "NATO là có lợi cho Châu Âu nhưng NATO cũng luôn có lợi cho Hoa Kỳ". (Hình : Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Vào lúc đó, các lãnh tụ Châu Âu còn có thể mỉm cười trước câu này, nhưng vào lúc NATO chuẩn bị cho sinh nhật 70 tuổi tại Washington tuần này, cái mai mỉa trong nhận xét của ông Clinton nay mới thấy thấm thía.

Lễ kỷ niệm sinh nhật của khối liên minh này đã cho thấy một cách hiển hiện những căng thẳng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương mà đang từ từ xé tan liên minh kể từ khi ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.

Nhưng đối với một số nhà quan sát Châu Âu, những quan điểm của ông tổng thống Mỹ về Châu Âu tuy rằng đi ra ngoài mức độ lịch sự, không phải là một ngoại lệ nhưng chỉ là một phản chiếu của tình trạng mờ nhạt dần trong cam kết của Hoa Kỳ đối với Châu Âu.

Một số tại Châu Âu nay nhìn thái độ của ông Trump đối với quan hệ Mỹ Âu như là một phần của một thay đổi có tính lâu dài trong cách Washington nhìn thế giới. Họ chỉ ra một sự quan tâm càng ngày càng tăng đối với Trung Quốc và cuộc đấu tranh giữa siêu cường và một niềm tin, không phải chỉ riêng của ông Trump, rằng chỉ triển khai quân đội Mỹ một cách dè dặt và Châu Âu phải lãnh lấy thêm trách nhiệm bảo vệ cho mình tuy rằng theo các điều kiện của Washington.

"Quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang thay đổi ; nó bắt đầu trước khi Trump lên làm tổng thống và sẽ còn tiếp tục sau Trump". Đó là nhận xét của bà Sophia Bosch, một nhà nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu Centre for European Reform. Bà nói thêm : "Thái độ nói rằng Hoa Kỳ không được gì từ liên minh là của riêng ông Trump. Nhưng việc chuyển sự quan tâm sang Châu Á và một sự ngần ngại không muốn dính líu về quân sự phản ảnh những kinh nghiệm uốn nắn tư duy của cả một thế hệ các lãnh tụ Mỹ tương lai".

Một dấu hiệu rõ rệt về sự chia cách giữa Washington và các thủ đô Châu Âu kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống là lãnh tụ các nước hội viên sẽ không có mặt tại buổi lễ sinh nhật 70 tuổi của NATO khác với các cuộc lễ sinh nhật 50 và 60 tuổi trước kia. Phải đến tháng Chạp năm nay, lãnh đạo các quốc gia trong NATO mới dự trù họp tại Luân Đôn.

Đối với một số nhà quan sát Châu Âu, những khó khăn hiện nay trong quan hệ với Hoa Kỳ chỉ là một hồi chuông báo thức muộn về những thực thể chiến lược vốn đã xuất hiện từ sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt.

Bà Nathalie Tocci, giám đốc Viện Nghiên Cứu Các Vấn đề Quốc Tế (Institute of International Affairs) của Ý, nhận xét rằng "sự thất bại không nhận thức được sớm hơn" là "cái hubris lớn của chúng ta". Bà nói : "Chúng ta cảm thấy rằng không cần thiết. Nó là lúc lịch sử kết thúc, đối với chúng ta cũng như đối với Hoa Kỳ. Chúng ta không nhận thức bởi vì chúng ta cảm thấy không cần thiết phải nhận thức". Bà Tocci hiện đang làm cố vấn cho Liên Hiệp Châu Âu về chiến lược toàn cầu.

Rất nhiều những chỉ trích của ông Trump về quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải là mới. Các vị tổng thống Hoa Kỳ từ cả hai đảng đều đã đưa ra những chỉ trích tương tự nhất là việc Châu Âu cần phải chi thêm cho việc bảo vệ an ninh cho chính mình.

Năm 2011, ông Robert Gates, bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Obama, đã đưa ra một lời cảnh cáo trong bài diễn văn giã từ tại Brussels đối với những quốc gia "hưởng thụ những quyền lợi của một thành viên NATO nhưng lại không muốn chia sẻ các nguy cơ và chi phí". Nhiều người Âu cũng nhận thức thấy điểm này. Trong số 29 quốc gia thành viên chỉ có sáu quốc gia ngoại trừ Hoa Kỳ là có chi phí quốc phòng đạt chỉ tiêu 2% GDP vào năm 2018. Nhưng chi phí quân sự của Châu Âu cũng bắt đầu gia tăng ngay từ trước khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc vào tháng Giêng, 2017, một phần vì những áp lực của Hoa Kỳ nhưng một phần nữa là vì cú sốc của việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào đất mình.

Nhưng mặt khác Mỹ lại nhìn một cách ngờ vực những cố gắng của Liên Hiệp Châu Âu trong việc thúc đẩy hợp tác quân sự giữa các nước Châu Âu. Thành ra tuy rằng Mỹ kêu gọi Châu Âu chi thêm cho quốc phòng nhưng lại không muốn các quốc gia này có thể phát triển lực lượng quân sự của riêng họ bên ngoài khuôn khổ NATO và trở nên quá độc lập với Hoa Kỳ. Và ông Trump chỉ làm cho một cuộc tranh cãi lâu dài trở thành gay gắt hơn. Năm ngoái ông đã chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về môt đề nghị "nhục mạ" (đối với Mỹ) rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải tổ chức quân đội cho riêng mình.

Nhưng cuối cùng thì số phận NATO tùy thuộc vào một nhận thức là cam kết của Hoa Kỳ có giá trị đến mức nào. Như ông Philip Gordon, một viên chức cao cấp trong chính quyền Obama, nhận xét : "NATO chỉ có giá trị khi mà người ta tin rằng Hoa Kỳ sẽ chấp nhận chiến tranh để bảo vệ các nước Châu Âu. Nếu ta không còn tin điều đó thì NATO không còn hiện hữu nữa".

Căng thẳng hiện nay có tính lâu dài bởi vì nó có tính cơ cấu. Và về lâu về dài Âu Châu sẽ phải chọn con đường của riêng mình. Trong khía cạnh đó, có lẽ Âu Châu nên cảm ơn những lời lẽ tàn bạo của Tổng thống Trump, vì nó làm Âu Châu cảm thấy không còn trông cậy được vào Hoa Kỳ nữa. 

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : Người Việt, 03/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 645 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)